Lược sử cộng đoàn TV Mẫu Tâm
Thứ tư - 14/09/2022 05:00
406
LƯỢC SỬ CỘNG ĐOÀN TRINH VƯƠNG MẪU TÂM
1. Lịch sử hình thành
Sau 3 năm định cư ở Bùi Môn, năm 1959, Cha Sáng Lập Bernardo Maria muốn mở thêm khu đất nơi khác để làm nhà cho chị em dòng Trinh Vương, để phát triển cộng đoàn, và phát triển kinh tế. Theo lời Cha kể lại: “Nghĩ vậy nhưng Cha chưa biết làm thế nào, thì một hôm Cha ghé thăm Cha Bề Trên (cha Trần Đình Thủ) Cha đang ở bệnh viện Saint Paul. Cha kể cho ngài ý muốn đó. Ngài nghe xong Cha nói: “để Anh dẫn đi xem đất”.
Thế là Ngài đưa Cha về Thủ Đức, dẫn cha đến khu đất toàn là cây sắn mì và cho Cha một khu đất rộng (hơn 1 hecta). Ngài còn cho Thầy Soạn (anh của ông chánh Năm) và một số thầy nữa đến dựng nhà. Khung nhà là khung của ngôi thánh đường cũ bằng gỗ của giáo xứ Tha La – Củ Chi, do Cha già cố Đa Minh Đoàn Trung Trực xin cho. Đây là dãy nhà đầu tiên làm trường nội trú cho học sinh.
Năm 1960, cộng đoàn Mẫu Tâm thành hình.
2. Phát triển
Niên khoá 1970 – 1971, trường Mẫu Tâm có thêm dãy nhà lầu đúc 2 tầng và mở thêm các lớp trung học, nhằm chuẩn bị cho các nữ sinh lớn vào đời. Trường còn mở các lớp nữ công gia chánh và dưỡng nhi.
Niên khoá 1971 – 1972, trường bắt đầu dạy sinh ngữ cho các học sinh cấp tiểu học. Số học sinh nội trú và bán trú lên tới 700 em, chưa kể học sinh ngoại trú. Trường rất được tín nhiệm vì phòng ốc khang trang, mát mẻ, yên tĩnh; kỷ luật nghiêm minh, và học lực của học sinh cứng cát. Có những phụ huynh từ Bình Định, Tuyên Đức, và miền Lục Tỉnh đưa con đến xin gởi nội trú.
Sau biến cố giải phóng 1975, nhà nước tiếp thu 2/3 dãy lầu đúc và các lớp học cũ thuộc dãy trệt để mở trường trung tiểu học Thái văn Lung. Chị em thu gọn những sinh hoạt vào khu bên trong.
Năm 1993, dãy nhà nội trú đầu tiên đã bị tháo gỡ sau năm 1975, nay được tu sửa để nuôi trẻ.
Năm 1996, toàn bộ sân trường được đổ đá sỏi.
Năm 1997, khu sinh hoạt và dãy nhà bếp được xây lại.
3. Mẫu Tâm hôm qua và hôm nay
Mẫu Tâm Thủ Đức đã từng là cái nôi đào luyện nhiều lớp đệ tử trong những năm đầu đầy khó khăn khi lịch sử đất nước sang trang.
Mẫu Tâm Thủ Đức đã một thời mang danh “Tổng đài miền Nam”, và chị phụ trách cộng đoàn được gọi cái tên thật dễ thương: “Mẹ miền”. Chị được các Bề Trên thượng cấp uỷ quyền để giải quyết một số vấn đề khẩn thiết cho các chị em thuộc các cộng đoàn miền Nam, vì việc di chuyển và thông tin lúc đó gặp nhiều khó khăn.
Mẫu Tâm Thủ Đức đã từng quy tụ chị em miền Nam về tĩnh tâm hằng năm.
Mẫu Tâm Thủ Đức trong nhiều năm đã là “trụ sở” riêng mỗi khi Cha Sáng Lập, chị Tổng và phái đoàn “đặc nhiệm” xuôi về miền Nam.
Mẫu Tâm Thủ Đức đã từng là trung tâm đào luyện và phát triển hội “Các bà thiện chí”.
Mẫu Tâm Thủ Đức đã từng là cộng đoàn dẫn đầu với nhiều ao cá mát mắt, cung cấp cho nhà mẹ nhiều bữa cá ngon.
Mẫu Tâm Thủ Đức hôm nay thật đáng yêu với nhiều dãy nhà thoáng mát, sạch đẹp, dành để nuôi các bà cô thân cô thế.
4. Kinh tế
Mẫu Tâm Thủ Đức sau năm 1975 đã là nơi chị em thực tập và trải qua nhiều ngành nghề để sinh sống như:
- Dạy tiểu học và mẫu giáo cho nhà nước từ năm 1975-1978.
- Mở nhóm nhà trẻ.
- Nuôi nội trú
- Nuôi bán cá ao, heo.
- Cấy bán rau muống và một số rau trái khác.
- Làm thảm cói
- Đan lợp nón mây tre lá
- Làm sợi, xe sợi, đan võng
- Đan lưới cá
- Dệt tua cờ
- Cấy nấm sợi, nấm mèo
- Nguồn kinh tế chính của cộng đoàn là dạy học trường Mẫu Tâm.
Những năm 1972 -1975 cộng đoàn đón tiếp khoảng 6000 người tị nạn ở nhiều tỉnh thành, lo cho họ có chỗ ăn, chỗ ở trong những năm tháng chiến tranh nổ ra tại miền Nam này.
Chuyển hướng mục vụ
Giai đoạn 1993-1995
Sau khi gia đình của một người chị em trong Dòng muốn nhường quyền quản lý ngôi nhà số 24/2 Phú Châu, Tam Phú cho Dòng Trinh Vương muốn làm gì tùy ý để sang Đức một thời gian thăm các con và họ hàng. Ngày 31.01.1993 Cha Sáng lập Dòng- Đaminh Bernardo Maria Bùi Khải Hoàn - đã cho phép soeur Anna Nguyễn Thị Quang khởi sự công việc thành lập nhà dưỡng lão tại tư gia của ông bà cố, với mục đích giúp các cụ bà neo đơn có chỗ trú ngụ trong những tháng ngày cuối đời, giúp các cụ có điều kiện sống xứng đáng là người và là con Thiên Chúa.
Ngày 11.02.1993, ngày Quốc tế Bệnh nhân, Viện Dưỡng Lão chính thức được thành lập với tên gọi “Nhà Dưỡng lão Lộ Đức” với năm cụ bà là những thành viên đầu tiên. Các chị em Dòng Trinh Vương trực tiếp điều hành nhà này với kinh phí của chính mình.
Sơ Anna Maria Nguyễn Thị Quang soạn thảo một bản quy luật và một chương trình nhằm bảo đảm cuộc sống bình an cho quý cụ.
Qui luật gồm 15 điều, được hướng dẫn bởi câu Lời Chúa: “Những gì các con đã làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là các con đã làm cho chính Ta.” (Mt 25, 40). Qui luật viết về các vấn đề: Nguồn gốc, mục đích, việc huấn luyện, tiếp nhận, chương trình giải trí, đời sống tinh thần, sứ mệnh tông đồ, vấn đề kinh tế, đời sống chung, công tác, chăm sóc sức khỏe, cơn bệnh cuối cùng, hỏa táng và cầu nguyện cho người quá cố.
Chương trình của các cụ giống chương trình của một tu viện của các nữ tu công giáo.
- CƠ SỞ MỚI TẠI CỘNG ĐOÀN MẪU TÂM (Giai đoạn 1994-2018)
Tháng 11.1994 ông bà cố Lễ rời nước Đức trở về Việt Nam. Dòng Trinh Vương trả lại ngôi nhà cho ông bà để làm nơi sinh sống.
Các Bề trên của Dòng vì thương cảm cho tuổi già của các cụ, nên đã quyết định tiếp tục cưu mang và chăm sóc các cụ. Nhà Dòng đã cho xây khu nhà dưỡng lão tại khu vườn dừa của cộng đoàn Mẫu Tâm. Công việc được khởi sự vào ngày 01.3.1994. Sau sáu tháng thi công, ngày 14.9.1994 cơ sở mới của Nhà Dưỡng lão được khánh thành. Khu nhà mới gồm 4 dãy nhà, 11 phòng: phòng ăn, nhà kho, nhà bếp, khu vệ sinh và phòng tắm, khu dành cho bệnh xá, phòng an nghỉ cho các cụ bà đã qua đời.
Mỗi ngày con số các cụ bà xin vào Nhà Dưỡng lão càng đông, năm 1996 Nhà Dòng xây thêm một số phòng để các cụ có thể ở rộng rãi hơn. Do nhu cầu của tuổi già, có nhiều cụ cần được chăm sóc đặc biệt, nên Nhà Dòng cho xây thêm khu nhà liệt. Ngày 8.12.1998 công việc xây cất đã hoàn thành, và viện cũng gắn thêm hệ thống âm thanh để tiện cho các bà học hội dâng lễ và cầu nguyện chung với cộng đoàn.
Năm 2000 xây thêm phòng tiếp khách, nối dài phòng bệnh, xây thêm hệ thống nhà vệ sinh và sân phơi.
Năm 2001 Nhà Dòng xây thêm một khu nhà mới gồm 12 phòng, mỗi phòng 4 người.
Năm 2005, trong một lần vào thăm Nhà Dưỡng lão, các cán bộ huyện Thủ Đức thấy các soeurs tổ chức tốt, chăm sóc tốt cho các bà và họ nhận thấy ở đây đầy tình người, nên các họ gợi ý cho các soeurs làm đơn xin thành lập Mái Ấm. Các cán bộ huyện Thủ Đức đề nghị đặt tên mới cho Nhà Dưỡng lão là: “Mái Ấm Thiên Ân”. Ngày 14.02.2005 theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Thủ Đức, số 217/QĐ- UB- XHVH, nhà Dưỡng lão được phép thành lập như một cơ sở bảo trợ xã hội dưới tên gọi: “Mái Ấm Thiên Ân” thuộc quyền quản lý của Dòng Trinh Vương- Mẫu Tâm, cơ sở đặt tại số 93/6 khu phố 5, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 5 năm hoạt động dưới tên gọi Mái Ấm Thiên Ân, ngày 28.10. 2011 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép thành lập: “TRUNG TÂM BẢO TRỢ NGƯỜI GIÀ THIÊN ÂN” thay cho tên gọi cũ theo quyết định số 5174/QĐ-UBND. Quyết định này đã làm cho Trung tâm Bảo trợ người già Thiên Ân có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của nhà nước. Trung tâm tiếp tục nhiệm vụ đã từng làm từ trước đến nay là tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho các cụ bà neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, không người thân nuôi dưỡng.