Các bài suy niệm Thứ 5 tuần thánh

Thứ tư - 20/03/2019 22:16  4490

 

- Hãy yêu như Giêsu.
- Kỷ vật tình yêu.
- Đỉnh cao của Mầu nhiệm cứu độ là Tình Yêu.
- Suy niệm thứ năm tuần thánh.
- Phải rửa chân cho  nhau.
- Suy niệm thứ năm tuần thánh.

HÃY YÊU NHƯ GIÊ-SU

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Có ai đó nói rằng: “bạn cứ yêu đi, bạn sẽ biết phải làm gì?”. Tình yêu là sức mạnh để con người sống và hành động. Có tình yêu người ta mới sống hết mình. Có tình yêu người ta mới không quản ngại nắng mưa hay đường xá xa xôi, gập gềnh. Quả đúng như cha ông ta nói: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo – Mấy sông cũng lội – Mấy đèo cũng qua”.

Chuyện ngụ ngôn về tình yêu của loài bướm được kể lại rằng: Một ngày nọ, chú bướm đực đề nghị: "Chúng ta bắt đầu một trò chơi nhỏ nhé!". Bướm cái đồng ý. Chú nói tiếp: "Ai là người đầu tiên ngồi trong bông hoa này vào sáng sớm mai sẽ là người yêu người kia nhiều hơn". Bướm cái gật đầu.

Sáng hôm sau, bướm đực đến từ sớm, đợi bông hoa nở ra và chú có thể ngồi vào đó trước khi con cái tới. Cuối cùng, bông hoa cũng mở... và chú nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng kinh khủng.

Người yêu của chú đã chết bên trong bông hoa. Cô ấy đã ở đó cả đêm, để sáng hôm sau khi nhìn thấy người yêu, cô sẽ bay đến và nói rằng cô yêu chú biết nhường nào!

Tình yêu làm cho cuộc đời thêm thi vị và hạnh phúc. Sống trong tình yêu ai cũng vui tươi, hân hoan. Khi yêu người ta mới thấy đời thật hạnh phúc. Khi tình yêu bị mất thì cuộc đời cũng chìm trong tăm tối cô đơn. Tình yêu không còn thì lòng người cũng tê tái buồn đau như Nguyễn Du đã từng viết:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, là dịp nhắc nhở chúng ta về tình yêu cao vời của Thầy Chí Thánh Giê-su. Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu không so đo tính toán nhưng chỉ biết yêu là cho đi, cho đi đến cùng. Ngài cho đi không chỉ sức lực, trí tuệ để phục vụ mà còn cho đi chính bản thân mình làm của ăn của uống cho con người. Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu là “chết cho người mình yêu”.

 

Tình yêu ấy Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy làm việc “Này” mà nhớ đến Ngài. Hãy lập lại tình yêu dâng hiến mà Ngài đã hiến thân vì nhân loại. Hãy lập lại tình yêu hy sinh mà Ngài đã cống hiến cho nhân trần. Hãy sống một cuộc đời như Chúa để tình yêu của Ngài mãi ở lại trên thế gian.

Năm nay với chủ đề “gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót” như mời gọi cách riêng các gia đình hãy biết chăm sóc nhau. Vợ chồng hãy chăm sóc và phục vụ nhau theo gương Thầy chí Thánh Giê-su. Bởi vì khi kết hôn là chúng ta mong được chăm sóc và bảo vệ nhau suốt đời. Đây là tình yêu dâng hiến, tình yêu vị tha như Đức Giê-su đã tận hiến cho người mình yêu.

Mới đây trên cộng đồng mạng loan truyền nhau thông điệp: "Phụ nữ ơi! Hãy ngừng hy sinh". Họ lý giải cho lời hiệu triệu này là: "Từ ngàn năm dưới lũy tre làng, 'con trâu đi trước, cái cày theo sau', người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ 'hy sinh'".

"Nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục 'hy sinh', đó chỉ là sự ích kỷ của đàn ông muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc mà thôi", tác giả nhắn gửi. Thông điệp này ngay sau đó được cư dân mạng đã có những phản ứng trái chiều với nhau. Kẻ cỗ vũ người phàn nàn. Kẻ ủng hộ, người kết án . . .

Thực ra phụ nữ hay nam giới đều phải  hy sinh. Mỗi giới mỗi vẻ. Mỗi giới đều thể hiện sự hy sinh, lòng quảng đại của mình khác nhau. Hình ảnh người nữ thêu thùa, người chồng gánh nước bổ củi vẫn là những nét đẹp của gia đình. Hình ảnh người chồng cầy ruộng, người vợ cấy lúa vẫn là những bức tranh thập đẹp về sự hy sinh tần tảo của mái ấm gia đình. Trong thế giới văn mình hôm nay ta vẫn cần những hình ảnh vợ chồng cùng chia sẻ việc dọn nhà, bếp núc, giặt giũ . . . Đó là những việc không tê nhưng sẽ làm cho gia đình ấm áp hạnh phúc hơn. Thế nên, bình đẳng giới tính không có nghĩa là làm cho phụ nữ biến thành đàn ông, mà quan yếu mỗi người đều phải biết sống hết mình với giá trị của mình trong hai chữ hy sinh.

Khi Chúa Giê-su cúi xuống rửa chân cho các môn đệ dường như Ngài cũng nhắc phải có hai chữ hy sinh để có thể khiêm tốn cúi xuống chăm sóc nhau. Vợ chồng quan tâm chăm sóc nhau khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau. Cả hai đều phải biết cúi xuống để thấy nhu cầu của nhau mà chia sẻ, mà quan tâm cho nhau.

Khi Chúa Giê-su cầm bánh và nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Dường như Ngài cũng nhắc tới hai chữ hy sinh cần phải có trong đời sống lứa đôi. Vợ chồng phải biết bẻ cuộc đời mình như tấm bánh thơm ngon mang lại hạnh phúc cho nhau.  Vợ chồng phải hiến dâng cho nhau sự hy sinh, sự quan tâm, sự phục vụ để mang lại niềm vui hạnh phúc cho người mình yêu.

 

Ước gì các đôi vợ chồng hãy thể hiện sự quan tâm chăm sóc nhau bằng những nghĩa cử cao đẹp. Cách riêng trong năm “gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót” sẽ khơi gợi lên lòng cảm mến yêu thương dành cho nhau không chỉ bằng lời nói mà bằng chính hành động cúi xuống rửa chân cho nhau để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Xin Chúa chúc lành cho các gia đình và thêm sức mạnh tình yêu để mỗi người biết hiến dâng cho người mình yêu được hạnh phúc hơn. Amen

 

KỶ VẬT TÌNH YÊU

THÁNH LỄ TIỆC LY

(Ga 13, 1-15)

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự hiện diện thực sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.

Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. "Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại ; chính Người giải thoát và cứu độ ta" ( Ca nhập lễ ).

"Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của "kiếp người" lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Tất cả chẳng phải là Kỷ Vật Tình Yêu Thiên Chúa để lại cho chúng ta đó hay sao?

"Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta... Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta" (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Người đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Chưa hết, thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện : "Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa yêu thương và tín nhiệm con người, trao cho con người tiếp tục việc làm yêu thương ấy. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta : "Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con" (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm : Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó liên kết chặt chẽ với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh. Trở nên một, chúng ta không còn tách biệt được nữa.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh em. Mỗi lần chúng ta tham dự Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thưa "Amen" trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là "rửa chân" cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng "đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ"(Phil 2,7).

Tình yêu là kỷ vật cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là Kỷ Vật tuyệt đỉnh của tình yêu, một ơn cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. "Rửa chân cho nhau" chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.

 

ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU

(Ga 13, 1 – 15)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là phong tục của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!

Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và  trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: "Luật yêu thương".

Một tặng phẩm cao quý được trao tặng

Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu. Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không. Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết "giờ" của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.

Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của  ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.

Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này:" ... như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17,21). Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: "Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần".

Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.

Một dấu tích sống động được tiếp diễn

Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau. Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể. Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.

Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục? Nhưng không! Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.

Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình. Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.

Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế. Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường! Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể. Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt. Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.

Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi

Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu. Lệnh truyền này mang tính khẩn trọng, người môn đệ phải có thái độ mau mắn thi hành. Vì thế, đòi hỏi một sự bất khả từ, bởi lẽ đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.

Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào qũy đạo của chính Ngài là "yêu và yêu đến cùng".

Ngài nói: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13, 34). Yêu như Thầy là yêu như thế nào? Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống. Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo. Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông. Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: "Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13, 14-15). Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.

Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn. Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: "... mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35).

Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăng trối của Đức Giêsu

Thánh Phaolô nói: "Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1 Cr 11, 26).

Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.

Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.

Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.

Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ... Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.

Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: "Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34)

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang. Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm. Amen.

 

SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lm. Anthony Trung Thành

Chiều hôm nay là buổi chiều của Tình Yêu. Tình yêu của một vị Thiên Chúa đối với nhân loại. Đây là một tình yêu cao cả, một tình yêu tròn đầy. Tình yêu đó được thể hiện qua ba việc làm của Đức Giêsu: Rửa chân, lập phép Thánh Thể và chức linh mục. Cả ba việc làm này đều hết sức quan trọng và liên hệ mật thiết với nhau: Linh mục là Đức Kitô thứ hai, Thánh Thể là Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô và rửa chân là sứ mạng của Đức Giêsu và cũng chính là sứ mạng của linh mục.

Vì linh mục (Đức Kitô thứ hai) là người cử hành thánh lễ, làm nên Thánh Thể và tiếp tục sứ mạng “rửa chân” như lời Đức Giêsu đã truyền. Chính vì thế, buổi chiều hôm nay chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh mục.

Trước hết, chúng cầu nguyện cho có nhiều linh mục: Theo Niên giám Thống kê của Giáo Hội năm 2015, có 5.304 giám mục, 415.656 linh mục. Trên toàn cầu, con số linh mục chịu chức đã tăng 0,83% trong các năm từ 2010 đến 2015. Tuy nhiên, hơn một nửa các cộng đồng của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới không có linh mục trú sở. Giáo phận Xingú ở vùng Pará, Ba Tây, chẳng hạn, có 800 giáo xứ trong một khu vực truyền giáo xét về lãnh thổ lớn bằng nước Đức, nhưng chỉ có 27 linh mục, điều này có nghĩa hơn 2 phần 3 tín hữu chỉ được tham dự thánh lễ Chúa Nhật 2 hoặc 3 lần trong một năm. Chính vì thế, chúng ta cầu nguyện cho có thêm nhiều linh mục để đáp ứng nhu cầu của các tín hữu. (Nguồn: conggiao.info)

Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục trở thành những linh mục như lòng Chúa mong muốn. Đó là cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng mà Chúa và Giáo Hội trao phó. Linh mục có ba sứ mạng chính: Sứ mạng Ngôn sứ, sứ mạng Tư tế và sứ mạng Mục tử.

Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng ngôn sứ: Trong ngày truyền chức, Đức Giám Mục nhắn nhủ các tiến chức rằng: “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và sống điều con dạy.” Vì vậy, việc đọc, suy niệm, giảng dạy và sống Lời Chúa phải là bổn phận hàng đầu của linh mục. Linh mục phải rao giảng Lời Chúa với tinh thần trách nhiệm. Linh mục phải rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Thánh Phaolô đã nói: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2). Linh mục rao giảng Lời Chúa trong nhà thờ, rao giảng Lời Chúa nơi các lớp giáo lý, rao giảng Lời Chúa khắp mọi nơi khi cần thiết. Linh mục rao giảng Lời Chúa cho những người có đạo, rao giảng Lời Chúa cho những người lương dân, rao giảng Lời Chúa cho những người chống đối, rao giảng Lời Chúa cả những khi bị cấm cách, bắt bớ. Chính các Tông đồ ngày xưa đã làm như vậy: Trước thượng hồi đồng Do Thái cấm không cho các Tông đồ rao giảng về danh Đức Giêsu nữa, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã nói: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Vì sứ mạng ngôn sứ, nên nhiều linh mục vẫn can đảm nói thẳng nói thật để lên án những bất công trong xã hội, bênh vực cho công lý và sự thật cho dù phải chịu bách hại, bắt bớ, thậm chí có khi nguy hiểm đến tính mạng của mình.

Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng Tư tế: Tất cả các Kitô hữu là tư tế cộng đồng, còn các linh mục là tư tế thừa tác của Đức Kitô. Linh mục thi hành Chức Tư Tế qua việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Đó là cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ các Bí tích. Các Bí tích là máng chuyển thông ơn Thiên Chúa. Ơn Thiên Chúa qua Bí tích bị khóa lại, chỉ có linh mục mới có thể mở ra được. Vì thế, Thánh Gioan Viannay khẳng định rằng: “Nếu không có linh mục, thì sự thương khó và sự chết của Chúa không giúp gì cho ta.” Ngài nói: “Nếu trong rương có đầy vàng mà không có ai mở ra, nào có ích gì? cũng vậy, nếu không có linh mục, sẽ không có Bí tích giải tội, không có Mình Thánh Chúa…ai là nguyên cớ để bánh trở nên Mình Thánh Chúa? Ai thanh tẩy tâm hồn ta? Ai dọn linh hồn người chết ra đi thanh thản…nếu không phải là linh mục.”

Linh mục cần thiết như thế đó. Linh mục cần cho linh mục. Linh mục cần cho mọi người. Nhờ linh mục, ơn thánh qua các Bí tích tuôn chảy đến với con người. Vì vậy, chúng ta cầu xin cho các linh mục thi hành tốt nhiệm vụ tư tế, để các Bí tích mang lại hiệu quả dồi dào cho mỗi người chúng ta. Đồng thời, mỗi chúng ta cũng cần sống đầy đủ ý nghĩa của các Bí tích, bằng cách: chuẩn bị xa, dọn mình gần và còn kéo dài ơn Bí tích sau khi lãnh nhận.

Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng Mục tử: Linh mục luôn được gọi là Người của đoàn chiên. Được xức dầu Thánh Thần, như Đức Kitô là Đầu và là Mục tử, linh mục được sai đến với mọi người trong tư cách là mục tử tốt lành của đoàn chiên. Vì thế, noi gương Đức Kitô – Thủ lãnh các Mục tử, linh mục có trách nhiệm yêu thương gắn bó, lo lắng, tận tuỵ và hy sinh vì đoàn chiên. Linh mục đến là để chiên được sống và sống dồi dào. Đoàn chiên này bao gồm cả những tín hữu lẫn những người chưa gia nhập Hội Thánh. Vì vậy, linh mục luôn cần có Đức Ái mục vụ. Với Đức Ái mục vụ, linh mục diễn tả hành vi và phong cách của Đức Kitô Mục tử đến chỗ tận hiến mình để mưu ích cho đoàn chiên. Thái độ căn bản của người mục tử là luôn tin tưởng vào sứ mạng của mình: làm Vinh Danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Sứ mạng này được thực hiện trong hy sinh thập giá và chắc chắn sẽ kết trái trong vinh quang phục sinh. Có tin tưởng vào sứ mạng, linh mục mới phấn khởi thi hành tác vụ tôi tớ và mới dám liều mạng sống mình vì Chúa và vì đoàn chiên. (x. Chỉ nam linh mục, Gp. Thái Bình).

Mặc dầu linh mục được lãnh nhận những sứ mạng cao cả như vậy, nhưng linh mục cũng là những con người vớ những yếu đuối của con người. Nói theo kiểu Thánh Phaolô, những sứ mạng cao cả ấy lại chứa đựng trong một chiếc bình sành dễ vỡ là thân xác linh mục (x. 2Cr 4,7). Chính vì vậy, ngoài việc cố gắng nổ lực của bản thân, linh mục cần lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của mọi thành phần dân Chúa. Cầu nguyện cho các linh mục chu toàn sứ mạng của mình. Cầu nguyện cho các linh mục thực sự là những linh mục thánh thiện. Chân phước linh mục Antone Chevrier (Pháp) đã nói:

– Xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới.

Người ta ngạc nhiên bèn hỏi:

– Thưa Cha, ngôi thánh đường nào vậy ?

Ngài nói tiếp:

– Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những linh mục thánh thiện.

Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc!

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập chức linh mục để ở lại với chúng con. Xin cho các linh mục biết chu toàn các sứ mạng của mình, trở thành những linh mục thánh thiện, hầu mưu ích cho dân Chúa. Amen.

 

PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

SUY NIỆM

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.

Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.

Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến

cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu :

Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.

Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.

Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.

Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.

Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,

Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.

Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.

Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.

Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,

thì bây giờ Thầy làm cho trò.

Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.

Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.

Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.

Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,

Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.

Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,

hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.

Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.

Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.

“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).

“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).

Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể

sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,

cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).

Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :

“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,

và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.

Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.

Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

 

SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

Một em bé gái mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại, hai bà cháu sống trong một căn gác nghèo nàn. Một đêm nọ, căn gác bị hỏa hoạn, bà ngoại bị thiệt mạng khi cứu đứa cháu. Láng giềng gọi cứu hỏa tới, còn họ chỉ biết bó tay đứng nhìn ngọn lửa đang án ngữ mọi lối ra vào.

Bổng em bé gái xuất hiện trên cánh cửa sổ của căn gác và kêu cứu, nhưng đội cứu hỏa chưa đến, và cũng không ai dám liều mình đi vào căn nhà. Thình lình, có một người đàn ông xuất hiện với một chiếc thang, ông lao vào ngôi nhà và mất hút trong đó. Một lúc sau ông trở ra với  bé gái trên tay, ông trao nó cho đám đông và biến mất.

Một tuần lễ sau, ông trưởng khu phố cho tổ chức một cuộc họp, để xem có ai nhận đứa bé về nuôi:

  • Một cô giáo giơ tay xin nhận nuôi và dạy dỗ em nên người.
  • Một chủ nông trại giàu có cũng ngỏ ý nhận nuôi.
  • Nhiều người khác cũng giơ tay biểu lộ cùng một ý muốn.
  • Cuối cùng người giàu có nhất khu phố nói: "Tôi có thể mang lại cho em bé này tất cả những tiện nghi mà quí vị vừa nêu, cộng với tiền bạc và tất cả những gì tiền bạc có thể mua được.

Trong khi đó , em bé gái lắng nghe, nhưng không để lộ một phản ứng nào,

mắt em chỉ biết cúi nhìn xuống đất. Cuối cùng, người chủ trì buổi họp mới lên tiếng: "Còn ai muốn nói gì nữa không ?"

Bấy giờ, từ cuối hội trường, có một người đàn ông tiến lên, dáng vẻ chậm chạp và nặng nề. Ông tiến đến gần đứa bé, ông dang cánh tay ra, mọi người đều thấy rõ vết cháy nám trên hai cánh tay ông.

Em bé gái nói như thét: "Đây là người đã cứu tôi."  và em nhảy tới bá lấy cổ ông, áp mặt vào vai ông, khóc thổn thức. Rồi em lại ngước mắt nhìn ông mỉm cười, những giọt lệ lăn nhẹ trên đôi má ửng hồng của em.

Người tây phương thường nói: "Hành động hùng hồn hơn là lời nói." Điều này càng đúng trong tình yêu. Tình yêu vốn là một cái gì không thể diễn tả bằng lời nói suông, mà chỉ có thể bày tỏ bằng hành động. Thật vậy, một giờ đồng hồ diễn giải về tình yêu không bằng một cử chỉ yêu thương, dù rất nhỏ mọn.

Đó chính là cung cách mạc khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng cả cuộc sống, nhất là bằng cái chết đau thương trên thập giá. "Chết để nên lời", quả thực cái chết của Chúa Giêsu là lời tỏ tình cuối cùng và trọn vẹn nhất của Thiên Chúa cho con người.

Trong ngày thứ năm tuần thánh, nhằm tỏ bày cho các môn đệ thấy mình yêu thương họ đến mức nào, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ biểu trưng, là quì gối xuống rửa chân cho các môn đệ.

 Cử chỉ ấy cũng chưa bày tỏ hết lòng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa, nên Người đã nghĩ ra một sáng kiến vô cùng độc đáo. Đó là biến bánh rượu trở nên Máu Thịt Người, để Người được ở lại cùng chúng ta mãi mãi, cho đến tận thế,

Quả thật, tình yêu bao la của Chúa không ai hiểu thấu, chúng ta chỉ còn biết suy phục kính tôn, và suốt đời cảm mến tri ân.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương chúng con, là để chúng con lấy đó làm gương mà yêu thương nhau. Xin Chúa gia tăng lòng mến trong chúng con, để khi nhìn vào chúng con, những người không phải là Kitô hữu hiểu rằng Bác  Ái là gia bảo của chúng con. Amen

Lm Andre Bé -GPVL

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,921
  • Tháng hiện tại29,284
  • Tổng lượt truy cập7,069,685

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây