KHÁI LƯỢC NAM KỲ ĐỊA PHẬN
- TỜ BÁO CÔNG GIÁO ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM

Một trang của tuần báo
Xuất hiện cùng thời với Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, nhưng lâu nay Nam Kỳ địa phận (tuần báo) ít được giới nghiên cứu chú ý. Có lẽ vấn đề lớn nhất là do sự khan hiếm tài liệu. Các tờ báo Nam kỳ địa phận (tính cả bản gốc và bản photo) đâu đó chỉ còn nằm rải rác ở các cơ sở của các nhà thờ Công giáo, nơi tương đối khó tiếp cận dưới góc nhìn của những người nghiên cứu báo chí, nghiên cứu văn học; trong khi để khai phá "lãnh địa" này thiết tưởng cần một sự bao quát hết các số báo đòi hỏi sự công phu và thời gian thực hiện.
Tuần báo Nam Kỳ địa phận là mảnh đất màu mỡ rất đáng được các thế hệ sau can đảm "trở về nguồn" để khai thác, gạn đục khơi trong để thấy những giá trị của nó với những chuyên mục rất phong phú. Xét riêng chuyên mục văn học của tờ báo Nam Kỳ địa phận, đặc biệt phần tiểu thuyết quốc ngữ cũng đã là một đề tài rất thú vị với những tác phẩm khá dài hơi.
- Người sáng lập và tôn chỉ tuần báo Nam Kỳ địa phận
Tuần báo Nam Kỳ địa phận do một vị Giám mục người Pháp Mossard chủ trương thành lập. Tờ báo sống 37 năm với khoảng 30.000 trang báo, ra ngày thứ năm hàng tuần. Số đầu tiên ra ngày 26.11.1908 và số cuối cùng ra ngày 01.3.1945. Tuần báo Nam Kỳ địa phận đáng lưu ý ở chỗ tuy là “báo đạo” nhưng chỉ bàn về vấn đề đạo khoảng một phần ba, còn lại bàn về đủ mọi vấn đề của cuộc nhân sinh, thấy gì "hữu ích thì đem vô hết"; từ văn học dân gian (thai đố, chuyện giải buồn) đến thuốc bắc, thuốc nam, làm ăn buôn bán,… Tờ báo không chỉ dành riêng cho người Công giáo.
Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, cơ quan ngôn luận chính thức đầu tiên của người Công giáo Việt Nam chào đời, mở ra một kỉ nguyên cho Báo chí Công giáo Việt Nam. Trang bìa của báo có in huy hiệu của Toà Giám mục Sài Gòn. Tôn chỉ của báo là “để cho bà con An Nam thông phần đạo, ngoan phần đời”, được khai triển rõ ý trong bài Bổn Quán Kính Báo và Bài cám ơn Đức Cha, người sáng lập tờ báo của Ban biên tập ở ngay số 01 ra ngày 26.11.1908. Bổn Quán Kính Báo nêu rõ chủ trương: “Vì lòng ái mộ cho danh Cha cả sáng, cùng ước ao cho con nhà Annam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau tấn tài tấn đức, cho thông phần đạo và ngoan việc đời, thì Đức Giám Mục [Mossard] đã dạy kiến tạo một Nhựt báo này để mà thúc giục mọi người lo tấn phát”.
Bài cám ơn Đức Cha được viết bởi một người có bút hiệu H.K.K đề cập đến tôn chỉ của Nam Kỳ địa phận như sau: “Người [Đức Cha Mossard] có ý định lập một cái nhựt trình chữ quốc ngữ, để cho các bổn đạo ở xứ này xem cho rõ việc đạo, lại dạy cho biết việc đời, nên chúng tôi tạm đôi hàng mà tạ ơn Người, vì đã có công tìm phương nọ cách kia mà giúp đỡ chúng tôi cho bản việc bổn phận chúng tôi phải làm. chúng tôi tưởng rằng: sự lập nhựt trình này thì làm ích nhiều lắm cho hết mọi người lớn nhỏ trong anh em chúng tôi hoặc có sự gì trắc trở trong cửa nhà kém giờ mà dạy dỗ con cái mình cho đủ đều về lẽ đạo, thì nhựt trình này sẽ giúp phò kẻ ấy, kẻo có nhiều nhà có đạo bởi bối rối việc đời, mà bỏ qua hay là không dạy dỗ con cái mình cho đúng phép chăng. Theo như thơ chung Đức Cha đã nói, thì nhựt trình lập ra trước là giúp đàng mở trí khôn các giáo hữu lớn nhỏ, bàn giữ đạo cho tấn tới một ngày một hơn, và cũng có chi phương thế về sự làm ăn ở đời, cho các giáo hữu vịn theo mà giúp đỡ nhau, chớ chẳng phải là làm nhựt trình này mà tìm ích hay là danh vọng chi. Nên xin anh em trong giáo hữu đâu đó có xem nhựt trình này, chớ ai khá đem lòng nhạo báng cùng xoi bói làm chi, nói tắt một lời, là Đức Cha có ý lập nhựt trình này để chỉ dẫn cho ta biết đàng chánh nẻo tà, và dạy sự thương yêu giúp đỡ nhau mà thôi”.
- Nội dung tuần báo Nam Kỳ địa phận
Bổn Quán Kính Báo vạch ra rằng trong tờ báo này sẽ biện luận về những điều: Đạo lý, Phong hóa, Bá nghệ, Bát học và Văn tín. Cụ thể như sau:
Thứ nhất là tờ báo sẽ dùng lí lẽ, tích truyện, hoặc lấy lời thánh hiền “mà phân biệt chánh tà cùng dẫn đàng chơn thật”.
Thứ hai là tờ báo sẽ kể những gương lành, truyện thánh, tích những đấng thông minh cùng người danh sĩ; để “cho trẻ đặng học đòi noi theo, cho đặng răn mình sửa nết, trước là cho nên người đức hạnh phần đạo, sau là nên kẻ thông minh lịch lãm phần đời. Xét việc xem sóc dạy dỗ con trẻ trong nước ta hãy còn im lưu trì hưỡn chưa có tấn cho kịp thì. Phép mình ít biết, phép người cũng không thuộc,việc đạo ít thông, việc đời lại càng thua sút. Nhơn cớ là bởi chẳng chuyên cần lo lắng việc dạy dỗ con trẻ cho kĩ càng. Việc văn chương chữ nghĩa cũng còn chậm trễ. Chẳng phải thiếu người thông thuộc, song thiếu kẻ nóng lòng đốc sức cho có trường hay, thầy giỏi. Trúng là việc rất cần, vì học mà nên, hay là không học mà nên? Muốn học cho nên phải có thầy thông minh đức hạnh; học nên mới biết đàng chánh nẻo tà, đâu là trung, đâu là hiếu. Có học mới biết pháp thủ lễ nghi, mới rỡ danh cha mẹ, đẹp mặt họ hàng. Lạ hễ là bất học thì vô thuật, là không học thì không biết hiến hóa, thì sao cho tiện bề sinh phương lập nghiệp? Nên ước lo cho việc giáo huấn mỗi nơi mỗi họ đều tấn tới”.
Thứ ba là để “ta hãy đồng tâm hiệp lực mà giúp nhau, cho mọi nơi mọi xứ đều an cư lạc nghiệp”. Bởi lẽ, “về nghề nghiệp làm ăn thì ta sánh cùng người nước khác không đặng”.
Thứ tư là tờ báo sẽ nói về “những sự thường mở trí cho con nít”. Bởi lẽ, nhiều vật nhiều món ta dùng, thấy đó mà không biết là bởi đâu mà tới, và làm như thế nào. Những cuộc “cơ xảo máy móc” cũng nên biết. Có nhiều “sự thường” trong trời đất xảy ra, thấy mà chẳng hiểu và nhiều khi“sinh bán tín bán nghi”. Nếu mà biết những điều đó thì “cũng có ích nhiều bề”.
Thứ năm là báo sẽ bàn về những tin tức trong Hội thánh, trong các họ đạo, “đâu có việc chi nên hay, nên biết, thì thông báo cho nhau, cùng là quốc gia luật pháp,...”. Phần Tạp vụ đề cập những “truyện vui giải buồn” và những “bài thuốc linh đơn thần hiệu” cùng là câu đố, văn vần,...
- Giá trị đóng góp của tuần báo Nam Kỳ địa phận
Nam Kỳ địa phận là một trong những tờ báo Công giáo ở Việt Nam được đánh giá đạt phẩm chất chuyên nghiệp nhất, không những về tuổi thọ, mà còn về hình thức, nội dung và đội ngũ người viết có tâm có tài. Nhà văn Sơn Nam cho đây là bộ “bách khoa toàn thư” cần được nghiên cứu trong lịch sử báo chí quốc ngữ ở nước ta. Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động, tờ báo đã có các trang mục chuyên sâu về các lĩnh vực trong đời sống đạo đời như: Châu tri Đức Giám mục (Thư chung phụng vụ quanh năm, thông tin nghị luận về những sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu, Việt Nam và địa phận Nam Kì); Êvang (Phúc Âm các Chúa nhật quanh năm; lời bảo, lời bàn); Sự tích Chúa Cứu Thế (cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu); Sấm Ký Chơn Tích (thuật truyện Cựu ước); Hạnh Thánh – Sự tích – Gương lành (tường thuật, bút kí); Gốc tích sự Đạo trong nước Annam (lịch sử truyền giáo Việt Nam,lịch sử các giáo phận, giáo xứ dòng tu, chủng viện, đoàn thể Công giáo); Phong hóa (phong tục tập quán, thế thái nhân tình); Thiên văn bác vật (Công văn, khoa học kĩ thuật, ngành nghề, mùa vụ); Truyện giải buồn (giải trí, giáo dục); Rao vặt, quảng cáo; Nhàn đàm, Hải Đàm;…Đặc biệt, tờ báo luôn duy trì một số trang dành riêng cho Sáng tác thi phú của bạn đọc bốn phương.
Thật vậy, tuần báo Nam Kỳ địa phận với những trang mục phong phú, đặc thù không kém tính chuyên nghiệp. Ở vào thời kì báo chí quốc ngữ nước ta còn chập chững bước những bước đầu thử nghiệm thì sau Gia Định Báo (1865), bên cạnh những Nông Cổ Mín Đàm (1901), Đại Việt Tân Báo (1905), Lục Tỉnh Tân Văn (1913), Đông Dương Tạp chí (1913), Trung Bắc Tân Văn (1913), Nam Phong Tạp chí (1917), An Nam Tạp chí (1926) và Phụ Nữ Tân Văn (1929),…, làng báo Công giáo cũng đã xuất hiện những Thánh Giáo Tuần BáoBắc Kỳ (1920), Trung Hòa Nhật Báo (1923), Lời Thăm (1922), Công giáo Đồng thinh (1927), SacerdosIndonensis (1927),… trong đó tờ Nam Kỳ Địa Phận (1908) là đáng kể nhất. Tờ báo này xét ở góc độ lịch sử báo chí và báo chí Công giáo Việt Nam, xứng đáng là niềm tự hào của người Công giáo về nhiều mặt: thời gian tồn tại, cách thức tổ chức, điều hành; hình thức, nội dung. Nó đã qui tụ một “ê kíp” nhà văn vừa hùng hậu, vừa uy tín: Matthêu Hồ Tấn Đức, Jacques Lê Văn Đức, Nguyễn Hữu Bài, Hồ Ngọc Cẩn, Huỳnh Tịnh Hướng, Nguyễn Văn Thích, Lê Thiện Bá (Phêrô Nghĩa), Trần Văn Trang, Nguyễn Bá Tòng, Paul Vàng, Antoine Phi, Gabriel Hữu, Phaolô Qui, Phaolô Đạt, Nguyễn Cang Thường, Bá Đa Lộc Linh Đài, P.Đỗ Thới Của, Hồng Lam, An Phang, E.Thành Thông, Paul Tạo, Nguyễn Ngọc Quang, Francois Hữu Tâm, P.Nguyễn Hữu Lượng, F.X. Lê Vĩnh Khương,…Tờ báo rất chú trọng giáo dục phong hoá, chống lại các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện hay ăn chơi đàng điếm. Có những cây bút gây ấn tượng đậm nét cho độc giả như Phêrô Nghĩa, linh mục DM. Hồ Ngọc Cẩn, sau này trở thành vị Giám mục thứ hai người Việt ở nước ta.
Về phương diện văn hóa dân tộc dựa trên nho học, tờ báo cho thấy: Thứ nhất là những bài đạo (chú giải kinh Thánh, giảng kinh...) thường sử dụng tư tưởng Nho với câu chữ nho để diễn giảng. Thứ hai là những truyện, sự tích thường lấy các gương truyện Trung Quốc ra để minh họa đạo lý Kitô giáo. Điều gây ngạc nhiên thích thú là tờ báo sử dụng cả truyện Tàu - viết truyện ta theo kiểu Tàu - thể hiện tinh thần đạo lí Nho vào Kitô giáo. Truyện Ông Gioan Ngô Kim Thạch đăng từ số 403 (1916) đến số 451 (1917) khá hấp dẫn cho thấy truyện Tàu ảnh hưởng tốt, không phải xấu như Phạm Quỳnh đã mỉa mai, miệt thị những tiểu thuyết Tàu văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những truyện huyễn hoặc quái đản của “mấy bác cuồng nho bên Tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra để khoái trá bọn hạ lưu vô học”. Thứ ba là những bài khảo luận dài sau này in thành sách về phép lịch sự của người Việt Nam trước khi chịu ảnh hưởng Tây phương, phép làm thơ văn theo lối xưa,…đều dựa vào truyền thống văn hóa dân tộc ảnh hưởng Nho học.
Nam Kỳ địa phận bán được 2000 số, so với các tờ báo cùng thời như Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm thì tờ báo được phổ biến rộng rãi hơn nhiều. Chắc hẳn nguyên nhân ở chỗ nội dung phong phú đa dạng, lối trình bày, lối viết rất gọn, rõ, tương đối đúng chính tả hơn những tờ cùng thời và trước đó. Tuần báo Nam Kỳ địa phận tuy là báo tôn giáo nhưng lại có số độc giả đông đảo bậc nhất thời kì đó. Theo Nguyễn Văn Trung, trong những năm đầu, báo có đến 2000 độc giả, nghĩa là gấp năm, sáu lần độc giả của các báo Lục tỉnh tân văn và Nông cố mín đàm. Đây là tờ báo chung cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc; thậm chí cả các nước Lào, Cao Miên, Xiêm.
Tác giả Lại Văn Trung trong một bài viết trên Tạp chí Văn học đã đánh giá rất cao Nam Kỳ địa phận khi xếp tờ báo này bên cạnh Nông cố mín đàm và cả Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phong hóa: “Sang đầu thế kỉ XX, báo chí Quốc ngữ càng phát triển mạnh, trong đó vai trò của những Nông cổ mín đàm, Nam Kỳ địa phận, Đông Dương tạp chí, Nam phong, Phong hóa, rồi sau đó là Ngày nay,…là vô cùng lớn” [1; tr.74]. Nguyễn Văn Trung trong tư liệu Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỉ XVII – XIX) cho rằng: “Tuy tờ báo do giới Công giáo chủ trương nhưng chỉ có 1/3 nói về đạo, còn lại nói về đời và không dành riêng cho người Công giáo, nhằm phục vụ lợi ích chung. Nếu như các phần “đời” này chẳng có gì đặc sắc đáng nói thì cũng không cần nhắc đến làm gì, nhưng thực ra đó là một vốn tư liệu phong phú, đa dạng mà ngày nay chúng ta có thể khai thác về nhiều mặt: kinh tế, thương mại, phong tục, sử kí, y học dân tộc, văn học, ngôn ngữ” [5; tr.77]. Trong công trình Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Đồ Quang Hưng cũng đánh giá rất cao tờ báo Công giáo này khi cho đây là “tờ báo Công giáo thành công nhất về nội dung và hình thức, không chỉ có giá trị về thông tin, giáo dục đạo mà còn đóng góp về nghệ thuật báo chí, về sự phát triển chữ quốc ngữ” [2; tr.186].
Trong số các tờ báo quốc ngữ ở Nam Kì từ năm 1945 trở về trước, trong khi có một số tờ báo có số phận ngắn ngủi như Thông loại khóa trình chỉ tồn tại 02 năm (từ 1888 đến 1889), Phan Yên báo 02 năm (từ 1898 đến 1899),... thì tuần báo Nam Kỳ địa phận là một trong ba tờ báo có đời sống lâu dài nhất với 37 năm (từ 26/11/1908 đến 01/3/1945), chỉ sau Gia Định báo với 46 năm (số 01 ra ngày 1/4/1865, số cuối cùng 25/10/1909), dài hơn Lục tỉnh tân văn 01 năm với 36 năm (từ 1907 đến 1943). Với tính chất của một tờ tuần báo Công giáo, ngoài một số nội dung về Phong hóa, Bác vật, Thương mãi, Canh nông, Thi phú qui pháp, Những điều nên biết, Truyện sử An Nam (An Nam sử truyện),...có một số bài viết về tôn giáo thuần túy (như Thánh giáo vấn đáp, Lời Thánh kinh, Sấm ký chơn tích,...) có ý nghĩa như những văn bản minh giải Kinh thánh và hướng dẫn việc thực hành nghi lễ hoặc hướng dẫn cách nhận biết đức hạnh hay tội lỗi. Một số bài vừa có nội dung tôn giáo vừa mang giá trị thẩm mĩ, hoặc bản thân chúng trước hết và căn bản gắn với chức năng tôn giáo nhưng đồng thời cũng hé lộ những phẩm chất của những hiện tượng thẩm mĩ và đạo đức gọi là văn học tôn giáo. Vì vậy, Nam Kỳ địa phận mặc dù được coi là cơ quan phổ biến giáo lí và sinh hoạt cho người Công giáo, nhưng đồng thời cũng là cơ quan văn hoá thông tin và văn học đáng kể. Từ năm 1916, Nam Kỳ địa phận thiên về văn học và bắt đầu đăng các truyện sáng tác hoặc các truyện kết cấu kiểu Tàu nhưng lấy nhân vật và bối cảnh Việt Nam như Bạch Mai Truyện của J. Trần T., Huỳnh Ngọc Diệp của T.N.C.T., cùng với các truyện dịch và phóng tác. Đến năm 1926, báo tăng thêm trang cho phần phụ trương (supplément du N.K.Đ.P.) gồm 4 trang chuyên đăng quảng cáo và truyện, tiểu thuyết.
Xét riêng về sự đóng góp của mảng văn học trên báo Nam Kỳ địa phận, tham luận Báo chí Công giáo Việt Nam thời kỳ đầu đọc tại cuộc tọa đàm Một số vấn đề về văn hóa Công giáo Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX, Đỗ Quang Trung có những nhận định rõ hơn về giá trị của mảng văn học trên Báo Nam Kỳ địa phận. Ông cho rằng tờ báo này còn chứa đựng nhiều giá trị văn học và ngôn ngữ, đáng lưu ý hơn là so với các tờ báo cùng thời như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn,…văn của Nam Kỳ địa phận chính, trau chuốt và uyển chuyển hơn. Đúng là phần văn học trên Nam Kỳ địa phận khá phong phú.
- Các thể loại văn học trên tuần báo
Ngoài mục Văn chương thi phú, ngay từ số đầu báo đã có chuyên mục Truyện giải buồn gồm những truyện ngắn, truyện cười, truyện ngụ ngôn, các bút kí của nhiều tác giả, trong đó có cả bài của các trí thức Công giáo Nam Bộ nổi tiếng như Huỳnh Tịnh Của, Hồ Ngọc Cẩn,…
Nam Kỳ địa phận còn có sự góp mặt của các thể loại thơ, đặc biệt là thơ tôn giáo. Thánh thi và những bài thơ gắn với ý niệm, cảm xúc và đức tin tôn giáo xuất hiện khá sớm, ngay từ những số báo của năm đầu (1908). Có thể kể ra đây những bài thơ tôn giáo tiêu biểu, như Thơ tặng bốn vì Á Thánh tử đạo về địa phận Sài Gòn (đó là Á Thánh Phaolô Lộc, Á Thánh Giude Lựu, Á Thánh Verô Lựu và Á Thánh Phaolô Hạnh); Hạnh Á Thánh Lựu – linh mục tử đạo trong số báo của năm 1908; Văn minh khải tính của Phước Khánh (1909); Thơ về tính kiêu ngạo (1916); Thơ về cuộc kiệu La Vang (1919) hay các bài thơ đi kèm với những câu chuyện về các vị Thánh,....Nội dung các bài thơ tôn giáo thường không cầu kì, phức tạp, chủ yếu gắn với niềm thương cảm, sự kính tin của cộng đồng giáo dân trước thái độ và hành vi tử đạo của các bậc Á Thánh đã vì “Nước Chúa” hoặc vì “lòng nhân” mà chấp nhận cái chết hoặc chấp nhận cuộc sống khắc khổ để giữ trọn “xác tín” và “cảm xúc dâng hiến”. Cũng như văn học quốc ngữ Nam Bộ nói chung, điều quan trọng với thơ chưa phải là yêu cầu sự trau chuốt chữ nghĩa, nặng về loại thể hay thâm sâu trong ý tứ, mà điều quan trong là chuyển tải và nói được một cách cụ thể, rõ ràng cảm xúc và đức tin của cộng đồng. Mặc dù thực tế tính chất mộc mạc giản dị đó của thơ tôn giáo có lí do là cần phải đáp ứng nhu cầu dễ hiểu và dễ tác động một cách nhanh chóng và trực tếp đến cảm xúc của cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, nếu xét về sự hiện đại hóa của thơ thì rõ ràng dù các nhà thơ chưa đạt tới trình độ những câu thơ đẹp như của phong trào Thơ Mới sau này, nhưng tinh thần tự do của thơ đã được khai sinh, báo hiệu sự xa rời đối với sự câu nệ hình thức thể loại của thơ ca cũ, để rồi đến Thơ Mới, tinh thần tự do của thơ sẽ được tiếp tục ở một trình độ cao hơn và mang tính nghệ thuật rõ rệt hơn.
Khác với thơ tôn giáo, kịch tôn giáo (thánh kịch và các vở kịch có tính chất tôn giáo) trên Nam Kỳ địa phậnxuất hiện muộn hơn và cũng thưa thớt hơn, mãi tới các số báo năm 1919 mới có vở kịch đầu tiên mang tên Tuồng Sébastiano tử đạo (của P.T). Tuy nhiên, việc xuất hiện vở kịch này (trong báo gọi là “tuồng”) khá thú vị. Đây là một vở kịch nói đúng nghĩa với lời thoại đầy chất văn xuôi, thường nhật, với sáu màn khai triển xung đột và màn kết (màn thứ bảy, gợi ra khung cảnh “thiên đàng rực rỡ uy nghi, thần thánh đón rước ông thánh Sébastianô tử đạo khải hoàn lên trời hưởng phước, cả triều thần thánh đồng thanh ca hát chúc tụng Thiên Chúa chí tôn, chúc an hòa cho toàn vũ trụ”), bao gồm 17 cảnh (đăng trên 17 số báo) và có số lượng nhân vật khá lớn (25 nhân vật kịch). Xung đột của vở kịch rõ ràng, đó là xung đột giữa hai tuyến, một bên là Sébastiano và bạn bè, một bên là Hoàng đế và cận thần. Sébastiano là nhân vật trung tâm, người chống lại hoàng đế Diốclêtiano vì bị ngăn cấm đi theo con đường tôn giáo và bị nghi là kẻ phản nghịch, cuối cùng bị hoàng đế ra lệnh hành hình. Mặc dù về hình thức, nhân vật kịch mang tên phương Tây, nhưng nội dung và tư tưởng của vở kịch lại phản ánh nhiều vấn đề ở một vùng đất thuộc địa, đó là sự nhọc nhằn không tránh khỏi đối với những nhà truyền bá tôn giáo khi đẩy đưa chủ trương du nhập tôn giáo mới vào Nam Bộ và thúc đẩy công cuộc mở rộng biên giới của nhà thờ. Vở kịch đồng thời cũng nêu tấm gương tử đạo Sébastiano, người có công “dọn thiên đàng rực rỡ uy nghi”. Vở kịch gây không ít xúc động đối với cộng đồng tôn giáo được hình thành chưa lâu và đang có nhu cầu được củng cố vững chắc ở vùng đất mới. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng Sébastiano tử đạo của P.T là vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam.
So sánh với hai bộ phận văn học trên (thơ và kịch), văn xuôi mới thực sự là một bộ phận văn học phong phú và hết sức đa dạng. Một cách sơ lược có thể liệt kê ra đây hai thể loại truyện tiêu biểu, có mặt ở hầu hết các số báo trong hai thập niên đầu thế kỉ XX.
Trước hết là những câu chuyện kể về các Thánh, tiêu biểu như câu chuyện về Cha Phaolô tử đạo (1908), Sự tích Chúa Giacôbê Bùi Kỷ Lập và Sự tích Cha Gioan Baotixita Quang,...(1909), Tích đức ông Phanxicô de Borgia (1911), Điển tích Cha Amans Benoit và Sự tích Cha Antôn Đường...(1912), Sự tích Cha Nicolas Colson Sanh và Tích Cụ Sáu...(1913), Hạnh Cha Gioăng PhanxicôThượng và Sự tích Cha Phaolo Quí (1914), truyện Đức Thánh Cha Phapha Bêniditô và Đức Thánh Phapha Piô Thái...(1915), Sự tích Cha Duma và truyện Thánh Amvôlôxô...(1916), Sự tích Cha Fellix Humbert Hiệu...(1917), Sự tích Cha Giude Oai (1919), Tích truyện Á Thánh Jeanne D’Arc (1920),...Nhìn vào sự xuất hiện đều đặn những câu chuyện về các Thánh trên báo của tất cả các năm từ 1908 đến 1920 chúng ta cũng có thể khẳng định về tính phổ biến của thể loại truyện Thánh trong mảng văn học tôn giáo.
Trong số các câu chuyện về các vị Thánh, hầu hết các truyện được các tác giả kể rất ngắn gọn, với nội dung chủ yếu nêu gương về đức hi sinh, về lòng thương người bao la đối với những thân phận khốn khó cần được cứu vớt, sự xả thân vì đức tin và cuối cùng được về “nước Thiên Đường” trong sự ngưỡng vọng, kính tin của mọi người. Cũng như thơ tôn giáo, lời văn trong các câu chuyện kể về các vị Thánh hết sức mộc mạc, giản dị, không hoặc rất ít tính chất hoa mĩ, khoa trương. Chính tính chất mộc mạc của văn phong và tính chất người thật việc thật của các nhân vật “Thánh” đã góp phần quan trọng tạo nên tính đáng tin cậy của các câu chuyện đối với cộng đồng tôn giáo, thậm chí có thể thuyết phục và tạo được lòng tin đối với cả những người ngoại đạo. Tất nhiên, trong số các câu chuyện “Thánh” ấy cũng có những câu chuyện được kể khá dài, ở đó tác giả vận dụng cả những yếu tố li kì, hư ảo để bất tử hóa nhân vật được thánh hóa trên cơ sở người thật việc thật, như Tích truyện Á Thánh Jeanne D’Arc của Matthêu Đức. Trong câu chuyện hấp dẫn này, tác giả đã lấy tích truyện từ lịch sử tôn giáo và lịch sử nước Pháp trong cuộc chiến tranh một trăm năm giữa người Pháp và người Anh hậu kì trung đại (tác giả gọi là giặc Hồng Mao), ở đó Jeanne D’Arc, một cô gái xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng khi giặc Hồng Mao xâm lược đã chỉ huy quân đội Pháp giải vây thành Orléans và nhiều thành trì khác và được người Pháp tôn vinh như một nữ thánh, một con người bất tử. Đó là câu chuyện có thật trong lịch sử nước Pháp, nhưng ở đây, khi viết về nhân vật nữ thánh, tác giả đã đưa vào cả những chi tiết có tính chất phi thực để không chỉ thánh hóa một con người có thực mà còn góp phần mĩ lệ hóa tấm gương tử vì đạo và tử vì dân tộc Pháp của cô gái trẻ. Jeanne D’Arc đã xuất hiện trong cõi thế đúng như lời tiên tri “nước Lang Sa sẽ bị một người nữ làm cho nó nhào xuống trong vực gian nan tân khổ, rồi sẽ có một nữ trinh kéo nó ra khỏi đó” (người kéo nước Pháp vào cơn khổ nạn là hoàng hậu Isabeau, người đã làm cho cho Quốc công Bourgogne làm hòa với vua nước Anh và sau đó quân Anh kéo vào giày xéo nước Pháp; còn người được tiên tri sẽ cứu nước Pháp ra khỏi cơn khổ lụy chính là trinh nữ Jean D’Arc). Hình tượng nữ thánh Jeanne D’Arc trong truyện đã vượt ra khỏi phạm vi một câu chuyện tôn giáo thuần túy mà trở thành một con người được tôn xưng như anh hùng cứu quốc. Truyện kể về Thánh nữ Jeanne D’Arc là một câu chuyện thực sự hấp dẫn, ở đó có sự kết hợp giữa tôn giáo và lịch sử.
Ngoài những câu chuyện về các Thánh, trong mảng văn xuôi tôn giáo còn có nhiều câu chuyện về “phép lạ”, tiêu biểu như Phép lạ tại Lourdes, Nước Đức Chúa bà Lourdes, Phép lạ Đức Bà La Vang, Ơn lạ Đức Mẹ nhà thờ La Vang, Phép lạ bức ảnh chuộc tội, Đường lên Thiên đường, Phép lạ mình thánh Chúa,...Những câu chuyện về phép lạ là sự xen kẽ hư và thực, ở đó có những địa danh và thánh tích có thực như nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh ở Lourdes (xứ Burgos, Tây Ban Nha), nơi có nhà thờ Fatima và tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra ở đây, hay nhà thờ La Vang ở Quảng Trị, miền Trung Việt Nam,.... Bên cạnh đó, một số câu chuyện phép lạ mang yếu tố huyền bí xảy ra nơi những phận đời nghèo khổ, bất hạnh, đau yếu bệnh tật hoặc bị hư hỏng về tâm hồn. Khi đứng trước Đức Chúa, người ấy có đức tin và thành tâm cầu nguyện thì “phép lạ” sẽ đến, người ấy có thể vượt qua được sự nghèo hèn, khỏi bệnh, hoặc từ kẻ bất lương bất kính sẽ trở thành người lương thiện, đáng mến. Câu chuyện Nhờ áo ảnh Đức Mẹ mà bà cháu gặp nhau (đăng báo năm 1911) của Biện Luật nói về số phận của cậu bé mồ côi. Bố mẹ cậu chết hết trong một cơn bão biển, được cứu vớt bởi một người dân chài tốt bụng và cuối cùng nhờ bức ảnh Đức Mẹ luôn mang theo bên mình mà sau bao năm lưu lạc cậu bé được gặp lai người bà và người chị ruột của mình và trở nên hạnh phúc. Hay trong truyện Ơn lạ Đức Mẹ nhà thờ La Vang của Linh mục Joseph (đăng báo 1914) kể về nhân vật Câu rất nghèo, nghèo đến nỗi không có quần áo để mặc. Cậu xin người dì giàu có 3 đồng nhưng vì bá quá keo kiệt nên cậu đành ngậm ngùi ra về tay trắng. Đến nhà thờ cầu xin Đức Mẹ, cậu được cho tiền, nhưng do tính ham chơi nên cậu đi theo bạn bè hái củi và quên cầu nguyện, từ đó bị cơn bệnh sốt rét hành hạ. Nhớ lại lần cầu nguyện xin được tiền, cậu trở lại nhà thờ hối lỗi, nguyện không bỏ đạo và từ đó dứt hẳn cơn bệnh sốt rét trước đây. Với những câu chuyện “phép lạ”, cuối tác phẩm thường là một kết thúc có hậu như những câu chuyện dân gian truyền thống, chỉ khác là những câu chuyện này kết thúc có hậu gắn liền với niềm tin tôn giáo, tin vào sức mạnh của đức tin có thể cứu rỗi linh hồn. Cùng với những câu chuyện các Thánh, những câu chuyện phép lạ trở thành “những cỗ xe chuyên chở lòng tin” của người Công giáo.
Truyện và tiểu thuyết trên Nam Kỳ địa phận chiếm một số lượng đáng quan tâm. Không kể các truyện, tiểu thuyết dịch và phóng tác từ phương Tây (chủ yếu là truyện Pháp), riêng truyện và tiểu thuyết lấy đề tài và nhân vật Việt Nam đã có gần 20 tác phẩm. Có tiểu thuyết phải đăng đến 4 năm mới hết, như Chết đi sống lại (hay là Mối thù mật nhiệm) của H.V.C. khởi đăng từ năm 1934 đến 1938 mới chấm dứt. Từ năm 1916, báo bắt đầu đăng các truyện dịch hoặc phóng tác. Cũng từ năm 1916, các tác giả Việt Nam đã xuất hiện, trong đó viết “khỏe” nhất là Phêrô Nghĩa, ông là tác giả các tiểu thuyết Mưa mai nắng chiều (1928), Đôi bước lưu ly (1928), Ôi là tự do (1931), Cha giết con (1932), Nhị độ mai (1933), và nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết khác. Nhưng xuất hiện sớm nhất là Charles Ngọc Minh - tác giả của Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch (1916). Bối cảnh và nhân vật được lấy từ Trung Quốc. Theo Trần Tuấn Đỉnh, đây có lẽ là “một trong những tiểu thuyết viết theo truyện Tàu có tính chất tôn giáo đầu tiên” [5; tr.78]. Cách mượn bối cảnh và nhân vật từ Trung Quốc như thế sau này còn thấy ở tiểu thuyết Nhị độ mai (1933) của Phêrô Nghĩa. Điều này cho thấy tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà văn và độc giả Nam Bộ những năm đầu thế kỉ XX như thế nào. Phải đến năm 1925 mới có các truyện và tiểu thuyết có bối cảnh và nhân vật Việt Nam như Bạch Mai truyện của J.Trần T. và Huỳnh Ngọc Diệp của T.N.C.Đ. Bạch Mai truyện kể về cuộc đời nhiều truân chuyên của Bạch Mai, một cô gái đẹp người đẹp nết, nguyên là con nhà hào phú. Huỳnh Ngọc Diệp cũng là chuyện kể về cuộc đời nhiều trắc trở của một chàng trai tên Huỳnh Ngọc Diệp. Các truyện và tiểu thuyết nói trên vẫn phần lớn nằm trong ảnh hưởng của thi pháp tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, thấy rõ nhất là ở cốt truyện tài tử giai nhân và lối kết cấu theo ba công đoạn quen thuộc: hội ngộ - lưu lạc- đoàn viên. Trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng vẫn là những đạo lí cơ bản trong các tác phẩm này. Nhân vật trong nhiều tác phẩm vẫn được chia làm hai tuyến rạch rồi, phân minh: hiền lương và nham hiểu, nhân hậu và độc ác, trọng nghĩa và phi nghĩa. Kết thúc tác phẩm thường là có hậu; người hàm oan được thoát tội, người hiền lương sau nhiều gian truân khổ ải được đền bù, kẻ làm ác phải sống nhục chết thảm. Tuy nhiên, điều đặc sắc là các tác giả Công giáo đã khéo léo sử dụng tinh thần và các phạm trù đạo đức của Nho giáo để phục vụ cho việc truyền bá tôn giáo của mình.
Sang đến năm 1926, với Bước đường gay hiểm, tác giả P.L. đã cho thấy một cách tân đáng chú ý trong kết cấu tiểu thuyết. Tác phẩm được kết cấu không theo tuyến tính như truyện cổ điển mà đảo lộn tuần tự thời gian, làm cho tác phẩm hấp dẫn, gay cấn hơn. Mãi đến phần ba, tác giả mới cho nhân vật chính Biện Long hồi tưởng đến cái chết đầy bí hiểm của viên xã trưởng làng Thái Bình vào hai mươi năm trước và vì thế mà anh ta phải thay tên đổi họ để tránh khỏi tù tội một cách oan uổng. Trong tiểu thuyết Cha giết con (1932), tác giả Phêrô Nghĩa cũng đã mạnh dạn đẩy kịch tính lên đến đỉnh điểm khi cho nhân vật chính Bùi Xuân bị giết chết bởi tay của Ba Huệ, một người đàn bà lẳng lơ mà Bùi Xuân dan díu. Nhưng những cách tân như thế còn khá hiếm trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Kỳ địa phận.
Không ghi hẳn thành chủ trương nhưng tiểu thuyết trên Nam Kỳ địa phận dường như được chia làm hai mảng: mảng có chức năng giáo dục, nhằm mục đích truyền bá đức tin Công giáo và mảng chỉ nhằm giúp các “khán quan”, độc giả giải trí, giải buồn như tên một mục của tờ báo - Truyện giải buồn. Mảng tiểu thuyết thứ nhất thường được đăng trong phần chính thức và chịu nhiều ảnh hưởng của thi pháp tiểu thuyết cổ điển, chương hồi Trung Quốc như Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch, Bạch Mai truyện, Huỳnh Ngọc Diệp, Nhị độ mai,…Còn mảng thứ hai chỉ được đăng ở phụ trương và chịu nhiều ảnh hưởng của thi pháp tiểu thuyết phương Tây hơn như Trên đường quản hạt (1932), Người mặt sắt (1932), Mối thù mật nhiệm (1934),…Đây là những tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm và cả dạng hình sự nữa. Cả hai mảng truyện và tiểu thuyết này, dù là mảng giáo dục hay giải trí, dù là để truyền bá đức tin Công giáo hay chỉ thuần túy là truyện hình sự, phiêu lưu, mạo hiểm đều mang một đặc điểm chung là có một cốt truyện nhiều tình tiết, li kì, gay cấn, căng thẳng và đầy kịch tính. Đây có lẽ cũng là một đặc điểm có tính chất truyền thống của truyện và tiểu thuyết Nam Bộ, từ Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu của đầu thế kỉ XX cho đến Nguyễn Quang Sáng sau này. Về ngôn ngữ, ngoài việc được chăm chút rất kĩ về mặt chính tả như Nguyễn Văn Trung đã cho biết, truyện và tiểu thuyết trên Nam Kỳ địa phận như Đỗ Quang Hưng đã nhận xét, có một lối văn chương trong sáng, trau chuốt và uyển chuyển hơn so với lối văn của các báo Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn và so với truyện, tiểu thuyết của một số tác giả khác trong cùng một thời kì đó như văn của Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Phạm Minh Kiên,…
Qua tiểu thuyết trên Nam Kỳ địa phận, người đọc có thể thấy bức tranh của văn học Nam Bộ những thập kỉ đầu của thế kỉ XX vẫn là một bức tranh của giai đoạn giao thời, quá độ như tình hình chung trong cả nước, trong đó thi pháp tiểu thuyết phương Đông, mà cụ thể là tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, đã hòa lẫn với thi pháp tiểu thuyết phương Tây. Nhưng trên Nam Kỳ địa phận, thi pháp của tiểu thuyết chương hồi có vẻ lấn lướt hơn. Điều này không chỉ thấy trong tác phẩm dài hơi đầu tiên như ở Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch của Charles Ngọc Minh mà còn thấy ở những tiểu thuyết xuất hiện sau năm 1930 như Nhị độ mai (1933) của Phêrô Nghĩa, Tiếng oanh (1942) của Nhuận Thân,…, mặc dù các tác giả là nhà văn Công giáo, có nghĩa là họ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây. Nguyên nhân có lẽ do áp lực nặng nề của thị hiếu độc giả. Những cư dân vùng đất mới này thời kì đó rất ưa chuộng “truyện Tàu”, do đã tìm được trong đó những mẫu nhân vật “trọng nghĩa khinh tài” rất phù hợp với tính cách của mình và những nhân vật phi thường có thể thỏa mãn sức tưởng tượng phóng túng của họ. Điều này cho thấy trường hợp của Nguyễn Trọng Quản - một nhà văn Công giáo với Truyện Thầy Lazaro Phiền(1887) là một hiện tượng độc lạ. Do bước quá sớm ra con đường hiện đại rộng lớn nên ông đã phải cô độc. Nói như Bằng Giang, đây “là một con chim lạ từ phương Tây đáp xuống một vùng đất còn vắng bóng đồng loại”. Bởi lẽ đó, nó mới nổi nên như một ốc đảo chơi vơi vào nửa sau thế kỷ XIX không riêng ở Nam Kì mà ở cả Việt Nam” [4; tr.303].
Từ truyện đầu tiên Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch đăng năm 1916 cho đến tiểu thuyết Tiếng oanh năm 1942, báo Nam Kỳ địa phận đã có gần 20 tác phẩm của hơn chục tác giả. Các tác phẩm này, bên cạnh những đặc điểm chung của truyện và tiểu thuyết Nam Bộ, đã có những nét đặc sắc riêng do được các nhà văn Công giáo sáng tác. Tất cả đã giúp hình dung được phần nào quá trình phát triển và diện mạo của tiểu thuyết hiện đại Nam bộ nói riêng và của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam nói chung những năm đầu thế kỉ XX.
Ngoài những thể loại trên, Nam Kỳ địa phận còn có sự đóng góp ở thể loại du kí như Đi chơi nơi Ruines D’angkor, Viếng nhà thờ chánh các Thầy Dòng tại Lembecq-les-Hal trong nước Belgique, Lạc vào Chùa Xiêm,…
Kết luận
Như vậy, Tuần báo Công giáo Nam kỳ địa phận thật đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của văn minh, văn hóa Việt Nam đặc biệt ở "lãnh địa" báo chí và văn học. Người Công giáo đã đến với mảng văn học trên Nam Kỳ địa phận như đến với con thuyền chuyên chở đức tin của mình qua những biến thay thời cuộc, lại có thể giới thiệu niềm tin ấy tới "bạn đọc bốn phương". Sự phong phú các thể loại văn học: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, du kí, một phần vừa thỏa mãn khoái cảm thẩm mĩ của cộng đồng Công giáo thời bấy giờ, vừa góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hóa văn học miền Nam những thập niên đầu thế kỉ XX. Mảng văn học trên Nam Kỳ địa phận đã đơm bông rực rỡ đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết Công giáo. Tờ báo chuyên chở những tư liệu cổ và thú vị cho bạn đọc và giới nghiên cứu “trở về nguồn” để khám phá. Điều này có ý nghĩa vì một nền văn học lành mạnh và có nội lực để phát triển cần phải bám chặt vào quá khứ và quê hương, muốn đi tiếp phải đi lại.
Gió Biển, CMR
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lại Văn Hùng (2001), Truyện ngắn nhìn trong nguồn mạch, Tạp chí Văn học, số 02, tr.74
[2]. Đỗ Quang Hưng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Nxb.Đại học Quốc gia, Hà Nội
[3]. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2011), Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb.Tôn Giáo, Tp.HCM
[4]. Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb.Trẻ, Tp.HCM
[5]. Khoa ngữ văn (1993), Về sách báo của tác giả Công giáo, Trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh
[6]. Võ Văn Nhơn (2008), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp.HCM
[7].Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của Báo Chí, tiểu thuyết và thơ mới, Nxb.Thành phố HCM
[8]. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo Chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb.Thành phố HCM