Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Chủ nhật - 08/01/2023 06:14  395
Con yêu dấu (09.01.2023 – Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)
Lời Chúa: Mt 3, 13-17

Khi ấy, Ðức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Ðức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.
Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”


Suy niệm
 
Ý THỨC VÀ SỐNG PHÉP RỬA

  Biến cố Đức Giêsu xuất hiện, đã được Giáo Hội nhìn như một biến cố đặc biệt mà Cựu Ước đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao; Hỡi kẻ loan tin mừng cho Yêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật lớn … kìa Thiên Chúa các ngươi đang tới”. Nơi Đức Giêsu, người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến cách đặc biệt nơi Đức Giêsu.
Biến cố Chúa Giêsu cũng đã chi phối và biến đổi đời sống của những người tin Ngài một cách dứt khoát. Đời sống của Kitô hữu phải dọi theo đời sống của chính Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu luôn chọn ý Thiên Chúa trên tất cả, Ngài luôn yêu thương anh chị em mình. Ngài yêu họ đến độ dám hy sinh chính mạng sống mình cho họ, nói cho họ biết Thiên Chúa yêu thương họ đến cùng khi cho Con Ngài nhập thể, cho dù khi nói như vậy Ngài bị người ta hiểu lầm và giết Ngài. Đức Giêsu là người đã đến sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Xin cho mỗi người chúng ta sống theo gương Ngài, yêu thương và khiêm tốn, để đem hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ và sống với.
Tham dự phụng vụ hôm nay, Thánh sử Luca mời gọi chúng ta hướng nhìn về Chúa Giêsu, để chúng ta sống giống như Chúa Con, “đẹp Lòng Chúa Cha”. Đầu tiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu sống khiêm nhường, sống giống mọi người. Trước khi dìm mình trong nước để nhận lãnh phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã nhập đoàn dân chúng giống y như mọi người, khiêm tốn và chia sẻ với mọi người nhu cầu sám hối và thanh tẩy. Con đường của Chúa Giêsu đi cũng là con đường của tất cả mọi người chúng ta. Chúa Giêsu trở thành người và sống như mọi người, sống giữa mọi người.
Kế đến, Chúa Giêsu cho thấy việc thanh tẩy là hình bóng của bí tích rửa tội mà chúng ta lãnh nhận. Tuy nhiên, nghi lễ thanh tẩy của Gioan chỉ là việc tỏ lòng sám hối. Lời Gioan Tẩy Giả cho thấy bản chất của bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu trao ban cho con người gồm hết mọi lễ nghi thanh tẩy của Cựu Ước, bởi vì Chúa Giêsu sẽ thanh tẩy con người với Chúa Thánh Thần và lửa. Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu hiện thực là lửa đốt cháy sự dữ. Nó như lửa luyện lọc và thanh tẩy lòng con người như lời tiên tri đã báo trước. Nó như nước tẩy rửa mọi vết nhơ trong tâm hồn con người, trao ban phong phú và sự sống. Và điểm đặc thù nổi bật nhất trong bí tích Rửa tội Kitô giáo, là sự hiện diện củ
 Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện như là vị cứu tinh của thời đại mới. Gioan lúc này đang làm phép rửa thống hối. Dân chúng đã từng thắc mắc về ông và tự hỏi: Ông có thể là vị cứu tinh của dân tộc, là Đấng Messia từng được mong đợi hay không? Nhưng chính Gion đã trả lời thắc mắc của dân chúng bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu trong chính sứ vụ của Người. Đang khi ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, thì Chúa Giêsu lại là người làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần và trong lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho chúng ta thấy là thời đại cũ, thời chuẩn bị, thời tìm đường đã chấm dứt và thời mới, thời chính yếu đang đến.
Ở đây Chúa Giêsu đã không chỉ được giới thiệu bởi Gioan mà còn bởi chính Thiên Chúa Cha qua sự kiện siêu phàm: Trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống và tiếng phán từ trời. Người ta quan niệm rằng sau khi con người phạm tội thì trời và đất như đóng kín lại với nhau. Thiên Chúa Chúa không còn đi lại gần gũi với dân của Ngài như ngày xưa nữa. Nay với Chúa Giêsu, thì trời không còn khép kín, nhưng đã được mở ra như một điều kiện dọn đường cho Thánh Thần ngự xuống. Hình ảnh gợi lên cho chúng ta lòng mơ ước của dân Chúa vào thời cứu chuộc, thời Thiên Chúa sẽ xé trời mà xuống.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa gợi nhớ về Bí tích Rửa Tội của chúng ta. Vì tình thương, Chúa Giêsu đã lập nên Bí tích Rửa Tội để tha tội cho chúng ta. Đây là Bí tích cần nhất. Bởi vì, chỉ có người đã lãnh nhận Bí tích này mới có thể lãnh nhận các Bí tích khác. Vì vậy, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo gọi Bí tích Rửa tội là “lối dẫn vào các bí tích khác”(x. số 1213). Thật vậy, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta mới có thể lãnh nhận Bí tích Giao Hoà, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Xức dầu…
Nhờ Bí tích Rửa Tội chúng ta không những được tha tội nguyên tổ và tất cả các tội lỗi của bản thân, mà còn được sinh ra trong sự sống mới, nhờ đó chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha, là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội được nhập vào Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, và được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô(x. GLHTCG số 1279). Vì vậy, Thánh Grêgôriô Naz gọi “Bí tích Rửa Tội là hồng ân đẹp nhất và tuyệt nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa”.
Nhưng quyền lợi đi đôi với bổn phận. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội mời gọi chúng ta: Từ bỏ tà thần, tuyên xưng Đức Tin. Từ bỏ tà thần tức là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những quyến rũ bất chính và từ bỏ ma quỷ. Chúng ta thường gọi là: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta tuyên xưng đức tin, đó là những điều chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Nhưng Đức Tin không chỉ tuyên xưng ngoài môi miệng mà còn phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, vì như Thánh Giacôbê nói “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết”(Gc 2,17).
Như thế, phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa của mình, ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Ơn gọi đó đồng thời cũng bao gồm sứ mệnh làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới này. Và chúng ta chỉ có thể hiện thực được nó khi biết cố gắng sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu sống đẹp lòng Chúa Cha mà thôi.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Giáo Hội còn trao cho chúng ta chiếc áo trắng và ngọn nến sáng: chiếc áo trắng là tượng trưng cho sự trong sạch tâm hồn; ngọn nến sáng là tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch ánh sáng. Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy gìn giữ tâm hồn trong sạch, hãy gìn giữ ngọn lửa Đức Tin luôn luôn chiếu sáng cho tới khi ra trước toà Chúa Kitô để chúng ta được sống muôn đời.


Suy niệm 2
KỶ NGUYÊN CỦA ÂN SỦNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khi toàn dân chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”.
Một nhà giáo dục nói, “Không thành vấn đề nếu bạn ngã xuống một vũng bùn, miễn là bạn nhặt lên một thứ gì đó giữa bùn lầy khi đứng dậy!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Câu nói đơn sơ trên nếu đem áp dụng cho việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trong ngày lễ hôm nay, cho thấy một ý nghĩa sâu sắc đến tuyệt vời! Phải, Chúa Giêsu đã ngã xuống bùn và Ngài đã nhặt lên không phải một thứ gì đó, nhưng đã nhặt lên cả một nhân loại khốn cùng! Với biến cố chịu phép rửa, Ngài mở ra một kỷ nguyên mới, ‘kỷ nguyên của ân sủng’, kỷ nguyên các Bí Tích!
Ai mà không muốn bác sĩ trước khi giải phẫu, vén áo của ông lên, để lộ vết sẹo và nói, “Tôi cũng từng như vậy. Bạn sẽ ổn!”. Người lính nào sẽ không dũng cảm, ngẩng cao đầu hơn, khi nhìn thấy những bắc đẩu bội tinh lấp lánh trên ngực vị chỉ huy? Chúng ta muốn thấy các nhà lãnh đạo dẫn dắt chúng ta đã vượt qua những trải nghiệm xương máu của họ. Họ đã có mặt ở đó, để làm được điều đó! Cũng thế, chúng ta muốn Đấng Cứu Độ chúng ta hãy như thế. Vì vậy, để đồng cảm, để dự phần, để liên đới với con người, Thiên Chúa đã ngã xuống! Ngài muốn đồng hành với con người trong tất cả đổ vỡ, yếu đuối, tổn thương vì tội lỗi của nó. Ngài đồng nhất, hiệp hành với nó, ôm lấy nó để có thể cứu độ nó. Không phải Ngài bất toàn, nhưng vì Ngài toàn năng
và yêu thương!
Isaia trong bài đọc hôm nay nói, “Ngài không lớn tiếng”, và Matthêu cho biết, Chúa Giêsu lặng lẽ xếp hàng như bao tội nhân. Ngài đồng nhất với tội nhân, dẫu không bao giờ phạm tội; bị coi là tội nhưng không phải là tội nhân. Tại sao? Bởi vì trở thành người, là trở thành tội! Để có thể đi vào thực tại của con người, Con Thiên Chúa phải đồng nhất với tất cả những gì tội lỗi kéo theo. Vai kề vai, Ngài muốn nói với bạn và tôi rằng, “Đừng sợ, Tôi đang đứng bên cạnh bạn!”. Chúa Giêsu không vờ trở thành người, Ngài thực sự đã trở thành một người!
Và đó là lý do tại sao một Giêsu vô tội lại xin phép rửa của hạng mắc tội. Ngài để sang một bên phẩm giá cao trọng để dìm mình xuống một dòng nước ‘bẩn thỉu’; và rồi đây, Ngài sẽ tiếp tục đồng bàn với những con người ‘bẩn thỉu’; để cuối cùng, chịu đóng đinh vì họ giữa hai tên ‘bẩn thỉu’ hầu cứu cả nhân loại ‘bẩn thỉu’. Chúa Giêsu biết đến giá trị của sự đồng cảm và sức mạnh của sự gần gũi. Ngài biết, sứ vụ của Ngài dành cho các tội nhân bắt đầu không phải trên ngai vàng mà là từ trong bùn của những con người lấm lem; Ngài chỉ cần họ bắt đầu lại, và bắt đầu lại mỗi ngày!
Chúa Giêsu chịu phép rửa, sự viên mãn của Ba Ngôi Chí Thánh lần đầu tiên được tiết lộ vốn tinh tế hơn tiết lộ ở biến cố Truyền Tin. Qua sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, Phêrô nói, “Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài”. Và kỳ diệu thay! Chính các linh mục được xức dầu của Ngài sẽ tiếp tục công việc này cho đến lần cuối cùng mặt trời lặn. Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng mãnh liệt nhất vẫn là qua các Bí Tích do các linh mục. Như vậy, phép rửa của Chúa Giêsu đã mở ra kỷ nguyên các Bí Tích, ‘kỷ nguyên của ân sủng!’.
Anh Chị em,
“Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”. Đúng thế! Ngài đã ngã xuống hàng ngũ các tội nhân để liên đới với tội nhân, đưa họ vào lãnh địa của Thiên Chúa, lãnh địa ân sủng. Ngã xuống dòng nước, Ngài thánh hoá mọi dòng nước; dìm mình trong nước, Ngài mở ra mỏ mạch mọi ân sủng. Được dìm xuống với Ngài, chúng ta bước lên, sống một đời sống mới, đời sống con cái Chúa. Cuộc đời mới bắt đầu khi chúng ta cùng chết, mai táng và phục sinh với Ngài qua phép Rửa. Hôm nay, Ngài muốn chúng ta làm mới phép Rửa của mình, qua việc thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể. Bằng cách lãnh nhận ân sủng của hai Bí Tích này, chúng ta củng cố các Bí Tích khác. Khi tiếp nhận các Bí Tích, chúng ta tiếp nhận chính Thiên Chúa, mỏ mạch mọi ơn phước.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đã ngã xuống để con được ‘nhặt lên’, cho con đừng bao giờ ơ hờ với các Bí Tích, nhưng biết chạy đến với Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, hầu kín múc ân sủng!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

duc thanh cha 2

Lịch Phụng vụ

THÁNG 10 THÁNG MẸ MÂN CÔI
14 Thứ Hai N Thánh Têrêsa Giêsu Avila
15 Thứ Ba   Thánh Hedwig, Thánh MagarIta Maria Alacoque
16 Thứ Tư N Thánh Inhaxiô Antiôkia
17 Thứ Năm   Thánh Francois Isidore Gagelin
18 Thứ Sáu K THÁNH LU-CA
19 Thứ Bảy   Thánh Gioan Bơrêbớp, và Thánh Ixaác Giogơ, Thánh Phaolô Thánh giá
20 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXIX TN
21 Thứ Hai   Thứ Hai Tuần 29 TN
22 Thứ Ba   Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
23 Thứ Tư   Thánh Gioan Capistrano, Thánh Phaolô Tống Viết Bường
24 Thứ Năm   Thánh Antôn Maria Claret, Thánh Giuse Lê Đăng Thị
25 Thứ Sáu   Thứ Sáu Tuần 29TN
26 Thứ Bảy   Thánh Gio-an Đạt
27 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXX TN
28 Thứ Hai K THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA
29 Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 30 TN
30 Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 30 TN
31 Thứ Năm   Thứ Năm Tuần 30 TN

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,575
  • Tháng hiện tại9,799
  • Tổng lượt truy cập7,186,621

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây