Ở đời, người ta nhận ơn thì nhiều và cám ơn thì chẳng mấy khi. Khi chọn các Bài đọc Lời Chúa cho các Thánh lễ tạ ơn, mới thấy trong Kinh Thánh rất ít đoạn nói tới việc người đã nhận ơn mà biết tạ ơn Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong số ít ỏi đó, mà nội dung cũng cho thấy tỷ lệ rất thấp (1/10) những người tạ ơn, vì trong số mười người được chữa lành, chỉ có một người trở lại nói lời cám ơn vì đã được khỏi bệnh. Lòng biết ơn hiếm hoi là vậy, ngay cả trong mối tương quan giữa con người với nhau. Người ta dễ quên những điều tốt đẹp người khác làm cho mình. Trong khi đó, những sơ suất, những xúc phạm thì lại nhớ rất lâu và biến thành “thù dai”, đợi cơ hội trả thù.
Naaman là một tướng lĩnh người Syria, tức là người “ngoại đạo” theo cái nhìn của người Do Thái. Câu chuyện ông được chữa lành cũng nhiều rắc rối gian truân. Ông đã qua bao nhiêu thày mà chẳng khỏi bệnh cùi. Trong khi đó, tương lai và sự nghiệp của ông có nguy cơ bị tiêu tan do chứng bệnh nan y này. Hành trình đến gặp ngôn sứ Elisê, người của Thiên Chúa, cũng gian truân không kém. Vị ngôn sứ xem ra không mặn mà, trong khi “bệnh nhân” nghĩ mình phải được ưu tiên trọng vọng và chăm sóc đặc biệt. Người của Thiên Chúa chỉ có một lời chỉ dẫn duy nhất: ra tắm bảy lần nước sông Giođan. Sau nhiều phản ứng dữ dội, vị tướng người Syria đã chấp nhận lời khuyên này và ông đã đạt được kết quả như lòng mong muốn. Da thịt ông trở nên như da thịt của đứa trẻ. Ông trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Dưới ngòi bút của tác giả sách Các Vua, không chỉ cá nhân ông Naaman nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, nhưng còn cả dân ngoại. Vị tướng người Syria đại diện cho các dân ngoại tuyên xưng: “Thật, tôi không biết có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israen”. Naaman đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa, là Đấng đã chữa lành ông. Nếu vị Ngôn sứ ra đón tiếp ông nồng hậu và dùng phương pháp trần gian để chữa ông lành bệnh cùi, chưa chắc ông đã nhận ra quyền năng của Chúa, mà sự thán phục chỉ dừng lại nơi một con người là vị Ngôn sứ mà thôi. Việc Naaman xin đất chở về quê, cho thấy niềm tin tuyệt đối của Ông vào Thiên Chúa, để rồi từ nay, ông sẽ chỉ tôn thờ một mình Ngài.
Niềm tin vào Thiên Chúa được củng cố khi người tin nhận ra những điều kỳ diệu Ngài đã làm. Phaolô là một chứng nhân về điều này, qua việc ông bị giam tù. Mặc dù thân xác ông bị xiềng xích, nhưng Lời Chúa không bao giờ bị xiềng xích. Ông khẳng định điều ấy, vì thấy Chúa vẫn thực hiện những điều kỳ diệu qua lời rao giảng của Ông. Lời Chúa vẫn tiếp tục sinh hoa kết trái, ngay trong chính cảnh tù đày. Vì vậy, Phaolô khuyên nhủ người môn sinh của mình là Timôthê hãy noi gương ông mà kiên trì, đồng thời nhận ra: giữa những đau khổ thân xác, tâm hồn vẫn chan chứa niềm vui và hy vọng. Như Đức Giêsu đã chịu khổ hình và đã sống lại vinh quang, nếu ai chịu khổ hình với Người thì cũng sẽ được vinh quang với Người.
Cũng như Naaman là một người ngoại, người cùi được chữa lành trong Tin Mừng cũng là người Samari. Người Do Thái thường nhìn người Samari một cách khinh bỉ và coi thường. Ấy vậy mà anh lại nhận ra quyền năng của Đấng vừa chữa mình khỏi bệnh, để rồi trở lại sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người. Cử chỉ sấp mình nói lên sự thờ phượng kính tôn. Khi diễn tả chi tiết này, tác giả Luca muốn nói với chúng ta: người được chữa lành tuy là người ngoại, mà anh lại tôn thờ Đức Giêsu và tôn xưng Người là Đấng Tối cao. Sự tôn thờ cũng được thể hiện trong lời van xin của mười người cùi: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Đó cũng chính là lời van xin của chúng ta khi sám hối khởi đầu phụng vụ Thánh Thể. Thánh sử Luca cũng nói với chúng ta: đừng nhìn người khác với cái nhìn thành kiến, nhưng hãy thấy cái tâm và lòng tốt của họ.
Mỗi phút giây trong cuộc đời, chúng ta đều đón nhận những ơn lành Chúa ban. Người vô tín không nhận ra điều đó và họ cho là ngẫu nhiên. William Arthur Ward đã viết: "Ngày hôm nay Chúa đã cho bạn món quà là 86,400 giây. Bạn đã dùng giây nào để nói 'cảm ơn' chưa?". Nhân vật người cùi trong Tin Mừng, như một lời nhắc nhở chúng ta hãy nhận ra ơn của Chúa để cảm tạ Ngài. Tạ ơn và tôn vinh Chúa còn giúp chúng ta đón nhận thêm những ơn khác Chúa ban.
Cám ơn Chúa, chúng ta cũng biết nói lời cám ơn đối với nhau. Bởi lẽ con người sống trên trần gian không phải là những ốc đảo riêng biệt, nhưng liên đới và phụ thuộc vào nhau. Ý thức điều đó sẽ giúp chúng ta sống hài hoà với tha nhân, tôn trọng những khác biệt để xây dựng cuộc sống nhân ái hoà bình.
"Trái tim không biết ơn sẽ không tìm được sự hạnh phúc. Khi có lòng biết ơn, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc từng giờ" ( Henry Ward Beecher).
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên