Tông Huấn "Christus vivit" của Đức Phanxicô

Thứ bảy - 06/04/2019 21:36  2068

tonghuan chritus vivit


1. Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến với thế giới của chúng ta. Sau đó, những lời đầu tiên mà tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn các bạn sống!

2. Người ở trong các bạn, Người ở bên các bạn và Người không bao giờ bỏ rơi các bạn. Bất kể các bạn có thể lang thang bao xa, Người luôn ở đó, Đấng Phục sinh. Người kêu gọi các bạn và Người chờ các bạn quay lại với Người và bắt đầu lại từ đầu. Khi các bạn cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, oán giận hoặc sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để khôi phục sức mạnh và hy vọng của các bạn.

3. Với tình âu yếm lớn lao, tôi ngỏ Tông huấn này đến mọi người trẻ Kitô giáo. Nó nhắm nhắc nhở các bạn về những xác tín phát sinh từ đức tin của chúng ta, đồng thời để khuyến khích các bạn lớn lên trong sự thánh thiện và cam kết với ơn gọi bản thân của các bạn. Nhưng vì nó cũng là một phần của diễn trình thượng hội đồng, tôi cũng ngỏ thông điệp này đến toàn thể dân Chúa, các mục tử và cả các tín hữu, vì tất cả chúng ta đều được thách thức và thúc giục suy nghĩ cả về người trẻ lẫn cho người trẻ. Do đó, tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với người trẻ ở một số chỗ, trong khi ở những chỗ khác, tôi sẽ đề nghị một số xem xét tổng quát hơn dành cho việc biện phân của Giáo hội.

4. Tôi đã để cho mình được gợi hứng bởi rất nhiều suy tư và đàm luận diễn ra trong Thượng Hội Đồng năm ngoái. Tôi không thể bao gồm tất cả những đóng góp đó ở đây, nhưng các bạn có thể đọc chúng trong Tài liệu Cuối cùng. Dù vậy, khi viết bức thư này, tôi đã cố gắng tóm tắt những đề nghị mà tôi cho là quan trọng nhất. Bằng cách này, những lời lẽ của tôi sẽ lặp lại vô số tiếng nói của các tín hữu trên toàn thế giới từng làm cho ý kiến của họ được Thượng hội đồng biết đến. Những người trẻ không phải là tín hữu, nhưng muốn chia sẻ suy nghĩ của họ, cũng nêu ra những vấn đề khiến tôi phải đặt nhiều câu hỏi mới.

CHƯƠNG MỘT: Lời Chúa có gì để nói về người trẻ?

5. Chúng ta hãy dựa vào sự phong phú của các Sách thánh, vì chúng thường nói về người trẻ và về cách Chúa đến gần để gặp gỡ họ.

Trong Cựu Ước

6. Trong một thời đại lúc người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn cho thấy Chúa nhìn họ cách khác. Giuse, chẳng hạn, là người trẻ nhất trong gia đình (xem St 37: 2-3), nhưng Thiên Chúa đã cho anh thấy những điều tuyệt vời trong giấc mơ và khi chỉ mới mười bảy tuổi, anh đã vuợt xa tất cả các anh em của mình trong các vấn đề quan trọng (xem St 37- 47).

7. Nơi Gideon, chúng ta thấy sự thẳng thắn của người trẻ, những người không quen với thực tại bọc đường. Khi được cho biết Chúa ở với anh, anh đã trả lời: “Nhưng nếu Chúa ở cùng chúng ta, tại sao sau đó tất cả những điều này lại xảy ra với chúng ta?” (Tl 6:13). Thiên Chúa không bị xúc phạm bởi lời trách móc đó, nhưng tiếp tục ra lệnh cho anh: Hãy lên đường với sức mạnh của ngươi và giải thoát Israel!” (Tl 6: 14).

8. Samuen vẫn còn là một cậu bé, thế nhưng Chúa đã nói chuyện với anh. Nhờ lời cố vấn của một người trưởng thành, anh đã mở lòng mình ra nghe lời Chúa gọi: “Lạy Chúa, Chúa nói đi, vì đầy tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3: 9-10). Kết quả, anh trở thành một nhà tiên tri vĩ đại, từng can thiệp vào những thời khắc quan trọng trong lịch sử của đất nước mình. Vua Saun cũng còn trẻ khi Chúa kêu gọi thực hiện sứ mệnh của mình (x. 1 Sm 9: 2).

9. Vua Đavít được chọn khi còn là một cậu bé. Khi tiên tri Samuen đang tìm kiếm vị vua tương lai cho Israel, một người đề nghị lấy những đứa con trai của ông đã lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn làm ứng viên. Thế nhưng, tiên tri nói rằng người được chọn là Đavít trẻ tuổi, người đang chăm sóc đàn chiên (x. 1 Sm 16: 6-13), vì “con người chỉ nhìn bề ngoài, nhưng Chúa nhìn thấu lòng người" (câu 7). Vinh quang tuổi trẻ là ở cõi lòng, hơn là ở trong sức mạnh thể lý hay ấn tượng đối với người khác.

10. Salômôn, khi phải kế vị cha mình, cảm thấy lạc lõng và nói với Chúa: “Con mới chỉ là một đứa trẻ, không hề biết cách hành động ra sao" (1 V 3: 7). Tuy nhiên, sự táo bạo của tuổi trẻ đã khiến anh cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và anh đã hiến mình cho sứ mệnh của mình. Một điều tương tự đã xảy ra với tiên tri Giêrêmia, được kêu gọi bất chấp tuổi trẻ của mình để đánh thức dân mình. Trong nỗi sợ hãi của anh, anh nói: “ôi, lạy Chúa! Thực sự con không biết nói năng, vì con chỉ là một thiếu niên" (Grm 1: 6). Nhưng Chúa bảo anh đừng nói thế (xem Grm 1: 7), và thêm: “Đừng sợ họ, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Grm 1: 8). Sự tận tụy của tiên tri Giêrêmia đối với sứ mệnh của mình cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi sự bạo dạn của tuổi trẻ kết hợp với quyền năng của Thiên Chúa.

11. Một đầy tớ gái Do Thái của chỉ huy trưởng ngoại quốc Naaman đã can thiệp bằng đức tin và vị này được chữa khỏi bệnh (x. 2 V 5: 2-6). Cô gái trẻ Ruth là hình mẫu của lòng quảng đại khi ở bên cạnh mẹ chồng, người đã sa vào thời kỳ khó khăn (x. Rút 1: 1-18), nhưng cô cũng biểu lộ sự táo bạo trong việc tiến bước trong đời (x. Rút 4: 1-17).

Trong Tân Ước

12. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu (xem Lc 15: 11-32) liên quan đến việc người con trai “trẻ hơn” muốn rời nhà cha mình để đến một vùng đất xa xôi (xem các câu 12-13). Thế nhưng, các ý nghĩ độc lập của anh đã biến thành tan vỡ và quá lạm (xem câu 13), và anh đã phải kinh qua sự cay đắng của cô đơn và nghèo đói (xem câu 14-16). Tuy nhiên, anh đã tìm thấy sức mạnh để bắt đầu một sự khởi đầu mới (xem câu 17-19) và quyết tâm đứng dậy và trở về nhà (xem câu 20). Các trái tim trẻ tự nhiên sẵn sàng chấp nhận thay đổi, quay trở lại, đứng dậy và học hỏi từ cuộc sống. Làm thế nào người ta có thể không hỗ trợ người con trai ấy trong quyết tâm mới đó? Thế nhưng, người anh trai của anh lại có một trái tim già cỗi; anh ta để mình bị chiếm hữu bởi lòng tham, ích kỷ và đố kị (Lc 15: 28-30). Chúa Giêsu ca ngợi tội nhân trẻ đã trở lại con đường đúng đắn hơn là người anh trai tự cho mình là trung tín, nhưng lại thiếu tinh thần yêu thương và thương xót.

13. Chúa Giêsu, Đấng trẻ trung muôn đời, muốn ban cho chúng ta các trái tim trẻ mãi. Lời Chúa yêu cầu chúng ta “vứt bỏ men cũ để các con trở thành bột nhào mới” (1 Cr 5: 7). Thánh Phaolô mời chúng ta cởi bỏ “bản thân cũ” của mình và mặc lấy một bản thân “trẻ trung” (Cl 3: 9.10). [1] Khi giải thích ý nghĩa của việc mặc lấy sự trẻ trung “vốn là sự đổi mới” đó, (câu 10), ngài đề cập đến lòng “cảm thương, lòng tốt, lòng khiêm nhường và kiên nhẫn, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau nếu có ai phàn nàn với nhau” (Cl 3: 12-13). Tóm lại, tuổi trẻ đích thực có nghĩa là có một trái tim có khả năng yêu thương, trong khi mọi thứ ngăn cách chúng ta với người khác làm tâm hồn già cỗi đi. Và do đó, ngài kết luận: “trên hết, hãy mặc lấy tình yêu, vốn gắn kết mọi sự lại với nhau trong một hòa hợp hoàn hảo” (Cl 3:14).

14. Chúng ta cũng hãy nhớ: Chúa Giêsu không gây ích gì cho những người trưởng thành coi thường người trẻ hoặc thống trị họ. Ngược lại, Người nhấn mạnh rằng, “người lớn nhất trong các con phải trở nên giống như người trẻ nhất” (Lc 22,26). Đối với Người, tuổi không tạo ra đặc quyền, và làm người trẻ không ngụ hàm ít giá trị hoặc phẩm giá hơn.

15. Lời Thiên Chúa nói rằng người trẻ nên được đối xử như những người anh em (1 Tm 5: 1), và cảnh báo các bậc cha mẹ đừng “khiêu khích con cái anh em, kẻo chúng trở nên thối chí” (Cl 3:21). Người ta không nhắm việc làm cho người trẻ thối chí; người ta mong họ mơ những điều vĩ đại, tìm kiếm những chân trời rộng lớn, nhằm mục đích cao hơn, thách thức thế giới, chấp nhận các thách thức và cống hiến những gì tốt nhất của bản thân để xây dựng một điều gì đó tốt hơn. Đó là lý do tại sao tôi không ngừng thúc giục các bạn trẻ đừng để mình bị cướp mất hy vọng; với mỗi người trong số họ, tôi nhắc lại: “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của các bạn” (1 Tim 4:12).

16. Tuy nhiên, người trẻ cũng được thúc giục “chấp nhận thẩm quyền của những người lớn tuổi hơn” (1 Pr 5: 5). Kinh thánh không bao giờ ngừng khẳng định rằng lòng kính trọng sâu sắc phải được thể hiện đối với người cao niên, vì các ngài có nhiều kinh nghiệm; các ngài biết thành công và thất bại, niềm vui và phiền não của cuộc đời, những giấc mơ và sự thất vọng của nó. Trong sự im lặng của cõi lòng, các ngài có một kho kinh nghiệm có thể dạy chúng ta không phạm sai lầm hoặc mắc kẹt vào các lời hứa giả tạo. Một nhà hiền triết xưa yêu cầu chúng ta tôn trọng một số giới hạn và làm chủ các xung động của mình: “hãy thúc giục các người đàn ông trẻ tuổi tự kiểm soát lấy mình” (Tt 2: 6). Ủng hộ việc sùng bái tuổi trẻ hoặc dại dột gạt bỏ người khác chỉ vì họ lớn tuổi hoặc thuộc thế hệ khác quả là điều vô ích. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng người khôn ngoan có khả năng rút từ kho của họ những điều cả mới lẫn cũ (x. Mt 13:52). Một người trẻ khôn ngoan cởi mở đối với tương lai, nhưng vẫn có khả năng học được điều gì đó từ kinh nghiệm của người khác.

17. Trong Tin mừng Maccô, chúng ta thấy một người đàn ông, khi nghe Chúa Giêsu nói về các điều răn, thưa, “tất cả những điều này tôi đã tuân giữ từ lúc còn trẻ” (10:20). Thánh vịnh gia đã nói điều tương tự: “ Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của con; niềm tín thác của con, Lạy Chúa, từ lúc con còn trẻ... từ lúc con còn trẻ, Chúa đã dạy dỗ con và con vẫn tuyên xưng các việc làm kỳ diệu của Chúa” (Ps 71: 5.17). Chúng ta đừng bao giờ hối hận về việc đã dành tuổi trẻ của mình làm người tốt, mở lòng ra cho Chúa và sống cách khác. Không điều gì trong số này lấy đi tuổi trẻ của chúng ta nhưng thay vào đó chúng củng cố và đổi mới nó: “Tuổi trẻ của các bạn được đổi mới giống như chim đại bàng” (Tv 103: 5). Vì lý do này, Thánh Augustinô đã than thở: “Con đã yêu Chúa, vẻ đẹp mãi cổ xưa, nhưng mãi mới mẻ, quá muộn màng! Con đã yêu Chúa quá muộn màng!" [2] Tuy nhiên, người thanh niên giàu có, người đã trung thành với Thiên Chúa lúc còn trẻ, đã để cho các năm tháng trôi qua cướp đi giấc mơ của anh; anh thích gắn bó với sự giàu có của mình hơn (x. Mc 10, 22).

18. Mặt khác, trong Tin mừng Mátthêu, chúng ta thấy một chàng trai trẻ (x. Mt 19,20,22), người tiếp cận Chúa Giêsu và hỏi liệu anh có thể làm gì hơn nữa không (câu 20); trong lời này, anh cho thấy tinh thần cởi mở trẻ trung đi tìm những chân trời mới và những thách thức lớn. Thế nhưng, tinh thần của anh không thực sự trẻ trung, vì anh đã trở nên quá gắn bó với sự giàu có và tiện nghi. Anh nói rằng anh muốn một điều gì hơn nữa, nhưng khi Chúa Giêsu yêu cầu anh quảng đại và phân phối của cải của mình, anh hiểu ra anh không thể buông bỏ mọi thứ mình có. Cuối cùng, “nghe những lời này, chàng trai trẻ đã bỏ đi cách buồn bã” (câu 22). Anh đã từ bỏ tuổi trẻ của mình.

19. Tin Mừng cũng nói về một nhóm phụ nữ trẻ khôn ngoan, những người sẵn sàng và chờ đợi, trong khi những người khác bị phân tâm và ngủ gà ngủ gật (x. Mt 25: 1-13). Thực vậy, chúng ta có thể dành cả tuổi thanh xuân của mình để bị phân tâm, lướt qua bề mặt của cuộc sống, nửa ngủ nửa tỉnh, không có khả năng vun xới các mối liên hệ có ý nghĩa hoặc trải nghiệm những điều sâu sắc hơn trong cuộc sống. Bằng cách này, chúng ta có thể lưu trữ một tương lai nhỏ nhoi và không đáng kể. Hoặc chúng ta có thể dành tuổi trẻ của mình hoài mong những điều đẹp đẽ và tuyệt vời, và do đó lưu trữ một tương lai đầy sức sống và phong phú nội tâm.

20 Nếu các bạn để mất sức sống nội tâm, các giấc mơ, sự hào hứng, tính lạc quan và lòng quảng đại của các bạn, Chúa Giêsu đang đứng trước mặt các bạn như ngày xưa Người từng đứng trước đứa con trai đã chết của một góa phụ, và bằng mọi sức mạnh của việc Phục Sinh của Người, Người thúc giục các bạn: “hỡi chàng tuổi trẻ, tôi nói với bạn, hãy chỗi dậy!” (Lc 7:14).

21. Điều chắc chắn là nhiều đoạn khác của lời Chúa có thể rõi sáng cho giai đoạn này trong cuộc sống của các bạn. Chúng ta sẽ bàn đến một số trong các chương sau.

CHƯƠNG HAI: Chúa Giêsu, mãi mãi trẻ trung

22. Chúa Giêsu “trẻ giữa người trẻ để trở thành tấm gương cho người trẻ và thánh hiến họ cho Chúa”[3] Vì lý do này, Thượng hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và đầy kích thích của đời sống, mà chính Người đã trải qua, do đó, đã thánh hóa nó”. [4]

Tuổi trẻ của Chúa Giêsu 

23. Chúa đã “tắt thở” (xem Mt 27:50) trên thập giá khi Người mới hơn ba mươi tuổi (x. Lc 3, 23). Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, Chúa Giêsu là một người trẻ tuổi. Người đã hiến cuộc sống của mình khi Người, nói theo ngôn ngữ ngày nay, mới chỉ là một người trưởng thành trẻ. Người bắt đầu sứ mệnh công khai của mình trong thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời, và do đó, “một ánh sáng đã bừng lên” (Mt 4:16), ánh sáng này sẽ tỏa sáng rực rỡ nhất khi Người hiến mạng sống mình đến tận cùng. Việc kết thúc đó không phải là một điều đơn giản xảy ra; đúng hơn, toàn bộ tuổi trẻ của Người, trong mọi thời điểm, là một sự chuẩn bị quý giá cho nó. “Tất cả mọi điều trong cuộc sống của Chúa Giêsu là một dấu chỉ sự mầu nhiệm của Người” [5]; thực vậy, “toàn bộ cuộc đời Chúa Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc” [6].

24. Tin Mừng không cho chúng ta biết gì về thời thơ ấu của Cúa Giêsu, nhưng có kể lại một số biến cố thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người. Thánh Mátthêu đặt tuổi trẻ của Chúa giữa hai biến cố: gia đình của Người trở về Nadarét sau khi họ bị lưu đày và Chúa Giêsu chịu phép rửa ở Sông Giócđăng, khởi đầu thừa tác vụ công khai của Người. Những hình ảnh cuối cùng mà chúng ta có về Chúa Giêsu lúc còn bé là các hình ảnh của một người tị nạn tí hon ở Ai Cập (x. Mt 2: 14-15) và hồi hương ở Nadarét (x. Mt 2: 19-23). Hình ảnh đầu tiên của chúng ta về Chúa Giêsu như một thanh niên trẻ tuổi cho thấy Người đứng giữa đám đông bên bờ sông Giócđăng để được người anh em họ Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, giống như bất cứ thành viên nào khác trong dân tộc của Người (x. Mt 3: 13-17) .

25. Phép rửa Chúa Giêsu chịu không giống như của chúng ta, vì phép rửa của chúng ta đưa chúng ta vào đời sống ơn thánh, nhưng phép rửa Người chịu là một sự thánh hiến trước khi Người bắt tay vào sứ mệnh cao cả của đời mình. Tin Mừng nói rằng lúc Người chịu phép rửa, Chúa Cha đã vui mừng và rất hài lòng: “Con là con yêu dấu của Cha” (Lc 3:22). Chúa Giêsu ngay lập tức xuất hiện tràn đầy Chúa Thánh Thần, và được Chúa Thánh Thần dẫn vào sa mạc. Ở đó, Người chuẩn bị để ra đi rao giảng và làm phép lạ, đem lại tự do và chữa lành (x. Lc 4: 1-14). Mọi người trẻ nào cảm thấy được mời gọi tham gia một sứ mệnh trong thế giới này đều được mời nghe Chúa Cha nói cùng những lời như thế trong trái tim mình: “Con là con yêu dấu của Cha”.

26. Giữa hai trình thuật này, chúng ta tìm thấy một trình thuật khác, cho thấy Chúa Giêsu như một thiếu niên, khi Người cùng cha mẹ trở về Nadarét, sau khi bị lạc và được tìm thấy trong Đền thờ (x. Lc 2: 41-51). Ở đó, chúng ta đọc thấy, Người đã vâng lời các ngài (xem Lc 2:51); Người không từ chối gia đình. Sau đó, Thánh Luca cho biết thêm, Chúa Giêsu “lớn lên trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và người ta” (xem Lc 2:52). Tóm một lời, đây là thời chuẩn bị, khi Chúa Giêsu lớn lên trong mối liên hệ với Chúa Cha và với những người khác. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Người không chỉ lớn lên về thể chất, mà “còn có sự tăng trưởng về thiêng liêng nơi Chúa Giêsu” vì “sự viên mãn của ơn thánh tỷ lệ thuận với tuổi của Người: luôn luôn có một sự viên mãn, nhưng là một sự viên mãn gia tăng với việc gia tăng năm tháng cuộc sống” [7].

27. Từ những gì Tin Mừng nói với chúng ta, chúng ta có thể nói rằng, Chúa Giêsu, trong những năm còn trẻ, đang “được huấn luyện”, chuẩn bị để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người đã đặt Người vào con đường tiến đến sứ mệnh cao siêu đó.

28. Ở tuổi thiếu niên và tuổi trẻ, mối liên hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha là mối liên hệ của người Con yêu dấu. Cuốn hút vào Chúa Cha, Người lớn lên lo lắng cho các vụ việc của Chúa Cha: “Há cha mẹ không biết con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2:49). Tuy nhiên, ta không nên nghĩ rằng, Chúa Giêsu là một thiếu niên lãnh đạm hoặc chỉ biết quan tâm đến mình. Các mối liên hệ của Người là các mối liên hệ của một người trẻ, biết chia sẻ đầy đủ cuộc sống của gia đình và dân của Người. Người học tay nghề của cha mình và sau đó thay thế cha làm thợ mộc. Tại một thời điểm trong Tin Mừng, Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13:55) và một lần khác chỉ đơn giản là “chú thợ mộc” (Mc 6: 3). Chi tiết này cho thấy Người chỉ là một người trẻ tuổi khác trong thị trấn của Người, một người có liên hệ bình thường với những người khác. Không ai coi Người là bất thường hoặc tách biệt với những người khác. Vì lý do này, một khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng, người ta không thể tưởng tượng được do dâu Người có được sự khôn ngoan này: “ Há đây không phải là con trai của ông Giuse sao?” (Lc 4:22).

29. Trên thực tế, “Chúa Giêsu đã không lớn lên trong mối liên hệ hẹp hòi và ngột ngạt với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, họ hàng của cha mẹ và bạn bè của họ [8]. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao, khi Người trở về từ chuyến hành hương Giêrusalem, cha mẹ Người dễ dàng nghĩ rằng, khi còn là một cậu bé mười hai tuổi (x. Lc 2,42), Người đã tự do đi lang thang trong đám đông, mặc dù cả ngày họ đã không thấy Người: “cho rằng Người ở trong nhóm du khách, họ đã đi một ngày đường” (Lc 2:44). Chắc chắn, họ cho rằng, Chúa Giêsu ở đó, trà trộn với những người khác, đùa giỡn với người trẻ khác, kể cho người lớn những câu chuyện dỡn (tell stories) và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của nhóm. Thật vậy, chữ Hy Lạp mà Thánh Luca sử dụng để mô tả nhóm - synodía – rõ ràng gợi lên một “cộng đồng lớn hơn đang trên hành trình”, mà Thánh gia là một thành phần. Nhờ sự tin tưởng của cha mẹ, Người có thể tự do di chuyển và học cách lữ hành cùng người khác.

Tuổi trẻ của Người dạy chúng ta

30. Những khía cạnh của đời sống Chúa Giêsu có thể chứng minh có sức gây cảm hứng cho tất cả những người trẻ đang phát triển và chuẩn bị lãnh nhận sứ mệnh ở trong đời. Điều này liên quan đến việc lớn lên trong mối liên hệ với Chúa Cha, trong ý thức trở thành một phần của gia đình và dân tộc, và trong việc cởi mở để được đầy dẫy Chúa Thánh Thần và được dẫn tới việc thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa ban cho họ, ơn gọi bản thân của họ. Không nên bỏ qua bất cứ điều nào trong công việc mục vụ với người trẻ, kẻo chúng ta tạo ra những dự án cách ly những người trẻ khỏi gia đình và cộng đồng lớn hơn, hoặc biến họ thành thiểu số ưu tuyển, được bảo vệ khỏi mọi ô nhiễm. Thay vào đó, chúng ta cần các dự án có thể củng cố họ, đồng hành cùng họ và thúc đẩy họ gặp gỡ người khác, dấn thân vào việc phục vụ quảng đại, vào sứ mệnh.

31. Chúa Giêsu không dạy các các bạn, những người trẻ, từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ trong chính tuổi trẻ của các bạn, một tuổi trẻ Người chia sẻ với các bạn. Điều rất quan trọng đối với bạn là chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trẻ trung như được trình bày trong các sách Tin mừng, vì Người thực sự là một trong số các bạn, và chia sẻ nhiều đặc điểm của trái tim trẻ của các bạn. Chúng ta thấy điều này, chẳng hạn, trong chi tiết sau: “Chúa Giêsu có niềm tin vô điều kiện vào Chúa Cha; Người duy trì tình bạn với các môn đệ và ngay cả trong những giây phút khủng hoảng, Người vẫn trung thành với họ. Người đã biểu lộ lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những người yếu đuối nhất, đặc biệt là người nghèo, người bệnh, tội nhân và những người bị loại trừ. Người đã can đảm đối đầu với các thẩm quyền tôn giáo và chính trị thời bấy giờ; Người biết thế nào là cảm thấy bị hiểu lầm và bị từ chối; Người trải qua nỗi sợ đau khổ và Người biết sự yếu đuối của Cuộc Khổ Nạn. Người hướng ánh mắt về tương lai, phó mình trong bàn tay an toàn của Chúa Cha, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nơi Chúa Giêsu, mọi bạn trẻ đều có thể nhìn thấy mình”. [9]

32. Mặt khác, Chúa Giêsu đã trỗi dậy và Người muốn làm cho chúng ta trở thành những người tham dự vào sự sống mới của phục sinh. Người là sự trẻ trung thực sự của một thế giới đã trở thành già cỗi, sự trẻ trung của một vũ trụ đang chờ đợi “trong đau đẻ” (Rm 8:22) để được mặc lấy ánh sáng và sống sự sống của Người. Với Người ở bên cạnh, chúng ta có thể uống từ nguồn suối chân thực, nguồn suối giữ cho mọi ước mơ, dự án, lý tưởng tuyệt vời của chúng ta luôn sống động, trong khi thúc đẩy chúng ta công bố điều làm cho cuộc sống thực sự đáng giá. Hai chi tiết gây tò mò trong Tin mừng Maccô cho thấy những người trỗi dậy với Chúa Kitô được kêu gọi bước vào tuổi trẻ đích thực như thế nào. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta thấy một chàng trai trẻ muốn theo Chúa Giêsu, nhưng vì sợ đã chạy trốn trần trụi (xem 14: 51-52); anh thiếu sức mạnh để đánh cuộc mọi thứ mà theo Chúa. Thế nhưng, tại ngôi mộ trống, chúng ta thấy một người trẻ tuổi khác, “mặc một chiếc áo dài màu trắng” (16: 5), người nói với các phụ nữ đừng sợ hãi và công bố niềm vui của sự phục sinh (xem 16: 6-7).

33. Chúa đang kêu gọi chúng ta thắp sáng các vì sao trong đêm tối của những người trẻ khác. Người yêu cầu các bạn nhìn vào những vì sao đích thực, mọi dấu hiệu khác nhau mà Người ban cho để dẫn đường chúng ta và bắt chước người nông dân ngắm các vì sao trước khi ra ngoài cày ruộng. Thiên Chúa thắp sáng các vì sao giúp chúng ta tiếp tục bước đi: “Các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng. Người gọi chúng, chúng thưa: Có mặt, và hân hoan chiếu sáng” (Br 3: 34-35). Chính Chúa Kitô là ánh sáng hy vọng lớn lao và là người dẫn đường của chúng ta trong đêm tối, vì Người là “ngôi sao mai sáng lạn” (Kh 22: 16).

Tuổi trẻ của Giáo hội

34. Tuổi trẻ không chỉ đơn giản là một khoảng thời gian; nó là một trạng thái của tâm trí. Đó là lý do tại sao một định chế cổ xưa như Giáo hội có thể trải nghiệm sự đổi mới và trở lại tuổi trẻ ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình. Thật vậy, vào những thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử, Giáo hội cảm thấy được kêu gọi hết lòng trở lại với mối tình đầu. Nhắc lại sự thật này, Công đồng Vatican II lưu ý rằng, “trở nên phong phú với một lịch sử lâu dài và sống động, và tiến tới sự hoàn thiện nhân bản trong thời gian và những vận mệnh tối hậu của lịch sử và cuộc sống, Giáo hội là tuổi trẻ thực sự của thế giới”. Nơi Giáo hội, người ta luôn có khả năng gặp gỡ Chúa Kitô “người bạn đồng hành và là bạn bè của tuổi trẻ” [10].

Một Giáo hội cởi mở đối với đổi mới

35. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi những người khiến Giáo hội già đi, giam cầm Giáo hội trong quá khứ, cầm chân Giáo hội hoặc giữ cho Giáo hội dậm chân tại chỗ. Nhưng chúng ta cũng hãy cầu xin Người giải thoát Giáo hội khỏi một cám dỗ khác: đó là cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng Giáo hội trẻ bởi vì Giáo hội chấp nhận mọi thứ được thế giới mời mọc Giáo hội, nghĩ rằng Giáo hội được đổi mới vì Giáo hội gạt thông điệp của mình sang một bên và hành động như mọi người khác. Không! Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội là chính mình, khi Giáo hội nhận được một lần nữa sức mạnh được sinh ra từ lời Chúa, từ Bí tích Thánh Thể, và sự hiện diện hàng ngày của Chúa Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội chứng tỏ mình có khả năng liên tục trở về nguồn của mình.

36. Chắc chắn, trong tư cách chi thể của Giáo hội, chúng ta không nên tách biệt với những người khác. Mọi người nên coi chúng ta là bạn bè và hàng xóm, giống như các tông đồ, những người “được hưởng thiện chí mọi người” (Cv 2:47; xem 4: 21,33; 5: 13). Nhưng đồng thời, chúng ta phải dám sống khác biệt, để nêu rõ các lý tưởng khác với các lý tưởng của thế giới này, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, việc phục vụ, đức trong sạch, lòng kiên trì, sự tha thứ, lòng trung thành với ơn gọi bản thân, lời cầu nguyện, theo đuổi công lý và ích chung, tình yêu đối với người nghèo và tình bạn xã hội. 

37. Giáo hội Chúa Kitô luôn có thể sa vào cơn cám dỗ để mất nhiệt tình vì không còn nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi mình phải chấp nhận mạo hiểm đức tin, cho Giáo hội tất cả mà không tính đến các nguy hiểm; Giáo hội có thể bị cám dỗ trở lui tìm kiếm một hình thức an toàn giả mạo, trần tục. Những người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung. Họ có thể ngăn Giáo hội khỏi thối nát; họ có thể giữ cho Giáo hội tiến về phía trước, ngăn Giáo hội kiêu căng và bè phái, giúp Giáo hội nghèo hơn và làm chứng tốt hơn, đứng về phía người nghèo và người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm tốn để mình bị thử thách. Những người trẻ có thể cung hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách đổi mới khả năng của Giáo hội biết “vui mừng với những khởi đầu mới, hiến mình không dè dặt, đổi mới và lên đường thực hiện các thành tựu lớn lao hơn bao giờ hết”. [11]

38. Những người trong chúng ta không còn trẻ nữa cần tìm cách gần gũi với các tiếng nói và mối quan tâm của người trẻ. “Sáp lại gần nhau tạo điều kiện để Giáo hội trở thành nơi đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ mang lại sự sống”. [12] Chúng ta cần tạo thêm chỗ cho các tiếng nói của người trẻ được lắng nghe: “Lắng nghe làm việc trao đổi các ơn phúc trong bối cảnh đồng cảm trở thành khả hữu... Đồng thời, nó đặt ra các điều kiện để việc rao giảng Tin Mừng có thể đánh động trái tim thật sự, dứt khoát và hữu hiệu” [13].

Một Giáo hội lưu ý đến các dấu chỉ thời đại.

39. “Mặc dù đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo hội xem như chỉ là những hạn từ trống rỗng, nhưng họ rất nhạy cảm đối với khuôn mặt Chúa Giêsu khi Người được trình bày một cách hấp dẫn và hữu hiệu” [14]. Do đó, Giáo Hội không nên quá bận tâm về chính mình mà trên hết, phải phản ảnh Chúa Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa: khiêm tốn nhìn nhận một số điều cần phải thay đổi một cách cụ thể, và nếu điều này xảy ra, Giáo Hội cần đánh giá cao viễn kiến và cả các lời chỉ trích của người trẻ.

40. Thượng hội đồng công nhận rằng, “một số lượng đáng kể người trẻ, vì mọi lý do, không yêu cầu Giáo hội bất cứ điều gì vì họ không thấy Giáo hội có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Một số người thậm chí còn yêu cầu được để yên, vì họ thấy sự hiện diện của Giáo hội là một phiền toái, thậm chí là một điều gây khó chịu. Yêu cầu này không phải luôn luôn phát xuất từ sự khinh miệt không phê phán hoặc bốc đồng. Nó cũng có thể có những lý do nghiêm túc và dễ hiểu: các tai tiếng tình dục và tài chính; giáo sĩ không được chuẩn bị đầy đủ để tham gia hữu hiệu vào các nhạy cảm của giới trẻ; thiếu quan tâm trong việc sọan và trình bầy Lời Chúa; vai trò thụ động được giao cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô giáo; khó khăn của Giáo Hội trong việc giải thích các lập trường tín lý và đạo đức của mình cho xã hội đương thời” [15].

41. Mặc dù nhiều người trẻ rất vui khi thấy một Giáo hội khiêm tốn nhưng tự tin vào các hồng phúc của mình và có khả năng cung ứng những lời chỉ trích công bằng và huynh đệ, nhiều người khác muốn có một Giáo hội biết lắng nghe nhiều hơn, làm nhiều điều hơn thay vì chỉ đơn giản lên án thế giới. Họ không muốn thấy một Giáo hội im lặng và sợ sệt lên tiếng, nhưng không phải là một Giáo hội luôn luôn tranh đấu một cách đầy ám ảnh trong hai hoặc ba vấn đề. Để được đáng tin cậy đối với những người trẻ, có những lúc Giáo hội cần lấy lại được sự khiêm nhường của mình và cần lắng nghe, nhìn nhận rằng những gì người khác nói có thể cung cấp một chút ánh sáng nào đó giúp Giáo hội hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Giáo hội luôn luôn ở thế phòng thủ, mất đi sự khiêm nhường của mình và ngưng lắng nghe người khác, không dành chỗ cho các câu hỏi, đánh mất tuổi trẻ của mình và biến thành một viện bảo tàng. Như thế, làm thế nào, Giáo Hội có thể đáp ứng các giấc mơ của người trẻ? Cho dù Giáo hội có sở hữu được sự thật của Tin Mừng đi nữa, điều đó không có nghĩa là Giáo hội đã hoàn toàn hiểu được nó; đúng hơn, Giáo hội được kêu gọi tiếp tục lớn lên trong việc nắm bắt kho báu vô tận này. [16]

42. Ví dụ, một Giáo hội quá sợ hãi và bị cột chặt vào các cơ cấu của nó có thể liên tục chỉ trích các nỗ lực nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ và liên tục chỉ ra những rủi ro và sai sót tiềm tàng của những yêu cầu này. Thay vào đó, một Giáo hội sống động có thể phản ứng bằng cách lưu ý đến các yêu sách chính đáng của phụ nữ muốn tìm công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn lại lịch sử và thừa nhận một phần quả mình sai lầm trong chủ nghĩa toàn trị, thống trị nam giới, nhiều hình thức nô dịch, lạm dụng và bạo lực tình dục. Với quan điểm này, Giáo hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và cung hiến sự hỗ trợ đầy thuyết phục cho tính hỗ tương lớn hơn giữa nam và nữ, dù không nhất trí với mọi điều được một số nhóm nữ quyền đề xuất. Dọc theo những đường hướng này, Thượng hội đồng đã tìm cách đổi mới cam kết của Giáo hội “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực dựa trên cơ sở tính dục" [17]. Đây là đáp ứng của một Giáo hội biết giữ cho mình trẻ trung và cho phép bản thân được thách thức và thúc đẩy bởi sự nhạy cảm của người trẻ”. 

Maria, người phụ nữ trẻ của Nadarét

43. Mẹ Maria tỏa sáng ngay tại trung tâm Giáo hội. Đức Mẹ là hình mẫu tối cao cho một Giáo hội trẻ trung tìm cách bước theo Chúa Kitô với lòng nhiệt tình và sự ngoan ngoãn. Khi còn rất trẻ, Đức Mẹ đã chấp nhận sứ điệp của thiên thần, nhưng Đức Mẹ không ngại đặt câu hỏi (x. Lc 1, 34). Với trái tim và linh hồn rộng mở, Đức Mẹ trả lời, “này, tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1:38).

44. "Chúng ta luôn bỡ ngỡ trước sức mạnh của tiếng 'xin vâng' của cô gái trẻ Maria, sức mạnh của những lời 'xin hãylàm cho tôi' mà ngài đã nói với thiên thần đó. Đây không chỉ là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu, hay một tiếng 'xin vâng' yếu xìu như thể muốn nói 'thôi thì hãy thử xem sao'. Đức Mẹ không biết những lời đó, 'hãy thử xem sao'. Ngài đã quyết tâm; ngài biết điều này có nghĩa gì và ngài nói, 'xin vâng', không cần suy nghĩ hai lần. Tiếng xin vâng của ngài là tiếng xin vâng của một người sẵn sàng dấn thân, một người sẵn lòng mạo hiểm, sẵn sàng đánh cuộc mọi thứ ngài có, không có gì chắc chắn hơn là biết rằng ngài là người mang một lời hứa Vì vậy, tôi hỏi mỗi người trong các bạn: bạn có coi mình là người mang một lời hứa hay không? Lời hứa nào hiện diện trong trái tim tôi mà tôi có thể đảm nhận? Sứ mệnh của Mẹ Maria chắc chắn sẽ khó khăn, nhưng các thách thức không phải là lý do để nói 'không'. Tất nhiên sự việc sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như cách lúc sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì sự việc biết trước là không rõ ràng hoặc không chắc chắn. Đức Maria đã không mua bảo hiểm! Ngài đã mạo hiểm, và vì lý do này, ngài mạnh mẽ, ngài là một 'người gây ảnh hưởng', 'người gây ảnh hưởng' của Thiên Chúa. Tiếng 'xin vâng của ngài và mong muốn phục vụ của ngài mạnh mẽ hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào'”. [18]

45. Không chịu trốn tránh hay ảo tưởng, ngài “đã đồng hành với sự đau khổ của Con mình; ngài hỗ trợ Người bằng ánh mắt và bảo vệ Người bằng trái tim. Ngài chia sẻ nỗi khổ của Người, nhưng không bị nó áp đảo. Ngài là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt ra tiếng xin vâng, người hỗ trợ và đồng hành, bảo vệ và ôm ẵm. Ngài là người bảo vệ tuyệt vời niềm hy vọng... Từ ngài, chúng ta học được cách nói ‘xin vâng’ trước sự bền bỉ chịu đựng và tính sáng tạo của những người, không nản lòng, luôn sẵn sàng để bắt đầu lại một lần nữa” [19].

46. Đức Maria là một phụ nữ trẻ có trái tim tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), có đôi mắt, phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn đời bằng đức tin và trân qúi giữ gìn mọi điều trong trái tim trẻ trung của mình (x. Lc 2 : 19,51). Ngài tràn đầy năng lực, sẵn sàng lên đường ngay lập tức một khi biết rằng người chị em họ của mình cần mình. Ngài đã không nghĩ tới các kế hoạch của riêng mình, nhưng đã “vội vã” lên đường, đến vùng đồi núi (Lc 1, 39).

47. Khi con trai nhỏ của ngài cần được bảo vệ, Đức Maria đã lên đường cùng Thánh Giuse đến một vùng đất xa xôi (x. Mt 2: 13-14). Ngài cũng tham gia với các môn đệ khi chờ đợi sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần (xem Cv 1:14). Với sự hiện diện của ngài, một Giáo hội trẻ đã ra đời, khi các tông đồ lên đường hạ sinh một thế giới mới (xem Cv 2: 4-11).

48. Ngày nay, Đức Maria là người Mẹ luôn chăm sóc chúng ta, những đứa con của ngài, trên hành trình xuyên qua cuộc đời, thường mệt mỏi và thiếu thốn, lo lắng để ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Vì đó là mong muốn của chúng ta: rằng ánh sáng của hy vọng không bao giờ bị dập tắt. Đức Maria Mẹ của chúng ta hướng nhìn dân lữ hành này: một dân trẻ trung mà ngài yêu thương và tìm kiếm ngài trong sự im lặng của trái tim họ giữa mọi ồn ào, huyên thuyên và sao lãng của cuộc lữ hành. Dưới ánh mắt của Mẹ chúng ta, chỉ còn chỗ cho sự im lặng của hy vọng. Do đó Đức Maria chiếu sáng tuổi trẻ của chúng ta.

Các thánh trẻ

49. Trái tim Giáo hội cũng đầy những vị thánh trẻ đã hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô, nhiều người trong số các ngài thậm chí đã chết cái chết tử vì đạo. Các ngài là những phản chiếu quý giá của Chúa Kitô trẻ trung; chứng tá rạng rỡ của các ngài khuyến khích chúng ta và đánh thức chúng ta khỏi sự thờ ơ của chúng ta. Thượng hội đồng chỉ ra rằng, “nhiều vị thánh trẻ đã để cho các đặc điểm của tuổi trẻ tỏa sáng trong mọi vẻ đẹp của chúng, và vào thời của các ngài, các ngài đã là những tiên tri thực sự của sự thay đổi. Gương sáng của các ngài cho thấy những gì người trẻ có khả năng thực hiện, khi họ mở lòng ra để gặp gỡ Chúa Kitô” [20]. 

50. “Qua sự thánh thiện của giới trẻ, Giáo hội có thể đổi mới nhiệt tâm thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình. Dầu thơm thánh thiện phát sinh từ cuộc sống tốt đẹp của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành các vết thương của Giáo hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta luôn được mời gọi hướng tới: những vị thánh trẻ gợi hứng để chúng ta trở về với tình yêu đầu tiên của chúng ta (xem Kh 2: 4) [21]. Một số vị thánh không bao giờ tới tuổi trưởng thành, nhưng họ đã cho chúng ta thấy có một cách khác để sống tuổi trẻ của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại ít nhất một vài vị trong số các ngài, mỗi vị theo cách riêng của mình và ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, đã sống cuộc sống thánh thiện:

51. Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Sebastian là một đội trưởng trẻ của Đội cận vệ Praetorian. Người ta nói rằng ngài đã liên tục nói về Chúa Kitô và cố gắng làm các đồng đội của mình trở lại, đến mức ngài được lệnh phải từ bỏ đức tin. Vì từ khước, ngài bị bắn bằng mũi tên, nhưng ngài sống sót và tiếp tục công bố Chúa Kitô một cách không sợ hãi. Cuối cùng, Sebastian bị đánh cho đến chết.

52. Thánh Phanxicô Assisi, khi còn rất trẻ và đầy những giấc mơ vĩ đại, đã nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu trở nên nghèo như Người và xây dựng lại Giáo hội bằng chứng tá của ngài. Ngài vui mừng từ bỏ tất cả những gì mình có và giờ đây là vị thánh của tình huynh đệ phổ quát, anh em của mọi người. Ngài ca ngợi Chúa vì tạo vật của Người. Thánh Phanxicô mất năm 1226.

53. Thánh Gioan Arc sinh năm 1412. Bà là một cô gái nông dân trẻ, mặc dù có những năm tháng dịu dàng, đã chiến đấu để bảo vệ nước Pháp khỏi những kẻ xâm lược. Bị hiểu lầm vì thái độ, hành động và cách sống đức tin của bà, Gioan đã bị thiêu sống.

54. Chân phúc Anrê Phú Yên là một chàng trai trẻ người Việt ở thế kỷ XVII. Ngài là một giáo lý viên và trợ giúp các nhà truyền giáo. Ngài bị cầm tù vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ nó, ngài đã bị giết. Anrê chết khi thốt ra tên Chúa Giêsu.

55. Cũng trong thế kỷ đó, Thánh Kateri Tekakwitha, một người trẻ bản địa Bắc Mỹ, đã bị bức hại vì đức tin của mình và, để trốn thoát, đã đi bộ hơn ba trăm kilômét trong vùng hoang dã. Kateri tận hiến cho Chúa và chết trong khi nói, “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa!”

56. Thánh Đaminh Savio dâng tất cả những đau khổ của mình cho Đức Maria. Khi Thánh Gioan Bosco dạy ngài rằng sự thánh thiện hệ ở việc luôn vui vẻ, ngài đã mở lòng ra đón nhận một niềm vui lây lan. Ngài muốn gần gũi với người trẻ bị bỏ rơi và yếu đuối nhất. Đaminh qua đời năm 1857 lúc mười bốn tuổi, khi chết nói rằng: “Tôi đang trải nghiệm một điều kỳ diệu xiết bao!”

57. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Năm mười lăm tuổi, vượt qua nhiều khó khăn, bà đã thành công gia nhập tu viện Camêlô. Thánh Têrêxa sống theo con đường bé nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Chúa và quyết tâm dùng lời cầu nguyện quạt cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong lòng Giáo hội.

58. Chân phúc Ceferino Namuncurá là một người Á Căn Đình trẻ tuổi, con trai của người đứng đầu một bộ lạc xa xôi của người bản địa. Ngài trở thành một chủng sinh Salêdiêng, tràn đầy ước mong trở về bộ lạc của mình, mang Chúa Kitô đến với họ. Ceferino chết năm 1905.

59. Chân phúc Isidore Bakanja là một giáo dân từ Congo, làm chứng cho đức tin của mình. Ngài đã bị tra tấn rất lâu vì đã đề xuất Kitô giáo cho những người trẻ khác. Tha thứ cho tên đao phủ của mình, Isidore chết năm 1909.

60. Chân phúc Giorgio Frassati, người qua đời năm 1925, “là một chàng trai trẻ tràn đầy niềm vui, lôi cuốn mọi điều theo với nó, một niềm vui thắng vượt cả nhiều khó khăn trong cuộc sống của ngài" [22]. Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp trả tình yêu Chúa Giêsu mà ngài đã nhận được trong việc hiệp lễ bằng cách đến thăm và giúp đỡ người nghèo.

61. Chân phúc Marcel Callo là một chàng trai trẻ người Pháp đã chết năm 1945. Marcel bị giam cầm trong một trại tập trung ở Áo, nơi ngài củng cố các bạn tù của mình trong đức tin giữa lúc lao động khắc nghiệt.

62. Chân phúc trẻ Chiara Badano, người đã chết năm 1990, “đã trải nghiệm nỗi đau có thể biến đổi như thế nào bởi tình yêu... Chìa khóa của sự bình an và niềm vui của bà là niềm tín thác hoàn toàn vào Chúa và sự chấp nhận bệnh tật của bà như một biểu thức mầu nhiệm của ý chí Người vì lợi ích của bà và của những người khác" [23].

63. Xin các vị này và rất nhiều người trẻ khác, những người có lẽ trong im lặng và ẩn dật đã sống Tin Mừng trọn vẹn, cầu bầu cho Giáo hội, để Giáo hội có thể tràn đầy niềm vui, can đảm và những người trẻ dấn thân, những người có thể cung hiến cho thế giới những chứng từ thánh thiện mới mẻ.

CHƯƠNG BA: Các bạn là “lúc bây giờ” của Chúa

64. Sau khi ngắn gọn xem xét lời Chúa, chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới chúng ta. Họ là hiện tại của nó; ngay cả bây giờ, họ đang giúp làm giàu nó. Người trẻ không còn là trẻ con. Họ đang ở thời điểm của cuộc sống lúc họ bắt đầu đảm nhận một số trách nhiệm, tham dự cùng với người lớn vào sự phát triển gia đình, xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Người trẻ ngày nay thực sự là thế nào? Điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ?

Trong các điều tích cực


65. Thượng hội đồng nhìn nhận rằng các thành viên của Giáo hội không phải lúc nào cũng tiếp nhận cách tiếp cận của Chúa Giêsu. Thay vì lắng nghe các người trẻ một cách chăm chú, thì quá thường xuyên, có xu hướng cung cấp các câu trả lời đóng gói sẵn và các giải pháp làm sẵn, mà không cho phép các câu hỏi thực sự của họ được nêu ra và đối đầu với các thách thức mà họ đặt ra. [24] Tuy nhiên, một khi Giáo hội gạt bỏ các định kiến hẹp hòi và lắng nghe giới trẻ một cách cẩn thận, sự đồng cảm (empathy) này làm phong phú thêm cho Giáo hội, vì “nó cho phép người trẻ đóng góp cho cộng đồng, giúp họ đánh giá cao các nhạy cảm mới và xem xét các câu hỏi mới” [25 ].

66. Người lớn chúng ta thường bị cám dỗ muốn liệt kê mọi nan đề và sai sót của người trẻ ngày nay. Có lẽ một số người còn thấy đáng khen khi chúng ta dường như rất có chuyên môn trong việc biện phân các khó khăn và nguy hiểm. Nhưng kết quả của một thái độ như vậy là chi? Khoảng cách lớn hơn, ít gần gũi hơn, ít hỗ trợ lẫn nhau hơn.

67. Bất cứ ai được kêu gọi làm cha, mục tử và người hướng dẫn tuổi trẻ phải có tầm nhìn xa để đánh giá cao ngọn lửa nho nhỏ tiếp tục bùng cháy, cây sậy mỏng manh bị lúc lắc nhưng không bị đập gẫy (xem Is 42:3). Khả năng biện phân được đường đi ở chỗ các người khác chỉ nhìn thấy các bức tường, nhận ra tiềm năng ở chỗ các người khác chỉ nhìn thấy hiểm họa. Đó là cách Thiên Chúa Cha nhìn sự vật; Người biết cách trân trọng và nuôi dưỡng các hạt giống của lòng tốt gieo trong lòng người trẻ. Do đó, cõi lòng mỗi người trẻ nên được coi là “mảnh đất thánh thiêng, mang hạt giống sự sống thần thiêng, mà trước nó, chúng ta phải cởi giày của mình ra mới có thể đến gần và bước vào Mầu Nhiệm sâu hơn.

Nhiều cách để trẻ trung


68. Chúng ta dám cố gắng vẽ ra một bức tranh của người trẻ ngày nay, nhưng trước tiên, tôi muốn nhắc lại lời các nghị phụ; các ngài từng lưu ý rằng “thành phần Thượng Hội Đồng mang lại sự hiện diện và đóng góp của nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và làm nổi bật vẻ đẹp của việc chúng ta là một Giáo hội hoàn vũ. Trong bối cảnh hoàn cầu hóa ngày càng gia tăng, các nghị phụ Thượng Hội Đồng muốn thấy nhiều sự khác biệt về bối cảnh và văn hóa, cả trong các quốc gia cá thể, được nhấn mạnh một cách thích đáng. Các thế giới ‘tuổi trẻ’ ngày nay nhiều đến nỗi ở một số quốc gia, người ta có xu hướng nói đến ‘các người trẻ’ ở số nhiều. Nhóm tuổi (16-29 tuổi) được Thượng hội đồng xem xét không đại diện cho một thể loại đồng nhất, nhưng bao gồm các nhóm khác biệt, mỗi nhóm có trải nghiệm cuộc sống riêng của mình [26].

69. Lại nữa, do quan điểm nhân khẩu học, một số quốc gia có nhiều người trẻ tuổi, trong khi các nước khác có tỷ lệ sinh rất thấp. Một nhân tố dị biệt hóa nữa có tính lịch sử: có các quốc gia và lục địa thuộc truyền thống Kitô giáo cổ xưa, với một nền văn hóa được đánh dấu hết sức sâu đậm bởi một ký ức không dễ dàng bị gạt bỏ, trong khi các quốc gia và lục địa khác được đặc trưng bởi các truyền thống tôn giáo khác, trong đó Kitô giáo chỉ là một hiện diện thiểu số - và đôi khi mới có đây. Lại ở các nơi khác, các cộng đồng Kitô giáo và các người trẻ thuộc các cộng đồng này, đang kinh qua cuộc bách hại [27]. Cũng cần phải phân biệt các người trẻ “được tiếp cận với các cơ hội ngày càng tăng do hoàn cầu hóa mang lại với các người trẻ sống ở rìa xã hội hoặc ở các khu vực nông thôn, và thấy mình bị loại trừ hoặc bị vứt bỏ” [28].

70. Có nhiều sự khác biệt hơn nữa, các khác biệt khó khảo sát ở đây. Dù sao, tôi thấy không cần phải phân tích chi tiết về người trẻ ngày nay, cuộc sống và kinh nghiệm của họ. Đồng thời, vì tôi không muốn bỏ qua thực tại đó, tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn một số đóng góp nhận được trước Thượng hội đồng và các nơi khác tôi đã nghe được trong diễn trình hội họp.

Một số kinh nghiệm của người trẻ

 
71. Tuổi trẻ không phải là một điều để phân tích một cách trừu tượng. Thật vậy, ‘tuổi trẻ’ không hiện hữu: chỉ hiện hữu các người trẻ tuổi, mỗi người với thực tại cuộc sống của chính họ. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng ngày nay, nhiều cuộc đời này phải giáp mặt với đau khổ và thao túng.


Sống trong một thế giới khủng hoảng

72. Các nghị phụ Thượng hội đồng thừa nhận với nỗi buồn rằng nhiều người trẻ ngày nay đang sống trong các vùng chiến tranh và kinh qua bạo lực dưới man vàn hình thức khác nhau: bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, nô lệ và bóc lột tình dục, hiếp dâm thời chiến, v.v. Các người trẻ khác, vì đức tin của họ, đang phải đấu tranh để tìm được chỗ đứng trong xã hội và chịu đựng nhiều loại bách hại, thậm chí bị giết. Nhiều người trẻ, bất kể bằng vũ lực hay vì thiếu các phương thức thay thế, đang sống bằng cách phạm tội ác và các hành vi bạo lực: lính trẻ em, băng đảng tội phạm có vũ trang, buôn bán ma túy, khủng bố, vân vân. Bạo lực này phá hủy nhiều cuộc sống trẻ. Lạm dụng và nghiện ngập, cùng với bạo lực và hành vi sai trái, là một số lý do khiến người trẻ vào tù, với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở một số nhóm sắc tộc và xã hội nhất định [29].

73. Nhiều người trẻ tuổi bị cuốn theo ý thức hệ, được sử dụng và khai thác làm bia đỡ đạn hoặc lực lượng xung kích nhằm tiêu diệt, khủng bố hoặc chế giễu người khác. Tệ hơn nữa, nhiều người trong số họ kết cục thành các người theo chủ nghĩa cá nhân, thù địch và không tin tưởng vào người khác; bằng cách này, họ trở thành một mục tiêu dễ dàng cho các chiến lược tàn bạo và phá hoại của các nhóm chính trị hoặc các thế lực kinh tế.

74. “Lại còn nhiều người hơn nữa trên thế giới là các người trẻ chịu các hình thức bị đẩy ra bên lề và loại trừ về phương diện xã hội, vì các lý do tôn giáo, sắc tộc hoặc kinh tế. Ta hãy nhớ đến hoàn cảnh khó khăn của các thiếu nữ và thiếu phụ mang thai, đại họa phá thai, cũng như sự lây lan của HIV, các hình thức nghiện ngập khác nhau (ma túy, trò chơi may rủi, văn hóa khiêu dâm, v.v.) và tình trạng các trẻ em và thanh thiếu niên đường phố không nhà, không gia đình, không tài nguyên kinh tế” [30]. Trong trường hợp phụ nữ, các tình huống này càng đau đớn và khó khăn gấp đôi.


75. Là một Giáo hội, ước chi chúng ta đừng bao giờ không khóc trước các bi kịch này của tuổi trẻ. Ước chi chúng ta không bao giờ trở nên vô cảm (inured) đối với chúng, vì bất cứ ai không có khả năng rơi nước mắt đều không thể làm mẹ. Chúng ta muốn khóc để xã hội có thể trở thành một người mẹ, để thay vì sát hại, nó có thể học cách sinh con, trở thành một lời hứa ban sự sống. Chúng ta khóc khi nghĩ đến tất cả các người trẻ đã mất mạng vì nghèo đói và bạo lực, và chúng ta yêu cầu xã hội học cách trở thành một người mẹ biết chăm sóc. Không nỗi đau nào này biến mất; nó ở lại với chúng ta, vì thực tại khắc nghiệt không còn có thể được che giấu mãi nữa. Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là tiếp nhận tinh thần thế gian mà giải pháp đơn giản là gây mê cho các người trẻ bằng các thông điệp khác, các tiêu khiển khác, các mưu cầu tầm thường.
 
76. Có lẽ “nhiều người trong chúng ta có một cuộc sống khá thoải mái nên không biết cách khóc. Một số thực tại trong cuộc sống chỉ được nhìn thấy bằng đôi mắt được rửa sạch bằng nước mắt. Tôi muốn mỗi bạn tự hỏi mình câu hỏi này: Tôi có thể khóc không? Tôi có thể khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ đói lả, dùng ma túy hoặc ở đường phố, vô gia cư, bị bỏ rơi, bị ngược đãi hoặc bị bóc lột như một nô lệ của xã hội không? Hay là cái khóc của tôi chỉ là cái khóc rên rỉ vị kỷ của các người khóc vì họ muốn một điều gì khác?”[31]. Các bạn hãy cố gắng học cách khóc cho tất cả người trẻ kém may mắn hơn các bạn. Khóc cũng là một biểu hiệu của lòng thương xót và cảm thương. Nếu nước mắt không đến, các bạn hãy cầu xin Chúa ban cho các bạn ơn có thể khóc cho các đau khổ của người khác. Một khi các bạn có thể khóc, thì các bạn sẽ có thể giúp đỡ người khác từ tận đáy lòng.


77. Đôi khi, nỗi đau của một số bạn trẻ có tính xé lòng, một nỗi đau quá sâu vượt quá lời nói. Họ chỉ có thể nói với Thiên Chúa họ đau khổ đến mức nào, và đi tiếp là điều khó khăn xiết bao đối với họ, vì họ không còn tin vào bất cứ ai nữa. Tuy nhiên, trong lời cầu than thở đau buồn đó, lời lẽ của Chúa Giêsu vang lên rõ rệt: “Phúc thay các người than khóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5: 4). Một số người trẻ nam nữ đã có thể tiến về phía trước vì họ nghe thấy lời hứa thần thiêng này. Ước chi mọi người trẻ nào đang đau khổ cảm thấy sự gần gũi của một cộng đồng Kitô giáo có thể phản ánh các lời nói đó bằng hành động, bằng ôm ấp và giúp đỡ cụ thể của họ.

78. Đúng là các người nắm quyền có cung cấp một số trợ giúp, nhưng thường thì sự trợ giúp này phải trả giá cao. Ở nhiều nước nghèo, viện trợ kinh tế do một số nước giàu hơn hoặc các cơ quan quốc tế cung cấp thường gắn liền với việc phải chấp nhận các quan điểm của phương Tây về tình dục, hôn nhân, sự sống hoặc công bằng xã hội. Chính sách thực dân ý thức hệ này đặc biệt có hại cho người trẻ. Chúng ta cũng thấy một loại quảng cáo nào đó đang dạy cho người trẻ vĩnh viễn không hài lòng và đóng góp vào nền văn hóa vứt bỏ, trong đó chính các người trẻ kết cục bị loại bỏ.

79. Nền văn hóa ngày nay của chúng ta khai thác hình ảnh người trẻ. Vẻ đẹp được liên kết với vẻ trẻ trung bề ngoài, phương pháp điều trị thẩm mỹ che giấu các vết nhăn thời gian. Các thân thể trẻ liên tục được quảng cáo như phương tiện bán sản phẩm. Lý tưởng của cái đẹp là tuổi trẻ, nhưng chúng ta cần hiểu ra rằng điều này có rất ít liên quan đến các người trẻ. Nó chỉ có nghĩa là người lớn muốn cướp tuổi trẻ cho chính họ, chứ họ không tôn trọng, yêu thương và chăm sóc người trẻ.

80. Một số người trẻ “thấy các truyền thống gia đình có tính áp bức và họ chạy trốn chúng dưới sự thúc đẩy của một nền văn hóa hoàn cầu hóa mà đôi khi khiến họ không còn điểm tham chiếu nào. Ở các nơi khác trên thế giới, thậm chí còn hơn cả xung đột thế hệ giữa người trẻ và người trưởng thành, có sự ghẻ lạnh lẫn nhau. Đôi khi người lớn quên, hoặc thậm chí không cố gắng, trao lại các giá trị căn bản của cuộc sống hoặc họ cố gắng bắt chước người trẻ, do đó đảo ngược mối liên hệ giữa các thế hệ. Do đó, mối liên hệ giữa người trẻ và người trưởng thành có nguy cơ nằm lại ở bình diện xúc cảm, khiến các khía cạnh giáo dục và văn hóa của nó không được bàn luận” [32]. Điều này gây hại cho người trẻ, mặc dù một số không lưu ý đến nó! Chính các người trẻ đã nhận xét rằng điều này khiến việc truyền tải đức tin trở nên vô cùng khó khăn như thế nào “tại một số quốc gia không có tự do ngôn luận, nơi người trẻ bị ngăn chặn, không được tham dự Giáo Hội” [33].

Thèm muốn, mếch lòng và hoài mong


81. Người trẻ ý thức được rằng cơ thể và tính dục có một tầm quan trọng thiết yếu đối với cuộc sống của họ và cho diễn trình tăng trưởng bản sắc của họ. Tuy nhiên, trong một thế giới liên tục đề cao tính dục, việc duy trì mối liên hệ lành mạnh với cơ thể một người và một cuộc sống xúc cảm thanh thản là điều không dễ dàng. Vì lý do này và các lý do khác, luân lý tính dục thường có xu hướng trở thành nguồn gốc của “việc không hiểu và xa lánh Giáo hội, bao lâu Giáo hội bị coi như một nơi phán xét và lên án”. Tuy nhiên, người trẻ cũng bày tỏ “mong muốn minh nhiên được thảo luận các câu hỏi liên quan đến sự khác biệt giữa bản sắc nam và nữ, tính tương hỗ giữa nam và nữ và đồng tính luyến ái”[34].

82. Trong thời đại chúng ta, “các tiến bộ trong khoa học và trong các kỹ thuật y sinh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tri nhận về cơ thể, dẫn tới ý tưởng cho rằng nó bỏ ngỏ cho việc sửa đổi không giới hạn. Khả năng can thiệp vào DNA, khả năng chèn các yếu tố nhân tạo vào các sinh vật (cyborg) và việc phát triển của khoa học thần kinh đại diện cho một nguồn tài nguyên lớn lao, nhưng đồng thời chúng cũng đặt ra các câu hỏi nghiêm trọng về nhân học và đạo đức [35]. Chúng có thể khiến chúng ta quên rằng sự sống là một quà phúc và chúng ta là các sinh vật có giới hạn bẩm sinh, thường bị khai thác bởi các người nắm giữ sức mạnh kỹ thuật [36]. Hơn nữa, trong một số giới trẻ, niềm đam mê ngày càng gia tăng đối với hành vi mạo hiểm như một phương tiện để tự khám phá, tìm kiếm các cảm xúc mạnh mẽ và thu hút chú ý... Các thực tại mà tuổi trẻ thường phải giáp mặt này, là các trở ngại đối với sự tăng trưởng thanh thản để trưởng thành” [37].


83. Người trẻ cũng đang kinh qua nhiều đình đốn, thất vọng và các ký ức đau đớn sâu xa. Thường thì họ cảm thấy "các tổn thương của thất bại quá khứ, các ham muốn không được thỏa mãn, các trải nghiệm kỳ thị và bất công, cảm thấy không được yêu thương và không được chấp nhận”. Rồi, có quá nhiều “các vết thương luân lý, gánh nặng của các sai lầm trong quá khứ, cảm giác tội lỗi vì đã phạm sai lầm” [38]. Chúa Giêsu làm cho sự hiện diện của Người được cảm nhận giữa các cây thánh giá được các người trẻ vác; Người ban cho họ tình bạn, sự an ủi và tình đồng hành đầy chữa lành của Người. Giáo hội muốn trở thành công cụ của Người trên nẻo đường dẫn tới chữa lành và bình an nội tâm này.

84. Ở một số người trẻ, chúng ta có thể thấy một niềm khao khát về Thiên Chúa, mặc dù vẫn còn mơ hồ và còn cách xa kiến thức về Thiên Chúa của mặc khải. Ở các người khác, chúng ta có thể thoáng thấy một lý tưởng về tình huynh đệ nhân bản, vốn là điều không nhỏ. Nhiều người có một nguyện ước chân chính muốn phát triển các tài năng của họ để cung ứng một điều gì đó cho thế giới của chúng ta. Ở một số người khác, chúng ta thấy một sự nhạy cảm nghệ thuật đặc biệt, hoặc khao khát được hòa hợp với thiên nhiên. Ở các người khác, có lẽ, một nhu cầu lớn muốn thông đạt. Nơi nhiều người trong số họ, chúng ta gặp một mong ước sâu sắc muốn sống một cuộc sống khác biệt. Trong tất cả các điều này, chúng ta có thể tìm thấy các khởi điểm thực sự, nguồn lực bên trong sẵn sàng đón nhận một lời kích thích, khôn ngoan và khuyến khích.


85. Thượng hội đồng đã xử lý cách riêng ba lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Ở đây, tôi muốn trích dẫn các kết luận của Thượng Hội Đồng, đồng thời nhìn nhận rằng chúng kêu gọi một cuộc phân tích lớn hơn và phát triển khả năng đáp ứng thỏa đáng và hữu hiệu hơn.

Môi trường kỹ thuật số


86. “Thế giới kỹ thuật số là đặc điểm của thế giới đương thời. Nhiều thành phần rộng lớn của nhân loại đắm chìm trong đó một cách bình thường và liên tục. Đây không chỉ là vấn đề ‘sử dụng’ các phương tiện truyền thông, mà là sống trong một nền văn hóa phần lớn được kỹ thuật số hóa, một nền văn hóa ảnh hưởng sâu sắc đến các ý niệm thời gian và không gian, nhận thức bản thân, người khác và thế giới, cách thế truyền thông, học hỏi, tự thông tri và bước vào tương quan với người khác. Cách tiếp cận thực tại có xu hướng dành ưu tiên cho hình ảnh hơn là việc nghe và đọc có tác động đến cách học và phát triển ý thức phê phán” [39].

87. Liên Mạng và các mạng lưới xã hội đã tạo ra một cách truyền đạt và kết nối mới. Chúng là “các quảng trường công cộng nơi người trẻ sống nhiều thì giờ và gặp nhau dễ dàng, cho dù mọi người không được truy cập như nhau, đặc biệt ở một số nơi trên thế giới. Chúng cung cấp một cơ hội phi thường để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi giữa nhiều người và cung cấp sự truy cập thông tin và kiến thức. Ngoài ra, thế giới kỹ thuật số là thế giới để tham gia chính trị xã hội và quyền công dân tích cực và nó có thể tạo điều kiện cho việc lưu hành luồng thông tin độc lập có khả năng bảo vệ hữu hiệu nhất các người dễ bị tổn thương nhất bằng cách tiết lộ giữa thanh thiên bạch nhật các vi phạm quyền lợi của họ. Ở nhiều quốc gia, liên mạng và các mạng xã hội còn đại diện cho một diễn đàn vững vàng để vươn tới và làm cho giới trẻ tham gia, đặc biệt là vào các sáng kiến và hoạt động mục vụ” [40].

88. Tuy nhiên, để hiểu toàn bộ hiện tượng này, chúng ta cần nhận ra rằng, giống như mọi thực tại của con người, nó có một số hạn chế và thiếu sót. Sẽ không có lợi khi nhầm lẫn giữa truyền thông và các tiếp xúc ảo. Thật vậy “Thế giới kỹ thuật số cũng là nơi cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, đến chỗ cực đoan là ‘các mạng đen tối’ (dark web). Phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể dẫn người ta đến chỗ nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần mất giao tiếp với thực tại cụ thể, cản trở việc phát triển các mối liên hệ liên ngã chân thực. Các hình thức bạo lực mới đang lan tràn qua các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn bắt nạt trực tuyến (cyber-byllying). Liên mạng cũng là một máng phân phối văn hóa khiêu dâm và khai thác con người cho các mục đích tình dục hoặc qua cờ bạc” [41].

89. Không nên quên rằng “các quyền lợi kinh tế to lớn cũng đang hoạt động trong thế giới kỹ thuật số, với khả năng thực hành các hình thức kiểm soát vừa tinh vi vừa xâm lấn, tạo ra các cơ chế để thao túng lương tâm và các diễn trình dân chủ. Việc vận hành của nhiều hệ điều hành thường kết thúc bằng việc khuyến khích sự gặp gỡ giữa các người có suy nghĩ như nhau, ngăn chặn họ tranh luận. Các mạch khép kín này tạo điều kiện cho việc phổ biến thông tin sai lệch và tin tức sai lệch, xúi giục định kiến và thù hận. Việc phổ biến các tin tức giả nói lên một nền văn hóa đã đánh mất ý thức về sự thật và bắt các sự kiện lệ thuộc các quyền lợi riêng. Danh tiếng của người ta bị đe dọa bởi các bản tóm lược vụ kiện trên trực tuyến. Giáo hội và các mục tử của Giáo Hội cũng không được miễn trừ hiện tượng này” [42].


90. Một tài liệu được chuẩn bị vào trước ngày Thượng hội đồng bởi ba trăm người trẻ trên toàn thế giới đã chỉ ra rằng “các mối liên hệ trực tuyến có thể trở thành vô nhân đạo”. Các không gian kỹ thuật số làm chúng ta đui mù trước sự dễ bị tổn thương của một con người nhân bản khác và ngăn chúng ta tự phản tỉnh. Các vấn đề như văn hóa khiêu dâm làm méo mó tri nhận của người trẻ về tính dục của con người. Kỹ thuật được sử dụng theo cách này tạo ra một thực tại ảo tưởng song song mà bỏ qua phẩm giá con người. [43] Đối với nhiều người, việc chìm đắm trong thế giới ảo đã tạo điều kiện cho một loại “di cư kỹ thuật số”, liên quan đến việc rút khỏi gia đình của họ và các giá trị văn hóa và tôn giáo của họ, và bước vào một thế giới cô đơn và tự phát minh, với kết quả là họ cảm thấy mất gốc ngay trong khi vẫn còn ở một nơi về phương diện thể lý. Cuộc sống tươi mới và vui vẻ của những người trẻ muốn khẳng định nhân cách của họ ngày nay đang phải đương đầu với một thách thức mới: đó là thách thức tương tác với một thế giới thực và ảo mà họ bước vào một mình, như thể đặt chân lên một lục địa hoàn cầu chưa được khám phá. Giới trẻ ngày nay là các người đầu tiên phải thực hiện việc tổng hợp này giữa điều gì là bản thân, điều gì là khác biệt với nền văn hóa liên hệ của họ và điều gì có tính hoàn cầu. Việc này có nghĩa là họ phải tìm ra cách vượt từ một tiếp xúc ảo qua một truyền thông tốt đẹp và lành mạnh.

Di dân như điển hình thời ta

91. Làm thế nào chúng ta có thể không nghĩ đến tất cả những người trẻ đang bị ảnh hưởng bởi các phong trào di cư? “Xét về bình diện hoàn cầu, di dân là một hiện tượng có tính cơ cấu chứ không phải một trường hợp khẩn cấp có tính tạm thời. Nó có thể xảy ra trong một quốc gia hoặc giữa các quốc gia khác nhau. Mối quan tâm của Giáo hội đặc biệt liên quan tới các người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, bách hại chính trị hoặc tôn giáo, các thiên tai do biến đổi khí hậu và nghèo đói cùng cực. Nhiều người trong số họ là người trẻ. Nói chung, họ đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân và cho gia đình họ. Họ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn và muốn tạo điều kiện để đạt được nó” (44). Di dân “nhắc nhở chúng ta khía cạnh nền tảng của đức tin, tức viêc chúng ta là "khách lạ và khách du trên trái đất" (Dt 11:13) (45).

92. Các di dân khác bị “thu hút bởi nền văn hóa phương Tây, đôi khi nuôi dưỡng các kỳ vọng không thực tế khiến họ thất vọng nặng nề. Các tay buôn người vô lương tâm, thường nối kết với các băng đảng ma túy và vũ khí, khai thác điểm yếu của các di dân, các người, trong suốt hành trình của họ, thường xuyên phải chịu thương tổn vì bạo lực, vì nạn buôn người, vì bị lạm dụng tâm lý và thậm chí cả thể lý nữa, và các đau khổ không kể xiết. Cũng không thể bỏ qua tính dễ bị tổn thương đặc biệt của các di dân không có người đi cùng và tình huống của các người bị buộc phải sống nhiều năm trong các trại tị nạn hoặc đã bị nhốt một thời gian dài tại các quốc gia quá cảnh, mà không thể tiếp tục theo đuổi việc học, hoặc sử dụng tài năng của họ. Ở một số quốc gia tiếp đón, hiện tượng di dân làm phát sinh sợ hãi và báo động, thường được xúi giục và khai thác cho các mục tiêu chính trị. Việc này có thể dẫn đến não trạng bài ngoại, vì người ta tự khép kín vào chính mình và chúng ta phải kiên quyết giải quyết điều này” (46).

93. “Người di dân trẻ cảm nghiệm cảnh cách ly với nơi nguyên quán của họ và thường cả việc mất gốc về văn hóa và tôn giáo. Sự phân mảnh cũng được cảm nhận nơi các cộng đồng họ bỏ lại sau lưng; các cộng đồng này mất đi các thành phần mạnh mẽ và năng nổ nhất của họ, và nơi các gia đình, đặc biệt khi một trong hai cha mẹ di cư, hoặc cả hai, để con cái họ ở lại quê nhà. Giáo hội có vai trò quan trọng làm điểm tham chiếu cho các người trẻ của các gia đình tan vỡ này. Nhưng các câu chuyện về di dân cũng là các câu chuyện về gặp gỡ giữa các con người và nền văn hóa: đối với cộng đồng và các xã hội chủ nhà, họ tượng trưng một cơ hội làm phong phú và phát triển con người toàn diện cho mọi người. Các sáng kiến tiếp đón có liên hệ với Giáo hội có một vai trò quan trọng trong quan điểm này và có thể mang lại sức sống mới để các cộng đồng này có năng lực đảm nhiệm chúng” (47).

94. “Vì các bối cảnh đa dạng của các nghị phụ Thượng hội đồng, cuộc thảo luận về người di cư được hưởng lợi từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, đặc biệt là từ các quốc gia đi và các quốc gia đến. Quan tâm nghiêm trọng cũng đã được phát biểu bởi các Giáo hội mà các thành viên cảm thấy buộc phải trốn thoát khỏi chiến tranh và bách hại và bởi các người khác, những người thấy mình bị đe doạ mạng sống nên buộc phải di dân. Chính sự kiện Giáo hội có thể chấp nhận tất cả các quan điểm đa dạng này cho phép Giáo hội đóng vai trò tiên tri trong xã hội liên quan đến vấn đề di dân”. [48] Một cách đặc biệt, tôi kêu gọi người trẻ đừng rơi vào tay các người nhắm đặt họ chống lại người trẻ khác, những người mới đến đất nước của họ, và là các người khuyến khích họ coi lớp người sau như một mối đe dọa và không sở đắc cùng một phẩm giá bất khả xâm phạm giống như mọi con người nhân bản khác.

Chấm dứt mọi hình thức lạm dụng

95. Gần đây, các lời kêu gọi khẩn cấp đã được đưa ra để chúng ta nghe tiếng khóc của các nạn nhân thuộc các loại lạm dụng khác nhau do một số giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân vi phạm. Các tội lỗi này khiến nạn nhân của họ “đau khổ có thể kéo dài suốt đời và không có sự ăn năn nào có thể chữa lành. Hiện tượng này phổ biến trong xã hội và nó cũng ảnh hưởng đến Giáo hội và đại diện cho một trở ngại nghiêm trọng đối với sứ mệnh của Giáo hội” [49].

96. Đúng là, “đại họa lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là, và trong lịch sử đã là, một hiện tượng phổ biến trong mọi nền văn hóa và xã hội”, đặc biệt là trong các gia đình và trong các định chế khác nhau; phạm vi của nó đã trở nên nổi tiếng chủ yếu “nhờ vào các thay đổi trong công luận”. Dù thế, vấn đề này, trong khi có tính phổ quát và “ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội của chúng ta như một toàn bộ... vẫn không có gì kém ghê gớm hơn khi nó diễn ra trong Giáo hội”. Thật vậy, “trong sự giận dữ chính đáng của người ta, Giáo hội thấy sự phản chiếu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bị phản bội và xúc phạm” [50].

97. “Thượng Hội đồng tái khẳng định cam kết đưa ra đối với việc việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhằm tránh tái diễn [các tội ác này], bắt đầu với việc lựa chọn và đào tạo các người được giao phó các bổn phận có trách nhiệm và giáo dục [51]. Đồng thời, cần nhắc lại quyết tâm áp dụng các “hành động và chế tài rất cần thiết” [52]. Và tất cả các điều này với ơn thánh của Chúa Kitô. Không thể có đường trở lui.

98. Lạm dụng có thể hiện hữu dưới nhiều hình thức: lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục và tài chính. Rõ ràng, phải xóa bỏ các cách thức thực thi thẩm quyền khiến tất cả các điều này có thể diễn ra, và phải thách thức việc thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch đã diễn ra trong rất nhiều trường hợp xử lý. Mong muốn thống trị, thiếu đối thoại và minh bạch, các hình thức sống hai mặt, sự trống rỗng thiêng liêng, cũng như các điểm yếu về tâm lý, là mảnh đất để thối nát phát triển mạnh mẽ [53]. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một cám dỗ liên tục về phía các linh mục, những người coi “thừa tác vụ mà họ đã nhận được như một quyền lực phải thi hành, thay vì một phục vụ tự do và quảng đại phải cung ứng. Nó khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta thuộc về một nhóm người có mọi câu trả lời và không cần phải lắng nghe hoặc có bất cứ điều gì phải học hỏi [54]. Không nghi ngờ gì, chủ nghĩa giáo sĩ trị như vậy có thể làm cho các người thánh hiến mất đi lòng kính trọng đối với giá trị thánh thiêng và bất khả nhượng của mỗi con người và quyền tự do của họ.


99. Cùng với các nghị phụ Thượng hội đồng, tôi muốn cảm ơn, với lòng biết ơn và âu yếm, “những người có can đảm báo cáo sự ác mà họ đã phải kinh qua: họ giúp Giáo hội thừa nhận điều đã xảy ra và cần giải đáp dứt khoát” [55]. Lòng biết ơn đặc biệt cũng phải ngỏ cùng “cam kết quảng đại của vô số giáo dân, linh mục, các người thánh hiến nam nữ, và các giám mục, những người hàng ngày cống hiến hết mình và tận tụy phục vụ giới trẻ. Các nỗ lực của họ giống như một khu rừng lớn đang lặng lẽ phát triển. Nhiều người trẻ có mặt tại Thượng hội đồng cũng bày tỏ lòng biết ơn đến những ai đã đồng hành cùng họ và họ nhấn mạnh nhu cầu lớn cần có những người trưởng thành có thể đóng vai trò làm điểm tham chiếu” [56].

100. Tạ ơn Chúa, những người gây ra các tội ác khủng khiếp này không phải là đa số các linh mục, là những người thi hành thừa tác vụ của họ với lòng trung thành và rộng lượng. Tôi yêu cầu các người trẻ hãy để mình được gợi hứng bởi đại đa số này. Và nếu các bạn thấy một linh mục gặp nguy hiểm, vì ngài đã mất niềm vui trong thừa tác vụ của mình, hoặc tìm kiếm sự đền bù xúc cảm, hoặc đang đi sai đường, hãy nhắc nhở ngài nhớ đến cam kết của mình với Thiên Chúa và dân của Người, nhắc nhở ngài nhớ Tin Mừng và thúc giục ngài giữ vững đường đi của mình. Nhờ cách này, các bạn sẽ đóng góp rất lớn lao vào một điều căn bản: ngăn chặn các hành động gây họa này khỏi bị lặp lại. Đám mây đen này cũng thách thức mọi người trẻ yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội của Người: họ có thể là một nguồn chữa lành lớn lao nếu họ sử dụng khả năng lớn lao của họ để mang lại sự đổi mới, thúc giục và đòi hỏi chứng tá nhất quán, tiếp tục mơ ước và đưa ra các ý tưởng mới mẻ.

101. Đây cũng không phải là tội lỗi duy nhất của các thành viên Giáo hội; lịch sử lâu dài của Giáo hội không phải là không có bóng râm của nó. Tội lỗi của chúng ta hiện ở trước mắt mọi người; chúng xuất hiện quá rõ ràng trên các đường nhăn của khuôn mặt lâu đời của Giáo hội, Mẹ và Thầy của chúng ta. Trong hai ngàn năm, Giáo hội đã tiến bước trên đường lữ hành của mình, chia sẻ các niềm vui và hy vọng, nỗi đau và nỗi thống khổ” [57] của toàn nhân loại. Có thế nào, Giáo hội thực hành cuộc hành trình này như thế, không cần phẫu thuật thẩm mỹ dưới bất cứ hình thức nào. Giáo hội không ngại tiết lộ tội lỗi của các thành viên của mình, điều mà một số người cố gắng che giấu, trước ánh sáng rực rỡ của lời Tin Mừng, giúp tẩy rửa và thanh tẩy. Giáo hội cũng không ngừng đọc mỗi ngày, trong sự hối hận: "Lạy Chúa, xin thương xót con trong lòng nhân từ của Chúa... tội lỗi của con luôn ở trước mặt con” (Tv 51: 3.5). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta không được bỏ rơi Mẹ của chúng ta khi Mẹ bị thương, nhưng hãy đứng bên cạnh Mẹ, để Mẹ có thể thu góp mọi sức mạnh và mọi khả năng của mình để bắt đầu lại.

102. Giữa thảm kịch này, thảm kịch làm chúng ta đau đớn một cách chính đáng, “Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ bỏ rơi Giáo hội của mình, mang đến cho Giáo hội sức mạnh và phương thế để bước lên một nẻo đường mới” [58]. Khoảnh khắc đen tối này, “với sự giúp đỡ quý giá của giới trẻ, thực sự có thể là cơ hội cho một cuộc cải cách tạo thời đại”, [59] mở cửa cho chúng ta tiến vào một Lễ Ngũ Tuần mới và khai mở một giai đoạn thanh tẩy và thay đổi mới có khả năng đổi mới tuổi trẻ của Giáo hội. Người trẻ sẽ càng hữu ích hơn nếu họ cảm thấy hoàn toàn là một phần của “Dân thánh thiện kiên nhẫn và trung thành của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần nâng đỡ và làm cho sinh động”, vì “nó sẽ chính là Dân thánh của Thiên Chúa để giải phóng chúng ta khỏi đại dịch giáo sĩ trị, vốn là mảnh đất màu mỡ cho mọi sự thất sủng này” [60].


Một lối thoát

103. Trong chương này, tôi đã dành giờ để xem xét thực tại của người trẻ trong thế giới ngày nay. Một số khía cạnh khác sẽ được bàn đến trong các chương sau. Như tôi đã nói, tôi không cho là mình thấu đáo trong cuộc phân tích này. Tôi khuyến khích các cộng đồng khảo sát, một cách tôn trọng và nghiêm túc, tình hình của người trẻ của họ, để tìm ra các cách thích đáng nhất để cung cấp cho họ sự chăm sóc mục vụ. Đồng thời, tôi không muốn kết thúc chương này mà không ngỏ vài lời cho mỗi người các bạn.

104. Tôi nhắc các bạn nhớ tin mừng chúng ta đã nhận được như một hồng phúc vào buổi sáng phục sinh: rằng trong mọi tình huống đen tối hoặc đau đớn mà chúng ta đã đề cập, có một lối thoát. Ví dụ, quả thật, thế giới kỹ thuật số có thể khiến các bạn có nguy cơ quá loay hoay với chính mình, cô lập và khoái cảm trống rỗng. Nhưng đừng quên rằng có các người trẻ ngay ở kia vẫn đang biểu lộ óc sáng tạo và thậm chí thiên tài. Đó là trường hợp của người tôi tớ trẻ tuổi của Thiên Chúa là Carlo Acutis.


105. Carlo ý thức rõ rằng toàn bộ bộ máy truyền thông, quảng cáo và kết mạng xã hội có thể được sử dụng để ru ngủ chúng ta, khiến chúng ta ghiền chủ nghĩa tiêu thụ và mua các thứ mới nhất trên thị trường, bị ám ảnh với thời gian rảnh rỗi, bị cuốn vào sự tiêu cực. Tuy nhiên, ngài biết cách sử dụng kỹ thuật truyền thông mới để truyền tải Tin Mừng, để truyền đạt các giá trị và vẻ đẹp.

106. Carlo không rơi vào bẫy. Ngài thấy nhiều người trẻ, vì muốn trở nên khác biệt, thực sự kết cục đã nên giống như mọi người khác, chạy theo bất cứ thứ gì kẻ quyền thế đặt trước mặt họ bằng các cơ chế tiêu dùng và phân tâm. Theo cách này, họ không sản sinh các năng khiếu mà Chúa đã ban cho họ; họ không cống hiến cho thế giới các tài năng bản thân độc đáo mà Chúa đã ban cho mỗi chúng ta. Kết quả, Carlo cho biết, “mọi người đều được sinh ra như một nguyên bản, nhưng nhiều người kết cục đã chết như những bản sao. Đừng để điều đó xảy ra với các bạn!"

107. Các bạn đừng để họ cướp đi hy vọng và niềm vui của các bạn, hoặc chuốc ma túy để các bạn trở thành nô lệ cho lợi ích của họ. Các bạn hãy dám trở thành nhiều hơn, bởi vì việc các bạn là ai quan trọng hơn bất cứ sở hữu nào. Điều gì tốt, sở hữu hay dáng vẻ bề ngoài? Các bạn có thể trở thành điều Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của Các bạn biết các bạn là, chỉ khi nào các bạn nhận ra rằng các bạn được kêu gọi đến một điều lớn hơn. Hãy cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần và tin tưởng nhắm đạt mục tiêu cao cả là sự thánh thiện. Bằng cách này, các bạn sẽ không phải là một bản sao. Các bạn sẽ là chính mình.

108. Muốn điều trên xảy ra, bạn cần nhận ra một sự thật căn bản: trẻ trung không chỉ là theo đuổi các thú vui thoáng qua và các thành tựu hời hợt. Nếu các năm tháng tuổi trẻ của các bạn là để phục vụ mục đích của chúng trong cuộc sống, thì chúng phải là một thời gian cam kết quảng đại, cống hiến hết lòng và hy sinh vốn khó khăn nhưng cuối cùng sẽ sinh hoa trái. Như một nhà thơ vĩ đại đã viết:


“Nếu để lấy lại điều tôi đã lấy lại,
Trước tiên tôi phải mất điều tôi đã mất;
Nếu để đạt được điều tôi đã đạt được,
Tôi đã phải chịu đựng điều tôi chịu đựng;
Nếu được yêu bây giờ
Đầu tiên tôi phải chịu thương tổn,
Tôi xem xét điều tôi đã chịu đựng giỏi,
Tôi xem xét điều tôi đã khóc cũng như đã khóc cho.
Bởi vì cuối cùng tôi đã tiến tới chỗ thấy
Rằng chúng ta không thực sự thưởng ngoạn điều chúng ta đã thưởng ngoạn
Trừ khi chúng ta đã chịu đau vì nó.

Vì cuối cùng tôi đã nhận ra
Rằng các bông hoa nở rộ trên cây
Hút sự sống từ những gì nằm chôn vùi bên dưới" [61].

109. Nếu các bạn vốn trẻ trung lâu nay, nhưng cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi hoặc vỡ mộng, hãy xin Chúa Giêsu đổi mới bạn. Với Người, hy vọng không bao giờ thất bại. Các bạn cũng có thể làm thế nếu các bạn cảm thấy bị choáng ngợp bởi tệ nạn, thói quen xấu, ích kỷ hoặc trò tiêu khiển không lành mạnh. Chúa Giêsu, tràn đầy sức sống, muốn giúp các bạn làm cho tuổi trẻ các bạn trở nên đáng giá. Bằng cách này, các bạn sẽ không tước đi khỏi thế giới sự đóng góp mà chỉ một mình các bạn có thể thực hiện, trong tất cả tính duy nhất và độc đáo của các bạn.

110. Thế nhưng, hãy để tôi cũng nhắc nhở các bạn rằng “khi chúng ta sống xa cách người khác, sẽ rất khó chiến đấu chống tư dục, cạm bẫy và cám dỗ của ma qủy, và tính ích kỷ của thế gian. Bị bắn phá như chúng ta bởi rất nhiều dụ dỗ, chúng ta có thể trở nên quá cô lập, mất cảm thức về thực tại và sự rõ ràng bên trong, và dễ dàng sa ngã” (62). Điều này đặc biệt đúng với các người trẻ, vì bất cứ khi nào các bạn đoàn kết, các bạn có sức mạnh kỳ diệu. Bất cứ khi nào các bạn say mê cuộc sống chung, các bạn có khả năng hy sinh lớn lao cho người khác và cho cộng đồng. Mặt khác, sự cô lập làm suy yếu sức mạnh của chúng ta và phơi bày chúng ta cho các tội ác tồi tệ nhất của thời đại chúng ta.



Còn tiếp
chuyển ngữ Vũ Văn An
nguồn: 
http://www.vietcatholic.net/News/Html/249675.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý cầu nguyện

12

Lịch Phụng vụ

THÁNG 12
1 Chủ Nhật T CN I MÙA VỌNG NĂM C
2 Thứ Hai   Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng
3 Thứ Ba K THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, QUAN THẦY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO
4 Thứ Tư   Thánh Gioan thành Đamát
5 Thứ Năm   Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng
6 Thứ Sáu   Thánh Nicôla, Giám mục
7 Thứ Bảy   Thánh Ambrôxiô, Giám mục
8 Chủ Nhật T CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
9 Thứ Hai T ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
10 Thứ Ba   Đức Maria Lôretô
11 Thứ Tư   Thánh Đamaxô I, Giáo hoàng
12 Thứ Năm   Đức Maria Guadalupe
13 Thứ Sáu N Thánh Luxia, Trinh nữ,
14 Thứ Bảy N Thánh Gioan Thánh Giá
15 Chủ Nhật T CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Hôm nay5,735
  • Tháng hiện tại45,068
  • Tổng lượt truy cập7,309,598

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây