TÌNH YÊU VÀ THẬP GIÁ
Ga 18:1-19,42
Hôm nay, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn ngắm Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình bị treo trên thập giá, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá. Bởi theo thánh Ambrosiô, khi Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu khi ngài chết trên Thánh Giá, và Giáo hội mời gọi chúng ta tưởng nhớ tình yêu dâng trào ấy.
Mầu nhiệm đau khổ thập giá nơi Chúa Giêsu, chẳng ai đọc thấy sự ốm đau bệnh tật trong đó, nhưng người ta dễ nhận ra sự bất trung, phản bội, ngay trong hàng ngũ các tông đồ. Trong số đó có cả đám đông dân chúng đã từng chịu ơn Đức Giêsu, họ cũng hò la đòi đóng đinh giết Chúa. Sức nặng thập giá làm con người khiếp sợ, muốn tìm lối thoát thân, dẫn đến việc từ chối con đường theo Chúa, nhưng tội lỗi mới là nguyên nhân khiến con người phải chết đời đời. Chúa Giêsu không thuyết phục các môn đệ hãy mạnh dạn cùng chết với Thầy, Ngài còn lệnh cho Phêrô: “hãy xỏ gươm vào bao, vì chén Cha trao ban lẽ nào Thầy không uống ?” Câu trả lời hay nhất cho Phêrô và cho những tâm hồn tội lỗi, chắc chắn Phêrô và chúng ta đã biết là tự tình yêu và lòng sám hối của ta.
Chúa Giêsu chiến thắng thập giá nhờ sức mạnh của tình yêu hiệp nhất với Chúa Cha, nhờ ý chí quyết tâm cứu nhân loại tội lỗi khỏi chết đời đời. Ngày hôm nay người đời vẫn cho rằng đau khổ thập giá là những đau khổ về vật chất tiền của, về áp lực việc bổn phận, có khi là những áp bức bóc lột giữa người địa vị với dân đen ít học. Đức Giêsu mang vác thập giá để cứu nhân loại tội lỗi, vì vậy mà sức mạnh thập giá vẫn đang cần thiết để biến đổi tâm hồn chúng ta nên thánh thiện, nên giống Chúa. Sức mạnh thập giá không phải là vật chất, quyền lực, mà là tình yêu kết hiệp với Đấng chịu đau khổ, Đấng đã chết đi cho tội lỗi của chúng ta.
Lầm đường lạc lối, yếu đuối vấp té thì ai cũng có kinh nghiệm, nhưng để quay lại vạch xuất phát, phải trở lại với cõi lòng mình, nhất định phải có ý chí, tức là phải có đủ sức mạnh tình yêu Chúa. Như thế nào là sống đúng, sống có ý nghĩa, có thể rõ nhất là con cháu, những người thân quen, nhưng bình an, hài lòng về lời nói việc làm của một tâm hồn, Chúa mới thấu tỏ. Thành công về mặt tri thức, thành công về đời sống tâm linh, cũng chỉ là một khái niệm tương đối, biết tin theo Chúa, biết khiêm tốn đấm ngực mình để đừng xa cách Chúa, điều đó thực tế hơn cả.
Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới. Từ đây, “sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?” (1Cr 15, 54-55).
Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi. Chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng : Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.
Ngắm nhìn Thập giá Đức Kitô để ta ý thức lại tương quan của mình với Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đã đáp lại tình yêu của Ngài như thế nào? Hay chính chúng ta lại xúc phạm đến tình yêu đó bằng một đời sống đạo khô khan, tẻ nhạt; hay bằng những việc làm vô luân đi ngược với những giới răn của Ngài.
Nhìn lên Thập giá Đức Kitô để chúng ta học sống tình yêu mỗi một ngày trong đời. Là Kitô hữu, ta được mời gọi sống yêu thương, san sẻ để đốt cháy những băng giá vô cảm, vô tâm nơi xã hội. Là con Thiên Chúa, ta được mời gọi sống bao dung tha thứ để xóa tan những tranh chấp, hận thù đang xảy ra trên khắp thế giới và ngay trong con người chúng ta. Là con người với nhau, ta được mời gọi sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình.
Thập giá Đức Kitô chính là tâm điểm cho hành trình Đức tin, là biểu tượng niềm tin cho mỗi một người Kitô hữu. Thật vậy, nó không chỉ dừng lại ở hình ảnh của sự thất vọng nhưng là dấu chỉ của niềm hy vọng. Nó không chỉ dừng lại ở sự đau khổ và tội lỗi nhưng là bằng chứng sống động về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Và nó không chỉ dừng lại ở cái chết khốn khổ ấy nhưng sẽ hướng đến sự Phục sinh viên mãn.
Thứ Sáu Tuần Thánh một lần nữa mời gọi chúng ta ngước nhìn Thập giá Đức Kitô – Thập giá tình yêu, để nơi đó chúng ta có một niềm cậy trông, một viễn cảnh hy vọng và một bài học lớn lao về tình yêu.
Hãy chiêm ngắm Thập giá Đức Kitô, tin tưởng nơi Thập giá, hy vọng vào Thập giá và sống tình yêu Thập giá mỗi giây phút trong đời!