Chịu bách hại - Thánh Stêphanô tử đạo

Chủ nhật - 25/12/2022 06:24  807
maxresdefault 21023287
Lời Chúa: Cv 6, 8-10; 7, 54-60
Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.
Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stêphanô.
Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Suy niệm 1
 
CHỊU TỬ ĐẠO


Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới được ký vào ngày 3/10/1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu như nhi sau: “Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu”.
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: “Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài”. Sau đó ông nói với Mẹ Maria: “Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
 Mừng lễ thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương ngài. Ngài là một vị phó tế của cộng đoàn Jêrusalem (Cv 6,5) một người được mô tả là đầy Thánh Thần. Ngài được trao phó làm việc bác ái trong cộng đoàn, nhưng sách Công Vụ cho thấy là các phó tế vẫn tham dự vào việc giảng dạy và bênh vực đức tin. Trước khi chịu chết, Stêphanô đã giảng một bài thật dài và thật hùng hồn, tóm tắt lịch sử ơn cứu độ để minh chứng và qui trách nhiệm cái chết của Chúa Giêsu cho các Thượng tế, luật sĩ và Pharisiêu. Và cũng vì lời giảng dạy đó mà Stêphanô phải chịu ném đá chết.
Cuộc tử đạo của Stêphanô được diễn ra theo mô hình của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: người ta cũng xách động dân chúng làm chứng gian chống lại ông; ông đối chất với Thượng tế có uy quyền trước mặt mọi người.(Cv 6, 15). Ông nhìn thấy Con Người tức là Chúa Giêsu bên hữu Chúa Cha (7, 55). Ông cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết ông (7, 60). Cuộc thương khó của thánh Stêphanô giống hệt cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ ba điều: 
 Số phận những người theo Chúa là chịu bắt bớ như Ngài: Họ sẽ nộp anh em cho Hội Đồng. Nhưng trong những thử thách đó, người môn đệ cảm thấy được an ủi, vì đó là dịp làm chứng cho Thầy. Sau này sách Công vụ còn nói: Các Tông đồ hân hoan vìcảm thấy xứng đáng chịu khổ vì Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với họ trong những cuộc bắt bớ và sẽ dạy họ phải nói gì trước những kẻ bắt bớ. Lý lẽ hùng hồn của Stêphanô đã minh chứng điều đó.
Lời dặn thứ balà nhiều khi chính những người thân thuộc sẽ bắt bớ họ, cũng như Chúa Giêsu đã chịu đồng bào mình lên án chết:  Anh sẽ nộp em, cha nộp con cho ngươi ta giết.
Khi suy gẫm những lời dặn đò của Chúa hôm nay, ta có cảm tưởng Chúa cũng đang dặn dò chúng ta như vậy:
Người tông đồ nhiều khi bị hiểu lầm, bị bách hại. Đó là số phận chung của những người theo Chúa.
Nhưng trong những thử thách của đời sống đức tin, dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta vui mừng vì có dịp làm chứng cho Chúa.
Và chúng ta đừng lấy làm lạ, nhiều khi những người làm khổ chúng ta, bách hại chúng ta không là ai khác mà lại chính là những người thân của chúng ta, vì hiểu lầm không biết hay vì ác ý. Chính Chúa Giêsu cũng đã bị môn đệ thân tín là Giuda bán đứng.


Suy niệm 2 
GIÁ CỦA MỘT LINH HỒN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”.
Một giáo sư Hà Lan đã nghiên cứu về chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại. Ông ước tính, thời Julius Caesar, để giết một người lính của đối phương, phải tốn ít hơn 1 dollar; thời Napoléon, chi phí tăng lên đáng kể, hơn 2,000$; cuối đệ nhất thế chiến, con số đã nhân lên gấp bội, khoảng 17,000$; ở đệ nhị thế chiến, khoảng 40,000$. Và vào năm 1970, để giết một người lính đối phương, Hoa Kỳ phải tốn đến 200,000 dollars!
Kính thưa Anh Chị em,
Nhân ngày Giáo Hội mừng kính thánh Têphanô, tử đạo tiên khởi, một câu hỏi đặt ra là, “Để giết chết một môn đệ Giêsu, phải tốn bao nhiêu?”. Xem ra không tốn đồng nào cả! Và sẽ rất thú vị khi chúng ta đặt một câu hỏi ngược lại, “Vậy để cứu lấy sự sống đời đời của một người, thì ‘giá của một linh hồn’ sẽ là bao nhiêu?”. Các bài đọc hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Trình thuật Công Vụ Tông Đồ cho thấy, giá Têphanô phải trả để cứu một linh hồn là chính mạng sống và sự tha thứ của ngài. Câu chuyện cho biết, họ ném đá Têphanô cho đến chết khi ngài vừa kịp nói, “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ!”; và “Các nhân chứng để áo của Têphanô dưới chân một thanh niên tên là Saolô”. Rõ ràng, trong số những người Têphanô cầu xin để họ được ơn tha thứ, có Saulô, một người đã từng bách hại và tìm cách tiêu diệt Hội Thánh. Để ít lâu sau, Saulô trở thành Phaolô, một Tông Đồ Dân Ngoại.
Như vậy, chính Phaolô là người đầu tiên hưởng nhận ơn tha thứ của Têphanô. Và có thể nói không do dự rằng, ‘giá của một linh hồn’ mà Têphanô phải trả để Hội Thánh có được Phaolô là chính mạng sống Têphanô cùng với sự tha thứ của ngài; nói cách khác, nhờ Têphanô, Phaolô được sinh ra trong ân sủng! Làm sao một con người có thể làm được điều đó? Trước hết, Têphanô đầy Thánh Thần! Công Vụ Tông Đồ cho biết, “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời”. Chính Thánh Thần ban đủ sức mạnh để Têphanô bắt chước Thầy mình; Têphanô sống trong Thánh Thần, đầy Thánh Thần, được dẫn dắt bởi Thánh Thần. Và sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta đọc lại lời Chúa Giêsu hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Trong giờ đó, sẽ cho các con biết phải nói gì.
Thật vậy, không phải chính các con nói, mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con!”.
Tha thứ đích thực là ‘giá của một linh hồn’; vì dẫu có hy sinh đến chết nhưng lòng không nguôi ngoai, không tha thứ, thì cái chết cũng trở nên vô nghĩa. Trên thập giá, Chúa Giêsu nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; cũng vậy, khi sắp chết, Têphanô đã thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Và bắt chước Thầy, “Lạy Cha, con phó linh hồn con
trong tay Cha”, Têphanô cũng đã phó thác trọn vẹn, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con!”.
Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ sâu sắc tâm tình này, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.
Anh Chị em,
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói trước những lời mà Têphanô sẽ lặp lại. Và thật thú vị, “Họ” ở đây còn bao hàm bạn và tôi! ‘Giá của một linh hồn’ bất cứ ai trong chúng ta đều được Chúa Giêsu mua lấy bằng chính mạng sống, cái chết và sự tha thứ của Ngài. Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra từ sự tha thứ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu; nhờ Ngài, chúng ta được tái sinh trong ơn nghĩa thánh. Vì thế, mỗi lần nhớ đến hồng ân trọng đại này, chúng ta ý thức hơn về ơn gọi của mình. Bạn và tôi được gọi để trở nên chứng nhân của sự tha thứ, chứng nhân của ánh sáng, những chứng nhân Kitô sẽ sẵn sàng trả giá cho các linh hồn trong một thế giới tối tăm cừu hận.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ‘giá của một linh hồn’ thật đắt, nhất là linh hồn con. Cho con biết trân quý ân sủng Chúa; để trở nên một môn đệ luôn trăn trở cho việc đánh bắt các linh hồn về cho Ngài!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

duc thanh cah

Lịch Phụng vụ

lich cong giao thang 4 2024 523x400
 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập33
  • Hôm nay3,833
  • Tháng hiện tại188,527
  • Tổng lượt truy cập8,019,636

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây