NGƯỜI TRINH NỮ LẮNG NGHE
Đọc Lc 1,26-38
1. Truyền tin
So sánh truyền tin của ông Zacharia và của đức Maria qua 5 thì sau đây: Sứ thần hiện ra (1); Phản ứng của người được báo tin (2); Sứ thần truyền tin (3); Phản bác (4); Dấu chỉ (5).
1. Sứ thần hiện ra cho ông Zacharia và cho người trinh nữ Maria. Trong khi nơi chốn hiện ra với ông Zacharia là ở trong Đền thờ Giêrusalem (cf. Lc 1,11) là nơi thánh thiêng và trung tâm tôn giáo, nơi hiện ra với Đức Maria ở “trong một thành nhỏ miền Galilê gọi là Nazaret” (cf. Lc 1,26), một nơi vô danh không “có cái gì hay” cả (cf. Ga 1,46).
2. Phản ứng của Zacharia khác đức Maria. Ông Zacharia và bà Êlizabet là những người đạo đức, tuân giữ lề luật, đại diện cho thành phần những người thực thi trung thành nhất thánh chỉ của Chúa. Còn Maria là một người nữ tầm thường nhưng được “đầy ơn sủng” (“kekaritoméne”), tức là, người được chọn gọi hoàn toàn không bởi công phúc đáng giá gì của phàm nhân nhưng chỉ bởi ơn Chúa nhưng không.
Những gì sẽ được thực hiện nơi Đức Maria sẽ không là hoa quả của xác thịt và máu huyết.
3. Nội dung sứ điệp Truyền tin cho hai người cũng khác nhau. Với Zacharia, sứ thần báo tin sẽ sinh ra người con vốn được chờ mong. Hoàn tất lời hứa đáp ứng khát khao nhân loại. Còn với Đức Maria, «bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao» (cc. 30-32). Đó là một sáng kiến hoàn toàn bất ngờ, vô tiền khoáng hậu của Thiên Chúa.
4. Phản ứng và phản bác. Phản bác của Zacharia là: «Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?» Ông đòi một bảo đảm, như một bằng chứng cho lời hứa nói với ông. Đòi hỏi đó cho thấy ông yếu tin. Ông không thể tin Chúa có thể làm điều con người không ngờ. Còn với Đức Maria thì sao? Đức Maria không đòi một bảo đảm một dấu chỉ để tin. Hỏi không phải vì nghi ngờ nhưng để được chỉ cho biết, trong sự vâng phục của đức tin, con đường mình phải đi và muốn đi. Mẹ nói lên và xác nhận sự sẵn sàng: «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói» (Lc 1,38).
5. Về Dấu chỉ sinh hạ hai trẻ bé. Một đàng, Gioan «ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần» (Lc 1,15b), và sau này là người dọn đường cho Chúa đến (cf. c.16). Đàng kia, là Đức Giêsu không những «tràn đầy Thánh Thần» (Lc 4,1), mà còn được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32). Nơi Người thực hiện một khởi nguyên mới của thế giới.
2. Đức Trinh Nữ lắng nghe
Hành động “phủ rợp bóng” (episkiázein) của Chúa Thánh Thần trên đức Maria: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà» (Lc 1,35) cũng là động từ trong bản dịch Hi lạp Xh 40,34-35, vinh quang Đức Chúa phủ rợp bóng trên Lều Hội Ngộ. Đức Maria là Nhà nơi Chúa ngự, Lều Hội Ngộ của Giao ước mới, và Đấng đến “cắm lều” nơi Mẹ bởi sáng kiến nhưng không của Đấng Tối Cao cũng là chính sự hiện diện, hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ, của Thiên Chúa.
«Hãy vui lên, hỡi đấng đầy ơn phước» (c.28). Káire, hãy vui lên, trong các bản văn tiên tri như Xp 3,14; Ge 2,21-23; Dr 9,9 loan báo niềm vui thời Mêsia, lời hứa của Chúa được thực hiện. Thiên Chúa đến thưc hiện những mong đợi của dân cách bất ngờ, đảo lộn, kì diệu. Điều xảy ra nơi đức Maria là một khởi đầu mới cho thế giới. Trong khi nơi người cha của Gioan Tẩy Giả việc tuân giữ Luật Torah được nêu cao và cái khát vọng của con người được bày tỏ, thì nơi người thiếu nữ Sion lại ngời sáng lên ân sủng Thiên Chúa tối thượng, sáng kiến tự do và nhưng không của tình yêu vĩnh cửu, và sự vâng phục hoàn toàn chương trình khôn dò của Chúa.
Nét đặc trưng nổi trội của Đức Maria từ bối cảnh truyền tin là đức tin của Mẹ. Một đức tin được diễn tả qua sự ưng thuận với Ân sủng trong tự do, phục tùng và hứa hẹn nhiều hoa quả phong phú. Cuộc đời của Mẹ là cả một hành trình của tự do được tặng ban, một sự kiên trì phó thác cho Thiên Chúa hằng sống, Mẹ ngoan ngoãn để cho Ngài dẫn dắt vâng theo Lời Ngài. Tất cả con người Mẹ là cho Chúa, và bởi Chúa, trong toàn thể mảnh đất của mùa Vọng chuẩn bị cho Vương quốc mà Ngài sẽ thiết lập giữa loài người. Đức Maria là chứng từ cho thấy tin là ưng thuận tình yêu của Thiên Chúa, là để cho Ngài hành động, nắn đúc nên mình. Tin thì ngược với tự quản đời mình, tự lên các kế hoạch và muốn thực hiện chúng chỉ bằng sức lực riêng của mình: tin là đón nhận mọi sự từ trên cao, từ Đấng Khác, chính là Thiên Chúa. Theo nghĩa đó Đức Maria đã cưu mang Ngôi Lời trong trái tim của mình trước khi cưu mang trong bụng dạ. Tính cách vĩ đại của Mẹ nằm ở nơi đức tin của Mẹ, Mẹ chấp nhận đặt niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa nhiệm mầu. Đức Maria thật là Trinh Nữ kẻ đã tin (“Virgo fidelis”), người Phụ nữ của lắng nghe, mảnh đất mong chờ Lời Chúa, cõi lặng thinh trong đó Lời vang lên cho chúng ta. Và chính như thế, Đức Maria là Nữ tử của Sion, vì Mẹ đã thể hiện nơi mình một cách cao nhất linh đạo “shemà” của Do thái, lời kêu gọi hãy “lắng nghe” đồng thời là lời tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất và quyết định đặt mình tùng phục trước Đấng Vĩnh Cửu, thực thi sự tự do của thụ tạo, vốn được tiền định để hướng về Thiên Chúa giao ước, Thiên Chúa, đến phiên Ngài, lại ưu tiên hướng về chúng ta.
Trong tiếng “xin vâng” của niềm tin của Đức Maria, chúng ta có thể đặc biệt nhận ra các thái độ căn bản phải có nơi người tin. Trước hết, đó là giá trị sự trinh khiết. Trinh khiết được hiểu không chỉ theo nghĩa thân xác mà còn theo nghĩa tâm hồn. Đó là sự trong trắng vô tội, tức là thái độ đón nhận sâu xa chính cuộc sống mình là bởi hành động của Thiên Chúa, là một sự khiêm hạ tận căn, hoàn toàn tùng phục trước quyền chúa tể của Đấng Vĩnh Cửu. Kế đến, tiếng “xin vâng” của Đức Maria là mẫu mực cho Hội Thánh vì nó biểu lộ sự nghèo nàn hiểu theo nghĩa ta không có một sự chắc chắn nào cả từ phía con người, không có một bảo đảm gắn liền với khả năng hay quyền lực nào của con người. Câu nói của Đức Trinh Nữ: “tôi không biết đến người nam” không phát xuất từ một thái độ coi thường hay sợ hãi, hoặc thái độ kiêu căng hay tự mãn, nhưng từ sự hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Hội Thánh học với Đức Maria nói “tôi không biết đến người nam” thì hiểu rằng toàn thể con người tôi tín thác nơi Chúa và bởi thế không phải là tôi chối từ con người nhưng chối từ tất cả những gì là kiêu căng tự cho mình là chủ thể duy nhất của định mệnh mình. Tiếng “xin vâng” của Đức Maria đòi hỏi ta phải tỉnh thức để biết nhận định và phê phán mọi hình thức “thế tục” có thể len lỏi vào trong tâm hồn, đặc biệt đối với những ai đã chọn phụng sự Chúa với một con tim không chia sẻ và sống ca tụng Ân sủng như điều tối thượng duy nhất.
Sau cùng, tiếng “xin vâng” của Đức Maria là mẫu mực cho Hội Thánh vì nó biểu lộ một kinh nghiệm sâu xa mà Hội Thánh sống: khi vâng phục Thiên Chúa cũng đồng thời là liên tục hiện diện với Ngài, bằng cách sống phù hợp với thánh ý Chúa vốn luôn bất ngờ và mới mẻ. Học với Đức Maria, Hội Thánh và mỗi ngưới tín hữu trong Hội Thánh học biết yêu mến sự thinh lặng nội tâm, biết lắng nghe từ trong nơi sâu thẳm, ở đó Ngôi Lời “cắm lều” giữa loài người, để thường xuyên vượt qua các tính toán và những mong đợi trần tục. Đức tin luôn phục tùng Thiên Chúa tối thượng ấy không hề giống thái độ vâng phục thuần túy thụ động. Vì với tiếng sẵn sàng xin vâng ấy, Đức Trinh Nữ đã thực sự “cộng tác” với lịch sử làm một khởi đầu mới của thế giới, đồng thời tham dự vào ân sủng được đón nhận trong tự do bởi tiếng “xin vâng” của Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Con của Mẹ, Đức Giêsu Kitô (cf. 1Tm 2,5). Nơi Đức Maria Thiên Chúa không tranh đua với con người, Ngài cũng không thiết lập vinh quang của Ngài trên đống tro tàn của thụ tạo. Sự cộng tác trong vâng phục và tự do của Đức Maria là hình ảnh biểu trưng con người có thể tự do đáp lời trong vâng phục trước Thiên Chúa của mình.
Với Đức Maria, người Trinh Nữ lắng nghe, chúng ta học biết tin, tin tưởng Đấng duy nhất mà ta có thể tin tưởng cách đúng đắn và cần thiết, là Thiên Chúa. Chúng ta chiêm ngắm Mẹ với con tim hầu chúng ta cũng sẽ được sự tự do của Mẹ đã nhận được và đón nhận từ Thiên Chúa.
Nguồn: Tài liệu tĩnh tâm Linh mục Giáo phận Cần Thơ 2022