Quan sát mùa màng trong thiên nhiên chúng ta thấy có bốn mùa thay đổi tuần hoàn: xuân, hạ, thu, đông…mỗi mùa cũng tới và mỗi mùa cũng đi qua để nhường cho mùa khác. Con người chúng ta cũng thế, ngay trong nguyện đường nhỏ bé này chúng ta thấy có rất nhiều thế hệ : trẻ có, trung niên có, và người cao niên cũng có. Do đó chúng ta phải biết và khẳng định rằng con người của chúng ta tới một gia đoạn nào đó thì sẽ chết. Giống như vua Salômôn nói “mọi người đều có lúc, mọi người đều có thời ở dưới bầu trời này, khi ông nói câu này, ông có ý nhắc nhở rằng mọi thế hệ rồi cũng sẽ chết. Những cái chết bất ngờ xảy ra trong cuộc sống nhắc nhở ta sự mong manh phù du của đời sống con người. Tuy nhiên sự khôn ngoan chân thực thì vượt xa nhận định ấy khi nhận biết thân phận mình nằm trong vòng tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Sự chết là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, một quà tặng mà chúng ta nên chấp nhận, không phải trong sự sợ hãi và run rẩy nhưng trong niềm vui [1]. Vì dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa và của mầu nhiệm Phục sinh, cái chết có thể trở thành “chị chết” và dịp nhận biết niềm hy vọng gặp gỡ Chúa.
Như thánh Phanxicô khó khăn hát vang trên giường chết và trả lời cho anh em: “Cha không thể không hát được khi nghĩ rằng chút nữa, cha sẽ gặp được Chúa”. Như thánh Lui Gônzaga sung sướng báo tin cho mẹ mình biết mình sắp chết: “Mẹ hãy vui mừng với con vì cái tin rất hạnh phúc này”. Và như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi vị linh mục hỏi: “Con sắp chết, con nghĩ sao?”, chị trả lời: “Thưa cha, con cần phải nhẫn nại để sống, còn đối với cái chết, con chỉ thấy lòng vui mừng”.
Điều chúng ta gọi là “sự chết” thì không có gì khác hơn là việc đập vỡ cái vỏ của tình yêu vị kỷ và để cho sức sống của tình yêu vị tha của Thiên Chúa và của con người, đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn chúng ta trào ra.[2]
Chính Chúa Giêsu, Ngài đã chấp nhận khổ hình trên thập giá và cái chết vì tuân phục ý Chúa Cha, nhờ đó Ngài đã tiêu diệt kẻ thù cuối cùng của chúng ta đó là sự chết đời đời. Qua việc chấp nhận cái chết, Ngài đã để lại cho chúng ta một khuôn mẫu yêu thương: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu mình” (1 Ga 4,8).
Chúa Giêsu nói, chúng ta chỉ có thể là môn đệ của Chúa, nếu chúng ta vác thánh giá của mình, mà thánh giá thì dẫn đến cái chết. Những khó khăn, sự buồn sầu, đau khổ không có giá trị trong chính chúng. Nhưng chúng lại là những phương thế đưa đến niềm vui, sự sống và sự kết hợp trong Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta hãy xem xét “những cái chết nhỏ” của mỗi ngày và chấp nhận chúng với lòng can đảm và niềm vui vì Thiên Chúa ưa thích những người dâng hiến trong niềm vui (x. 2 Cr 9,7).
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày con tiến gần đến cái chết, xin Chúa giúp con biết đón nhận cái chết như món quà tình yêu của Chúa, bằng việc dám chết đi cho con người tự nhiên để sống sự sống sung mãn, trào tràn của Chúa ngay từ giây phút này. Xin cho con luôn hướng nhìn về Chúa, luôn lấy Chúa là trung tâm, là Cứu Chúa và là sự sống của con. Nhờ đó con dám can đảm giũ bỏ tất cả những gì làm con chùn bước không đi về bên Chúa. Xin cho con luôn chọn Thánh Ý Chúa là kim chỉ nam cho đời sống, trong mọi trạng huống cuộc đời, và con phải luôn chọn và sống điều vừa ý Chúa hơn là ý con, để khi đến giờ Chúa lên tiếng gọi, con mạnh dạn thưa: “Lạy Chúa, này con đây”...
Sr. A.Maria Túy CMR
[1] BASIL HUME, O.S.B. Tìm kiếm Thiên Chúa. (Chuyển ngữ: Lm Montford Phạm Quốc Huyên O. Cist). Nxb tôn giáo. Tr 105.