Vị Bề trên tốt - Kỳ II
Thứ tư - 27/02/2019 20:17
1377
Nguyên tác: Le Bon Supérieur
Của Cha Columban, Ofm
Chuyển ngữ: Đaminh Trần Thái Đỉnh

KHIÊM NHƯỜNG MÀ KHÔNG NHÁT ĐẢM
Quyền bính nơi một vị Bề Trên chắc chắn là một cái gì vĩ đại và thần linh, cho nên người ta trân trọng và tôn kính chức vị của ngài là điều phải lẽ: ngài không có quyền từ chối những biểu lộ kính trọng đó của những người bề dưới. Tuy nhiên ngài nên biết rằng quyền và tước hiệu của ngài đã không thay đổi sự yếu đuối của bản tính ngài: ngài vẫn là con cháu Ađam và Evà như trước. Một cách nào đó, quyền bính ở nơi ngài vẫn ở ngoài ngài; tựu trung đã chẳng có gì thay đổi ở nơi ngài. Không vì thế mà ngài có thêm công trạng gì, ngài vẫn giống như các anh em khác và có thể ngài còn thua kém họ về các nhân đức. Quyền bính này là cái nhất thời: hôm qua, ngài đơn thuần là một tu sĩ, ngày mai ngài sẽ là như thế.
Xin các Bề Trên nhớ những lời và gương sáng của Chúa Giêsu Kitô. Ngài không tự đặt mình làm ông chủ, nhưng làm đầy tớ các anh em mình. Ngài đã không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Ngài nói: “Nơi các dân ngoại, các Bề Trên thống trị bề dưới, còn anh em thì hãy phục vụ, ai trong anh em là người lớn nhất, hãy trở nên như kẻ bé nhất”. Thánh Phanxicô, người cha chí ái của chúng ta cũng đã nhắn nhủ các vị Bề Trên như vậy. Ngài còn truyền dạy họ trong Luật Dòng rằng: “Anh em được gọi là những người phục vụ (ministres), nghĩa là các đầy tớ, bởi vì anh em phải là những đầy tớ của các anh em, họ phải có thể cư xử với anh em như các ông chủ đối với các đầy tớ của mình”.
Có những vị Bề Trên muốn tự mình làm hết mọi việc, cho rằng mình làm mới tốt; họ ghen tuông về quyền bính của mình, họ sợ các bề dưới mà thành công thì sẽ làm giảm uy tín của họ, bởi vậy người ta thấy họ ngăn cản và dập tắt mọi sáng kiến, thay vì gợi lên, ủng hộ và hướng dẫn các sáng kiến như vai trò và bổn phận của họ đòi hỏi. Họ vừa thiếu khiêm nhường, vừa thiếu khôn ngoan.
Xin các ngài hãy đọc hai lời khuyên sau đây của Chân Phước Théôphile de Corte gởi các vị Bề Trên: “Mặc dầu bên ngoài vị Bề Trên không thể đặt mình ở dưới những kẻ phục quyền mình, nhưng bên trong ngài phải luôn luôn làm như thế, nghĩ mình không đáng sống chung với các anh em, và tự hổ thẹn khi thấy nhiều anh em tu sĩ tiến trên đàng trọn lành một cách nhiệt thành hơn mình; hơn nữa, khi ngài phải sửa lỗi một tu sĩ, ngài đừng bao giờ làm việc này mà trước đó không thừa nhận trong lòng rằng mình còn đáng trách hơn người tu sĩ này”.
Và đây là lời khuyên thứ hai: “Bề Trên phải tập làm những công việc thấp hèn, vì đó là những phương tiện hữu hiệu nhất để tập đức khiêm nhường, một nhân đức rất cần thiết cho các Bề Trên; khi dẫn đầu trong việc thực hành những công việc tạp vụ này, ngài sẽ khuyến khích các anh em khác làm như vậy”.
Các vị Bề Trên đích thực đều hiểu điều đó. Tuy nhiên, thiếu đức khiêm nhường mà tai hại, thì khiêm nhường thái quá cũng tai hại không kém, vì đó là tính nhát đảm.
Quả vậy, có những Bề Trên khiêm nhường thái quá đến nỗi mất hết can đảm khi phải quở trách hoặc sửa lỗi anh em. Những Bề Trên đó ý thức sâu xa về sự bất tài và bất xứng của mình đến nỗi không bao giờ dám nói và hành động. Tu sĩ này có những khuyết điểm về tính nết: ngài không dám nhắc nhở, vì ngài cũng có những khuyết điểm như vậy. Tu sĩ kia lỗi phạm đức bác ái cách tỏ tường, ngài không dám khuyên răn. Ngài cũng im lặng đối với những anh em không chu toàn những công việc hoặc những nhiệm vụ: ngài không dám nói! Có anh em muốn tâm sự với ngài, xin ngài những lời khuyên: ngài không làm gì để giúp anh em bạo dạn đến gặp ngài: ngài nghĩ mình ít học và ít được ơn soi sáng!
Ít ra sự nhút nhát này còn dễ được tha thứ, vì vịn cớ khiêm nhường, nhưng cũng có những vị vì tự ái. Ngài được anh em yêu mến và kính trọng; để khỏi mất đi những sự tôn kính mà ngài rất ưa thích đó, ngài sẽ tỏ ra khoan dung và yếu mềm, trong khi đáng lý ra phải tỏ ra nghiêm khắc. Anh em lỗi luật dòng, đi ra ngoài tu viện nhiều lần, nhiều sự lạm dụng xảy ra … Vậy mà Bề Trên vẫn cho phép tất cả! Để giữ lấy tiếng là người dễ dãi, ngài đã hy sinh bổn phận của mình!
Dầu do đâu mặc lòng, sự nhát đảm này là yếu đuối, và là tai vạ cho Hội Dòng. Chúa đặt ngài làm Bề Trên để coi sóc, khuyên răn, sửa lỗi, quở trách: nếu ngài giữ im lặng và do sự im lặng của ngài mà một linh hồn bị hư mất, thì Chúa sẽ hỏi tội ngài, và máu sẽ đền máu, linh hồn sẽ đền linh hồn. Vì những yếu đuối đó, ngài đã phản bội nhiệm vụ của mình, ngài cản trở sự tiến bộ thiêng liêng của các anh em, ngài để cho họ mất đi một trong những lợi ích lớn lao của cuộc sống tu sĩ là được Bề Trên hướng dẫn và sửa lỗi. Ngài mang rối loạn vào trong cộng đoàn, ngài để cho các tật xấu tha hồ tự do phát triển, cho nên ngài đã mở đường cho đủ thứ xấu xa và tai họa.
Nhưng ngài sẽ nói: “Tôi thiếu khả năng. Tôi không có tài”. Đây không phải là chuyện có tài hay không có tài. Đây là vấn đề quyền bính: ngài có quyền, ngài phải dùng quyền!.
“Tôi nhút nhát!” ngài hãy ý thức về nhiệm vụ của mình, ngài sẽ thắng được tính nhút nhát và sẽ làm tròn bổn phận.
“Tôi không muốn làm phiền lòng ai hết”. Đó là điều bất khả: không muốn làm phiền lòng một người, ngài sẽ làm mọi người phiền lòng.
“Nếu tôi làm họ bất bình, họ sẽ lẩm bẩm”. Nếu thế sẽ là lỗi của họ, không phải lỗi của ngài.
“Tôi sẽ không gây nên phản ứng bất nhã, hoặc những sự bực tức thầm kín!”. Có thể lắm, nhưng ngài vẫn phải nói. Nếu ngài không nói thì ai sẽ làm việc này? Ngài hãy nói đi, rồi để Chúa lo phần còn lại.
Ngài muốn được lòng hết mọi người và không mất lòng một ai hết. Ý tốt lành quá, nhưng ngài nên nhớ phương tiện đích thực không phải là khoan dung thái quá vì nó sẽ sinh ra sự khinh thường. Những anh em gắn bó với ngài hơn hết sẽ không quý trọng ngài nữa, Bourdalone đã nói: “ Đối với các tu sĩ của ngài, ngài hãy tỏ ra có nhiều dịu hiền, nhiều nhẹ nhàng, nhiều bác ái; nhưng đàng khác ngài phải tỏ cho họ thấy ngài biết cách làm cho họ kính sợ, tôn trọng và biết vâng lời ngài; không phải vì thế mà họ yêu mến ngài ít hơn đâu: họ sẽ càng quý mến ngài hơn”.
(còn tiếp)