Cùng trên con đường Tôn Thất Tùng, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cách nhau chưa tới trăm mét, đan xen với các cửa tiệm và nhà dân, là 2 ngôi nhà lầu, nơi cư ngụ của chị em cộng đoàn Trinh Vương Mân Côi.
1. Nhà 20 Tôn Thất Tùng Nhà số 20 Tôn Thất Tùng nằm đối diện với Nhà thờ giáo xứ Chợ Đũi hay còn gọi là Nhà Thờ Huyện Sĩ, Hạt Sài gòn- Chợ Quán, Tổng giáo phận Sài Gòn. Đây là hiệu sách Đaminh, năm 1981, chủ nhân sang định cư bên Úc, nên đã bán lại cho Nhà Dòng. Chị Maria Tâm Ánh là người đầu tiên được các Bề trên giao trách nhiệm tiếp tục công việc bán sách và ảnh tượng Công Giáo. Hiệu sách Đaminh bây giờ đã có tên gọi mới là Cửa hàng Rosa.
Từ ngày có nhà 20, chị em công nhân nhà in Nguyễn Bá Tòng (Liksin) cũng chia nhau về đây sinh hoạt. Nhà in Nguyễn Bá Tòng là của giáo phận Bùi Chu, giao cho Dòng Trinh Vương phụ trách. Khoảng 10 chị em đã phục vụ và sinh hoạt tất cả tại nhà in từ năm 1970. Sau những đổi thay chế độ, năm 1978, nhà nước tiếp thu đổi thành Nhà in Tổng Hợp. Chị em trở thành công nhân, ban ngày phục vụ tại nhà in, tối về sinh hoạt tại nhà 362 Nguyễn Đình Chiểu. Cũng vì nhà 20 là cửa tiệm, nên việc ra vào ít bị “dòm ngó”, thuận tiện cho chị em Trinh Vương các nơi về tạm trú để đi học hoặc đi chữa bệnh trong thời gian đất nước còn khép kín. Hằng ngày chị em tham dự thánh lễ và các việc đạo đức tại nhà nguyện của cộng đoàn. Cha Giuse Ngô Minh Thắng và cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn thay nhau dâng lễ cho cộng đoàn trong nhiều năm. Khoảng 10 năm gần đây, các chị xin được nhiều cha giáo đến dâng lễ trong tuần như Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang, cha Giuse Đỗ Xuân Vinh, cha Quốc OP vv… Từ khi có nhà mới, mỗi dịp Cha Đồng Sáng Lập và chị Tổng phụ trách Maria Nguyễn Thị Thức từ Phú Hiêp về miền Nam, nhà 20 cũng từng là nơi đón tiếp cả trăm chị em đến gặp gỡ và ăn bữa cơm trưa gia đình. Không đủ bàn ghế, chị em ngồi trên các bậc cầu thang, vui vẻ và ấm cúng tình cha con. Vào đầu thập niên 90, số chị em về Sài Gòn học tăng dần, cộng đoàn lại có thêm ban in lụa rất “đắt hàng”, cũng vì cần có chỗ nấu ăn cho xấp xỉ 30 chị em trong cộng đoàn, nên ngày 14.2.1992, các Bề trên mua thêm căn nhà số 150/18 Nguyễn Trãi, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong hẻm gần nhà 20. Nhà có 1 gác lửng. Chị Maria Đán nhận trách vụ làm đầu bếp. Cũng có 4 chị đầu tiên được cử về Sài Gòn học Y tá: chị Di, chị Thi, chị Luận, chị Nhi16 và 5 chị đầu tiên học Sư Phạm Mầm Non: chị Nghiệp, chị Vọng, chị Diễn, chị Diệu, chị Chiêu tạm trú tại nhà này. Sau hơn 2 năm, nhận thấy nhà 150 chật chội, nhiều bất tiện, nên năm 1995, các Bề trên đã xin phép Đức Cha Giám Quản Nicola Huỳnh Văn Nghi bán nhà này để mua căn nhà số 52 Tôn Thất Tùng. 2. Nhà 52 Tôn Thất Tùng Nhà số 52, đối diện với nhà in Nguyễn Bá Tòng và dãy Nhà Chung của giáo phận Bùi Chu, nay là Bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Sài gòn và nhà hàng Adora của tập đoàn Group Đông Phương. Vì là nhà quận I, ở trung tâm thành phố Sài gòn, nên Chị Maria Nguyễn Thị Châu là người hội đủ điều kiện pháp lý đại diện Hội Dòng mua lại.
Ngày 03/6/1995 Cha Bênađô đã đến làm phép nhà. Ngày 01/9/1995, Cha cũng hiện diện để làm phép tượng Thánh Giuse và cử hành nghi thức đặt Thánh Thể tại nhà nguyện của cộng đoàn. Cha từng khích lệ chị em: “Để các con lan tỏa tình yêu Chúa hơn, các Bề Trên phải mua cái nhà cao hơn.” Hoặc “Chúng ta có phúc hơn các nhà sang trọng khác vì có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện. Chị em đi về, đến nhìn Chúa một cái đầy yêu đương. Các con cố yêu mến Chúa. Đừng ai đến đây chỉ để đi học hay để làm việc. Những việc đó chỉ là phương tiện biểu lộ tình yêu đối với Chúa. Phải nhớ việc chính của ta là yêu Chúa. Hãy cố yên ủi Chúa giữa đám đông người quên Chúa. Các con đừng mải mê với việc học hành hay tìm tiền của mà thiệt hại cho linh hồn mình. Cha không muốn các con làm ra nhiều tiền của mà không yêu Chúa. Cha nói rõ như vậy để các con đừng cáo nài Cha trước toà Chúa vì không nhắc cho các con”. (14.01.1996)
Nhờ có nhà 52 với 1 gác lửng và 3 lầu, không gian tăng thêm, nên số chị em được cử đi học thần học Liên Dòng Nữ tại Trung Tâm Mục Vụ cũng gia tăng. Nhà 52 trở thành bếp ăn và bàn ăn để chị em cộng đoàn gặp nhau mỗi ngày 3 bữa, trao đổi, chuyện trò tăng thêm tình gia đình. Nhà 52 còn là nơi làm thành phẩm sách đạo do chị Châu, chị Tú và chị Tá tiếp tục đảm trách.
3. Nhân sự
Cộng đoàn Mân Côi trước đây được gọi là Sàigòn B, để phân biệt với Sài gòn A là nhà 362 Nguyễn Đình Chiểu đã có từ năm 1974. Chị em cả hai nơi làm thành cộng đoàn Regina. Từ ngày 1.7.1998, nhà 20 và 52 Tôn Thất Tùng chính thức tách ra làm thành cộng đoàn mới với tên gọi cộng đoàn Mân Côi, và mừng bổn mạng ngày 07.10 hằng năm. Chị Maria Nguyễn Thị Di là phụ trách tiên khởi. Nhân dịp thành lập cộng đoàn, Chị Tổng Phụ trách đương nhiệm Angela Maria Phạm thị Hưng tái xác định mục đích của cộng đoàn Mân Côi như sau: “Cộng đoàn này được thiết lập với mục đích chính là để chị em có thể theo học các lớp đào tạo chuyên ngành ở thành phố, cũng là điểm dừng chân an toàn cho chị em vùng xa khi có việc về thành phố, đồng thời nơi đây là địa điểm truyền giáo cho những anh em nghèo chung quanh”. Hiện nay, cộng đoàn có một vài chị lớn ở nhà phục vụ, đa số chị khấn trẻ theo học tại các lớp thần học Liên Dòng Nữ Phaolo Nguyễn Văn Bình mỗi buổi sáng, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, ở Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, số 6 Bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1. Các chị công nhân nhà in đã giải nghề và được sai đến với các cộng đoàn từ năm 1997. 4. Sứ vụ Thừa sai Trinh Vương Cha Đồng Sáng Lập Bênađô Maria đã từng chỉ dạy chị em cộng đoàn Mân Côi: “Qua việc bán ảnh tượng và đóng sách, các con phải chiếu tỏa hình ảnh của Chúa Giêsu hiền từ, khiêm tốn nhẫn nại đối với khách hàng và thợ mạc”. Chính tại cửa tiệm Rosa, các chị có nhiều cơ hội gặp gỡ, tư vấn đồng hành và trở thành “cầu nối” đưa nhiều người đến với các linh mục, để họ đón nhận đức tin Công giáo, được lãnh Bí tích giao hòa, tìm lại sự bình an sau nhiều năm xa Chúa, xa Giáo Hội. Khi cộng đoàn mới thành lập, chị em đã cộng tác với giáo xứ Chợ Đũi trong vai trò thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa lễ Chúa Nhật lúc 6g30 sáng, và cắm hoa Nhà Thờ. Các chị cũng tổ chức dạy giáo lý dự tòng và giáo lý tận hiến cho Mẹ Maria tại cộng đoàn. Theo lời mời của cha quản xứ, từ năm 2007 đã có 4 chị, và từ năm 2016 có 6 chị đã tham gia dạy giáo lý cho các em thiếu nhi tại giáo xứ nhà. Lâu dần thành quen, mỗi khi có giáo dân trong giáo xứ Chợ Đũi qua đời, vừa nhận được thông báo từ những người đạo đức, thì dù trời mưa gió hay phải đi vào những con hẻm ngoằn nghèo, chị em vẫn chia nhau đến tận nơi thăm viếng, phân ưu, đọc kinh… nhất là hiện diện để dâng thánh lễ tại gia cùng với tang quyến. Nghĩa cử này mang lại nhiều an ủi cho gia đình họ, tỏa sáng đức bác ái kitô giáo, gây nhiều thiện cảm với những anh em khác đạo. Không chỉ giới hạn trong giáo xứ Chợ Đũi, từ năm, 2015 – 2016 mỗi sáng Chúa Nhật, chị em “thần học” hân hoan lên đường, không ngại xa xôi, vất vả, đến với các lớp giáo lý tại giáo xứ Vườn Chuối, Phú Thọ Hòa, Cầu Lớn, Cầu Bông và Trung Mỹ Tây. Từ năm 2018, cha Cha Giuse Đỗ Huy Hoàng OP đã mời, vả 6 chị em cộng đoàn tham gia dạy giáo lý tại Giáo Xứ Mai Khôi (44 Tú Xương, Q.3). Quận I với những tòa nhà cao tầng, những cửa hàng sầm uất, những con phố nhộn nhịp nhưng không thiếu những người sống trong các khu ổ chuột, nghèo đói, bệnh tật, phức tạp về luân lý … Họ là những đối tượng được chị em quan tâm đặc biệt. Vào buổi chiều các Chúa Nhật, chị em chia nhau thành từng nhóm, len lỏi tìm đến tận nơi thăm hỏi, chia sẻ tình Chúa, tình người với họ, vì họ là người anh em trong Chúa Giêsu. Trong cả tuần, cộng đoàn còn dành riêng chị Chúc (từ 1981 – 1999) chị Phúc (từ 1990 - 2017), chị Liệu (từ 2017 - 2018) đến bệnh viện trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân Công giáo đang khao khát, hoặc liên hệ mời linh mục đến kịp thời ban các Bí tích sau cùng cho họ. Các chị cũng là cầu nối đưa nhiều bệnh nhân dân tộc, người nghèo hoặc các linh mục ở vùng sâu, và thân nhân của nhiều chị em, mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác nhau, đến với các bệnh viện, gửi gắm các bác sĩ nhiệt tình để điều trị thích hợp, và khi cần, xin được giảm phí. Đây là tên các bệnh viện vùng Sài-gòn mà các chị quen biết và hay liên hệ: bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Mắt-Răng-Hàm-Mặt, bệnh viện Tai- Mũi-Họng, bệnh viện Phục Hồi Chức Năng, bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Ung Bướu, Viện Tim, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Tâm Thần, bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Nhi Đồng 2. Việc sử dụng bảo hiểm y tế dần được phổ biến rộng rãi cho dân chúng mọi miền, bệnh nhân đến với bệnh viện theo tuyến được chỉ định. Vì thế các chị chỉ còn giúp giới thiệu các bệnh nhân cần nhờ, đến với các bác sĩ quen biết để an tâm điều trị. Hưởng ứng Ngày Thế Giới Người Nghèo được Đức Thánh Cha Phanxico thiết lập từ năm 2016, chị em cộng đoàn Mân Côi tìm đến tận nơi trao tặng một số anh em nghèo túng những món quà thiết thực cho cuộc sống, cũng như luôn sẵn sàng chia sẻ của ăn áo mặc mỗi khi có “Chúa Giêsu nghèo” đến gõ cửa.
5. Tâm tình tri ân Mừng 70 năm Hội Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương hiện diện trong lòng Mẹ Giáo Hội, cũng là mừng 25 năm cộng đoàn Mân Côi được thành lập. Đây là thời gian hồng ân để chị em nhìn lại lịch sử cộng đoàn trong tâm tình tri ân sâu xa. Xin tri ân Thiên Chúa, Mẹ Bề Trên và Cha Thánh Quản Gia, đã yêu thương quan phòng cho chị em có môi trường thuận lợi để hiện diện làm nhân chứng sống động cho Chúa tại cửa hàng ảnh tượng, thăm viếng bệnh nhân trong nhiều bệnh viện, chia sẻ với người nghèo trong các khu xóm, gặp gỡ các thanh thiếu niên trong các lớp giáo lý, và giao tiếp với nữ tu các dòng tại lớp học Liên Dòng. Xin tri ân Cha Đồng Sáng Lập Bênađô Maria Bùi Khải Hoàn, Người đã nhìn xa trông rộng, thấy trước được tương lai cần gì cho con cái và đã có những quyết định rất đúng đắn, kịp thời để cộng đoàn Mân Côi được hiện diện tại trung tâm Sài gòn. Xin tri ân các chị Tổng phụ trách, các chị Bề trên đã luôn yêu thương đồng hành với cộng đoàn trong suốt 25 năm qua. Đặc biệt xin tri ân các chị Phụ trách và các chị em đã từng được Chúa sai đến hiện diện và phục vụ tại cộng đoàn Mân Côi, nhất là các chị đã vất vả khi cộng đoàn Mân Côi mới thành lập. Ước chi mỗi chị em trong cộng đoàn Mân Côi là một nụ hồng tươi nở, tỏa ngát hương thơm biết ơn tới muôn người và muôn đời.