Nguyên tác: Le Bon Supérieur
Của Cha Columban, Ofm
Chuyển ngữ: Đaminh Trần Thái Đỉnh
ĐẠO ĐỨC MÀ KHÔNG DỄ TIN VÀO THẦN KHẢI
Đối với thánh Bonaventura, đây là cách thứ sáu của thiên thần Sêraphim, nhân đức thứ sáu của một vị Bề trên tốt. Thánh nhân còn dành cho nhân đức này một địa vị rất đặc biệt, bởi vì ngài nghĩ rằng với lòng đạo đức, tức với lòng sùng đạo người ta có thể duy trì và thủ đắc tất cả các nhân đức khác.
Chúng ta dễ hiểu tại sao, hơn tất cả tu sĩ khác, Bề trên phải sống hiệp nhất với Thiên Chúa. Vai trò của ngài là chuyển đạt thánh ý Chúa đến cho các tu sĩ. Và làm sao ngài có thể làm việc này, nếu ngài không biết các ý định của Thiên Chúa? Và ngài sẽ tìm biết các ý định đó ở đâu, nếu không phải là trong việc cầu nguyện, khi ngài giao tiếp với Chúa? Nếu ngài muốn có ánh sáng, sức mạnh và lòng can đảm cần phải có, để hướng dẫn anh em mình và đào tạo tâm hồn họ, ngài phải xin những ơn đó bằng việc siêng năng cầu nguyện, cầu nguyện liên tục. Cầu nguyện là phương thức tốt nhất của việc quản trị: khi chúng ta không biết xoay phía nào, chúng ta hãy để đấy tất cả những suy nghĩ của mình, và hãy đi cầu nguyện. Chính Thiên Chúa sẽ lo tìm ra giải đáp cho chúng ta.
Xét cho cùng, chính Thiên Chúa là vị Bề trên độc nhất, chính ngài muốn cứu độ những linh hồn mà Ngài đã uỷ thác cho ta, chính Ngài muốn sự phát đạt của những tu viện, cho vinh dự và vinh quang của Ngài. Các Bề trên chúng ta chỉ là dụng cụ của Ngài, cho nên khi chúng ta tới phó thác cho Ngài những linh hồn và những công việc của tu viện, Ngài không thể không nhận lời chúng ta. Vậy, đối với các vị Bề Trên, cầu nguyện là nơi các ngài tìm thấy sức mạnh lớn lao và niềm an ủi duy nhất của mình.
Các ngài là những người cha, những người mẹ của linh hồn đã được ủy thác cho các ngài: các ngài hãy hành động như những người cha và những người mẹ! trong các gia đình, để lo giáo dục và chuẩn bị tương lai cho con cái mình, phương tiện to lớn mà các bà mẹ nắm trong tay là lời cầu nguyện. Khi một người cha hoặc một người mẹ cầu xin cho con cái mình, họ luôn được Chúa nhận lời. Về phần các ngài cũng vậy, thưa các vị Bề trên! Trước Thánh Thể trong Nhà Tạm, hoặc sau khi rước lễ, các ngài hãy nhớ tới từng anh em tu sĩ của mình, và như trong một kinh cầu của các ngài, các ngài hãy xướng lên từng tên của họ và mỗi lần hãy thêm vào lời: “Lạy Chúa, xin thương xót anh (chị) ấy!” Đó là thời gian được sử dụng cách rất tốt lành!
Đó là một lời cầu nguyện tuyệt hảo! “ Lạy Chúa, xin thương xót anh ấy” có nghĩa là : xin Chúa nâng anh ấy dậy, xin Chúa khích lệ anh ấy, xin Chúa bảo vệ anh ấy, xin Chúa nâng đỡ anh ấy, xin Chúa soi sáng anh ấy, xin Chúa an ủi anh ấy, xin Chúa thêm sức cho anh ấy, xin Chúa ban thưởng cho anh ấy, xin Chúa cứu lấy anh ấy, xin Chúa thánh hóa anh ấy. Các ngài có thể có một lời cầu nguyện tốt hơn chăng? Và nếu Chúa nhận lời các ngài, thì dầu các ngài quên mình đi, tựu trung các ngài đã chẳng cầu nguyện cho bản thân đó sao?
Nếu phải tham khảo ý kiến người khác trước khi hành động, thì phải chăng, trước hết ta phải tham khảo ý của Thiên Chúa? Vậy ngài đừng toan tính việc gì mà không đi cầu nguyện trước: ngài phải cho ý kiến, phải đi gặp gỡ người ta, phải thực hiện những sự cải tổ, phải lấy những quyết định, ngài hãy suy tính các việc đó trong lúc cầu nguyện. Hãy bàn hỏi Thiên Chúa, để thành công trong các công việc của mình, ngài hãy tin vào hiệu lực của việc cầu nguyện hơn là tin tưởng vào tài cán và nỗ lực của mình.
Chân phước Théophile De Corte đã đạt được những thành quả rất đáng khâm phục trong việc cai quản cộng đoàn của ngài: mỗi sáng, ngài dâng mình và dâng tất cả các anh em tu sĩ với mình cho Đức Mẹ, xin Mẹ thương cai quản và bảo vệ nhà Dòng như của riêng Mẹ. Ngài không toan tính công việc gì mà không cầu xin Mẹ phù trợ. Nhiều khi ngài đã xin lỗi Chúa và Mẹ Maria, vì không đáp ứng sự trợ giúp của Chúa và của Đức Mẹ.
Như ta thấy đó, đây không phải là thứ đạo đức an thân, ngồi chờ mọi sự nơi Chúa và sợ làm phiền lòng Chúa vì mình tra tay vào công việc nơi trần gian này. Lòng đạo đức sùng mộ của Bề trên sẽ không để ngài biếng nhác bổn phận đối với của cải của cộng đoàn, đối với các công việc, đối với sức khỏe của anh em tu sĩ, đối với bổn phận phải lo toan [1]
Trái lại, lòng đạo đức sẽ dẫn ngài tới chỗ xử lý mọi vấn đề đó với Thiên Chúa trong khi cầu nguyện, như thánh Têrêsa đã làm. Vị thần bí vĩ đại này đã nói gì với Thiên Chúa trong các cuộc đàm thoại thân mật? Thánh nữ đã nói với Chúa về các công việc của mình, về việc lập các nhà mới, về các công trình của mình, về các nữ tu của mình, về ơn cứu độ của họ, về các tài sản trần thế và các của cải thiêng liêng, bởi vì cả hai thứ này đều được Chúa ủy thác cho bà, và bà phải lo toan vì lòng yêu mến Ngài. Nhưng người ta thấy bà, sau khi đã múc lấy sức mạnh và sự khôn ngoan trong việc cầu nguyện, bà đã can đảm bắt tay vào việc: bà đã có những cuộc hành trình hết sức cực nhọc, đã có những cuộc vận động không ngừng không nghỉ, đã đấu tranh chống lại mọi nỗi khó khăn, cho tới khi bà đưa công cuộc của mình tới thành công, cho danh Chúa cả sáng và mưu ích cho các linh hồn. Bà vừa làm xong công việc này, người ta đã thấy bà khởi sự một công việc khác, cũng một cách hăng say và can đảm như vậy. Các vị thánh Bề Trên là như thế đó, từ thời các Tông đồ cho đến nay, các ngài là những người kết hiệp chặt chẽ nhất với Thiên Chúa trong cầu nguyện.
Vậy lòng đạo đức không phải là một thứ tông phái an tĩnh (quietiseme), càng không phải là một thứ dễ tin vào thần khải (illuminisme). Đừng vịn cớ vào sự tham khảo thánh ý Chúa trong việc cầu nguyện, để ngồi chờ những quyết định từ trời xuống, những thứ mặc khải, rồi coi những mơ tưởng của trí tưởng tượng hoặc của một người sùng đạo nào đó, dầu họ đạo đức đến đâu, là những thánh ý của Chúa. Bossuet đã viết: “Khi cha nói phải lắng nghe lời Thiên Chúa, cha không muốn hiểu là con hãy chờ Ngài nói với con một cách đặc biệt: những cách lắng nghe Lời Chúa như thế khiến cha nghi ngờ hơn là làm cha vững tâm. Lắng nghe Lời Chúa là xem xét các sự việc có thể thuận hay nghịch, cân nhắc các lý do, đặt tâm trí mình trong những quan hệ mà người ta nghĩ là có thể xảy ra. Con ạ, con sẽ đạt tới điều đó, nếu con giữ mình không có thành kiến về tất cả những gì con nghe biết từ phía này phía nọ, nếu con cầu xin Chúa với một sự dửng dưng lành thánh, xin Ngài soi sáng cho con, để con chú ý nhìn vào sự thật; vì Thiên Chúa phán dạy, khi người ta nhận ra chân lý, và người ta nhận ra chân lý khi người ta tìm kiếm nó”.
(thư gởi Youarre, 64)
Chắc chắn là việc cầu nguyện không miễn cho ngài phải sử dụng tất cả các phương tiện khác để thành tựu, và lòng sùng đạo của vị Bề trên có thể thâu gọn trong câu nói sau đây của một vị thánh : “Phải suy nghĩ và chịu cực khi hành động, y như thể mọi sự hoàn toàn tùy thuộc vào ta, và mặt khác hãy cầu xin và phó thác mọi thành công vào Chúa, y như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Ngài”.
[1] Thánh Bonaventura nói: “Hãy cảm phục sự lo lắng của Chúa Giêsu Kitô khi Ngài cầu nguyện trong vườn cây dầu. Ba lần Ngài trở lại với các môn đệ, để nhắc nhở họ bổn phận phải cầu nguyện, và ba lần Ngài lại trở về cầu nguyện. Làm như vậy, Ngài đã tỏ mình là một thượng cấp đầy lòng đạo đức đối với Thiên Chúa, nhưng cũng đầy sự lo lắng cho bề dưới của mình”.