THÁNH GIÁ: TÌNH YÊU NHẪN NHỊN
Chuyện kể rằng, có một nhà thông thái nằm mơ thấy mình dành cả cuộc đời đi tìm một cuốn sách hay nhất gồm tóm mọi sự trên đời. Cuốn sách đó được tóm lại trong một trang hay nhất, rồi trang ấy gồm trong một dòng hay nhất, và dòng ấy tóm trong một chữ hay nhất. Ông giật mình tỉnh dậy và thấy một chữ rất to: Thánh Giá. Có thể nói, thánh giá là biểu tượng đẹp nhất, ý nghĩa nhất và rõ ràng nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trên thánh giá, Con Thiên Chúa giang tay hình chữ Y như dấu hiệu của tình yêu. Nơi thánh giá, Chúa tỏ cho ta tình yêu nhẫn nhục của Ngài và mời gọi chúng ta nhẫn nại yêu Chúa, kiên nhẫn với nhau và kiên trì với bản thân. Tình yêu nhẫn nại có sức biến đổi lòng người.
Trải suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã dùng nhiều phương cách khác nhau để cứu thế giới khỏi tội lỗi và sự chết. Con người cứ sa đi ngã lại, lặp đi lặp lại những lỗi lầm, nhưng tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa đã không bỏ cuộc. Ngài sẵn sàng hiến dâng chính Chúa Giêsu, Con Một Ngài để cứu nhân loại. Chúa Giêsu đã sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhằn trên thánh giá. Ngài kiên nhẫn đón nhận những tiếng thét gào nhục mạ và nhẫn nhục đổ ra giọt máu cuối cùng vì yêu thương con người.
Nhẫn là kiên nhẫn. Đó là khả năng biết kiềm chế bản thân để không cư xử nói năng hay hành động một cách nóng nảy vội vàng. Nhịn là nhường nhịn. Đó là khả năng tha thứ cho người xúc phạm đến mình và là lối sống khoan dung với mọi người. Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu nhẫn nhịn của Ngài trên thánh giá. Ngài đã không nhảy nhào xuống trước lời thách thức của người qua kẻ lại: “Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá thử coi” (Mt 27,42). Trái lại, Chúa đã nhìn họ với đôi mắt trìu mến xót thương. Hơn nữa, Ngài đã quảng đại tha thứ và bào chữa cho kẻ bắt bớ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Tình yêu nhẫn nhịn của Chúa sáng tỏ trên đồi hiến tế.
Khát khao của Chúa Giêsu trên thánh giá là một cơn khát tình yêu. Chúa không chỉ mời gọi con người chiêm ngắm sự nhẫn nại của Ngài, nhưng còn mời gọi chúng ta chia sẻ tình yêu nhẫn nhịn ấy. Như Chúa, chúng ta được mời gọi thực hành sự nhẫn nhịn với những người chúng ta chung sống và gặp gỡ. Chúng ta chia sẻ tình yêu nhẫn nhịn của Chúa bằng tôn trọng những khác biệt, bằng san sẻ những gánh nặng, bằng kiên nhẫn chờ đợi nhau….
Tình yêu nhẫn nại của Chúa Giêsu trên thánh giá có khả năng biến đổi. Ngài đã chuyển hóa người trộm lành, biến đổi người lính Rôma, và đổi mới biết bao tâm hồn. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng tình yêu ấy là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta… Ngài đã biến thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”. Thực vậy, tình yêu nhẫn nại của Chúa đã biến ghét thành yêu, ác thành thiện, thất bại thành chiến thắng, sự chết thành sự sống.
Lạy Chúa Giêsu Tử Giá, chúng con xin tôn vinh tình yêu nhẫn nhịn của Chúa dành cho nhân loại, cho Hội Dòng, và cho riêng mỗi người chúng con. Chính tình yêu này đã cứu nhân loại khỏi chết, làm cho Hội Dòng Trinh Vương được hồi sinh, và cho mỗi chúng con thêm sức sống. Chiêm ngắm tình yêu Chúa, con cũng được mời gọi đáp lại tình yêu nhẫn nhịn ấy bằng đời sống nhẫn nại theo đường lối Chúa bằng đón nhận những gì Chúa trao, và kiên trì biến chuyển cuộc sống bằng sự nhường nhịn bao dung. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của chúng con.