Đức Cha Lambert de La Motte - Vị Sáng lập trong lịch sử Dòng Trinh Vương

Thứ sáu - 01/09/2023 21:12  357
duc cha lambert de la motte







ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE
VỊ SÁNG LẬP TRONG LỊCH SỬ CỦA DÒNG TRINH VƯƠNG




Mảnh đất Việt Nam ghi đậm dấu chân của các vị thừa sai. Người tín hữu Việt Nam từng bước trưởng thành trong đức tin như ngày nay là hoa trái của các ngài. Trong số các vị, phải kể đến hai vị đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo hội Việt Nam hồi thế kỉ 17: Đức cha Lambert và Đức cha Pallu. Ở đây, em xin chỉ đề cập đến Đức Cha Lambert vì ngài có liên hệ đến lịch sử Dòng Trinh Vương.
Nhân ngày giỗ Đức Cha ngày mai, thật cần thiết cho chúng ta để dành thời gian, sơ lược lại công lao gầy dựng của ngài đối với Giáo Hội Việt Nam; tìm hiểu hành trình từ Dòng Mến Thánh Giá thế kỉ 17 đến Dòng Trinh Vương diễn ra như thế nào. Từ đó, chị em Trinh Vương chúng ta nhìn về Đức Cha Lambert với nguồn gốc Mến Thánh Giá của mình trong tâm tình biết ơn sâu sắc.
  1. ĐỨC CHA LAMBERT– GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM – VỊ SÁNG LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Đức Cha Lambert sinh ra trong một gia đình thượng lưu nước Pháp đầu thế kỉ 17. Lớn lên, ngài theo ngành luật và sớm trở thành thẩm phán. Nhưng sau đó không lâu, ngài được thúc đẩy theo ơn gọi tu trì làm linh mục, rồi được phong Giám mục.
Ngài được Tòa Thánh sai đến truyền giáo ở Việt Nam và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, Ngài không thể vào được Việt Nam vì nước ta khi ấy đang xảy ra bách hại đạo dữ dội. Vì vậy, Ngài ở lại Thái Lan để điều hành từ xa, nghĩa là ngài chỉ có thể thực hiện các cuộc kinh lý đến Việt Nam. Dù vậy, ngài đã làm ích rất lớn cho Giáo hội Việt Nam. Công lao của ngài là công lao của người mở đường, người gầy dựng, mà hôm nay con cháu chúng ta khi nhìn về quá khứ phải dâng lên Chúa tâm tình biết ơn sâu sắc. Có thể tóm lược những việc Đức Cha Lambert làm liên quan đến GH Việt Nam như sau:
  • Từ Thái Lan, ngài thực hiện ba cuộc kinh lý đến Việt Nam với đa dạng công việc mục vụ, nâng đỡ và vạch đường hướng hữu hiệu cho sự phát triển của Giáo hội Việt Nam nói riêng và cho toàn vùng Đông Nam Á nói chung. Ngài tổ chức ba Công Đồng địa phương: hai công đồng ở nước ta và một ở Thái Lan để định hướng mục vụ và truyền giáo. Ngài xây dựng chủng viện ở Thái Lan để đào tạo linh mục cho toàn vùng Đông Nam Á trong đó có nhiều linh mục VN.
  • Với việc phong chức linh mục cho các thầy giảng Việt Nam đầu tiên, Ngài đã khai sinh ra Hàng giáo sĩ Việt Nam, mở đầu cho bao thế hệ linh mục tiếp nối. Các linh mục là những cột trụ vững chắc của Giáo hội Việt Nam, là chỗ dựa tinh thần cho các tín hữu trong thời kỳ bách hại đạo.
  • Cách riêng, khi đến kinh lý Việt Nam, Ngài đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá trên đất Việt. Ban đầu, ngài lập ra Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta. Từ hạt mầm này, ngài thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá ở Đàng Ngoài và sau đó ở Đàng Trong, với Bản Luật sơ khởi do chính ngài soạn thảo.
Đức cha Lambert đã an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Thái Lan ngày 15.06.1679 khi ngài mới 55 tuổi.
 
  1. HÀNH TRÌNH TỪ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ (TK 17) ĐẾN DÒNG TRINH VƯƠNG (TK 20)
Chúng ta đều biết: có một mối dây liên hệ từ nguồn gốc Mến Thánh Giá đến chị em Trinh Vương chúng ta. Chính bởi mối liên hệ này mà chúng ta có Đức Cha Lamber – người đã sáng lập dòng Mến Thánh Giá, là Vị Sáng lập trong lịch sử của Dòng Trinh Vương. Nhưng mối liên hệ của ta với Dòng Mến Thánh Giá và với Đức Lambert cụ thể như thế nào và ở mức độ nào, có lẽ chúng ta cần xác định rõ hơn bằng một cái nhìn tổng quát, từ khi Đức Cha lập dòng Mến Thánh Giá thế kỉ 17 đến khi Dòng Trinh Vương được thiết lập giữa thế kỉ 20.
Thế kỉ 17 sau khi Đức Cha lập dòng MTG, các chị Mến Thánh Giá chỉ có lời khấn đơn, sống giữa lòng xã hội và không có tu phục. Vì vậy, các chị chưa được Toà Thánh coi là các nữ tu, mà chỉ được xem như các phụ nữ thuộc hội đạo đức. Bởi thời đó, chỉ được coi là nữ tu đối với ai có lời khấn trọng trong các đan viện kín. Tuy nhiên, Dòng Mến Thánh Giá đã phát triển mạnh ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài. Ở đây xin chỉ đề cập đến chị em Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài – nơi có Nhà của Chị em Mến Thánh Giá Liên Thượng địa phận Bùi Chu – hạt mầm của Dòng Trinh Vương.
Cuối thế kỷ 17, Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài phát triển lên đến 100 chị. Có thời kì các chị bị các vị thừa sai dòng Đa Minh người Tây Ban Nha ép gia nhập dòng Ba Đa Minh, nhưng các chị cương quyết từ chối và được Tòa Thánh can thiệp.
 Sang thế kỷ 18, các chị chỉ khấn tạm từng năm một hoặc làm "Lời dốc lòng", sống rải rác trong các nhà nhỏ gọi là nhà Phước và hòa nhập với xã hội. Cuối thế kỉ này, con số chị em chỉ tính ở Đàng Ngoài đã là 500, sống trong 25 nhà phước. Giáo quyền ra thêm cho các chị 11 điều luật phải giữ vì đời sống các chị phải tiếp xúc nhiều với xã hội.
Sang thế kỷ 19, thời kỳ bách hại đạo tàn khốc. Lịch sử ghi lại rằng: các chị Mến Thánh Giá đã can đảm làm chứng cho Chúa, một số chị đã chịu tử vì đạo. Cuối thế kỉ này, các chị nhận thêm 5 điều luật từ Giáo quyền với mục đích phải chấn chỉnh đời sống xã hội của các chị đang có đà sa sút. Tuy nhiên, cũng vào cuối thế kỉ 19 này, các chị đón nhận tin vui về đời tu, đó là Tòa Thánh nhìn nhận rằng ai tuyên ba lời khấn dù đơn hay trọng, khấn tạm hay khấn vĩnh viễn, là đã đủ điều kiện để được gọi là "nữ tu". Vì vậy, phần đông chị em đủ tiêu chuẩn là "nữ tu".
Sang đầu thế kỉ 20, Giáo quyền theo lời kêu gọi của Tòa thánh, mong muốn canh tân đời sống tu trì của các Nhà Phước tại Việt Nam, trong đó phần đông là các chị Mến Thánh Giá. Vì vậy, các chị Mến Thánh Giá tiếp tục nhận thêm một số Bản luật nữa.
Trong số các vị soạn luật ấy, Đức Cha của giáo phận Phát Diệm đã soạn hai cuốn dành cho các chị Mến Thánh Giá có tên là: Luật phép nhà dòng nữ khấn đơn và Sách Luật Phép Nhà Dòng Mến Câu Rút Địa Phận Thanh. Đây là bản luật đầu tiên được Tòa Thánh chấp thuận với mục đích cải tổ Dòng Mến Thánh Giá, áp dụng đầu tiên cho các chị Mến Thánh Giá thuộc địa phận Phát Diệm của Đức Cha.  
Riêng ở địa phận Bùi Chu, năm 1946, các chị Nhà Phước được đề nghị nhập vào Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu theo đường lối canh tân.  Nhưng một nhóm 10/40 chị Mến Thánh Giá thuộc Nhà phước Mến Thánh Giá giáo họ Liên Thượng, xứ Liên Thủy, bày tỏ ý nguyện không sáp nhập mà mong muốn giữ nguyên căn tính Mến Thánh Giá của mình.
Ước muốn tự lập của nhóm 10 chị em này được đấng bản quyền chấp thuận và tiến hành canh tân với sự hỗ trợ của một số Bà Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm giúp gầy dựng nề nếp đời tu; Cha Bề trên Dòng Đồng Công giúp tu đức,…từ đó số người vào tu cũng tăng lên. Vì vậy năm 1953, Đấng Bản quyền địa phận Bùi Chu khi ấy là Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã Tuyên Sắc thiết lập Dòng Mến Thánh Giá địa phận Bùi Chu, với phép ban là tạm giữ Hiến Pháp của Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
Một năm sau khi Dòng được thiết lập với danh hiệu Mến Thánh  Giá Bùi Chu, Cha Bênađô Bùi Khải Hoàn được sai đến với Hội Dòng. Cha soạn thảo Hiến pháp và đưa vào đời sống Dòng linh đạo Bé nhỏ, đồng thời Cha xin đổi tên thành Dòng Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương.
Trên cơ sở này, năm 1966 Đấng Bản quyền với sự cho phép của Tòa Thánh đã Quyết Định 1/ đổi từ tên Mến Thánh Giá Bùi Chu thành Dòng Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương và 2/ Phê chuẩn Hiến Pháp. Như vậy, từ năm 1966, Dòng Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương đã được thiết lập với cơ cấu và căn tính như ngày nay. Và Cha Bênađô đã đồng hành với Hội Dòng Trinh Vương từ đầu cho đến khi ngài qua đời năm 2006.
  1. CHỊ EM TRINH VƯƠNG NHÌN VỀ NGUỒN GỐC MẾN THÁNH GIÁ VỚI LÒNG TRI ÂN ĐỨC CHA LAMBERT
Sau khi nhìn tổng quát về mối liên hệ của chị em Trinh Vương với cội nguồn Mến Thánh Giá, ta không khỏi băn khoăn hỏi rằng:
1/ Vậy chị em Trinh Vương phải dành cho Đức Cha Lambert một lòng sùng kính như thế nào?
2/ Đức Cha Lambert là Vị Sáng Lập trong lịch sử của Dòng Trinh Vương thì linh đạo mến Thánh giá của ngài, Dòng Trinh Vương có bổn phận trung thành không?
Chúng ta đi vào từng vấn đề:
Thứ nhất, Đức Cha Lambert đã thiết lập Dòng Mến Thánh Giá từ thế kỉ 17. Sau 3 thế kỉ diễn ra chia tách và phân tán; đến giữa thế kỉ XX, nhóm 10 chị em Nhà Phước Mến Thánh Giá giáo họ Liên Thượng đã trở thành hạt mầm của Dòng Trinh Vương chúng ta ngày nay. Vì vậy, chị em Trinh Vương chúng ta cần có lòng biết ơn sâu sắc đối với Đức Cha Lambert khi nhìn về nguồn cội của mình.
Thứ hai, Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu là danh hiệu trong lịch sử của Dòng chúng ta trong một giai đoạn. Chúng ta biết, gọi là “lịch sử” nghĩa là giai đoạn đó đã đi vào trong quá khứ và đã được thay thế bởi một giai đoạn mới trong hiện tại. Vì vậy, chúng ta nhìn lại lịch sử để biết ơn chứ không phải để “phục dựng” lại lối sống của lịch sử. Chị em Trinh Vương nhìn về nguồn gốc Mến Thánh Giá với tâm tình biết ơn Thiên Chúa đã dẫn dắt hội Dòng qua một chặng đường. Rồi ta phải sống và trung thành với đoàn sủng hiện tại của mình là đoàn sủng Trinh Vương mà chị em đã sống từ năm 1959, đang sống và sẽ sống.
NHƯ VẬY CÓ THỂ ĐI ĐẾN KẾT LUẬN RẰNG,
  • Chị em Trinh Vương chúng ta khi nhìn về sự hiện diện của Dòng, cần tỏ rõ lòng biết sâu sắc đến Hai Vị Sáng Lập: Đức Cha Lambert – Vị Sáng Lập trong Lịch Sử; và Cha Bênađô – Vị Đồng Sáng Lập. Có thể nói: Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương là người con của cả hai Vị: được Đức Cha Lambert de la Motte cưu mang từ xa xưa trong ý định của Thiên Chúa, còn Cha Bênađô sinh thành và dưỡng dục. Ta không thấy có ai là con của hai người mẹ, nhưng Hội Dòng vừa là một thực tại trần thế vừa là một thực tại thiêng liêng, nên điều đó là có thể. Vì vậy, việc ghi nhớ công ơn hai vị là một bổn phận đòi buộc.
  • Còn khi chị em Trinh Vương “trở về nguồn” với ý hướng trung thành với đoàn sủng, thì chúng ta phải trở về nguồn nào mà làm cho ta được gọi là chị Dòng Trinh Vương: trước hết là ở trong Hiến chương Dòng Trinh Vương, sau là đời sống của Cha Bênađô nơi những gì ngài sống và hướng dẫn chúng ta sống tinh thần Bé Nhỏ.  
 Ngày mai giỗ Đức Cha Lambert – vị Sáng lập trong Lịch sử của Hội dòng, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban ngài cho Giáo hội Việt Nam, và biết ơn về công khó ngài đổ ra trên đất Việt để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái. Cách riêng, hội dòng chúng ta cảm tạ Chúa về hồng ân có ngài trong lịch sử, bởi vì có lịch sử mới có hiện tại. Tất cả là hồng ân của Chúa và Mẹ Trinh Vương.
 

Sài gòn, 2023
Gió Biển, CMR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập6
  • Hôm nay2,823
  • Tháng hiện tại29,186
  • Tổng lượt truy cập7,069,587

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây