Trinh Vương Bông Huệ - Lược sử và sứ vụ

Thứ ba - 04/10/2022 10:26  464
 
dsc 1444
 
TRINH VƯƠNG BÔNG HUỆ
LƯỢC SỬ VÀ SỨ VỤ

Tóm lược lịch sử cộng đoàn Bông Huệ của chị Maria Miện, CMR


 I-NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH
 Ngày 09.02.2000, chị Anna Hân trong dịp trình bày với Cha Bênađô Maria về việc đi truyền giáo chị đang thực hiện cho anh em lương dân sống ở các khu vực gần nhà Dòng, Chị Hân cũng kể cho Cha nghe: dự định của Cha Xứ Bùi Môn sẽ mua 1 miếng đất thuộc ấp 3, xã Xuân Thới Sơn.
  • Cha Bênađô: “Vậy ta cũng đi mua một miếng đất bên cạnh nhà ta, để đưa lớp học tình thương ra ngoài đó”.
Lúc này nhà Dòng hiện đang tổ chức một lớp học tình thương, do Chị Sử dạy tại phòng giáo lý Dự Tòng cạnh khu nhà Cha ở. Nghe Cha ngỏ ý muốn, Chị Hân liền giới thiệu:
  • Chị Hân: “Có một miếng đất, diện tích trên 1.700m2, của một bà già đau bệnh, được rửa tội tại tư gia, bà nhờ con coi có ai mua chỉ dùm cho Bà, đất này chỉ cách đường nhựa chừng 300m”.
  • Cha Bênađô: “vậy ta hỏi xem rồi mua đi, dạy học đã vậy mà còn làm nhà hưu dưỡng, để đưa các bà già nghèo về nuôi”.
 Sau 2 tuần đi thăm dò tìm kiếm nhiều miếng đất xung quanh, ngày 24.03.2000 Cha Bênađô và các chị Thủ lãnh quyết định mua miếng đất của bà già nói trên, Bà Phạm Thị Xặng, ở Xuân Thới Đông (đất Bông Huệ hiện nay). Lô đất thuộc số 21 với diện tích 1.730m2 nằm trên địa bàn ấp Xuân Thới Đông, Xã Tân Xuân, Hóc Môn thuộc về Dòng Trinh Vương. Vì muốn có miếng đất lớn hơn, rộng hơn và thêm một con đường đi vào miếng đất này, nhà Dòng lại mua thêm của 3 chủ đất nữa: Ông Hai Ngọc, bà Ba, Chú Bình. Như thế tổng diện tích cộng đoàn Bông Huệ là 2.970m2. Trong khu đất mới mua chỉ có một căn nhà lá dài chừng 6m, rộng 3m, là nơi cư ngụ của một gia đình nghèo, nay vì hoàn cảnh họ muốn bán, để đi lập nghiệp nơi khác.
Sau đó, Chị Tổng phụ Trách Maria Nguyễn thị Thức gởi thư xin phép Đức Hng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, xin mở cơ sở bác ái truyền giáo (27.3.2000).

II-TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
 

Cha Bênađô Maria đặt tên cho cơ sở mới này là BÔNG HUỆ, có ý dâng kính đức thanh khiết của Cha Thánh Giuse Quản Gia. Trong 2 năm đầu khi cơ sở vật chất còn thô sơ, chỉ có chị Sử và chị Toán mỗi ngày từ Nhà Mẹ ra cơ sở với mục đích trông nom nhà cửa đất đai.
Ngày 27/5/2003, chị Tổng phụ trách Maria Nguyễn Thị Thức tuyên bố Thành lập Cộng đoàn Bông Huệ: chị Maria Trần Thị Miện Phụ trách Cộng đoàn, với 10 chị em phục vụ. Cha Bênađô Maria hết sức quan tâm đến những công việc tông đồ của chị em thực hiện cho người nghèo tại đây. Mỗi dịp lễ, tết Cha đều gửi quà để tặng cho người nghèo với mong muốn họ được hạnh phúc, ai càng nghèo cha càng thương hơn.
Ngày 11/11/2008, nhà Nguyện cộng đoàn được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn ban phép đặt Thánh Thể, và Thánh lễ đầu tiên được cha Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng - cha xứ Bùi Môn cử hành với 20 chị em tham dự.

III -THI HÀNH SỨ VỤ
1.Thăm viếng

Ngay từ những ngày đầu tiên ra trông coi đất, chị Sử và chị Toán đã lui tới thăm viếng những ông bà già neo đơn, bệnh tật. Thành quả của hoạt động thăm viếng là một số người đã trở lại làm con Chúa qua Bí tích rửa tội: Ngày 02/4/2002 chị Toán rửa tội cho ông Nguyễn Văn Ẩn 60 tuổi là cựu chiến binh và gia đình cách mạng, ông qua đời 2 ngày sau đó. Ngày 18/10/2005 chị Toán rửa tội cho ông Thi 71 tuổi, 2 ngày sau ông được Chúa gọi về. Ngày 05/01/2006 chị Toán rửa tội cho chú Hùng nghiện xì ke. Ngày 19/5/2006 cô Xuân Mai được cha Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng rửa tội tại nhà nguyện Cộng đoàn, sau một tuần cô qua đời...
Từ năm 2006 đến 2011, mỗi sáng Chúa nhật thứ Hai trong tháng, tất cả chị em trong cộng đoàn “cứ hai người một” đi thăm viếng những gia đình nghèo, những gia đình ở nơi hẻo lánh, đặc biệt gia đình các em học sinh theo học trong trường tình thương Bông Huệ. Riêng chị Sử, chị Toán được dành riêng để đi thăm viếng khi có thể hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. Phương tiện đi thăm viếng của chị em còn thô sơ: xe đạp. khó khăn nhưng bước đầu gặt hái những thành quả đáng trân quí: nhiều người bỏ đạo lâu năm trở về với Chúa và cho con cái được đi học chữ, học giáo lý, đặc biệt một số ông bà già được rửa tội trước khi qua đời như ngày 23/01/2010 ông Võ Văn Mánh 81 tuổi được rửa tội...

Từ năm 2012 hoạt động thăm viếng vẫn được Cộng đoàn thực hiện với việc giúp đỡ và phát quà cho nhiều gia đình nghèo trong các dịp lễ, tết cùng với các hoạt động truyền giáo khác của Cộng đoàn. Trong đó, có 20 gia đình được hỗ trợ kinh tế với những phần quà định kì mỗi tháng.

2. Trạm xá Bông Huệ
Dân địa phương ở đây phần đông nghèo đói thiếu ăn uống, suy dinh dưỡng và bệnh tật. Vì vậy, năm 2002 cha Bênađô và Hội đồng dòng quyết định xây một trạm xá Bông Huệ để chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho giới nghèo. Mỗi ngày trạm xá mở cửa phục vụ các bệnh nhân nghèo với những phương pháp đơn sơ như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, tập vật lý trị liệu. Các bệnh nhân nghèo đến từ các nơi mỗi ngày từ 20 - 30 người, có khi lên đến 60 - 70 người. Các chị Toán, chị Trị và chị Nghị làm việc liên tục suốt ngày. Trong khi được chữa bệnh, bệnh nhân dễ thiện cảm với “cô sơ" nên họ tâm sự về bản thân và gia đình, chị em cũng khéo léo khuyên nhủ họ theo tinh thần Phúc âm. Ngoài việc chữa bệnh và phát thuốc tại trạm xá, chị em cũng đi chữa bệnh tại gia đối với những trường hợp liệt nặng.Tiếng lành đồn xa”, các bệnh nhân từ các nơi như Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn, ấp Đình, Trung Chánh, Bạch Đằng, đến chữa bệnh, có những bệnh nhân ở mãi Miền Tây thỉnh thoảng cũng đến để được điều trị.
 

Trạm xá được sự hỗ trợ kinh phí của cha Phạm Ngọc Tuấn ở Hoa Kỳ. Ngày 06/4/2006 trạm xá mở phòng chữa răng có nha sĩ Hùng và trợ lý đến làm việc, ngày đầu tiên có 30 bệnh nhân đến khám và nhổ răng. Từ năm 2014 - 2018 có bác sĩ Thái, bác sĩ Hà và bác sĩ Tú thay đổi nhau đến khám bệnh cho các bệnh nhân nghèo vào Chúa nhật thứ Hai và thứ Tư trong tháng. Chị em phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân theo toa của bác sĩ.

 3. Giáo dục

Trường tình thương

Xã Xuân Thới Đông thuộc về vùng ngoại ô của thành phố Hồ Chí Minh nhưng cho đến năm 2000, dân chúng vẫn rất nghèo về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần, nhất là về kiến thức. Dân không theo đạo nào khác ngoài đạo thờ ông bà. Cha Bênađô và các Bề trên Dòng mong muốn nâng cao trình độ văn hóa cho dân chúng bằng việc thành lập một trường tình thương dạy trẻ mầm non nằm trong khuôn viên của cơ sở Bông Huệ. Cũng qua đó, chị em có dịp tiếp xúc với phụ huynh để nói về Chúa cho họ.

 Thời gian đầu (tháng 8/2000) chị Sử được cử ra cơ sở Bông Huệ giúp canh coi nhà. Ở một mình cả ngày lẩn thẩn với chim chóc, cỏ cây…cũng buồn, nên chị rủ các em bé đến chơi, thấy vui các bé rủ nhau đến chơi mỗi ngày mỗi đông. Chị dạy các bé ca hát và dần dần dạy chữ cho các bé, vì không bàn không ghế nên các bé ngồi dưới nền đất học, có bé gọi là “trường không bàn không ghế”. Các bé chăm học và mỗi ngày một đông hơn. Các Bề Trên đã cho chở ra cơ sở Bông Huệ nhiều bàn ghế đẹp của trường Rạng Đông Bùi Môn. Dân địa phương ở đây truyền miệng nhau là cô dạy trẻ miễn phí, nên các gia đình có con, tới tấp đưa con đến xin học. Vì các em có nhiều độ tuổi khác nhau, thấy một mình dì Sử không kham nổi, Bề Trên đã cho thêm một dì ra phụ giúp. Thời gian đầu, ngoài các bé độ tuổi mầm non, còn có các anh chị lớn nhưng chưa biết chữ cũng đến học… Sau đó, có nhiều người lớn đến xin học văn hóa.
Để có điều kiện giúp dân chúng nâng cao văn hóa, Ngày 21/6/2000 các Bề trên cho khởi công xây dựng dãy nhà với diện tích 8m x 36m, gồm 5 lớp học và hai đầu hồi làm khu vệ sinh tắm giặt. Cơ sở trường tình thương đã hoàn thành vào ngày 30/6/2001, Cha Benado đặt tên là Trường Bông Huệ.

Ngày 28/11/2001 cha Phanxico Savie Đinh Quang Tịnh làm phép Trường tình thương Bông Huệ có sự hiện diện của cha Bênađô, chị tổng phụ trách Maria Thức và một số đông chị em từ Bùi Môn đến. Năm học đầu tiên 2000 - 2001 có một lớp mầm non buổi sáng khoảng 25 em do chị Cảnh và chị Sử phụ trách, và buổi chiều một lớp phổ cập từ 6 đến 11 tuổi do chị Đông phụ trách. Tổng số học sinh là 60 em. Ngày 24/12/2001, cuộc chơi Noel lần đầu tiên được tổ chức cho các em nghèo học tại trường, cả những em không học cũng được tham dự cuộc vui.

ngày 15/07/2003 Ủy Ban Nhân Dân Xã Tân Xuân đã cho giấy tờ chính thức để thầy cô yên tâm sinh hoạt theo qui củ như 1 trường mầm non, nhưng không được gọi là trường như các trường mầm non khác nhưng gọi là “Cơ Sở Mầm Non Tư Thục Bông Huệ”. Thường mỗi năm trường mở dạy hai lớp: dạy lớp lá và lớp chồi.
 

Nhà may tình thương
Ngày 04/3/2011 cộng đoàn Bông Huệ cũng thành lập nhà may tình thương với mục đích đào tạo nghề nghiệp cho một số thiếu nữ nghèo may đồ lót xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhà may tình thương chỉ hoạt động được trong một thời gian ngắn và “Cơ Sở Mầm Non Tư Thục Bông Huệ” cũng đóng cửa và chuyển sang công tác nuôi dạy trẻ mồ côi.

4 - Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi


Việt Nam là một trong những nước có tệ nạn phá thai lớn nhất thế giới. Nhận ra tình trạng thảm hại này, năm 2007 chị Tổng phụ trách Maria Thức và Hội đồng dòng quyết định lập một nhà nuôi dạy trẻ nhà mồ côi tại Cộng đoàn Bông Huệ để cứu mạng các em bé bị bỏ rơi, cho bé được làm người, làm con Chúa.

Ngày 21/01/2011 Bông Huệ đón bé trai đầu tiên được 7 ngày tuổi. Mỗi bé sơ sinh đến với mái ấm Bông Huệ trong mỗi hoàn cảnh bị bỏ rơi khác nhau nhưng đều rất thương tâm: có bé bị mẹ bỏ lại trong bệnh viện, có bé bỏ ngoài công viên, có bé bị chính mẹ mình đem đến cho trung tâm khi bé được vài ngày tuổi…

 

Để sau này lớn khôn, các em dù ở đâu cũng có thể tìm về cội nguồn của mình để biết ơn Thiên Chúa và những vị ân nhân đã chăm sóc dưỡng dục mình, việc đặt tên cho các bé được chị phụ trách Maria Miện và chị Maria Ninh là hai chị đại diện cho nhà dòng khai mở việc nuôi dạy trẻ mồ côi đề xuất như sau: Nếu là bé gái sẽ lấy chữ Trinh làm tên đệm và nếu là bé trai sẽ lấy chữ Vương làm tên đệm. Ví dụ tên bé gái là Cao Nguyễn Trinh Mai, Cao Nguyễn Trinh Thư; và tên bé trai là Trần Vương Khải, Trần Vương Bảo Khiêm. Đây là tên chính thức nằm trong giấy khai sinh của bé. Còn họ của bé do chị phụ trách chỉ định lấy họ của chị nào đó trong cộng đoàn cũng được. Tên gọi của bé thì do cộng đoàn hội ý đặt.
Ngày 11/09/2012 khởi công xây dựng Mái ấm Bông Huệ, với một trệt 2 lầu, có thể nuôi khoảng 100 em mồ côi, khánh thành ngày 28/12/2013.
Từ năm 2011 đến năm 2020, Trung tâm Bảo trợ xã hội Bông Huệ đã đón và nuôi dạy được 21 bé. Trong đó, trung tâm cho con nuôi nước ngoài 01 bé; con nuôi trong nước 06 bé và 01 bé được hồi gia. Nay các bé đã khôn lớn và năm 2020 có 08 bé đã vào cấp I. Nhờ có quyết định này, Trung tâm Bảo trợ xã hội Bông Huệ thực hiện được ước nguyện cho các bé được sống trong một gia đình có cha có mẹ, để được phát triển bình thường về mọi mặt. Những gia đình xin con nuôi tại trung tâm, được trung tâm tìm hiểu, họ phải những gia đình công giáo sống đạo tốt và tương đối có điều kiện kinh tế. Sau khi đã nhận bé về nuôi, họ có nhiệm vụ liên lạc định kì với trung tâm theo quy định của chính phủ về việc nhận con nuôi.
 
Truyền thông Trinh Vương

Tổng số điểm của bài viết là: 26 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang 9 1

Chúc mừng & cầu nguyện

- Ngày 1.10. Lễ Kính Thánh Têrêsa HĐG
 * Mừng Bổn mạng:
  - Chị Tổng Phụ Trách 
  - Cộng đoàn Giu Đức
  - Trường Đệ Tử
  - Lớp Têrêsa và các chị có Bổn mạng.
* Kỷ niệm Thánh tẩy chị Thư25

- Ngày 2.10. Kính Thiên thần Bản mệnh
* Kỷ niệm Thánh tẩy các chị :
  Maria Trưởng, Maria Thiệp, Maria Hồng Ngọc27
- Ngày 3.10. 
* Kỷ niệm Thánh tẩy các chị: 
  Têrêsa Maria Giang, Maria Phượng (Sp) 
- Ngày 4.10
* Kỷ niệm Thánh tẩy các chị
  Maria Nhất, MariaTúc, Maria Vân (Sp)

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
c trinh
Tang lễ chị Maria Nguyễn Thị Trinh

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,722
  • Tháng hiện tại8,635
  • Tổng lượt truy cập5,891,324

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây