Giải mã Biểu tượng và Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa

Chủ nhật - 10/11/2019 22:21  1718
Đề tài số 4
GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG VÀ NGÔN TỪ
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA PHÊRÔ NGHĨA
ĐĂNG TRÊN TUẦN BÁO NAM KỲ ĐỊA PHẬN



Để khám phá những tầng nghĩa hàm ẩn trong tiểu thuyết của linh mục Phêrô Nghĩa, nâng cao trình độ thưởng thức thẩm mĩ của bạn đọc, người viết sử dụng phương pháp Văn hóa học và So sánh tiếp nhận, phương pháp Thi pháp học hệ thống, để tiếp cận hai tiểu thuyết Cha giết conĐôi bước lưu ly của tiểu thuyết gia Công giáo này. Dựa trên lí thuyết về Biểu tượng và Kí hiệu ngôn ngữ, đề tài khám phá ý nghĩa của hai biểu tượng nước và con rắn xuất hiện trong tác phẩm.

1.Giải mã biểu tượng

1.1 Biểu tượng nước
Nước trong tiềm thức con người có ý nghĩa rất quan trọng. Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể qui về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Trong văn hóa châu Á, nước là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính tinh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. Nước được coi là biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Đối với người Việt Nam, nước là một cổ mẫu quan trọng bậc nhất trong vô thức cộng đồng, một kí ức văn hóa tồn tại lâu đời. Nước là tinh thể của trời ban cho con người, giúp họ làm ra thóc lúa, là vị thuốc và là đồ uống trường sinh bất tử. Tuy nhiên, nước cũng có thể hiểu là một vị thần phá hoại mùa màng và cũng có thể gây chết người. Nước như vậy vừa là khởi nguồn của sự sống vừa là đối tượng của sự sợ hãi. 
Nước trong Kinh thánh cũng hàm chứa hai ý nghĩa đối lập tương tự. Những giếng nước trong hoang mạc, những nguồn nước mà những người du cư gặp được đều là những nơi của niềm hoan lạc kì thú. Những cuộc gặp gỡ quan trọng diễn ra cạnh những nguồn nước và những giếng nước. Những nơi có nước giống như những địa điểm thiêng liêng, có vai trò cao quí vô song. Ở những nơi này, tình yêu nảy sinh và những cuộc hôn nhân khởi đầu. Trong Cựu ước, Đức Chúa được ví như một trận mưa xuân, như những dòng nước mát chảy từ trên những ngọn núi xuống như dòng thác cho nước uống. Người chính trực cũng được ví von giống như cây trồng bên bờ dòng nước chảy. Như vậy, nước là dấu hiệu của ơn phúc Trời ban. Trong Tân ước, Chúa Giêsu cho biết Người là nguồn nước "Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" [5; tr.1821]. Như vậy, nước còn mang ý nghĩa vĩnh hằng đưa con người vào cõi hằng sống. Nước trong Kinh Thánh ở nhiều trường hợp cũng gây chết chóc như nước Biển Đỏ vùi chết quân Ai Cập, nước mưa dâng cao trong trận lụt Đại hồng thủy chỉ để lại sự sống cho con người và súc vật trú ngụ trên tàu ông Nôê. 
Như thế, ý nghĩa của nước trong Kinh thánh không mấy khác biệt với ý nghĩa trong văn hóa về căn bản, cách riêng văn hóa Việt Nam. Nước vừa là nguồn sống vừa là nguồn chết, vừa có chức năng tiêu hủy vừa tái sinh. Nước trong ý nghĩa này được tác giả Phêrô Nghĩa đưa vào trong hai tiểu thuyết của ông Đôi bước lưu lyCha giết con như một biểu tượng nghệ thuật. Có thể hiểu rằng, biểu tượng nước là mẫu gốc sản sinh ra một loạt biến thể các biểu tượng tự nhiên: biển, sông, hồ, ao, đầm, giếng, sương, mưa, cá….Và trong cả hai tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa, biểu tượng nước phân hóa thành hai biến thể: sông và biển.
Biểu tượng sông và biển trong tiểu thuyết của cha Phêrô Nghĩa trước hết mang vẻ mặt của kẻ hủy diệt, thể hiện rõ nét trong Đôi bước lưu ly. Thật vậy, trong thiên tiểu thuyết Đôi bước lưu ly, hình ảnh sông nước xuất hiện bốn lần xoay quanh nhân vật Mai Thị Khiêm; trong đó tới ba lần nhân vật này bị rơi vào tình trạng “thừa sống thiếu chết”.
Biểu tượng nước xuất hiện mang vẻ mặt của kẻ hủy diệt lần thứ nhất là dòng sông Tư Hiền. Sông hiện lên như môi trường hoành hành của kẻ ác. Sông đưa chân bọn cướp Hồ Lạc đến gần thuyền của mẹ con bà Huyện. Trong đêm tối, không gian sông che đậy cho bọn cướp cướp đi sự sống của bà Huyện và ba đứa người ở của nhà chú Phác; giấu bặt Viên và Khiêm dưới khoang thuyền. Mặt sông được miêu tả trước đó rất đỗi bình yên, êm ả dưới trời “thanh thanh vặc vặc”, “sao tỏ làu làu”, “bóng nguyệt soi rở rở”, nhưng chỉ vài phút sau đã “hòa trang láng” máu đỏ. Trong những hành động của bọn cướp, sông dường như bắt đều nhịp với thao tác của chúng. Chúng trói hai người ở, buộc đá vào cổ nó rồi vứt xuống sông; đập cây xào vào đầu thằng Bốn nhào ngửa xuống ước và sau đó “xóc ngang xác bà Huyện” quẳng thẳng xuống lòng sông. Tất cả những thao tác của bọn ác thực hiện rất gọn ghẽ, chuyên nghiệp nhờ sự trợ thủ của sông. Không gian sông trong đêm tối không chỉ bao che hành động man rợ  mà còn giấu giếm tội ác của chúng bằng cách xóa dấu vết hiện trường, làm cho chúng “vô tội” khi trời bừng sáng, một sự vô tội đáng kinh khiếp thể hiện rất rõ trên khuôn mặt “reo mừng hỉ hả” của tên Hồ Lạc khi nó đứng đón hai chị em ở bến đò Cam Lộ. Mặt sông loang lổ máu bốn xác chết ở cửa sông Tư Hiền tô vẽ cho sông một bộ mặt nhem nhuốc, đồng lõa với tội ác như kẻ tội đồ đáng bị lên án. Hình ảnh dòng sông loang lổ máu ấy dễ dàng gợi lại cho độc giả về hình ảnh con sông Nin ở Ai Cập trong Kinh thánh Cựu ước. Có lần Đức Chúa qua cây gậy của ông Môsê đã làm cho dòng sông hóa thành dòng máu đỏ tươi hãi hùng cảnh cáo vua Pharao, khiến vị vua phải trả tự do cho dân Israel lúc ấy đang phải làm nô lệ. Mặt sông Tư Hiền loang lỗ máu xuất hiện trong Đôi bước lưu ly mang tính tượng trưng cho cái thảm khốc của thực trạng thống khổ người Công giáo thời vua Tự Đức phải hứng chịu từ chính đồng bào, đồng loại của mình.
Biểu tượng nước với vai trò kẻ hủy diệt xuất hiện lần thứ hai nơi hình hài của biển trong chuyến đò Mai Thị Khiêm và Mai Trần Tình từ Hải Phòng vào Thừa Thiên. Biển hiện lên như ngọn nguồn phát sinh của những trận cuồng phong dữ tợn. Trong biến cố chìm tàu này, biển thể hiện rõ nét tính cách hai mặt của nó ở khả năng “lừa đảo” con người cách tài tình. Khoảng giữa đêm trời còn trăng thanh gió mát ru hồn cô Mai Thị Khiêm “ngắm cảnh hoàng hồn” êm ả và ngậm ngùi cảm xúc. Cảnh bình yên của mặt sông còn đánh lừa trực giác vốn dĩ rất nhạy bén của lão làng đi biển là ông chủ ghe, rằng chỉ hai ngày đêm nữa là đến Huế. Vậy mà bỗng chốc cơn giông tố nổi lên dữ dội đập nát con thuyền, chặn đứng bước chân hành khách. Biển như thế đã mang bộ mặt hung dữ đích thực của thiên nhiên. Cơn thịnh nộ của nó đã tiềm tàng ngay trong những phút giây “thanh bình” trên bề mặt.
Biểu tượng nước trong vai trò kẻ hủy diệt còn xuất hiện nơi hình hài dòng sông ven làng Cát Sơn, huyện Minh Linh. Nơi đây, đôi “gian phu dâm phụ” vợ Tri Bảo và ông thầy giáo trong nhà đã nhấn chìm Mai Thị Khiêm. Sông hiện lên như một đắc địa để kẻ ác thực hiện mưu đồ của chúng. Có rất nhiều phương tiện để thực hiện hành vi tội ác nhưng đôi “gian phu dâm phụ” này đã chọn “nước”, điều này có thể giải thích về đặc tính của nước: nước làm cho người ta chết một cách nhanh hơn.
Thật vậy, trong Đôi bước lưu ly, biểu tượng biển và sông nổi bật lên với gương mặt của kẻ hủy diệt luôn rình rập và cướp đi sự an toàn của con người. Trong bước đường lưu lạc của Mai Thị Khiêm, tai nạn đầu tiên và tai nạn sau cùng đều là những tai nạn có liên quan tới sông biển. Vì vậy, sự hiện diện của nước có tính cách trải dài, xuyên suốt, trở nên nỗi ám ảnh trong bước hành trình của cô Khiêm. Biển và sông bởi thế còn mang ý nghĩa của sự thử thách mà con người phải vượt qua để tồn tại.  
Biểu tượng nước trong hai tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa không chỉ mang gương mặt của kẻ hủy diệt nhưng còn rạng ngời trong hình hài của kẻ tái sinh. Biển nước xuất hiện trong chuyến hành trình từ Huế trở về quê của Bùi Xuân với Huỳnh Tống tôn lên vẻ đẹp này nơi khuôn mặt của biểu tượng nước. Cậu con trai mới lớn khi được Huỳnh Tống dắt đi ngao du sơn thủy, trông xem phố phường, khi thì “nơi tôn nghiêm miếu mủ, thú định ngự sông hương”, khi thì “lên chơi miền Long Thọ, có lúc dạo xem sở Bồ Ghè,…”. Cuộc sống nhàn rỗi, tiện nghi, tự do như thế khiến Bùi Xuân thấy trong lòng khoan khoái lạ lùng. Cảnh thú  vui này khiến Bùi Xuân “sinh lòng cảm mộ dính bén cuộc đời mà sinh mối bận lòng khiết tịnh” [P1, tr.752]. Rõ ràng, trong chuyến đi với Huỳnh Tống, nơi tâm hồn Bùi Xuân đã diễn ra một sự chuyển dịch rời xa lí tưởng, một bước đầu tiên tiếp xúc với những thú vui cuộc đời ngoài tầm định hướng của người lớn. Tuy nhiên, dòng chảy của cảm xúc khoan khoái thú vui trần thế nơi Bùi Xuân đã dừng lại khi cậu tiếp xúc với biển. Biển về đêm với “khí mát gió thuận nước xuôi”, trăng thanh “lòa vùng sao tỏ, bóng soi rỡ rỡ chiếu khắp mặt nước lai láng thinh thinh” đã làm dịu nỗi đam mê trần thế vừa chớm nảy mầm. Nước đã gọi tâm hồn, thức tỉnh cậu trở về với con người thật của mình để nhìn lại lí tưởng từng thao thức cưu mang, tỉnh táo nhận định chân giá trị những thú vui vừa trải qua. Như vậy, biển đã làm được một nhiệm vụ vô cùng cao cả. Biển đã một lần “cứu rỗi” tâm hồn Bùi Xuân ở ngưỡng cửa đam mê trần thế. Biển giúp Bùi Xuân định hình lại ơn gọi của mình như yếu tố trung tâm từ đó nhìn về những điều tùy phụ. Biểu tượng biển vì thế trở nên tiếng gọi con người quay đầu trước cám dỗ. Biển bình yên còn là biểu tượng của một trật tự. Thật vậy, có một trật tự trong tâm hồn Bùi Xuân được tái lập sau những xốn xang của cuộc sống khi cậu trực diện trước biển. Đó là sự trật tự của một lương tâm Công giáo cần phải có. 
Với đặc tính rộng, biển còn là một không gian tự do để con người vươn ra với những đam mê, khao khát. Mai Thị Khiêm đã vượt thoát khỏi “hàng rào” nhà ông Huỳnh Phức để ra đi. Mặc dù không xác định chính xác đâu là lối về của mình nhưng cô với bé Tuyết vẫn quyết xuống đò vượt sông. Mang trong tim một chút hi vọng mong manh về người chồng, cô vui sướng hân hoan “trẩy duồng theo ghe” dong buồm trên sông cùng với Mai Trần Tình vào Huế sau thời gian dài mòn mỏi đợi chờ, dù bên kia bến nước chưa chắc cô được thỏa niềm mơ ước, thậm chí nó chẳng hứa hẹn điều gì chắc chắn. Rõ ràng, đỗ bến Quảng Trị sau mấy ngày trường lênh đênh sóng nước, Mai Thị Khiêm và con bé Tuyết vẫn lạc lõng chẳng biết tính định đi đâu về đâu. Xuống thuyền cùng với Mai Trần Tình vào Huế, cô Khiêm nào có quên biến cố chồng lạc mất tích trên vùng rừng thiêng nước độc giáp Lào ngày đêm thú dữ rình rập mà ông cậu kể lại. Tất cả niềm hi vọng đều mong manh như sợi chỉ. Dẫu vậy, xuống thuyền vẫn là một quyết định mở ra trước mắt nhân vật những tia sáng. Biển không chỉ đưa nhân vật từ vùng đất này sang vùng đất khác, nhưng còn mở ra cho nhân vật những chân trời mới, có khả năng giải thoát, khả năng nối khát vọng của con người với bao la. Sông biển vì thế là biểu tượng của sự tự do, sự mở ra những cơ hội mới. Biển nâng bước cho những nỗi niềm khắc khoải của con người có hi vọng trở thành hiện thực. Trong ý nghĩa đó, sông biển rõ nét hơn trong gương mặt của kẻ tái sinh, của nguồn sống.
Như vậy, trong hai tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa, biểu tượng nước trong sự phân hóa thành biểu tượng biển và sông vừa có ý nghĩa hủy diệt lại vừa mang ý nghĩa tái sinh, trong đó nghiêng về phương diện hủy diệt hơn. Tính chất lưỡng phân của hai hướng nghĩa đối lập như thế tạo nên nét khác biệt so với cách hiểu về ý nghĩa biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa nghiêng về mặt tích cực của nước hơn. Biểu tượng nước trong hai tác phẩm dường như nghiêng về cách hiểu của Kinh Thánh.

1.2 Biểu tượng con rắn
Con rắn là một trong những biểu tượng lâu đời và phổ biến nhất của thế giới loài người, xuất hiện với những biến thể khác nhau như rắn, trăn, chằn tinh, giao long, thuồng luồng, thậm chí là rồng. Rắn là biểu hiện cho đồng thời cả hai mặt thiện và ác trong những bối cảnh, trường hợp khác nhau. Rắn còn biểu trưng cho nước, lửa, linh hồn, cảm xúc nhục dục, sự quyết đoán, đa nghi. Rắn biểu trưng cho cả giới tính nam và nữ, là một vị thần sáng thế, biểu trưng cho vũ trụ thời hỗn mang. Trong quan niệm dân gian, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái và có phần gian xảo. Tuy nhiên, mặc dù đại diện cho cả hai mặt tốt xấu nhưng trong tâm thức của người Việt, rắn không mấy có được hình ảnh tốt. Cứ nhắc tới rắn, hầu như bao giờ người ta cũng kèm theo những điều xấu. Trong hầu hết các câu chuyện ở Việt Nam, rắn thường gắn với cái ác.
Trong Kinh thánh, hình ảnh con rắn rất quen thuộc, nổi bật ở hai biến cố trong Cựu ước. Biến cố thứ nhất diễn ra trong vườn địa đàng như được ghi chép trong sách Sáng thế. Con rắn với tên gọi là Satan hiện lên với gương mặt của kẻ cám dỗ con người. Nó cám dỗ người đàn bà ăn trái cấm như biểu hiện của sự bất tuân, tham vọng quyền năng ngang hàng Thiên Chúa. Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác" [5, tr.37]. Biến cố thứ hai khi Môisen dắt dân Israel trở về từ Ai Cập được ghi chép trong sách Dân số; khi dân nổi loạn trong sa mạc, con rắn bò ra cắn chết một số người trong dân. Ở đây, rắn mang ý nghĩa của sự cản trở bước đường lữ khách.
Như vậy, trong cả hai biến cố, rắn đều mang ý nghĩa hiểm ác. Tuy nhiên, hình ảnh rắn trong một vài trường hợp hiện lên mang dáng vẻ sự lành. Sau khi dân Israel hối lỗi về tội thờ ngẫu tượng, Chúa sai ông Moisen làm một con rắn đồng treo lên cột cờ, ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó thì thoát khỏi cái chết: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống"[5,tr.242]. Vào thời Giáo hội Kitô giáo, hình ảnh Đức Kitô đôi khi được thể hiện thành hình con rắn bằng đồng trên cây thập tự. Biểu tượng rắn trong Kinh thánh thực chất mang ý nghĩa hai mặt như thế. Tuy nhiên, ý nghĩa nổi trội đặc biệt trong tâm thức của người Kitô hữu bình dân là biểu hiện của cái ác. Ý nghĩa của biểu tượng rắn trong Kinh thánh như thế tương đối giống với ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam: nghiêng về cái dữ, cái cản trở. Có thể thấy, Phêrô Nghĩa là một nhà văn Việt Nam, một linh mục. Ông viết tiểu thuyết chủ yếu hướng đến đối tượng người Việt Nam nói chung, người Kitô trong đó nói riêng. Không có lí nào ông lại không xây dựng biểu tượng này trong một tầng nghĩa thích hợp với đối tượng tiếp nhận.
Hình ảnh con rắn xuất hiện không nhiều trong tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa nhưng điều đáng chú ý là nó đã xuất hiện như kẻ gây tai nạn đầu tiên cho nhân vật Ngô Văn Giáo. Hệ lụy của tai nạn đầu tiên ấy là một loạt những tai nạn tiếp theo. Có thể nói rằng, yếu tố “đầu tiên” là một trong những yếu tố đặc biệt được quan tâm trong truyền thống Công giáo, đặc biệt các biến cố được ghi chép trong Kinh thánh. Người Công giáo nhìn nhận nhân tố “đầu tiên” có ý nghĩa ảnh hưởng sâu sắc, ghê ghớm tới chuỗi những nhân tố tiếp sau đó. Tội lỗi của ông bà Ađam – Evà, hai con người đầu tiên của nhân loại đã trở nên tội chung, tội “di truyền” cho toàn thể con cái loài người sinh sống dưới gầm trời. Cuộc xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập là cuộc xuất hành thứ nhất của con người, báo hiệu hình ảnh toàn thể nhân loại sẽ được xuất hành ra khỏi tội và tháp nhập thành Hội thánh là thân mình Đức Kitô. Nước vừa rút trong trận lụt đại hồng thủy thì hiện tượng cầu vồng xuất hiện lần đầu tiên. Từ đó về sau cho đến bây giờ, con người có thể nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa như một dấu hiệu về lời hứa của Thiên Chúa: Ngài sẽ không giáng một trận đại hồng thủy nào nữa. Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện tại Cana luôn được nhắc đến như một sự kiện củng cố niềm tin cho các Tông đồ trong suốt cuộc đời hoạt động của các ông,…Với lối nhìn ấy, biểu tượng rắn xuất hiện như tai nạn khởi đầu trong cuộc hành trình của Ngô Văn Giáo có ý nghĩa biểu trưng rất lớn. Nó một mặt mang ý nghĩa cám dỗ nhân vật bỏ cuộc ngay từ những bước gian khổ khởi đầu; mặt khác là sự cản trở, là mối hiểm nghèo cho lữ khách suốt dọc dài các chuyến đi. 
Thử đặt con rắn trong Đôi bước lưu ly bên cạnh con rắn trong vườn địa đàng để so sánh. Trước tiên có thể thấy chúng giống nhau ở sự xuất hiện bất ngờ. Sách Sáng thế miêu tả con rắn thò đầu ra từ lùm cây, chủ động bắt chuyện với bà Evà. Trong Đôi bước lưu ly, con rắn xuất hiện bất thình lình khiến thằng Tá cũng như cậu Giáo đều giật mình. Sự xuất hiện bất ngờ của rắn ở cả hai trường hợp đều đặt đối phương vào một tình trạng thụ động, không kịp suy nghĩ cách thức đối phó sáng suốt. Tiến trình con rắn tiếp cận đối phương lại cho thấy độ tinh ranh của nó. Khi cám dỗ Evà, rắn nói: “chẳng chết chóc gì đâu nhưng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra để biết cả tốt xấu” [5, tr.36]. Hết sức quỉ quyệt, rắn không xúi giục ăn trái cấm, nhưng tạo nên trong lòng người nữ lòng nghi ngờ lời của Chúa và bùng cháy lên cơn thèm khát quyền lực. Con rắn của Phêrô Nghĩa không được miêu tả theo văn phong mang hơi hướng thần thoại như trong sách Sáng thế nhưng độ tinh ranh của nó cũng vẫn hiện ra rõ rệt. Định tấn công cậu Ngô Văn Giáo khi “con mồi” đang trong tư thế hiểm nghèo cheo leo trên ngọn núi nhưng không thành, lại bị cậu đạp xuống một hòn đá “trúng ngay đầu”,“vung văng rớt xuống dưới đất” cách đau đớn. Tuy vậy, nó chẳng chịu thua cách trắng trợn như vậy. Nhanh chóng phát hiện thằng Tá gần đó, nó quay đầu “rượt theo” khiến thằng nhỏ “linh hồn bất ngụ thể, miệng hét chân chạy dông thẳng một miết biệt tăm biệt tích” [P6, tr.560]. Với tính chất quỉ quyệt, con rắn trong vườn địa đàng đã đạt được mục đích của cuộc cám dỗ bà Evà thì với độ tinh ranh của con rắn trong Đôi bước lưu ly, tuy không cắn được đối phương nhưng việc tấn công của nó cũng trở thành nguyên nhân khiến hai cậu cháu lạc nhau. Và trong cả hai trường hợp, rắn đều cướp đi cơ hội thực hiện ý định ban đầu của con người: Evà chẳng được hạnh phúc viên mãn trong vườn địa đàng, cậu cháu thằng Tá chẳng qua được đất Lào tìm người thân. Biểu tượng rắn mang bộ mặt của kẻ đánh lừa, cám dỗ con người. 
Trong Đôi bước lưu ly, bị rắn tấn công chí tử như vậy là một điềm báo cho cậu Giáo về những hiểm nguy của cuộc hành trình. Chẳng phải chờ đợi lâu lắm, vừa thoát khỏi nguy cơ trúng nọc độc của rắn, Ngô Văn Giáo còn đang “phanh cây đạp đá” hòng đón đầu thắng Tá ở đầu rừng, cậu đã “vấp nhằm hòn đá nhọn xẻ cho một miếng thịt nơi mắt cá, máu ra trang láng”, khiến cậu chỉ còn có thể ngồi một chỗ mà “kêu trời”. Tiếp ngay sau đó trong ngày, cậu rơi vào tay bọn cướp ở trong hang sâu, bị chúng đánh đập, tra hỏi và bắt hầu hạ vô thời hạn. Quãng hành trình mười mấy năm sau đó diễn ra như một cuộc chạy dích dắc, khi bị nạt nộ, bắt giam trong ngục tối; lúc bị cướp giật trắng tay và bị bắt vạ; lúc bị níu kéo bởi những bóng hồng, của ân nghĩa. Dù xuất phát bởi lòng thương xót hay ác ý của con người, đó đều là những hiểm nguy, những vật cản đối với Ngô Văn Giáo trên bước đường lưu ly tìm kiếm gia đình, vợ con.
Có thể nói rằng, biểu tượng rắn trong Đôi bước lưu ly của Phêrô Nghĩa có thể được giải mã dựa vào cách hiểu về biểu tượng này trong Kinh thánh và văn hóa người Việt. Tuy nhiên, ở tác phẩm tiểu thuyết Phêrô Nghĩa  nhắm vào đặc điểm tiêu cực như phần nổi trội của rắn. Có thể nói, trong tiểu thuyết Đôi bước lưu ly, rắn biểu trưng cho sự cản trở. Đặt biểu tượng rắn trong bối cảnh bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam thời tiểu thuyết này ra đời - thời vua Tự Đức, ta càng thấy rõ ý nghĩa "cản trở" của nó. Biến cố đau thương Phân sáp năm 1861 phản ánh trong tác phẩm là biến cố đàn áp đạo khốc hại có thật trong lịch sử đúng vào năm ấy. Đó là những ngày vô cùng đen tối trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam mà chỉ những ai vững vàng  mới vượt qua được cản trở này mà theo đuổi đức tin của mình.

2.Giải mã kí hiệu ngôn từ 
Xuất thân là một người theo đạo Công giáo, hơn nữa là một "cha cố" tiếp xúc thường xuyên với các “con chiên” trong một xứ đạo toàn tòng, linh mục Phêrô Nghĩa chắc chắn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi ngôn ngữ “nhà đạo” ở nhiều khía cạnh. Từ ngôn ngữ đời sống sinh hoạt đạo, tác giả đưa vào ngôn ngữ văn chương trong Cha giết conĐôi bước lưu ly, làm cho dấu ấn tôn giáo đươc tìm thấy ngay ở bề mặt tác phẩm.
2.1 Hệ từ ngữ Công giáo
Tác giả sử dụng rất nhiều từ ngữ Công giáo thể hiện rõ nét ở cả ba từ loại: danh từ, động từ và tính từ.
Về danh từ, có rất nhiều danh từ Công giáo xuất hiện và đa phần là những từ Hán Việt, gồm những danh từ chỉ chức phận người trong đạo như cha sở, tông đồ, ông câu nhì, giáo nhơn, giáo hữu,..; danh từ gọi tên các kinh nguyện bình dân như kinh kính mừng, kinh Lạy Cha, kinh Đức Thánh Thiên Thần,…; danh từ gọi tên các Đấng thần thánh trên trời hay nhân vật trong lịch sử như Thiên Chúa, Chúa Trời, Đấng tạo hóa, Đức Mẹ, ông thánh, bà thánh, Samuel,…; danh từ chỉ nơi chốn như nhà thờ, nhà chầu, nhà xứ, nhà trường, nhà Chúa. Bên cạnh đó còn có những từ chỉ nơi chốn phi không gian vật lí như Nước Chúa, thiên đàng, ngục hình, hỏa ngục, tòa án lương tâm,...; danh từ chỉ những khái niệm trừu tượng như ơn Chúa, lòng đạo, linh hồn, nhơn đức,...
Về động từ, có khá nhiều động từ mà người Công giáo hay sử dụng xuất hiện trong hai tiểu thuyết, chủ yếu là những động từ diễn tả tác động của con người hướng lên Chúa như nguyện gẫm, viếng nhà thờ, đọc kinh, nguyện kinh, dọn bài, lãnh phép rửa tội, lễ lạc, giữ đạo, tích đức tu, sùng mộ, thờ phượng, bền vững trông cậy, xin ơn, cám ơn Chúa, tạ ơn Chúa, dọn mình, ăn năn, làm tôi Chúa,...hay những tác động từ Thiên Chúa hướng đến con người như từ kêu gọi, soi sáng,..
Về tính từ, những tính từ mang sắc thái Công giáo xuất hiện không nhiều trong tác phẩm của Phêrô Nghĩa và phần lớn miêu tả tư chất hay thực trạng người Kitô hữu như các từ ngoan đạo, đồng trinh, sáng danh Chúa, sốt sắng, trầm luân, vinh hiển,...
Có thể nói rằng, những từ ngữ mang màu sắc Công giáo được dùng trong hai tác phẩm khá phong phú và đa dạng ở đủ các loại thể danh từ, động từ và tính từ trong đó các danh từ chiếm đa số. Rất nhiều từ ngữ có nguồn gốc ngoại lai và chủ yếu được đọc theo âm Hán Việt. Việc sử dụng dày đặc các từ ngữ Công giáo làm nên nét đặc trưng độc đáo mà nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Long Thao gọi là những “đặc ngữ”. Thật vậy, hệ thống từ ngữ Công giáo khi đi vào hoạt động trong đời sống văn học đã làm phong phú, đa dạng thêm cho hệ thống ngôn từ của chữ quốc ngữ ở buổi đầu mới thành hình, đồng thời tạo nên một thế giới riêng đậm phong vị đạo Công giáo.
2.2 Lớp quán ngữ Công giáo
Bên cạnh các từ ngữ Công giáo, Đôi bước lưu lyCha giết con còn chứa đựng rất nhiều những quán ngữ đậm màu sắc đạo này trong những lời trần thuật, lời đối thoại, độc thoại của nhân vật. Đó hầu hết là những cấu trúc quen dùng của giáo dân Công giáo, được dùng như những câu nói cửa miệng trong giao tiếp hằng ngày. Từ một phản xạ tâm lí tự nhiên như khi bà Huyện thình lình trông thấy hai người nhà chú Phác bị ném xuống sông, bà cất một tiếng kêu thất thanh thấu trời Giêsu Maria Giuse, cho đến những lời than thở: chịu sự khó cho nên, hưởng nhan thánh Chúa,…đều là những khẩu ngữ chỉ có thể phát ra trên môi miệng những “con nhà có đạo”. Các quán ngữ Giêsu Maria Giuse, cám ơn Chúa, thờ ma lạy quỉ, cả lòng trông cậy Chúa, cám đội ơn Chúa, vạn sự phú ở tay Chúa, lạy Chúa tôi,…hay được gắn thêm vào với những ý tưởng, lời nói chính. Thử xem lời Ngô Văn Giáo thầm thĩ với Chúa trong tâm khảm: “Lạy Chúa tôi, vì bằng có lẽ được thì xin Chúa tôi cứu tôi cho khỏi những nỗi cực nạn này….Ôi lạy Chúa, nếu Chúa chẳng để cho chúng tôi vầy hiệp cùng nhau ở thế này thì xin  Chúa cho chúng tôi đặng gặp nhau ngày sau trên nước thiên đàng!” [P4, tr.40]. Rõ ràng, cứ trước một câu tỏ bày nỗi niềm, ước nguyện, cậu lại mở đầu bằng quán ngữ quen thuộc “lạy Chúa tôi”, “ôi lạy Chúa”.
Thật vậy, những khẩu ngữ ấy trở thành như những khẩu ngữ thuộc về “đặc quyền” người Kitô hữu. Nhà nghiên cứu văn học Công giáo Việt Nam cho hiện tượng này một phần phát xuất từ trong những lời kinh cổ được đọc đi đọc lại trong nhà thờ thành ra thấm nhuần vào trong tâm hồn, phần khác do tâm tình con người phù hợp với một bối cảnh nào đó trong truyện các vị thánh người giáo dân hay được nghe kể trong nhà thờ mà khi gặp tâm trạng tương tự nó phát ra một cách vô thức. Hiện tượng này nhà nghiên cứu văn học Công giáo Lê Đình Bảng gọi là “nói kinh ra cửa miệng”. Người Công giáo đặc biệt những người bình dân “nói kinh” như nói ca dao tục ngữ, nói Kiều. Ngôn ngữ kinh từ nhà thờ, từ trong lời kinh đã lan ra và thấm vào đời thường. Ở đâu, lúc nào, chạm đến một việc gì, là sẵn có ngay một hạng mục ngôn ngữ để nói, để diễn tả, để vận dụng, đúng như họ quan niệm “Chúa ở khắp mọi nơi”. Con bé Tuyết và Mai Thị Khiêm gặp nhau ở nhà ông Huỳnh Phức. Chỉ nghe cô Khiêm nói chuyện vài lần thôi mà bé Tuyết đã nhận ra ngay cô là người có đạo khi cô này buột miệng đệm vào trong lời nói của mình: "cám ơn Chúa". Không phải là quá khi cho rằng, chỉ cần nghe qua lời nói và cách nói là người ta có thể nhận ra, nếu không muốn nói là phân biệt được rõ ràng, người theo đạo Kitô nói chung và người không có đạo. Từ ngôn ngữ đến hành động, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách đi đứng, ứng  xử, có một cái gì đó không thể diễn tả thành lời, cho phép biết ngay người ấy là có đạo, đặc biệt là các tu sĩ. Bởi lẽ, ngôn ngữ là người, nghe văn biết người.
Tuy nhiên, từ ngữ mang màu sắc Công giáo không đơn giản chỉ là cái vỏ ngôn ngữ mà Phêrô Nghĩa sử dụng nhằm mục đích tạo nên điểm độc lạ, điểm riêng cho tác phẩm của mình. Những từ ngữ ấy có tác dụng sâu xa hơn, thông qua những từ ngữ Công giáo, người đọc cảm nhận được thế giới nội tâm của nhân vật; đồng thời nhận thấy sự xâm nhập của đạo Công giáo vào đời sống tâm lí xã hội và đời sống văn học ở giai đoạn đầu thế kỉ XX, điều mà những năm 40 của thế kỉ này ta mới bắt gặp trong ngôn ngữ của Nguyên Hồng và sau 1945 trong văn xuôi của một số nhà văn như Nguyễn Khải, Chu Văn,…Khi Mai Thị Khiêm và mợ Viên ở dưới khoang thuyền tên cướp Hồ Lạc, cô Khiêm nói với mợ Viên rằng: “chị ôi! đã hay vậy, nhưng ta cũng phải ráng hết sức mà gỡ mình cho khỏi tay lũ ác này đã, rồi sau thể nào sẽ có Chúa trên lo liệu” [P3, tr.128]. Sau một hồi đàm đạo, mợ Viên cũng nói lại rằng: “Ừ, thế thì ta hãy trông cậy Chúa giúp sức thêm, rồi cứ làm như vậy xem thử thế nào” [P3, tr.128]. Cuộc đối thoại ngắn gọn của cô Khiêm và mợ Viên với sự xuất hiện của những lời “Chúa trên lo liệu”, “trông cậy Chúa giúp sức” đã bộc lộ những tâm tình khác nữa ngoài sự lo lắng thông thường của người không có đức tin. Giữa hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc”, hai chị em vừa phải trấn tĩnh chính mình, vừa phải bàn mưu tính kế nhưng trên hết là “trông cậy” vào bàn tay Chúa cứu giúp. Hai người tin vào sự “lo liệu” đầy yêu thương của Chúa. Những quán ngữ Công giáo xuất hiện trong bối cảnh ngặt nghèo đã trở nên thật đắt giá. Mặc dù chỉ là những quán ngữ nói theo thói quen nhưng trong bối cảnh như thế này nó trở nên lời xác tín mạnh mẽ. Nó trở nên như “bùa hộ mệnh” của hai chị em. Có thể hiểu rằng, càng khi trắc trở, nhân vật càng tìm về sự chân thành trong niềm tin tôn giáo.
Cái độc đáo nữa của Phêrô Nghĩa là ở chỗ tác giả dùng những từ ngữ đậm màu sắc đạo Công giáo nhưng tâm tình lại rất Việt Nam. Trong cả hai tiểu thuyết, càng những lúc bế tắc của nhân vật thì những từ ngữ, quán ngữ mang màu sắc Công giáo xuất hiện càng liên tục trong lời thoại, lời trần thuật. Thống thiết như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Dầu trước khi bước vào cuộc khổ nạn: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn" [5, tr.1720].

            Ngôn từ Đôi bước lưu lyCha giết con của Phêrô Nghĩa vì thế thắm đượm tâm tình cầu nguyện, đặc biệt ở Đôi bước lưu ly.  

Kết luận
Cha giết conĐôi bước lưu ly nổi lên với hai biểu tượng: biểu tượng nước và con rắn. Tính chất lưỡng phân của hai hướng nghĩa đối lập về nghĩa của nước tạo nên nét khác biệt so với cách hiểu về ý nghĩa biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa nghiêng về mặt tích cực của nước hơn. Biểu tượng nước trong hai tác phẩm dường như nghiêng về cách hiểu của Kinh Thánh: tâm thức khát khao tự do
Rắn biểu trưng cho sự cản trở và sự cám dỗ bỏ cuộc giữa mối nguy hiểm và cô đơn của cõi lưu lạc. Đặt biểu tượng rắn trong bối cảnh bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam thời tiểu thuyết này ra đời - thời vua Tự Đức, ta càng thấy rõ ý nghĩa "cản trở" của nó. Biến cố đau thương Phân sáp năm 1861 phản ánh trong tác phẩm là biến cố đàn áp đạo khốc hại có thật trong lịch sử đúng vào năm ấy. Đó là những ngày vô cùng đen tối trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam mà chỉ những ai vững vàng  mới vượt qua được cản trở này mà theo đuổi đức tin của mình.
 Ngôn từ trong hai tiểu thuyết mang màu sắc đạo Công giáo với hệ từ vựng và quán ngữ, tạo thành lớp ngôn từ thắm đượm tâm tình cầu nguyện.
Như vậy, các tác phẩm tiểu thuyết của cha Phêrô với đề tài Công giáo đã có những đóng góp nhất định vào việc hiện đại hóa văn học Việt Nam ở thể loại tiểu thuyết bởi tính chất tiên phong trong buổi đầu.

Gió Biển, CMR

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Tống Duy Anh (2008), Các môtíp nhân vật trong văn xuôi đăng trên Tuần báo Nam Kỳ địa phận, Luận án tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM
[2]. Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam – những chặng đường, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội
[3].Antôn Vũ Huy Chương (tổng biên tập) (2016), Từ vựng Công giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
[4]. Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ, Tp.HCM.
[5]. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2006), Kinh Thánh Tân Cựu ước, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
[6]. Phan Phát Huồn (1966), Việt Nam Giáo sử, Nxb.Sài Gòn, Tp.HCM.
[7]. Đỗ Quang Hưng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội
[8]. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2011), Từ điển Công giáo 500 mục từ, NxbTôn Giáo, Tp.HCM.
[9] Hà Nguyên Hương (2009), Các thể loại văn học trên Tuần báo Nam Kỳ địa phận, Luận án tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM
[10]. Khoa ngữ văn (1993), Về sách báo của tác giả Công giáo, Trường Đại học Thành phố HCM
[11]. Nguyễn Hoài Nam (2009), Sự đóng góp về mặt ngôn ngữ của văn học trên Tuần báo Nam Kỳ địa phận, Luận văn thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tp.HCM
[12]. Võ Văn Nhơn (2008), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp.HCM.
[13].Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của Báo Chí, tiểu thuyết và thơ mới, Nxb Tp.HCM.
[14]. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo Chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Tp.HCM.
[15]. Ủy ban Giáo lý Đức tin (2010), Sách giáo lý của Hội thánh Công giáo, Nxb Tôn giáo, Tp.HCM.
[16] Mai Quốc Văn (2017), Giải mã biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu trong miền thơ đăng trên Tuần báo Nam Kỳ địa phận, Luận văn thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam, trường Đại học Sài Gòn, Tp.HCM
[17] Đinh Ngọc Xuân, (2017), Tiểu thuyết đăng trên Tuần báo Nam Kỳ địa phận dưới góc nhìn thi pháp học, Luận văn thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam, trường Đại học Sài Gòn, Tp.HCM
[18].Jean Chevealir (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Tp.Đà Nẵng

PHỤ LỤC
Tiểu thuyết Cha giết conĐôi bước lưu ly đăng trên Tuần báo Nam Kỳ địa phận
P1: Cha giết con, Nam Kỳ địa phận, số 1229, trang 752 - 754
P2: Cha giết con, Nam Kỳ địa phận, số 1230, trang 768 - 770
P3: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1035, trang 127 – 128
P4: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1049, trang 351 – 352
P5: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1057, trang 479 – 480
P6: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1062, trang 558 – 560
P7: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1077, trang 814 – 816



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

a 0 8

Chúc mừng & cầu nguyện

- Ngày 17.3. 24 giờ dành cho Chúa
- Ngày 18.3.24 giờ dành cho Chúa
- Ngày 19.3.

Kn. Thánh tẩy cc. M.Khiết, M.Thái, M.Tước, M. Nghinh

Lớp Truyền Tin Vĩnh Thệ
- Ngày 20.3. Lễ Thánh Giuse – Bạn Trăm Năm Đức Maria
Thánh Sư riêng của Dòng
Bổn mạng: Giáo Hội Việt Nam
Đức TGM. Giuse Nguyễn Năng và Đức GMPT. Giuse Bùi Công Trác
Kn. Thánh tẩy cc.M.Phước

- Ngày 21.3.
Kn. Thánh tẩy c.M.Triệu
- Ngày 22.3.
Kn. Thánh tẩy cc.M.Tiên
Giỗ chị Teresa M.Ngạn (2009)
  - Ngày 23.3.
Kn. Thánh tẩy c.M.Gia

Videos

Audio

Hình ảnh

img 0186
Cầu nguyện cho chị Maria Nhàn (Chiên)
img 0417
Giỗ Tổ Trinh Vương Ngày 3.2.2023

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,644
  • Tháng hiện tại52,317
  • Tổng lượt truy cập5,267,576

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây