Xin vâng - Bí quyết của hạnh phúc

Chủ nhật - 15/03/2020 21:47  1956
xin vang

Thời gian trải ra không đều nhau trong cảm xúc con người, khi vui thời gian như ngắn lại, khi buồn thời gian bỗng lê thê vô tận, cho dù tiếng tích tắc của dòng thời gian vũ trụ vẫn đều đặn trôi. Những vui, buồn, giận, hờn, yêu, ghét... từ các biến cố cuộc sống làm nên những cung bậc cảm xúc cho cuộc sống. Những biến cố có khi vẽ lên trong lòng ta một bầu trời của niềm vui, đôi lúc lại hoẵm xuống những tổn thương. Tuy nhiên, ít ai dành thời gian để khám phá cái bí mật ẩn giấu đằng sau các biến cố, để thanh lọc các vết hằn của cảm xúc trong hồi ức, để nghiệm ra những gì xảy ra trong cuộc sống tựa những viên ngọc trai, ngay cả những biến cố có tên “không may mắn”. Cái bí mật đó chỉ có thể được giải mã vỏn vẹn trong hai tiếng đơn giản: “Fiat – Xin Vâng”. Đó là chìa khóa mà Mẹ Maria, Mẹ chúng ta đã để lại cho chúng ta.
Xin vâng - một từ ngữ viết thì ngắn gọn và nghe thì đơn giản, nhưng không phải cứ cất lên là có thể lãnh nhận được kết quả mong muốn. Nó cần sự tác động của ý chí, của tấm lòng đi theo lời nói. Mẹ đã thưa vâng với tất cả ý chí và tâm hồn. Mẹ đã ướp đời mình trong tiếng xin vâng liên lỷ.
Trong khi nhiều người đàn bà Do Thái mơ ước được trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế thì Mẹ lại không nghĩ thế. Có lẽ một mình Mẹ và chỉ một mình Mẹ thôi, quyết làm người trinh nữ cho đến trọn kiếp. Đường đời Mẹ đi đang nở đầy hoa của một nàng trinh nữ. Hương hoa thì vương vương theo gió sớm, sắc hoa thì lung linh với sương mai. Đời đang tuyệt vời như thế cho đến khi Maria kinh ngạc trước lời chào đầy bí ẩn của sứ thần “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Cô”. Đang chưa hiểu gì thì thông điệp sứ thần truyền đạt lại càng gây sốc hơn nữa: “Cô sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Tuy nhiên, Mẹ muốn biết công việc thực hiện thế nào vì tâm hồn Mẹ ưa chuộng hào quang trinh khiết tinh tuyền. Sau khi nhận ra Thánh ý Thiên Chúa qua lời sứ thần “Thánh Thần sẽ xuống trên Cô...” Mẹ im lặng tìm kiếm trong tận đáy lòng một lời đơn sơ nhất, tùng phục nhất, để bày tỏ sự ưng thuận của Người. Và sau cùng Mẹ đã cất tiếng: “Này tôi là Nữ tỳ Chúa, tôi xin vâng” và phép lạ thực hiện “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”.
Đó là tiếng mà Thiên Chúa đã từng chờ đợi ở Mẹ. Người đã đặt tất cả kế hoạch cứu độ của Người tùy thuộc vào sự ưng thuận của Mẹ. May thay đúng như Chúa cũng đã thấy trước, nhưng với sự tự do hoàn toàn, Mẹ đã thưa vâng. Tiếng “Xin vâng” với lòng yêu mến và sự khiêm hạ của Mẹ không những đã hứng lấy tràn trề sự sống mà còn chứa đựng chính Đấng ban sự sống.
Vào lúc Mẹ nói lên tiếng thưa vâng, hẳn Mẹ chưa biết hết mọi hệ quả mà tiếng đó đưa đến cho Mẹ. Diễn tiến sau đó của các biến cố quả vẫn là bí ẩn đối với Mẹ, nhưng Mẹ cứ dấn thân một cách dứt khoát và Mẹ quyết tâm không khi nào rút lui một mảy may ý định khỏi tiếng xin vâng mà trong đó, Mẹ đã một lần đặt để trọn vẹn tâm hồn mình. Tiếng thưa vâng hôm truyền tin được Mẹ sống bằng nhiều tiếng xin vâng cụ thể hơn trong cuộc sống đòi phải hy sinh ghê gớm. Cuộc sống Mẹ càng trôi đi, tiếng xin vâng càng vọng ngân những âm vang đau đớn hơn, tột đỉnh là dưới chân thập giá.
Cuộc đời có nhiều nỗi khổ, một trong những cái phải kể đó là:
“Mong muốn mà không được
Mến yêu nhau mà phải chia lìa
Oán ghét mà vẫn phải gặp gỡ”.
Mẹ đã mang những nỗi đau đó: sau những năm tháng êm đềm sống cận kề Giêsu tại Nazareth, Mẹ đã đón chịu nỗi niềm phân ly khi Con Mẹ ra đi rao giảng. Nỗi đau thẳm sâu hơn khi thấy Con mình trở thành nạn nhân của sự thù ghét và lưỡi gươm đâm thâu lòng Mẹ, khi đứng dưới chân thánh giá chứng kiến cái chết khốc hại của Con mình.
Xin vâng là tiếng mà Mẹ đã thốt lên đáp lại sứ điệp của Thiên Thần Gabriel và Mẹ đã nhiều lần lặp lại trong suốt cuộc sống Mẹ, đặc biệt trong những lúc gặp thử thách. Theo gương Mẹ, chúng ta cũng được mời gọi để xin vâng với Thiên Chúa không phải chỉ một lần mà liên lỉ. Mỗi sớm mai thức dậy cho đến chiều buông ước chi là một chuỗi xin vâng qua từng công việc, từng biến cố. Xin vâng để làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Vậy những biến cố, những đau khổ lớn nhỏ mà Chúa đã chọn lựa hoặc cho phép xảy đến với chúng ta mà chúng ta phải thưa vâng là gì? Không thể liệt kê hết được, vì chúng quá nhiều, chúng đa dạng muôn hình vạn trạng tùy theo địa vị và hoàn cảnh sống của mỗi người:
“Cây cao thì gió càng lay
Càng cao danh vọng càng dày gian truân”.
Có những nỗi đau do tự ta và cũng có những nỗi đau do ngoại cảnh. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Hàng triệu triệu người sống trên mặt đất, chẳng ai giống ai về mọi phương diện. Chúng ta được tiền định sinh trưởng trong xứ sở này, trong thời đại này mà không ở thời đại khác. Những điều kiện không gian và thời gian ấy nhất thiết ảnh hưởng trên chúng ta, nó mang lại cho ta thuận lợi cũng như khó khăn. Do sức mạnh di truyền, chúng ta có một tình trạng sức khỏe, tính tình, trí khôn... khiến chúng ta khác biệt người khác. Sự ưu phiền vò xé cảm giác chúng ta, sự bất thuận vì hiểu lầm len lỏi vào những dây liên lạc mật thiết giữa chúng ta... Người ta làm tổn thương danh dự của chúng ta, xét đoán chúng ta một cách nghiêm khắc do một hiểu lầm hay vì ghen tương... những người thân yêu nhất của chúng ta chết đi... Chúng ta là nạn nhân của những tai ương, của những trận dịch và của những đảo lộn trên thế giới...
Thông thường khi đau khổ chạm tới ta, ta dễ tức giận, chống cự, phản loạn... đó là sự lầm lạc của tâm tình của ta. Đó là thái độ không làm dịu bớt nỗi đau khổ mà chỉ khuấy rộn lên và kéo dài mãi ra. Xưa nay người ta rất sợ cô đơn, cô độc nhưng trong mấy tháng nay, người ta không sợ cô đơn cô độc bằng sợ Côrôna; còn chúng ta khi đã cầu nguyện và suy nghĩ lại, chúng ta cũng bớt sợ Côrôna vì chúng ta đã có Cô Maria khi chúng ta biết đáp lại tiếng xin vâng như Cô. Để được như vậy, ta cần lãnh nhận những thử thách xảy đến với lòng tuân phục với hết lòng thành thật thốt lên tiếng “xin vâng” như Mẹ. Đó chính là bí quyết của hạnh phúc cũng như sự thánh thiện.
Chúng ta xin Mẹ cho chúng ta tâm tình của Mẹ, âm thầm lặng lẽ trong tiếng xin vâng, can đảm đón nhận thương đau để tình yêu Chúa lên ngôi và tỏa sáng.
Ngày 15.3.2020
Sr Maria Trình CMR


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

12

Lịch Phụng vụ

THÁNG 12
1 Chủ Nhật T CN I MÙA VỌNG NĂM C
2 Thứ Hai   Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng
3 Thứ Ba K THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, QUAN THẦY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO
4 Thứ Tư   Thánh Gioan thành Đamát
5 Thứ Năm   Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng
6 Thứ Sáu   Thánh Nicôla, Giám mục
7 Thứ Bảy   Thánh Ambrôxiô, Giám mục
8 Chủ Nhật T CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
9 Thứ Hai T ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
10 Thứ Ba   Đức Maria Lôretô
11 Thứ Tư   Thánh Đamaxô I, Giáo hoàng
12 Thứ Năm   Đức Maria Guadalupe
13 Thứ Sáu N Thánh Luxia, Trinh nữ,
14 Thứ Bảy N Thánh Gioan Thánh Giá
15 Chủ Nhật T CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập49
  • Hôm nay5,735
  • Tháng hiện tại45,230
  • Tổng lượt truy cập7,309,760

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây