Con xin cùng Mẹ yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Mẹ giúp con suy gẫm về sự chết và dạy con hiểu chỉ có một đường dẫn tới Thiên Chúa khi nhắm mắt xuôi tay là con đường cuộc sống. Nhưng đó lại là con đường dốc lên, đầy gian nan. Những giới hạn bản thân khiến cuộc hiện sinh con luôn có nguy cơ chệch đường rây.
Vì vậy, suy gẫm về giới hạn đời người là cần thiết để hiểu sự thật về con. Chết là giới hạn lớn nhất mà trước đó nó đã được tiên báo bằng những giới hạn khác: đau khổ, sa ngã. Tuy nhiên, những giới hạn đắng cay ấy có thể vén màn cho con thấy Thiên Chúa rõ nét, nếu nội tâm biết suy gẫm.
Suy gẫm
Con người có kinh nghiệm về giới hạn của mình: khả năng, sức khỏe hữu hạn; sức chịu đựng có hạn, suy nghĩ có hạn, nhớ có hạn, sức tập trung có hạn. Mỗi dốc quyết của tôi cũng vạch ra sự bất toàn của tôi: nội tâm tôi như bị xé và có thể phản bội tôi bằng cách rút lại những dốc quyết dù rất chân thành trước đó. Tôi bất toàn và đồng loại tôi, nhân loại tôi cũng bất toàn tự bản chất: hãy xem cả thế giới tử chiến với con virus; các cường quốc với nền công nghiệp vĩ mô nhưng chật vật sản xuất không đủ lượng khẩu trang cần thiết.
Con người xét ở bề nổi có thể là tân tiến, văn minh, văn hóa nhưng ở bề sâu thẳm, con người là hữu thể giới hạn. Ta hãy suy về giới hạn của Đau khổ, sa ngã và sự chết.
- Đau khổ là tín hiệu của sự chết
Con người giãy giọn trong đau khổ như cá bơi trong nước: chúng ta sợ đau khổ và hết sức tránh đau khổ, nhưng thân phận làm người không cho phép ta thoát đau khổ. Đau khổ sinh lí, đau khổ tâm tình; đau khổ trong bản thân ta, đau khổ của thân nhân ta, đau khổ của đồng bào ta, nhân loại ta. Ta đau trong bản thân ta, và cũng đau trong thân xác của những người ta yêu mến. Kinh nghiệm hằng ngày cho thấy: nhiều khi ta có thể chịu được những đau khổ của bản thân, nhưng không thể chịu nổi khi nhìn người thân yêu giẫy giụa trong bệnh tật hoặc buồn tủi. Trong những trường hợp như thế, ta thấy hoàn toàn bất lực: Ta bị chặn đứng bởi những giới hạn ghê sợ. Trong những giờ phút đó, con người thường hỏi "tại sao?" Chả lẽ đau khổ bởi tình cờ hoặc bởi một ác quỉ? Hay là đau khổ không có ý nghĩa gì hết? Nói đau khổ không có ý nghĩa gì hết là nói một điều vô lí nhất trên đời.
Khi vấp vào mũi nhọn của đau khổ, con người thường có hai thái độ: thái độ phản kháng điên cuồng và thái độ suy tư trầm ngâm. Kẻ phản kháng điên cuồng kêu lên rằng không có thượng đế; phản kháng chỉ là thái độ tiêu cực, mà tiêu cực thì chưa giải quyết được vấn đề đau khổ. Thành thử chỉ có thái độ của những người suy nghĩ thận trọng mới đúng nẻo nhân sinh: rằng đau khổ là giới hạn mà con người không thể vượt qua; càng muốn vượt qua càng va đầu vào giới hạn đó, cho đến khi con người tự nhận thật mình là hữu thể bị giới hạn lệ thuộc Thiên Chúa, con người được sinh ra từ tro bụi và một mai sẽ trở về bụi tro.
- Sa ngã cũng là tín hiệu của sự chết
Thân phận con người gắn liền với đau khổ và sa ngã. Sa ngã là tiếng vọng lại của tội lỗi. Sa ngã nhắc cho ta đừng quên thân phận phải chết của mình. Người quân tử thì biết nhận ra những khuyết điểm của mình nên dễ đứng dậy khi ngã, và nhờ tự hối mà có thể tự tân, kẻ tiểu nhân chỉ mau mau tìm cách đổ lỗi cho người khác, không thấy cần sửa mình chi cả nên ngày qua ngày càng đi vào hư vô.
Sa ngã là cơ hội cho ta thức tỉnh về thân phận con người. Sa ngã thì đau đớn và nếu ta quyết chí "nhật tân, nhật nhật tân" – nghĩa là quyết "mỗi ngày làm cho mình mỗi mới" thì sẽ càng gặp sa ngã nhiều hơn. Từng cố gắng, từng hành động sống của tôi thường là dịp để lộ sự bất thiện và tôi đều có nguy cơ sa ngã. Nhưng suy cho cùng kiệt, sa ngã là giới hạn mời gọi tôi nhìn ra khuôn mặt Đấng bên kia bờ giới hạn.
- Cái chết là giới hạn sau cùng và lớn nhất
Con người là một hiện hữu hướng về sự chết. Cái chết ví như chiếc cổng lưỡng diện. Nó đóng lại ngôi nhà nhưng mở ra với thế giới. Chết là khép lại cánh cổng đời này nhưng mở ra đời sau cho một kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, để cánh cổng sự chết thông với của ngõ thiên thu, con người phải luôn luôn vươn lên trong cuộc sống. Là hữu hạn nhưng cái hữu hạn của con người không khép lại như con vật. Con vật chịu đóng kín trong hữu hạn và nó không ý thức gì về giới hạn đó cả. Duy con người ý thức được tình trạng bị giới hạn của mình và luôn phải ưu tư: rằng giữa cuộc nhân sinh, tôi là ai? tôi đang tìm gì và đời tôi sẽ trôi về đâu? Ưu tư là bắt đầu vươn lên.
Khi tôi ưu tư về tôi nghĩa là tôi nhìn thẳng vào nội tâm tôi, nhìn thẳng vào định mệnh làm người của tôi mà Thiên Chúa đã ban cùng với ân huệ tự do. Tự do cao cả lắm và cũng ghê sợ lắm. Với tự do, tôi có thể thành thánh và cũng có thể thành quỉ, có thể thắng vượt những dục vọng đê tiện và cũng rất có khả năng nô lệ những dục vọng.
Tôi sống mình tôi thế nào, thì cũng thực sự chết mình tôi như thế. Một mình ở đây không có nghĩa là ích kỉ hoặc lẻ loi theo nghĩa thường, một mình đây có nghĩa là dầu cha mẹ bạn hữu xúm quanh tôi, an ủi và thông cảm với tôi, tôi vẫn cảm thấy rằng đau khổ nằm sâu ở trong tôi và sự chết sẽ hoàn thành sự ngăn cách giữa tôi với tha nhân. Ưu tư là sức chuyển động, là những cái cựa mình để vươn lên và không chịu nằm lì ở trạng thái an cư qua ngày đoạn tháng như sự vật.
Ta thường chỉ nghĩ "người ta chết", ít nghĩ đến sự chính tôi chết. Bao lâu ta mới chỉ nghĩ "người ta chết", thì ta còn bỏ mất nhiều cơ hội sống tốt hơn của mình, bởi vì ta chưa được ánh sáng của sự chết soi rọi, chưa thực sự truy tìm nẻo đường nào nhằm đúng cửa ngõ đời đời dành cho riêng ta, để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha từ nhân.
Con người với cuộc lữ hành trần thế bao giờ chẳng gian nan nhưng được sống là điều thú vị vì đời sống dương gian là quà tặng Thiên Chúa tặng ban cho mỗi chúng ta. Và như vậy, càng suy gẫm về sự chết ta càng tôn trọng từng khoảnh khắc sự sống để sống mãnh liệt hơn.
Nhưng ôi lạy Chúa, "xin dạy con đếm tháng ngày mình sống/ Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan".
Trong giờ con nhắm lại đôi mắt xác thịt, xin cho đôi mắt tâm hồn con mở ra và con nhìn thấy Chúa Giêsu đến đón con. Xin Mẹ, các Thánh, các Thiên Thần luôn ở bên con trong giờ con lâm chung.
Maria Biển, CMR