
Nhắc đến MÙA TẾT trong thi ca, người ta khó quên Ông đồ của Vũ Đình Liên, một bài thơ dường như "đi cùng năm tháng" với tuổi thơ ta từ thuở cắp sách đến trường. Đọc bài thơ, người người đều có thể bàng bạc cảm nhận tâm tư tiếc nuối của một cụ đồ khi nét chữ của mình không còn được trọng vọng nữa. Tuy nhiên, nếu tỉ mỉ giải mã kí hiệu ngôn từ, bạn đọc sẽ thấy những ý nghĩa thâm sâu hơn rất nhiều của Ông đồ. Tác phẩm không chỉ là sự tiếc nuối nghề viết chữ của một ông đồ già nhưng còn diễn tả bi kịch chuyển đổi lịch sử của xã hội Việt Nam một thời.
Ta thử đọc bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên bằng phương pháp giải mã kí hiệu:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Tấm tắc ngợi khen tài
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Cái nhìn bao quát của bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, cái nhìn tạo ra ý thơ và tứ thơ là cái nhìn HOÀI NIỆM. Xác lập điều này là rất quan trọng, bởi vì từ tư duy nghệ thuật của chủ thể trữ tình trong thơ hay của người kể chuyện – người trần thuật trong văn xuôi, sẽ chọn ra các kí hiệu tạo thành văn bản và qui định cách thức sử dụng phù hợp các kí hiệu nghệ thuật để tạo nghĩa. Cái nhìn hoài niệm ở đây được trải ra trên trục thời gian qua các từ ngữ hoặc kí hiệu chỉ thời gian hay ghi lại sự cảm nhận dấu ấn kỉ niệm thời gian. Vì vậy, ta có thể vẽ sơ đồ nghệ thuật như sau:
HOÀI NIỆM (hình tượng tổng thể) |
Trục thời gian
(quá khứ → hiện tại) |
|
Thực trạng |
Ý nghĩa biểu đạt |
Ý nghĩa được biểu đạt |
Khổ 1 - 2 |
Mỗi năm |
Lại thấy |
Sự hiện diện sung mãn của ông đồ |
Tiếng Nho, xã hội cũ còn thịnh hành |
Khổ 3 - 4 |
(Nhưng) mỗi năm |
Bi kịch chuyển đổi lịch sử
|
Mỗi vắng
|
Tính chất bước ngoặt, sự đứt gãy |
Sự chuyển đổi lịch sử Nho học sang Tây học |
Khổ 5 |
Năm nay |
Không thấy |
Ông đồ mất hút |
Thời kì Nho học chìm vào trong quá khứ |
Ý nghĩa của hình tượng tổng thể: trăn trở với câu hỏi Lịch sử: cần giữ lại những gì của quá khứ, gạt bỏ hay bảo tồn, đa dạng hóa văn hóa hay giản lược văn hóa |
|
|
|
|
|
Bài thơ có năm khổ, mỗi khổ thơ bốn câu, mỗi câu thơ năm chữ. Hình ảnh thơ năm chữ này cũng thực hiện chức năng tạo sự ấn tượng, vừa để tái hiện vừa để ghi lại, vừa minh định một ấn tượng vừa mở ra một suy tư. Hình thức thơ năm chữ dứt khoát, lạnh lùng, rành rọt, mỗi chữ có một sức nặng riêng của nó, có khả năng truyền cảm đặc biệt của nó, có trật tự không thể đảo ngược, diễn tả cái đã qua không trở lại, không thể níu giữ. Sự kiện của bài thơ là ấn tượng về ông đồ già bán chữ chúc phúc lúc năm hết tết với những nét văn hóa rất Việt Nam: Đó là hoa đào nở vào dịp tết đến xuân về, lúc cái nghèo được phô ra, cái giàu cũng có dịp thả sức khoe mình, nhưng giữa cái nghèo và cái giàu đều có chung niềm chia sẻ và khi không còn diễn ra sự chia sẻ đùm bọc thì tất yếu bi kịch nhân sinh xảy ra. Cái bi kịch đó chính là bi kịch mang tính lịch sử của một thời mà tác giả - nhà thơ Vũ Đình Liên là một chứng nhân.
Khổ thơ đầu mang tới một thông báo, liên quan tới sự kiện tạo ra cảm xúc cho nhà thơ, liên quan tới ấn tượng tạo ra tứ thơ cho bài thơ: sự kiện về một ông đồ bán chữ treo tết. Câu “Mỗi năm hoa đào nở” biểu thị tính thời gian rất độc đáo: vừa là thời gian bằng năm tháng lịch biểu (Mỗi năm) vừa là thời gian của cây cỏ chỉ thị mùa (hoa đào – nở). Từ “mỗi” đi liền với từ “năm” cho thấy tính chất lặp lại, tính chất chu kì, nhưng bản thân từ “mỗi” còn tạo ra giá trị đồng qui, mang tính chất đồng qui, tạo điểm nhấn để sự “nở” của hoa đào xuất hiện. Từ “năm” là đơn vị đo thời gian, là một đại lượng thời gian mang tính chất chu kì, tuần hoàn. Nếu dùng chữ “hàng” (hàng năm) thì nghĩa của từ dù không thay đổi nhưng tính chất đồng qui không còn, vì từ “hàng” với thanh huyền của nó tạo ra sự dàn trải tán xạ mênh mông, chứ không mang tính qui tụ về một điểm.
“Hoa đào” là loại hoa đặc biệt, chỉ nở vào thời điểm đặc biệt, thời điểm chuyển mùa cuối đông - đầu xuân và cũng chỉ nở duy nhất một lần trong năm, cho thấy tính chất đặc thù của thời gian. Ở đây, gắn với một sự kiện đặc biệt, một thời gian đặc biệt để tạo thành kiểu thời gian hoài niệm, thời gian của kí ức. Việc chọn “hoa đào” cũng rất đặc biệt bởi lẽ hoa đào mang trong nó một giá trị văn hóa Việt: hoa của mùa xuân, hoa của xuân về tết đến, hoa của sự sang trang chuyển mình, nhưng là loài hoa hữu sắc vô hương.
Câu thứ hai mở đầu bằng từ “Lại” có giá trị tạo khắc tính chu kì, tính lặp lại, để khẳng định một hành động, một sự quan sát, hay đúng hơn là một cái nhìn của nhiếp ảnh gia: “Lại thấy” nhấn mạnh tính ấn tượng của kỉ niệm đã được khắc sâu vào trí nhớ và bức chân dung được tạo ra là một “ông đồ già”. Chữ “lại” chỉ sự gặp gỡ của kí ức, của kỉ niệm, của một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong năm, không lặp lại trong cùng một năm, chỉ ra tính chất tạm thời, mỏng manh, tính không bền vững. Cụm từ “ông đồ già” mang trong nó khả năng giới thiệu hay tái hiện nhân vật từ nhiều góc độ: tuổi tác (già), giới tính (ông), nghề nghiệp (ông đồ) và theo đó là địa vị xã hội (địa vị ông đồ trong xã hội) trong một hoàn cảnh mới được gợi ra bằng động từ mở đầu câu thứ ba: “bày”. Khi liên tưởng “bày” (trong: bày hàng hóa, trưng các đồ vật ra, phô ra) với “ông đồ” ta sẽ thấy tính bi kịch của hoàn cảnh xảy ra ở đây là mực tàu – giấy đỏ: những thứ thiêng liêng gắn với thời kì văn hóa chữ Hán, thời kì mà vị trí của ông đồ đang được coi trọng, trong một thế giới nếu chưa hẳn hoàn toàn xô bồ thì cũng đã khác nhiều: “Bên phố đông người qua”. “Mực tàu” và “giấy đỏ” gắn với hình thức cho chữ, xin chữ, thỉnh chữ rất thiêng liêng trong văn hóa thư pháp mà cái thiêng liêng đó là cái không thể mua bán. Người ta chỉ cho chữ, chỉ tặng chữ chứ không bán chữ, nhưng ở đây chữ đã trở thành yếu tố hàng hóa, và từ đó tính bi kịch của thời kì chuyển đổi lịch sử xuất hiện. Cho chữ, tặng chữ còn là thú chơi tao nhã của các bậc quân tử, là thể hiện tính chất tâm tình giữa những người có tâm cảm, thiên lương trong sáng như trong “Chữ người tử từ” của Nguyễn Tuân.
Tính chất hàng hóa của mực tàu – giấy đỏ còn được thể hiện khá rõ ở câu mở đầu khổ thứ hai: “bao nhiêu người thuê viết”, số lượng người đương nhiên không cụ thể nhưng phần nào mang tính chất xác định bởi cấu trúc ngữ pháp của câu thơ: “bao nhiêu…thì…bấy nhiêu”. Tại sao công thức cấu trúc này mang tính khẳng định, bởi vì cái “bao nhiêu” đó đều qui tụ lại ở sự đồng nhất ý kiến hay thống nhất về cách đánh giá: “tấm tắc ngợi khen tài” – một sự đánh giá được nhân lên tầng tầng lớp lớp: “tấm tắc” “ngợi” (trong ca ngợi) “khen” (trong khen ngợi), gắn với những yếu tố đảm bảo cho sự đánh giá cao và tập trung đó là “hoa tay” (khẳng định năng khiếu, tài năng đặc biệt), “thảo”, “những nét” – “như phượng múa rồng bay” tức là đạt tới mức tinh túy, kết tinh thành cái đẹp cổ điển qua tính ước lệ của hình tượng rồng – phượng, nghĩa là các chữ viết trên tờ giấy đỏ bằng mực tàu ấy đều tạo ra những giá trị làm thỏa mãn thị hiếu của “bao nhiêu người”, khiến họ thỏa mãn vì cái mà ông đồ già tạo ra đáp ứng thị hiếu công chúng tiêu dùng. Vì thế, tất cả đều “tấm tắc ngợi khen tài”. Một từ cần được lưu ý ở đây đó là “thảo”. “Thảo” là một cách viết, là lối viết nhanh nhưng là cách viết đến mức điêu luyện, là tuyệt bút, và với lối viết “thảo” đã tạo ra sự tinh tế, tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn đặc biệt, tạo ra linh hồn của con chữ, tạo ra cái “tài”, cái “hoa tay” của người cầm bút, mà đây là một đặc điểm không thể thiếu được của nghệ thuật thư pháp: chỉ cần lướt bút mà tạo ra sức sống cho con chữ, tạo ra uy lực của chữ, tạo ra hồn của chữ, và những nhà thư pháp khi đạt được trình độ điêu luyện tinh tế như vậy thì được coi là người có thần bút. Ông đồ hiện ra ở đây cũng có thể coi là người đạt trình độ như vậy. Tất cả những lời đánh giá “tấm tắc ngợi khen tài” cũng như những nét “phượng múa rồng bay” đó không làm giảm bớt tính bi kịch của câu chuyện. Tính bi kịch này nằm ở cụm từ “thuê – viết”. Ông đồ trở thành người bán chữ, không còn là người sáng tạo tinh thần mà trở thành người sản xuất vật chất. Ông đồ không còn là người dạy chữ thánh hiền hay cho chữ, tặng chữ thiền nữa mà phải bán chữ dưới hình thức viết thuê, làm thuê để được trả tiền, cái tài viết chữ “phượng múa rồng bay” trở thành phương thức kiếm sống của ông đồ già, cũng là của một thế hệ nho sĩ một thời, thời kì chuyển từ Nho học sang Tây học.
Tính bi kịch được gia tăng ở khổ ba, bằng từ “nhưng” – từ tạo ra bước ngoặt hay sự đứt gãy vô phương cứu chữa bởi sự nhấn mạnh bằng hình thức so sánh tiếp đó: “Mỗi năm mỗi vắng” qua công thức so sánh tăng cấp “mỗi – mỗi”. Sự so sánh đó còn được giải thích bằng một câu hỏi, nhấn mạnh tính chất bi kịch đã lộ ra ở khổ trên: “Người thuê viết nay đâu?”. Tính chất làm thuê của ông đồ là không thể chối cãi, nhưng làm thuê cho ai thì cũng không xác định. Ai cũng có thể thuê ông, bởi lẽ cái ông có, cái “tài”, “thảo” những nét “phượng múa rồng bay” ấy không còn là thị hiếu của thời đại nữa, không còn là nhu cầu của thời đại nữa. Tới lúc đó ông đồ không còn ai thuê viết nữa, ông cũng không còn làm thuê cho ai nữa, ông bị loại ra ngoài dòng chảy của cuộc sống. Cái chữ của ông đồ già, sự học của chữ Nho mất giá, tới mức “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu…”. Giấy nhạt mực khô. Ở đây, có cách chơi chữ khá đắt: đỏ và thắm lại, càng đỏ thì càng thắm, đỏ và thắm phải quyện vào nhau thì mới tạo ra sinh khí cho con chữ, nhưng giờ đây “giấy đỏ” ấy được nhân hóa trong trạng thái tình cảm “buồn” dẫn tới màu đỏ phai đi, tờ giấy đỏ không còn thắm nữa, tính chất “buồn” của tờ “giấy đỏ” được cộng hưởng thêm bởi nỗi “sầu” của nghiên mực. Nếu “buồn” là trạng thái tình cảm bộc lộ ra bên ngoài thì “sầu” là nỗi đau lặn vào bên trong, nỗi buồn của nhận thức suy tư, của sự cảm nhận cái mất mát trong chiều sâu tâm khảm, là nỗi đau nhân tình thế thái. Cả “giấy” và “nghiên” đều được nhân hóa, đều mang nỗi buồn nhân sinh chuyển đổi của xã hội cũ xưa, cái tài đã từng “vang bóng một thời” nay không còn chỗ đứng trong dòng chảy của cuộc đời.
Câu mở đầu của khổ thứ tư cho thấy sự hiện diện của ông đồ: “Ông đồ vẫn ngồi đấy” với cách nhấn mạnh bằng hình thức lặp lại “vẫn”, theo công thức “A vẫn là A”, nổi tiếng với truyện ngụ ngôn “Mèo vẫn hoàn mèo” tràn đầy mỉa mai, miệt thị. Nhưng đây là sự hiện diện vô hồn, là sự hiện diện của cái thừa trong dòng chảy lịch sử, bởi nhân vật bị qui định bởi công thức “A vẫn là A”. Thừa, bởi không ai cần đến ông nữa, bởi ông cũng chẳng còn cần cho ai, ông chẳng biết nhập vào đâu, chẳng biết hướng về ai. Khi rơi vào trạng thái ấy, con người trở thành con người thừa, trở thành con người vô duyên và hết sức cô đơn. Điều này được khẳng định một cách phũ phàng: “qua đường không ai hay”. Vẫn có người đi qua đấy, vẫn còn diễn ra cảnh “bên phố đông người qua” đấy, nhưng giờ thì chẳng ai quan tâm tới ông nữa. Tất cả chỉ còn lại là những khách qua đường, cái bi đát khiến ta nhớ lại “khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu”. Ở đây, xuất hiện một cách chơi chữ khá đắt: “Lá vàng rơi trên giấy” cho thấy giấy bây giờ không còn màu nữa, cho dù qua từ “vàng” ta thấy có sự so sánh ngầm, cho thấy đâu đó màu của giấy vẫn là màu đỏ, nhưng “vàng” thì có mà “đỏ” thì không, cũng giống như lá cây màu xanh bây giờ đã hóa thành lá vàng rụng xuống, tạo thành dấu hiệu báo trước cái chết. Lá vàng rơi trong cảnh “Ngoài trời mưa bụi bay”. Mưa bụi là hình thức của mưa xuân, nhưng mưa xuân đã cuối mùa, vì mưa xuân này chỉ để cho cây trút lá, cho những lá vàng rơi, cho sự đổi thay không thể đảo ngược của dòng chảy lịch sử, cho nỗi buồn càng trở nên bất tận, không ai sẻ chia với ông già trong khoảng trời trống vắng. “Ông đồ vẫn ngồi đó” trở thành pho tượng chết, pho tượng đánh dấu một mốc thời gian nghiệt ngã, đánh dấu sự chuyển động của nhân tình thế thái, của sự vô tình của lịch sử, cái lịch sử đã cuốn phăng theo nó những giá trị văn hóa của quá khứ.
Sự hoài niệm kéo chủ thể trữ tình trở về với thời khắc hiện tại bằng một sự khẳng định: “Năm nay đào lại nở”. Cái hiện tại hiện ra sau sự hoài niệm. Chữ “lại” của khổ đầu tiên tái hiện ở khổ kết thúc bài thơ như một cách nhấn nhịp, kèm theo đó là hình thức vận động theo chu kì vĩnh hằng của cây có: “đào – (lại) – nở”, như một sự so sánh. Ở đây xuất hiện hình thức nghệ thuật song đối quen thuộc của nghệ thuật thời xưa: cảnh cũ – người xưa. Cảnh cũ vẫn dường như nguyên vẹn, không thay đổi, hay chính xác hơn là vẫn vận động theo chu kì (đào nở - đào lại nở) còn người xưa thì không còn: “không thấy ông đồ xưa”. “Không thấy” đã cho thấy một sự đau xót, nhưng biến “ông đồ già” thành “ông đồ xưa” thì quả thật hết sức nghiệt ngã. Cái hiện tại, hay cái vừa mới đâu đó thôi đã bị đẩy vào một quá khứ tuyệt đối, người “xưa” đã trở thành người “cũ” trong cái bát ngát mênh mông của thời gian, của chiều dài lịch sử dưới hình thức khẳng định: “muôn năm”. Câu hỏi được đưa ra nhấn mạnh hơn tính chất không hề giảm bớt của sự nghiệt ngã: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. Sự hiện diện của ông đồ biến mất hay chìm hẳn vào chiều sâu của quá khứ qua sự tịnh tiến của thời gian, qua các tính từ chỉ sự biến đổi không cưỡng được của con người trong thời gian: già – xưa – cũ, một ông đồ già hóa thân vào trong lớp lớp “những người muôn năm cũ” – như một bề dày lịch sử nhưng là lịch sử của sự lãng quên, những người đã vĩnh viễn trở thành quá khứ (bởi gắn với “muôn năm”). Thân xác họ chẳng còn mà cái tinh túy của con người, cái phần “hồn” của những con người ấy cũng chẳng biết tồn tại hay vất vưởng lang thang phiêu dạt nơi chân trời góc bể nào. Dấu chấm hỏi hiện ra cuối bài thơ như nỗi u hoài trăn trở, như sự thảng thốt băn khoăn, như nỗi đau hoài niệm: “Hồn ở đâu bây giờ?”.
Câu chuyện ông đồ già là câu chuyện mang tính nhân sinh gắn với câu hỏi lịch sử: cần giữ lại những gì của quá khứ, gạt bỏ hay bảo tồn, đa dạng hóa văn hóa hay giản lược văn hóa. Và đây chính là thông điệp mà Vũ Đình Liên, một trong bốn kì nhân đã chuyển dịch hết sức thành công và tài hoa “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, gửi gắm lại trong thông điệp này, thông qua nỗi buồn về nhân tình thế thái của các chứng nhân – những người đã trải mình qua những biến động thăng trầm của lịch sử.
Gió Biển, CMR