Dưới Bóng Hoàng Lan

Thứ ba - 07/01/2020 22:10  8160

VẺ TRONG TRẺO CỦA TRUYỆN NGẮN DƯỚI BÓNG HOÀNG LAN
CỦA THẠCH LAM

 

https://www.sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-thach-lam/duoi-bong-hoang-lan/21

Thạch Lam là một cây bút lớn của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại trước 1945. Sự nghiệp văn chương của ông để lại nhiều tác phẩm làm ngẩn ngơ người đọc bởi vẻ trong trẻo của nó; trong đó phải kể đến Dưới bóng hoàng lan. Tác phẩm là truyện ngắn không có cốt truyện, kể về Thanh - một chàng thanh niên nông thôn trong lần từ thành phố trở về quê thăm người bà nay đã già. Thanh mồ côi cha mẹ, tuổi thơ "một bà một cháu" quấn quýt bên nhau. Cậu từ tỉnh ra thành phố mưu sinh rồi trở về hàng năm và lần trở về này đã cách kì về trước hai năm.
 Ta thử vén bức màn ngôn từ để nhìn ngắm sự trong trẻo của các nhân vật: Thanh, Nga và bà nội.
  1. Vẻ đẹp ngoại hình
Ta hiểu khái niệm ngoại hình bao gồm hình dáng thân thể và trang phục của nhân vật. Vẻ bề ngoài các nhân vật của Thạch Lam không hiện lên trong vẻ trau truốt của ngòi bút như kiểu Nguyễn Du miêu tả nhan sắc chị em Thúy Kiều: Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (Thúy Vân), Hoa ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh (Thúy Kiều). Ba nhân vật chính xuất hiện trong "Dưới bóng hoàng lan" đều thật bình dị. Ngoại hình của Thanh và người bà được người đọc nhìn thấy khi hai người đi trong vườn với hình thể có nét trái ngược nhau: "Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng". Đó phải chăng là sự trái ngược của của tuổi đời trong qui luật thời gian, của già và trẻ, của một sức sống đang vươn lên (qua lời Nga: "anh Thanh chóng nhớn quá") và một cuộc đời đang nhường chỗ cho sức sống ấy. Bà cụ hiện lên thật gần gũi dễ mến với thói quen nhai trầu, "đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng". Bà phải "chống gậy trúc" nên có lẽ lưng đã còng và sức chịu đựng chẳng còn khỏe khoắn để chống đỡ gió sương. Bên cạnh người bà yếu ấy hôm nay, không chỉ có Thanh – biểu tượng của cái đẹp mạnh mẽ mà còn có cả cô Nga dễ thương "trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ". Gần bên màu biếc của lá rau tươi xanh ngắt, Thanh thấy bàn tay cô trắng hồng nhỏ nhắn. Trong mắt Thanh, nàng là "cô thiếu nữ xinh xắn". Thanh thấy mái tóc Nga "thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan" lúc đi cạnh nhau trong vườn. Vẻ đẹp ấy mang tươi mát cho người xung quanh
Khi tìm hiểu ngoại hình nhân vật, không nên quan tâm tới việc tác giả miêu tả có chân thực hay không chân thực, mà nên quan tâm tới ẩn ý của việc miêu tả. Việc miêu tả ngoại hình tiết lộ trạng thái sinh lí của nhân vật. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở mang”, Thúy Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Giải mã các tín hiệu trong hai câu thơ, ta nhận ra các nhân vật đều có đời sống sinh lí mạnh mẽ, nhất là Thúy Kiều. Thử làm một thao tác giải mã như thế đối với đặc điểm cơ thể của hai bạn trẻ trong Dưới bóng hoàng lan xem thế nào? Cô Nga với làn da "trắng hồng", đôi môi thắm, hai má cũng ửng hồng và "mái tóc dài đen nhánh". Đó phải là một cơ thể đang trong quá trình phát triển thì mái tóc mới "thoang thoảng mùi thơm" cho Thanh cảm nhận. Đó phải là một thiếu nữ mới lớn - một giai đoạn đẹp nhất đời người với vẻ trinh nguyên, trong ngần, thanh khiết ẩn ý trong "tà áo trắng" cô mặc trên mình. Vẻ đẹp của nàng có nét gì hao hao Thúy Kiểu nhưng có lẽ mỏng manh, nhẹ nhàng hơn Thúy Kiều. Nếu như ở Thúy Kiều, người đọc cảm nhận một đời sống sinh lí mạnh mẽ thì ở đây, người đọc cảm nhận sinh lí cô Nga lành mạnh và đang diễn ra những rung động đầu đời, đang triển nở vươn tới sự hoàn mĩ.
Thật vậy, cả Thanh và Nga đều hiện lên với vẻ trẻ trung song nét trẻ trung của Nga đại diện cho cái đẹp thanh khiết, còn Thanh đại diện cho sự mạnh mẽ pha chút dày dạn gió sương, thoảng chút gì đó là cái khả năng làm trụ cột của gia đình. Ngoại hình trẻ trung của Thanh và Nga đã khiến bầu khí ngôi nhà vốn mang vẻ u ám trở nên sống động hơn.

 
  1. Vẻ đẹp tâm hồn biểu thị qua hành động  
Hành động của nhân vật trong "Dưới bóng hoàng lan" là cả một khoảng trời cảm xúc cho bạn đọc suy gẫm và cảm nhận. Những hành động của người bà diễn tả tấm lòng chân chất, bà "sửa chiếu và xếp lại gối","phẩy chiếc phất trần lên đầu giường", bà "buông màn cho Thanh ngủ khỏi muỗi", rồi bà xuống bếp làm cơm,... Tất cả những việc ấy bà làm không vội vã, nó đều đều như hơi thở của bà chậm rãi nhưng không thất thời, nó mang tính chất của một quán tính – quán tính của lòng tốt. Nó có sức lay động lòng người khiến chàng thanh niên sụt sùi cảm động thấy mình trở nên "bé quá" khi ở gần bà.
Hành động của Thanh và Nga lại cho thấy sự ý tứ vô cùng tinh tế. Thật vậy, nếu bạn đọc chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài của hành động thì chẳng cảm nhận được gì ngoài sự nhạt nhẽo, tầm thường. Cần thiết phải tiếp cận những hành động ấy như cảm nhận những dấu lặng trong một bản nhạc, nó chất chứa biết bao thi vị ở lớp ý nghĩa tiềm ẩn. Khi Thanh xa nhà, "hằng ngày Nga chạy sang chơi giúp đỡ bà cụ giã cối trầu và nói chuyện đến người đi vắng ở trên tỉnh đã lâu không về thăm nhà". Nói chuyện đến người vắng mặt ở ngôi thứ, đó phải chăng là nỗi nhớ, một sự nhớ nhung chưa đủ cồn cào nhưng đủ đầy con tim để người con gái cảm thấy có nhu cầu phải bộc bạch, phải nhắc đến cái tên hay chút kỉ niệm. Hành động hai bạn trẻ nhìn nhau trong bữa ăn cũng thật đắt giá. Cái nhìn của Thanh va phải đôi môi thắm của nàng, cho chàng cảm nhận đôi môi ấy chất chứa bao nhiêu âu yếm. Nga thì "e thẹn vén áo ngồi bên cạnh bà cụ, chỉ ăn nhỏ nhẻ, cầm chừng, và buông đũa luôn để xới cơm cho Thanh". Cả hai đều như rơi vào tình trạng "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Những hành động e ấp, lúng túng, "làm khách" quả thật là tính cách sở hữu của những đôi trai gái mới lớn miền quê. Cử chỉ, hành động của hai người khi ra vườn hái hoa hoàng lan mới thật nên thơ, giống như Adam và Eva trong vườn địa đàng trước khi "phạm tội". Thính giác của Thanh nhạy bén có thể "ngửi thấy mùi hương trên tóc" Nga, chàng vin cành hoàng lan xuống cho Nga chọn hái chùm hoa đẹp nhất. Nàng khẽ "vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên" và Thanh thấy quả tim mình "đập nhẹ nhàng". Những hành động giản đơn nhưng có sức đi thẳng vào lòng người đọc bởi nó phát ra âm thanh từ tiếng đập của những con tim thanh xuân, nó khiến đất trời cũng ngẩn ngơ chốc lát, "nắng như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ".
  1. Chân thành, ý tứ trong lời nói
Người đọc nhận thấy một thứ ngôn ngữ mộc mạc, thân thiện đặc trưng ở bà cụ qua tiếng giục giã "Ði vào trong nhà không nắng cháu", "Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt". Bà bảo Nga lúc cô cầm chùm hoa ngoài vườn về: "Hoa hãy còn non lắm, sao hái sớm thế, con?" Giọng bà cứ đều đều nhỏ nhẹ như chảy vào lòng người chất gì đó ấm áp của tình người. Lối nói của cô Nga lại thật dễ mến, khi Thanh hỏi những ngày anh vắng nhà cô có nhặt hoa không, cô nhí nhảnh: "Vẫn nhặt đấy. Nhưng không có ai tranh nữa", cái nhí nhảnh của một cô gái mới lớn nhà quê, vui tươi nhưng cũng vô cùng thật thà: "Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá". Có lẽ cô chưa đủ lớn để hiểu cái gập ghềnh của tình yêu để mà phải sợ, nên từ trái tim đến môi miệng cô còn là con đường gần, ngôn ngữ dễ dàng chảy tuột ra. Ở những chỗ khác lời nói cô có vẻ thẹn thùng nhưng ở đây dường như vô thức đã đầy nỗi nhớ, nó trực trào ra và lúc này dường như ý thức có chút lơ đễnh. Thanh lại sử dụng ngôn ngữ thinh lặng trong những lúc quan trọng. Khi Nga nói nhớ thì Thanh lại "chẳng biết nói gì; chàng vin một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa". Im lặng ở đây là lảng tránh tình cảm hay sự bối rối trước một tình cảm? Nó tìm được câu trả lời lúc hai người chia tay ngoài cổng, "Thanh cầm lấy tay Nga". Lại một lần nữa không nói gì, Thanh chỉ để yên tay Nga trong tay mình. Đó phải chăng là hành động tỏ tình không lời? Thanh đã dùng ngôn ngữ thinh lặng để bộc bạch tình cảm? Quả thật, đã "có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải". Văn Thạch lam vì thế mà bạn đọc cảm thấy rất nhẹ nhàng, giàu chất thơ, sâu sắc, thâm trầm.
 
  1. Phông nền quê tươi mát
Căn nhà của hai bà cháu với khu vườn là cả một khoảnh trời bình yên khiến Thanh vừa "bước qua cánh cổng" đã thấy mát hẳn cả người. "Cánh cổng" hay "bậc cửa" vừa như vật hữu hình vừa như một ranh giới vô hình ngăn cách không gian "bên ngoài trời nắng gắt" với "bao nhiêu sự ồn ào" và không gian bên trong với "con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhẩy múa theo chiều gió", lại thêm "mùi lá tươi non phảng phất trong không khí" và "bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà". Không gian thành thị và không gian nông thôn đã "hiện hình" rõ nét qua những nét phác của Thạch Lam nhu thế. Không gian bên trong cánh đổng đã mở rộng đón chào Thanh trở về, trả lại sự ồn ào nóng cháy cho thành thị vốn thuộc về nó. Không một tiếng động nhỏ trong căn vườn với giàn thiên lí thơ mộng. Môi miệng cậu thốt lên "Yên tĩnh quá" với một sự sảng khoái lộ rõ. Nó phần nào tạo nên tính cách Thanh: "Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào". Giữa trưa nóng bức mệt mỏi của cuộc hành trình, chàng vẫn "nhẹ nhàng". Điều đó mách bảo cả một tính cách con người ở vẻ thâm trầm, tiết độ bản thân.
Căn vườn với ngôi nhà quả thật là một thế giới nông thôn thu nhỏ trong cảm nhận của người đọc, đặc biệt là trong tâm trí của những ai đã một thời tuổi thơ sống ở nông thôn mà nay đã tha hương. Cây hoàng lan là linh hồn trong không gian khu vườn dưới ánh mắt và trong tâm hồn Thanh với "thân cây vút cao lên""mùi hương thơm thoang thoảng". Nhắm mắt lại và ngửi hương thơm của hoa hoàng lan, Thanh nhớ lại thuở thiếu thời thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Không gian thơ mộng dưới bóng hoàng lan cất giấu bao điều trong kí ức của Thanh, cho chàng nhớ về nguồn cội của mình khi cha mẹ còn sống, nó cũng ôm ấp bao kỉ niệm đẹp với cô nàng bé nhỏ hàng xóm – cô Nga. Không gian hiện tại mà cây hoàng lan phủ bóng có khả năng đưa Thanh trở lại không gian tâm tưởng, không gian kí ức. Chính bởi sự nối kết không gian quá khứ và hiện tại này mà Thanh có cảm nhận: "Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi".
Khu vườn thơ mộng riêng ngày hôm nay Thanh trở về không phải là kỉ niệm nhưng là hiện thực với sự hiện diện bất ngờ của Thanh và Nga: Có nắng vàng của trời, có xanh mát của giàn thiên lí và có trắng ngần của tà áo tinh khôi Nga mặc trên mình lần vào đám lá. Không gian khu vườn có khả năng gợi nhớ, nó đi vào một cách hết sức tự nhiên trong dòng chảy tâm trí của cả hai bạn trẻ như một phần làm nên quá khứ của họ. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh "nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó", phần Nga những ngày ra đây hái hoa hoàng lan đều cảm thấy "nhớ anh lắm".
Không gian bữa cơm diễn tả sự sum tụ dù chỉ là sự đoàn tụ của hai bà cháu sau thời gian vài năm. Hai năm là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử trái đất nhưng thật không ngắn với một đời người, đặc biệt là với một bà cụ tóc đã bạc và lưng đã còng. Bao nhiêu năm trời Thanh đi mưu sinh chắc chắn là bấy nhiêu lo lắng, mong nhớ dù không được nói ra. Bữa cơm hôm nay vì thế có thể được hiểu là biểu tượng sự đầm ấm của hội ngộ, không chỉ Thanh cảm thấy rất ngon miệng mà bà cũng chắc chắn ấm lòng. Sự xuất hiện của một cô nàng hàng xóm trong bữa cơm gia đình là một điều tinh tế mà nếu bạn đọc nhạy cảm sẽ nhận ra. Phải chăng đó là sự sắp đặt của tác giả cho sự có mặt của cô trong gia đình ấy trong tương lai?
Ý nghĩa đó càng lộ rõ khi khai thác thời gian đêm. Ðêm ấy, "một bà, một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi tới khuya, khi trăng lên". Đêm ở đây độc giả nên hiểu là buổi tối, là khoảng thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ thân thương. Từ sự xum vầy bên mâm cơm trưa đi đến sự hòa hợp của tâm hồn ba người, yếu tố thường thấy của một gia đình nông thôn với vẻ chân chất nhất. Khu vườn với mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió ngát trong đêm ấy cũng trở nên ấm áp lạ lùng chứng kiến bước chân đôi bạn trẻ bên nhau khi Thanh tiễn Nga ra cổng.
Nhìn một cách bao quát, không gian khu vườn mang một ý nghĩa đẹp mà độc giả nào cũng cảm nhận được qua vẻ thơ mộng lộ rõ qua ngòi bút tác giả. Tuy nhiên, người đọc tinh ý sẽ cảm nhận thời gian của tác phẩm như ngưng đọng và không gian đôi khi tịch mịch quá sức: "Sự yên lặng trầm tịch đến nỗi Thanh trở nên nghẹn họng; mãi mãi chàng mới cất được tiếng". Nó hé lộ kín đáo bi kịch đời người mà người đọc tầm trung khó có thể nhận ra. Cuộc đời các nhân vật dường như êm ả trôi xuôi. Tuy nhiên vẫn có cái gì đó bất an buộc ta phải nghĩ tới. Những tình huống hiền lành này sẽ kéo dài được bao lâu? Liệu Thanh có thể cứ đều đều hàng năm trở về nơi bình yên và thong thả này? Rồi đây, Thanh và láng giềng sẽ gắn bó lâu dài hay chỉ là gặp lại nhau vậy thôi rồi ngày mai chàng lại ra đi? Mối tình không ngỏ lời, không tiễn đưa, không gặp được nhau lần cuối. Tất cả đều trở thành những mảnh trời xanh tan tác: "Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với mảnh trời xanh tan tác". Vũ Hà Minh trong một bài viết đăng trên báo Văn Nghệ trẻ đã nói: "Không lẽ đây không phải là lời dự báo, không phải là điềm báo trước?"

Kết luận
"Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương". Câu cuối của tác phẩm này xuất hiện trong tâm tưởng Thanh ngấm vào lòng người bởi nỗi buồn vô hạn và không lời của nó. Mỗi mùa Nga lại giắt hoa hoàng lan lên tóc để nhớ Thanh, nghĩa là hai người vẫn xa nhau không biết tới bao giờ. Người đọc đương thời với Thạch Lam cảm thấy thương và buồn cho mối tình chưa kịp ngỏ lờ, mối tình quá đỗi mong manh, mơ hồ, thoang thoảng như hương hoàng lan trong bóng vườn xưa. Tuy nhiên, có những nhà nghiên cứu văn học đã nhận định: một nhà văn lớn như Thạch Lam không bao giờ lại cất công viết một cái gì vô thưởng vô phạt. Chắc chắn ông viết Dưới bóng hoàng lan bởi ông cảm thấy một cái gì đó không thấy được và không hiểu được nhưng rõ ràng là đang ập tới, đã cận kề những tháng ngày dường như là cực kì tĩnh lặng của buổi đương thời cuộc đời ông. Vì vậy nỗi buồn của Dưới bóng hoàng lan thực ra là nỗi đau thương, một nỗi đau thương âm thầm, một niềm tiên cảm về hoàn cảnh những năm tháng sau đó.
Khi giới thiệu tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” xuất bản trước Cách mạng tháng Tám, Thạch Lam viết: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có thể coi đây “Tuyên ngôn văn học” của Thạch Lam. Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam, chính là ở lòng nhân ái, và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông. Nhân vật của Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam. Đọc truyện ngắn Thạch Lam rõ ràng ta thấy yêu con người, quý trọng con người hơn. Và cũng từ đó ta thương cảm, nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người.
Gió Biển, CMR


Tài liệu tham khảo
  1. Thạch Lam (1982), Gió đầu mùa, Nxb.Văn học, Hà Nội
  2. Tủ sách Văn hóa học (2004), Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội
  3. Trần Đình Sử (chủ biên) (2014), Lí luận văn học, tập 2, Nxb.Đại học Sư phạm, Tp.HCM


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

duc thanh cha 4

Lịch Phụng vụ

lich cong giao thang 4 2024 523x400
 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập20
  • Hôm nay2,434
  • Tháng hiện tại147,584
  • Tổng lượt truy cập7,978,693

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây