
Lời Chúa: Mt 2, 13-15.19-23
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai cập.
Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Ackhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét.
Suy niệm
xÂY DỰNG GIA ĐÌNH MÌNH NHƯ GIA ĐÌNH THÁNH
Giáo Hội đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng gia đình Kitô hữu thành một cái nôi của tình thương, thành một mái trường dạy cho chúng ta những bài học làm người. Trong chiều hướng đó, Thánh Gia với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse vốn được coi là những mẫu gương sáng chói của gia đình công giáo.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không muốn đóng khung nhãn giới của chúng ta trong khuôn khổ một gia đình theo huyết thống. Bài học lớn nhất Ngài để lại cho chúng ta đó là bài học làm người trong xã hội. Ngài không vun xới cho gia đình riêng của mình, nhưng Ngài lại xây dựng đại gia đình nhân loại được cứu chuộc.
Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã phải trải qua một cuộc bôn ba, đã là một con người bị ruồng bắt bởi quyền lực thế gian. Con đường trốn qua Ai Cập cũng chính là con đường dân riêng của Chúa đã đi qua thuở xưa, con đường dẫn tới cuộc sống nô lệ trong suốt 400 năm. Nhưng rồi Ngài cũng được đưa về lại Galilê tượng trưng cho cuộc xuất hành của dân riêng khỏi đất nô lệ Ai Cập. Như thế Phúc Âm đã tóm gọn cuộc đời Chúa Giêsu và đặt cuộc đời ấy trong lịch sự của dân Chúa.
Gia đình là cửa ngõ để Con Thiên Chúa đi vào nhân loại như mọi con người bình thường khác. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu không thể không nỗ lực, mỗi người ở địa vị của mình, xây dựng một gia đình gương mẫu. Thế nhưng phụng vụ không muốn chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình. Thực vậy, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người đâu phải chỉ để làm con Thánh Giuse và Mẹ Maria, những bậc làm cha làm mẹ của Ngài ở trần gian, nhưng Ngài còn phải thực hiện nhiệm vụ Cha trên trời đã trao phó. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã không thể hiểu ra ngay điều đó. Sự không hiểu được này đã tạo nên những khổ đau cho cả hai ông bà.
Tình yêu trong gia đình bao gồm những nỗ lực vươn lên để thông cảm và hiểu rõ những công việc của nhau, để xây dựng một sự đồng tâm nhất trí ở mức độ cao hơn. Đoạn Tin Mừng không chỉ mô tả cảnh thân mật, đầm ấm của thánh gia. Những tâm hồn đạo đức nói về sứ mạng của hài nhi Giêsu, đã tiên báo nỗi sâu xé nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu qua của Mẹ Maria. Vượt thắng được nỗi đớn đau ấy, như Mẹ Maria đã làm, khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá, chứng kiến hơi thở cuối cùng của người con yêu dấu, trong thái độ dâng hiến, như Mẹ đã từng xin vâng với sứ thần Gabriel trong hoạt cảnh truyền tin, như thế mối quan hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu sẽ mật thiết hơn, khắng khít hơn.
Không có nơi nào thuận tiện cho bằng gia đình, để xây dựng một tổ ấm gồm những người yêu thương nhau. Nơi gia đình, vợ chồng yêu thương nhau và sẵn sàng bỏ tất cả để chung sống với nhau, để có thể lo cho nhau một cách trọn vẹn. Con cái do cha mẹ sinh ra, cha mẹ yêu thương con cái. Con cái thảo hiếu với cha mẹ vì được sinh ra nuôi nấng yêu thương và dạy dỗ. Nếu những người trong một gia đình không yêu thương nhau, thì họ còn tìm đâu ra một môi trường thuận lợi yêu thương như vậy nữa!
Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng sống với nhau không vì yêu thương; có những người con không được yêu thương ngay từ trong dạ mẹ và không được sinh ra; có những người được sinh ra, nhưng không được nhìn nhận như con, và không được cha mẹ nuôi nấng yêu thương cưng chiều; có những người con được sinh ra, được nuôi nấng nhưng không được yêu thương chăm sóc nên đã bỏ nhà đi hoang. Có những người cảm thấy gia đình không còn là mái ấm nhưng lại là hỏa ngục; và như vậy, có những em bỏ nhà sống bụi đời, và cho rằng thà như vậy còn hạnh phúc hơn ở trong “hỏa ngục trần gian”. Người con rất đau khổ khi thấy cha mẹ mình không yêu thương nhau: gây gỗ và dùng bạo lực với nhau.
Nếu gia đình gồm những người có tương quan máu mủ ruột thịt mà không yêu thương nhau, không tạo nổi một mái ấm nơi đó những thành viên trong gia đình cảm thấy được yêu thương săn sóc, thì làm sao xã hội gồm những người khác nhau, không có tương quan máu mủ, lại có thể yêu thương nhau cho được! Tạo một gia đình yêu thương hạnh phúc, đó là điều khó nhưng cũng vẫn khả thi. Tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một xã hội an ninh hạnh phúc; tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một thế giới hòa bình yêu thương nhau.
Mỗi người hãy cố gắng diễn tả ý của Thiên Chúa cho những người trong gia đình mình. Mỗi người trong gia đình hãy cố gắng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho những phần tử khác trong gia đình. Cha mẹ được trao trách nhiệm yêu thương chăm sóc dạy dỗ con cái nhân danh Thiên Chúa. Con cái phải vâng phục cha mẹ, vì cha mẹ đại diện Thiên Chúa yêu thương mình, muốn điều tốt lành cho mình, dạy dỗ mình trở nên những người tốt nhất theo ý Thiên Chúa.
Mỗi người trong gia đình hãy sống tốt, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Đừng ảo tưởng: nếu ta không xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì không thể xây dựng một xã hội hạnh phúc được. Ta cũng chẳng có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, nếu mỗi người không tự tu thân sửa mình mỗi ngày. Hãy biến gia đình thành thiên đường hạ giới. Nếu không làm gia đình mình thành một mái ấm thân thương, thì mình cũng chẳng có thể xây dựng được một cộng đoàn nào thoải mái và hạnh phúc thật sự được. Nếu ta không tu sửa chính mình mỗi ngày, thì cũng chẳng có thể sống tốt với người khác, cũng không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc được, cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hạnh phúc thật sự được.
Trong ngày lễ Thánh Gia, mỗi người hãy cầu nguyện cho mọi gia đình, cho cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, được bắt chước thánh Giuse, Đức Mẹ, Đức Giêsu, để nên thánh qua cách đối xử với nhau. Nên thánh, nằm trong tầm tay của mỗi người nhưng dường như mỗi người đều bất lực. Xin Chúa giúp để chúng ta làm được tất cả, để mỗi người chúng ta nên thánh và làm cuộc sống của mình và của những người thân được hạnh phúc hơn.
Mừng lễ Thánh Gia Thất, liệu chúng ta sẽ đón nhận Đấng Thiên sai của thời mới, Đấng có những lời lẽ phát minh và sáng tạo? Lễ này cho chúng ta biết rằng gia đình theo Chúa Giêsu có những cánh cửa mở ra phía gia đình nhân loại bao la rộng lớn.
Suy niệm 2
ĐỪNG TÌM KIẾM MỘT LỐI THOÁT HAY MỘT NƠI ĐỂ TRỐN THOÁT!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập!”.
Trong Tông huấn Familiaris consortio, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, “Gia đình không phải là tổng số những con người gộp lại, mà là một ‘cộng đồng các ngôi vị!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng ngày lễ Thánh Gia hôm nay nói với chúng ta rằng, gia đình là “một cộng đồng các ngôi vị”; ở đó, các ngôi vị được bảo vệ! ‘Bảo vệ’ bằng cách giúp nhau chạy trốn khỏi khổ đau; tuy nhiên, sẽ khá bất ngờ khi nói rằng, đôi lúc, ‘bảo vệ’ còn là giúp nhau đương đầu với khổ đau và ôm lấy chúng. Chúa sẽ bảo vệ chúng ta trong mọi tình huống; vì thế, ‘đừng tìm kiếm
một lối thoát hay một nơi để trốn thoát!’.
Chiều ngày đứng dưới chân thập giá của Con, Mẹ Maria hẳn sẽ nhớ lại chuyến trốn sang Ai Cập với thánh Giuse; các ngài chạy trốn để bảo vệ Chúa Giêsu khỏi sự tàn bạo của Hêrôđê. Nhưng giờ đây, sự tàn bạo đó đã ‘đuổi kịp’ Ngài. Có lẽ Đức Mẹ sẽ thắc mắc và tự hỏi, thánh Giuse sẽ làm gì vào ngày hôm nay nếu ngài hiện diện? Liệu người cha nuôi của Chúa Giêsu có cứu Ngài một lần nữa bằng cách trốn khỏi Giêrusalem? Liệu Giuse có bảo vệ người Con của Mẹ khỏi điều ác đang xảy đến với Ngài không? Khi suy nghĩ về những điều này, hẳn chắc Mẹ Maria đã hoàn toàn đón nhận mầu nhiệm khổ đau đang xảy ra. Các ngài đã thoát khỏi Hêrôđê vì đó không phải là thời điểm Chúa Cha muốn; đó không phải là lúc Chúa Giêsu hy sinh mạng sống Ngài để cứu rỗi thế giới. Nhưng nay, giờ của Ngài đã đến. Vì thế, tất cả những gì Maria có thể làm giờ đây, là đứng vững trong đức tin khi phải đối mặt với mầu nhiệm khổ đau vĩ đại!
Suy niệm cuộc trốn chạy của Thánh Gia, thánh Gioan Kim Khẩu viết, “Cũng vậy, bản thân bạn không cần phải lo lắng nếu đang gặp phải vô vàn hiểm nguy! Đừng mong được tôn vinh hoặc đội vương miện ngay lập tức cho những khó khăn của bạn. Thay vào đó, bạn có thể ghi nhớ tấm gương chịu đựng lâu dài của Đức Maria, mẹ Chúa Hài Nhi; Mẹ gánh chịu mọi sự một cách ngoan cường, cao thượng, vì biết rằng, một cuộc chạy trốn như thế là phù hợp với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bạn đang trải nghiệm những gì mà chính Mẹ Maria đã trải nghiệm. Các nhà đạo sĩ cũng thế; họ sẵn sàng bí mật rút lui trong sự nhục nhã của những kẻ chạy trốn!”.
Cũng vậy, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta, có những lúc chúng ta chạy trốn khỏi những khổ đau; nhưng có những lúc chúng ta phải ôm lấy chúng. Trong một số trường hợp, Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta; ở những lúc khác, Ngài mời gọi chúng ta đón nhận thập giá mà chúng ta đã được trao một cách trọn vẹn. Cùng Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên thánh giá, ý thức về thời điểm mà chúng ta phải hoàn tất thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không chịu đau khổ trước giờ của Ngài. Chúa Cha đã bảo vệ Ngài khỏi những kẻ ác cho đến thời điểm vinh quang của Ngài. Đây là ngày của Ngài, giờ của Ngài. Đây là thời điểm Ngài ôm lấy tội lỗi và sự chết!
Anh Chị em,
“Hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập!”. Hôm nay, bạn và tôi cùng suy gẫm về ‘giờ của Chúa’ trong cuộc đời mình. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nắm lấy điều gì hôm nay? Thánh giá nào được trao cho bạn? Nếu thời điểm thích hợp và ngày dành cho thánh giá của bạn đã đến, đừng ngần ngại nắm lấy nó, ôm lấy nó; ‘đừng tìm kiếm một lối thoát hay một nơi để trốn thoát!’. Đối mặt với thập giá đời mình cùng với Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ của chúng ta, bạn và tôi biết rằng, chúng ta đang làm như vậy với sức mạnh và sự hỗ trợ của các Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, xin che chở con bằng tấm áo yêu thương của Mẹ. Giúp con can đảm ôm lấy thập giá đời mình, để con ‘đừng tìm kiếm một lối thoát hay một nơi để trốn thoát!’”, Amen.