KỲ IV - TÂN PHÚC ÂM HÓA THINH LẶNG NỘI TÂM CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐOÀN
PHƯƠNG THẾ ĐẠT TỚI SỰ THINH LẶNG NỘI TÂM
1. Thinh lặng nội tâm với cá nhân và cộng đoàn.
1.1. Thinh lặng nội tâm với cá nhân.
Khi bàn bạc về sự tĩnh mịch và sự cần thiết của sự tĩnh mịch, có ba thuật ngữ rất quan trọng: sự cô độc, cô đơn và tĩnh mịch. Bạn và tôi và mọi người đều có thể cô độc. Cô độc là một sự kiện tự nhiên. Không ai trên trần gian này giống như tôi: tôi là một người độc nhất vô nhị. Không ai có thể cảm nghiệm và kinh nghiệm về thế giới này giống như tôi. Tôi đơn độc.
Vậy ta phải đương đầu với sự đơn độc này ra sao ? Nhiều người lấy cô đơn giải quyết sự cô độc. Đó là khi bạn kinh nghiệm về sự đơn độc của bạn như một vết thương, như một cái gì đó làm bạn đau đớn, làm bạn khốn khổ. Nó làm bạn phải kêu lên: có ai có thể giúp tôi ? Cô đơn là một trong những nguồn mạch lớn nhất của nỗi khốn cùng hôm nay. Đó là căn bệnh của thời đại .
Nhưng với tư cách là kitô hữu, ta được mời gọi biến cô đơn thành tĩnh mịch. Ta được mời gọi kinh nghiệm về sự đơn độc của ta không phải như một vết thương mà là như một ân ban, ơn của Thiên Chúa, để trong sự đơn độc ấy của ta, ta có thể khám phá ra ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương.
Chính tại chỗ ta cảm thấy ta đơn độc nhất, độc đáo nhất, ta cảm thấy ta là mình nhất, lại là chỗ Thiên Chúa gần gũi ta nhất. Đó là chỗ ta cảm nghiệm được Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, Đấng biết ta hơn ta biết ta.
Cô tịch là cách thức, nhờ đó ta lớn lên trong nhận thức rằng tại những nơi ta cảm thấy cô độc nhất, lại chính là những nơi ta được Thiên Chúa yêu thương nhất. Cô tịch là một phẩm chất của tâm hồn, một phẩm chất nội tại giúp ta chấp nhận sự đơn độc của ta cách yêu thương như một quà tặng của Thiên Chúa.
Tại nơi ấy, các hoạt động của ta trở nên những hoạt động được làm vì người khác. Nếu ta chấp nhận sự đơn độc của ta như một quà tặng của Thiên Chúa, và biến sự cô độc ấy thành một sự cô tịch sâu xa, thì từ chính sự cô tịch ấy ta có thể đến được với người khác. Ta có thể cùng đến với nhau trong cộng đoàn, vì ta không bám vào nhau chỉ vì ta cảm thấy cô đơn. Nhưng, ta tôn trọng sự tĩnh mịch của nhau. Ta nhận ra nhau như những con người được cùng một vị Thiên Chúa kêu gọi.
Nếu tôi tìm thấy Thiên Chúa trong nơi cô tịch của tôi, và bạn cũng tìm được Thiên Chúa trong nơi cô tịch của bạn, thì chính Thiên Chúa ấy đang kêu gọi ta lại với nhau, và ta có thể ở chung với nhau mà không hủy diệt nhau khi chỉ biết bám cứng ấy nhau. [1]
1.2. Thinh lặng nội tâm với cộng đoàn.
Tĩnh mịch không phải là một không gian riêng tư đối nghịch với không gian chung của cộng đoàn, cũng không phải là một không gian chữa lành, trong đó ta trả lại bản thân ta cho đời sống cộng đoàn. Cô tịch và cộng đoàn thuộc về nhau, cái này đòi hỏi cái kia chẳng khác gì như tâm và chu vi của một vòng tròn.Cô tịch mà không có cộng đoàn sẽ đưa tới cô đơn, thất vọng, cộng đoàn mà không có cô tịch sẽ quăng ta vào "rỗng tuyếch của lời nói và tình cảm" (bonhoeffer).
Cô tịch rất quan trọng đối vơi đời sống cộng đoàn vì trong cô tịch ta gần gũi nhau hơn. Khi ta cầu nguyện một mình, học tập, viết lách, hoặc cách đơn giản sử dụng thời gian thinh lặng xa khỏi những nơi ta vẫn tiếp xúc trực tiếp với nhau, ta đang thực sự tham dự đầy đủ vào sự lớn mạnh của cộng đoàn. Thật sai lầm khi nghĩ rằng ta chỉ xích lại gần nhau hơn khi ta nói chuyện, chơi đùa, hoặc làm việc chung với nhau. Chắc chắn trong những lần như thế cộng đoàn phát tiển mạnh, nhưng cộng đoàn cũng phát triển mạnh không kém khi ta bước vào cô tịch. Ta đem theo người khác vào trong cô tịch với ta, và trong cô tịch, tương quan của ta phát triển và ăn rễ sâu. Trong cô tịch ta khám phá ra nhau theo cách mà sự hiện diện thể lý khó nếu không muốn nói là không thể khám phá ra được.
Cô tịch không thể tách khỏi cộng đoàn được vì trong cô tịch ta khẳng định thực tại sâu xa nhất của cuộc sống chung của ta với nhau, nghĩa là, với tư cách là một cộng đoàn, ta như những bàn tay hướng về Thiên Chúa trong cầu nguyện vậy. Thậm chí ta còn có thể nói rằng, đời sống cộng đoàn tự nó trước hết là một hành vi cầu nguyện. Chỉ biết bám vào nhau để sống sót trong cơn bão tố của thế gian này, người ta không thể tạo nên cộng đoàn được, nhưng người ta chỉ tạo nên cộng đoàn khi cùng nhau gầy dựng một đời sống cầu nguyện giữa gia đình nhân loại vẫn đầy ắp âu lo này.
Tất cả những gì vừa nói cho thấy rằng đời sống trong cô tịch chính là đời sống trong đức tin. Nhờ việc dần dần bỏ lại sau lưng những hành động tự khẳng định mình và trở nên "vô dụng” trước mặt Thiên Chúa, ta vượt qua những nỗi sợ hãi nội tâm và những âu lo cho ngay mai, và khẳng định Thiên Chúa của ta chính là vị Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài ta tìm được sức mạnh và bình an. [2]
2. Phương thế để có được sự thinh lặng nội tâm trong cuộc sống.
Đưa một sự cô tịch nào đó vào đời ta là một trong những kỷ luật cần thiết và khó khăn nhất. Dẫu có thể ta rất khao khát có được một sự cô tịch đích thật, nhưng ta vẫn có kinh nghiệm về một nỗi âu lo nào đó khi đến gần một nơi chốn và một thời gian tĩnh mịch nào đó. Bao lâu ta còn đơn độc, không có người để tâm sự, không có sách để dọc, không có tivi để xem, hoặc điện thoại để gọi, thì bấy lâu một sự hỗn loạn nội tâm nẩy sinh trong ta. Sự hỗn loạn này có thể gây rối loạn hoặc bối rối đến độ ta khó có thể chờ đợi bận bịu lại. Thế nên, bước vào phòng riêng và đóng cửa lại, không có nghĩa là ta gạt ngay được những nghi ngờ, xao xuyến, sợ hãi, những ký ức xấu. Những xung đột chưa giải quyết xong, những giận hờn và những đam mê trong lòng. Trái lại, khi ta dẹp được những lo ra bên ngoài, ta thường thấy rằng những lo ra bên trong vẫn thể hiện đầy sức mạnh đối với ta.
Cô tịch không phải là một sự đáp trả tự nhiên với một cuộc sống bận rộn và lơ đãng. Có quá nhiều lý do để không phải ở lại một mình. Vì thế, ta phải bắt đầu bằng cách cẩn thận thiết lập một sự cô tịch nào đó. Năm hoặc mười phút mỗi ngày có thể là tất cả những gì ta có thể chịu đựng. Có lẽ, ta cũng sẵn sàng để ra mỗi ngày một giờ, mỗi tuần một buổi và mỗi tháng một ngày, và mỗi năm một tuần. Thời lượng sẽ thay đổi với mỗi người, tùy theo tâm tính, tuổi tác, nghề nghiệp, lối sống và sự trưởng thành. Nhưng ta sẽ không coi trọng đời sống thiêng liêng, nếu ta không dành một thời gian nào đó để ở với và lắng nghe Thiên Chúa. Có lẽ ta phải cẩn thận đánh dấu giờ ấy trên lịch sinh hoạt hàng ngày để không ai có thể chiếm mất thời gian ấy. Chỉ khi lên chương trình như thế, ta mới có thể nói với bạn bè, hàng xóm, học sinh, khách hàng, thân chủ hoặc bệnh nhân của ta rằng: tôi xin lỗi, tôi đã có hẹn và tôi không thể thay đổi được.
Một khi quyết tâm dành thời gian cho sự cô tịch, ta mới phát huy được sự quan tâm đối với tiếng nói của Thiên Chúa trong ta. Lúc đầu, suốt những ngày, những tuần học, những tháng đầu tiên, có thể ta có cảm tưởng rằng ta đang lãng phí thời gian. Thời gian trong cô tịch lúc đầu hầu như có thể chẳng hơn gì thời gian bị tấn công bởi hàng ngàn ý tưởng và tình cảm nổi lên từ những khu vực ẩn khuất trong tâm trí ta. Một trong những tác giả Kitô giáo tiên khởi đã mô tả giai đoạn đầu tiên của việc cầu nguyện trong cô tịch này như kinh nghiệm của một người, sau nhiều năm quen sống với việc mở toang cửa, bỗng quyết định đóng cửa ại. Khách khứa thường đến và bước vao nhà ông cách tự nhiên, nay bắt đầu phải gõ cửa, tự hỏi vì sao họ lại không được phép vào. Chỉ khi họ nhận ra rằng họ không được tiếp đón, họ mới từ từ không đến nữa.
Cách trực giác, ta biết rằng dành thời gian cho sự cô tịch là điều quan trọng. Thậm chí ta còn mong chờ giai đoạn vô dụng kỳ lạ này nữa là khác. Khát vọng sống cô tịch này thường là dấu chỉ đầu tiên của sự cầu nguyện, là dấu chỉ cho thấy rằng ta không còn lãng quên sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa nữa. Khi ta bắt đầu trút đổ những lo âu của mình, ta mới biết không chỉ bằng tâm trí thôi mà còn bằng cõi lòng nữa rằng trước đây ta chưa hề cô độc, Thần Khí Thiên Chúa vẫn hằng ở bên ta…
Trong cô tịch, ta dần dà biết được Thần Khí, là Đấng đã được ban cho ta. Những cơn đau và những cuộc đấu tranh ta gặp trong sự cô tịch của ta, khi ấy trở thành đường hy vọng, bởi niềm hy vọng của ta không chỉ dựa trên một cái gì đó sẽ xảy ra sau khi những đau khổ đã qua, mà còn dựa trên sự hiện diện đích thực của Thần Khí chữa lành của Thiên Chúa giữa những đau khổ ấy. Kỷ luật của sự cô tịch cho phép ta dần dần đụng chạm được sự hiện diện đầy hy vọng này của Thiên Chúa trong đời ta, và cho phép ta nếm cảm được ngay từ bây giờ những khởi sự của niềm vui và sự bình an thuộc về trời mới, đất mới.
Tuy kỷ luật của sự cô tịch đòi ta phải sắp xếp thời gian và không gian, nhưng điều quan trọng là tâm hồn ta phải trở nên giống như những căn phòng tĩnh mịch nơi Thiên Chúa có thể cư ngụ, bất kể ta đi đâu và làm gì. Càng luyện cho mình biết cách dành thời gian để sống với Thiên Chúa và với chỉ một mình Thiên Chúa thôi, ta sẽ càng khám phá ra rằng Thiên Chúa vẫn luôn luôn ở với ta mọi nơi, mọi lúc. Khi ấy, ta sẽ có thể nhận ra Thiên Chúa ngay giữa cuộc sống bề bộn và bận rộn. Một khi sự cô tịch của thời gian và không gian trở thành cô tịch của tâm hồn, ta sẽ không bao giờ phải từ bỏ sự cô tịch ấy. Ta sẽ có thể sống đời sống thiêng liêng tại mọi nơi, mọi lúc. Như thế, kỷ luật của sự cô tịch giúp ta có thể sống một cuộc sống hoạt động giữa thế gian này, trong khi vẫn luôn ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. [3]
[1] Henri Nouwen, A quality of Heart, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.40
[2] Henri Nouwen, Solitude and Community, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.53
[3] Henri Nouwen, Making all things new , trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.42-45