Kinh Mân côi sống động - 5 mầu nhiệm Thương

Thứ tư - 12/10/2022 20:27  466
family worship background

 

KINH MÂN CÔI SỐNG ĐỘNG
NĂM MẦU NHIỆM THƯƠNG

Lm. Augistinô Đoàn Cao Lý, S.J.


Lời nói đầu

Nhằm góp phần cho “ngày gia đình” – ngày sum họp mọi người trong gia đình lại, kênh truyền hình Tvland bên Hoa Kỳ quyết định không phát sóng bất kỳ tiết mục nào trong khoảng thời gian từ 18 – 19h ngày 24/09/2007. Như vậy sẽ không có sự phân tán bầu khí gia đình để ai cũng có thể lắng nghe và chia sẻ giữa nhau nơi bàn ăn, người lớn cũng như trẻ nhỏ. Đó chính là điều mà Tông Thư Kinh Môi Côi Trinh Nữ Maria 2002 gợi ý khi nói:
“Các gia đình ngày nay đang phải đối diện với nhiều vấn đề, nhất là trong những xã hội phát triển về kinh tế, gây ra bởi tình trạng họ ngày càng cảm thấy khó nói chuyện, trao đổi với nhau hơn. Các gia đình ít khi tổ chức việc quy tụ các phần tử của mình lại với nhau, và khi họ thực hiện những cơ hội hiếm hoi này thường lại là việc họ ngồi coi truyền hình. Vấn đề là quay về với việc lần hạt kinh Môi Côi gia đình, nghĩa là việc làm cho đời sống thường nhật tràn đầy những hình ảnh khác hẳn: những hình ảnh về mầu nhiệm cứu độ, tức hình ảnh về Đấng Cứu Chuộc, hình ảnh về người mẹ rất thánh của Người. Gia đình đọc kinh Môi Côi chung với nhau làm phát sinh một cái gì đó giống như bầu khí của ngôi nhà Nadarét, ở chỗ các phần tử của cả gia đình lấy Chúa Giê-su làm tâm điểm của mình, biết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, biết đặt nhu cầu và dự định của mình vào bàn tay của Người, biết tìm kiếm từ nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước. (số 41)

Lý tưởng mà mái trường gia đình nhắm tới chính là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nêu trong Tông Thư Kinh Môi Côi  như vừa trích dẫn. Mái trường gia đình ở đây được hiểu là Ngôi Trường gắn liền với Mái Ấm Gia Đình mà chính Ba Má cùng các con thiết lập trong bầu khí cầu nguyện của Kinh Môi Côi mỗi ngày.

Nền tảng của ngôi trường này chính là gương sáng của Đức Mẹ Maria, của thánh cả Giuse và nhất là của Chúa Giê-su là Con Đường đưa ta về Nhà Cha.
Ba má và các con quây quần trước ảnh Thánh Gia. Dưới ảnh Thánh Gia là sách Lời Chúa đặt trên kệ sách. Dưới kệ sách là tấm bảng mà những điều được viết trên đó phản ánh Lời Chúa dạy hoặc ơn Chúa đánh động Ba Má hoặc các con.

Chẳng hạn, nơi gia đình của anh chị BH, một người con 6 tuổi đã viết: “Lạy Chúa, xin giúp con loại bỏ tính ghen tị nơi gia đình”. Con cả của anh chị năm nay 18 tuổi đang học về Khách Sạn tại mái trường Đại Học. Điều em này ước ao là tìm được việc làm trong một khách sạn. Người con thứ hai của anh chị năm nay 12 tuổi, chỉ muốn làm sao cho đỡ vất vả với các bài làm mỗi ngày từ mái trường trung học phổ thông.

Giờ kinh Môi Côi trong gia đình là thời gian mọi người nơi gia đình đều được lắng nghe về những mối quan tâm của từng người và cùng cầu nguyện chung với nhau.

Nhưng trước hết, Lời Chúa dạy qua kinh Môi Côi phải được công bố như Tin Vui cho cả gia đình. Đó quả là Mái Trường Gia Đình, nơi đào tạo các Kitô hữu.

Để Lời Chúa trở nên sống động qua kinh Môi Côi, cả gia đình cần làm dấu Thánh Giá để xin Chúa giúp. Chỉ có Chúa mới làm cho ta được gắn kết với Ngài qua 20 mầu nhiệm Vui, Ánh Sáng, Thương và Mừng của kinh Môi Côi.

Mỗi mầu nhiệm được Ba má xướng lên và gợi ý về ơn xin. Nhưng làm thế nào để xin những ơn, như có lòng khiêm nhường, có lòng thương người, yêu mến sự khó nghèo như Chúa sinh ra nơi máng cỏ của hang loài vật? Ta xin cho được vâng lời chịu lụy:  điều đó có nghĩa gì và áp dụng được với con cái không? Thế nào là giữ nghĩa cùng Chúa luôn?

Đó là lý do tại sao ba má cần kể chuyện có thực đụng chạm tới đời sống của con cái khiến chúng phải suy nghĩ về bản thân và thấy cần cầu nguyện để xin Chúa giúp.

Thật là một điều đáng ước ao như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói trong Tông Thư Kinh Môi Côi Trinh Nữ Maria: “Tôi bảo đảm là giới trẻ một lần nữa sẽ làm cho người lớn bỡ ngỡ lạ lùng, ở cách thức chúng yêu chuộng kinh nguyện này và sốt sáng đọc kinh ấy hợp với lứa tuổi của chúng”. (số 42)




Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:
Cuộc thương khó 1
Chúa Lo Buồn Đổ Mồ Hôi Máu:
Ta Xin Ơn Để Được Ăn Năn Tội Nên

(Lc 22, 39 – 44)



Kể chuyện có thực:
Cha Côn-Bê (Maximiliano Kolbe) dòng Phanxicô nổi tiếng về xuất bản báo chí tại Ba Lan và Nhật Bản, bị Đức Quốc Xã bỏ tù năm 1940. Năm sau cha bị đưa vào trại giam nổi tiếng Âu-Sinh-Vĩ (Auschwitz) có sẵn quy luật là: khi một tù nhân trốn trại, 10 tù nhân khác phải chết thay.
Xảy ra một buổi chiều tháng 08 – 1941, một tù nhân bỏ trốn. Mười tù nhân khác liền được chỉ định chết thay, trong đó có trung sĩ Giang Ninh Giác (Gajowniczek) khóc thảm thiết vì phải bỏ lại người vợ và đàn con thân thương. Có thể nói giữa cảnh “lo buồn đổ mồ hôi máu” của trung sĩ Giang Ninh Giác, cha Côn-bê đã nhận lấy chén đắng là chết thay cho anh.
Cùng với 9 tù nhân được chỉ định, cha Côn-bê tự nguyện bước vào phòng tử hình bằng phương pháp tuyệt thực. Nhưng hai tuần sau, cha Côn-bê vẫn chưa chết và đã tự nguyện nhận liều thuốc chích chết người. Đó là chiều áp lễ Đức Mẹ lên trời ngày 14 – 08 -–1941. Cha được nâng lên hàng chân phước do Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 17 -– 10 – 1971, rồi được nâng lên hàng hiển thánh do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 10 -– 10–- 1982.
Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
1, Khi cầu nguyện với Kinh Mân Côi về Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu tại vườn Giết-sê-ma-ni, taxin ơn để ăn năn tội nên. Thế nào là ăn năn tội nên? Có phải như lời Chúa dạy là “phải yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực mình … và phải yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 30 -– 31)? Quả thật, thánh Côn-bê đã hy sinh bằng chính mạng sống, nói lên lòng mến Chúa và yêu người nơi ngài cách tuyệt hảo phải không?
2, Không phải hằng ngày các con có thể hy sinh tính mạng như thánh Côn-bê. Nhưng bao giờ các con cũng có thể hy sinh điều này điều kia khiến cho bầu khí gia đình được êm ấm và tương quan giữa các con và mọi người trở nên dễ thương. Các con nghĩ sao?
Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn để được ăn năn tội nên với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.

 
Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:
Cuộc thương khó 2
Chúa Chịu Đánh Đòn:
Ta Xin Ơn Hãm Mình Chịu Khó Bằng Lòng
Vì Danh Chúa

(Mc 15, 15)


 
Kể chuyện có thực:
Ông Phan Đắc Hòa hành nghề y sĩ, với gia đình 12 người con. Nhiều người được ông chữa lành bệnh nên người ta đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có thể giúp đỡ người nghèo, vì ông rất thương người.
Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, ông trùm lang Hòa có dịp bày tỏ lòng can đảm của mình. Tối ngày 13 -– 04 – 1840, khi đang trên thuyền với Đức Cha De La Motte Y thì ông bị các quan phát hiện. Lính bắt ông và Đức Cha Y giải về Quảng Trị giam hai tháng rồi giải về Huế. Ông Hòa bị tra khảo tới 20 lần. Các quan không đạt được ý nguyện mà còn phải nghe ông giảng về chân lý đạo. Thế là họ trả đũa bằng đánh đập, kìm kẹp và tra tấn dã man… Vị lương y làng Nhu Lý tử đạo ngày 10–12- 1840 tại Cống Chém, gần chợ An Hòa.
Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
1, Các con cần ghi nhận về cách thánh tử đạo Phan Đắc Hòa hãm mình chịu khó bằng lòng: có lần thánh nhân đích thân cúi xuống vực một người kiệt sức bên đường, vác lên vai, đưa đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước đến nuôi người đó. Các con cần có sáng kiến để giúp tha nhân, mỗi người một cách, không ai giống ai. Nhưng ai cũng cần bước ra khỏi cái tôi của mình để giúp đỡ người khác, có phải không?
2, Khi các con của thánh Phan Đắc Hòa đến thăm, ngài đã khuyên họ như sau: “cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng”.
Các con nghĩ gì về lời thánh Hòa khuyên 12 người con của ngài? Trong lời khuyên đó có những điều gì nên được áp dụng với chính các con trong mái trường gia đình này?
Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn hãm mình chịu khó bằng lòng vì Danh Chúa với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.

 

 
Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:
Cuộc thương khó 3
Chúa Đội Mão Gai:
Ta Xin Ơn Chịu Mọi Sỉ Nhục Bằng Lòng
Vì Danh Chúa

(Ga 19, 1 – 11)


 

Kể chuyện có thực:
Ngày 24-10-1861, quân lính bao vây nhà bà Huỳnh Thị Lựu. Cùng với hai chú giúp lễ, Đức Cha Thể chui xuống hầm. Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, cả ba khát ráo cổ mà quân lính nhất định không đi. Lý do vì chúng thấy rõ là đồ lễ mà đạo trưởng vừa làm lễ xong bỏ chạy chưa kịp cất đi.
Đức Cha Thể vừa nhô lên khỏi hầm liền bị chúng bắt trói nhốt trong cũi đưa về tỉnh. Hai chú giúp lễ, bà Lựu và hai người lân cận cũng bị mang gông giải đi (sau này tất cả đều bị xử tử vào tháng 12). Bà Lựu vừa cho con bú vừa ra pháp trường, rồi hôn con lần cuối và trao lại cho bà ngoại. Tháng 10 năm đó miền trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức Cha Thể cũng bị ngập nước. Do đó khi đến nhà giam, Đức Cha lâm trọng bệnh. Chứng bệnh kiết lỵ khiến ngài đuối sức, chỉ ra tòa có một lần. Quan hỏi:
– Tại sao ông lại đến nước tôi? – Thưa để giảng đạo Chúa
– Ông ở đây bao lâu rồi? – Thưa ba mươi bốn năm
– Ông đã ở những đâu? – Thưa, trước là Bình Định, rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Định.
Trở về với chiếc cũi, cơn bệnh khắc nghiệt chỉ trong vòng ba tuần lễ đã làm Đức Cha kiệt sức và tắt thở ngày 14 – 11 – 1861.
(x. Uống Nước Nhớ Nguồn, Tr.353 – 354)
Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
1, Tin Mừng Mc 15, 16 -– 20 cắt nghĩa để các con thấy tại sao trong kinh Mân Côi ta xướng “Thứ ba thì ngắm Chúa Giê-su chịu đội mão gai, ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”. Các con hãy coi hai chú giúp lễ đã chịu mọi sỉ nhục vì Chúa như thế nào? Hai chú đã phải chui xuống hầm, bị mang gông giải lên tỉnh, bị xử tử như tội nhân.
2, Nhưng chính Đức Cha Thể có được phong thánh chưa? Thưa, mặc dù Đức Cha Thể không đổ máu vì đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và muôn vàn truân chuyên ngài đã chịu vì đạo, Giáo Hội tôn kính Đức Cha với tước hiệu tử đạo. Ngày 05 – 05 – 1909, Đức Piô X nêu danh Đức Cha Têphanô Cuénot Thể đứng đầu danh sách 20 vị tử đạo tại Việt Nam được suy tôn lên bậc chân phước cùng ngày. Và cuối cùng, ngày 19 – 06 – 1988, ngài được tôn vinh hiển thánh cùng với 116 vị tử đạo Việt Nam.
Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn sỉ nhục bằng lòng vì Danh Chúa với một kinh Lạy Cha, 10 kinhkính mừng, 1 kinh sáng danh.

 

 
Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:
Cuộc thương khó 4
Chúa Vác Thánh Giá:
Ta Xin Ơn Vác Thánh Giá Theo Chân Chúa

(Lc 23, 26 – 32)



 

Kể chuyện có thực:
Giáo Hội Việt Nam bị rơi vào tình trạng bị bách hại khốc liệt khi vua Tự Đức ban hành chiếu chỉ phân sáp ngày 05 – 08 – 1861.
Tín hữu Giatô bất phân già trẻ, nam nữ, đều bị phân tán vào các làng ngoại giáo. Người tín hữu bị khắc chữ trên má , gia đình bị phân tán, các thánh đường, nhà chung, tài sản của giáo hữu bị tịch thu.
Ngày 18 – 09, chủng viện Kẻ Mốt phải đóng cửa với lời dặn các chủng sinh “khỏi chào Đức Cha (tức Đức Cha Hermosilla Liêm), kẻo ngài không cầm nổi nước mắt”. Chỉ có thầy Giuse Nguyễn Duy Khang quyết xin và được chọn để đi theo Đức Cha tới cùng. Ba tuần lễ đầu, thầy Khang cùng với đức cha sống trong hang trú ẩn ở Thọ Ninh. Kế đó cha con đều bị bắt. Thầy Khang bị đưa ra tòa tra tấn ba lần. Thầy viết cho anh em ở làng Hảo Hội: “các quan mới tra tấn tôi một kỳ để hỏi Đức Cha đã ở những đâu, song tôi chẳng trả lời, trái lại vui lòng chịu đòn…” Lần khác thầy viết “Anh em cho tôi một cái quần, vì quần tôi cũ phải đòn nhiều đã rách nát. Cũng xin gửi cho tôi một cái mền để khi tôi chết có cái trải ra mà liệm xác đem chôn”.
Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
Kinh Mân Côi gợi ý để ta suy gẫm về “Chúa Giê-su vác cây thánh giá, ta xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa”.
1, Vậy các con nghĩ gì về thầy Nguyễn Duy Khang cầu nguyện với kinh Mân Côi trước chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức và sau đó? Nhất là sau khi bị bắt và bị tra tấn?
2, Chính các con khi cầu nguyện với kinh Mân Côi có xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa không?
3, Các con hiểu thế nào về lời Đức Giêsu nói với mọi người: “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,12)
4, Các con áp dụng thế nào về “từ bỏ chính mình” và về “Vác thập giá mình hằng ngày”? Có phải các con phải từ bỏ chính mình để hy sinh làm bài? Để giúp ba má việc này việc kia? Để hy sinh giúp đỡ nhau? Và có phải sự hy sinh đó cần được thực hiện mỗi ngày?
Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn vác thánh giá theo chân Chúa với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:
Cuộc thương khó 5
Chúa Chết Trên Thánh Giá:
Ta Xin Ơn Đóng Đinh Tính Xác Thịt Vào Thánh Giá Chúa

(Lc 23, 33 – 46)



 

Kể chuyện có thực:
Giữa pháp trường, một tử tội vừa bị chém, đầu rơi xuống. Người mẹ mạnh dạn kêu lớn tiếng trước mặt các quan: “đây là con tôi, đứa con mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là con tôi. Xin các ông trả lại tôi cái đầu của con tôi.” Nói xong, bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp đẫm máu của người con yêu quý, rồi mang về mai táng trong nhà.
Anrê Trần Văn Trông sinh năm 1814, tại Phú Xuân, Huế. Tuổi 15, cậu mất cha nên đành bỏ học tới họ Thợ Đúc dệt lụa cho hoàng gia. Tới tuổi 20, cậu Trông từ giã mẹ để nhập ngũ.
Tháng 11­­   1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ Công Giáo phải ra trình diện rồi buộc phải bỏ đạo và đạp lên thánh giá. Trần Văn Trông và 12 người Công Giáo đều cương quyết khước từ. Các quan liền dùng biện pháp tra tấn dã man khiến 12 người bỏ cuộc, chỉ có Trần Văn Trông trung kiên đến cùng và bị tống ngục.
Suốt một năm bị giam, Anrê Trông chịu nhiều cơ cực, khổ sở. Anh sốt sắng xin Đức Mẹ giúp anh trung kiên đến cùng. Những món quà nhận được anh chia sẻ cho các bạn tù và lính canh, nhờ đó anh có cơ hội đi xưng tội, rước lễ và thăm mẹ.
Không hy vọng Anrê Trông thay đổi ý kiến, các quan quyết định xử tử anh vào ngày 28 – 11 – 1835.
Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
Mỗi lần cầu nguyện về biến cố Chúa chịu đóng đinh trên thánh giá, kinh Mân Côi gợi ý để ta xin ơn đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa, các con hiểu về ơn xin đó như thế nào?
1, Thưa, đó là ơn được biểu lộ như nơi Anrê Trần Văn Trông “là người ngay thật, không ăn bớt của công, luôn chăm chỉ làm việc và không ưa những chuyện bất hòa” có phải không?
2, Anrê Trần Văn Trông cũng được ơn đóng đinh xác thịt vào thánh giá Chúa khi anh cương quyết không bỏ đạo như 12 binh sĩ Công Giáo cùng hoàn cảnh với anh.
3, Ơn đóng đinh xác thịt vào thánh giá Chúa được áp dụng với các con như thế nào giữa bạn bè, nơi trường học hoặc nơi mái ấm gia đình?
Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn đóng đinh tính xác thịt ta vào thánh giá Chúa với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,899
  • Tổng lượt truy cập7,076,300

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây