Lời Chúa: Ga 20:19-31
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy niệm
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
Chúng ta vừa tưởng niệm cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu. Cái chết và sự phục sinh của Người là nguồn mạch ơn cứu độ cho trần gian. Chúa Giêsu cũng là vị Lương Y thần thiêng. Trong lúc rảo khắp xứ Galilêa để rao giảng Tin Mừng, Người đã chữa lành biết bao người đau ốm đủ mọi chứng bệnh khác nhau, thậm chí một vào trường hợp đã chết, Chúa đã cho sống lại. Chính Người đã sống lại vinh quang, ra khỏi nấm mồ tối để chiếu ánh sáng hy vọng cho con người.
Dưới cái nhìn trần gian, người ta nghĩ rằng Chúa đã chết là hết mọi chuyện. Nói đến một người đã chết mà sống lại, người ta coi như chuyện tầm phào. Điều này chẳng có gì mới, vì ngay như ông Tôma, một trong Mười hai tông đồ, cũng chẳng tin Thày mình đã sống lại. Vì vậy, ông thách thức và tìm những bằng cớ cụ thể nhãn tiền thì ông mới tin. Nếu trước đây Tôma đã ra điều kiện để tin, thì nay Chúa chấp nhận những điều kiện thách thức ấy. Khi Đấng Phục sinh hiện đến, ông Tôma chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.
Chúa Giêsu an nghỉ trong mồ. Đó là thời gian đặc biệt ý thức thời gian nếu Chúa vắng mặt, sự dữ, bóng tối lộng hành. Các tông đồ về căn phòng đóng kín, sợ hãi. Sự vắng thiếu Thiên Chúa trong thời đại của chúng ta cũng gây nên những điều khiếp sợ. Không có Thiên Chúa, con người chỉ có sự chết gieo vào trong mọi mặt đời sống, chiến tranh sinh học, virus, không cần nhiều bom đạn, sự chết cũng tràn lan, nền kinh tế đi vào suy thoái. Văn minh mặt nạ, khoảng cách giao tiếp, và máy thở phát triển. Trong thời gian đặc biệt này, nhiều người, nhiều quốc gia ý thức về đời sống cầu nguyện, xin Chúa nghiêng trời ngự xuống cứu giúp, thương xót nhân loại cần có Chúa hiện diện, phá tan âm mưu đen tối của con người ác hại.
Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các môn đệ khi các ông sợ người Do Thái truy lùng, bắt bớ, nên tất cả cửa nẻo nơi các ông ở đều đóng kín, khóa chặt (x. Ga 20,19). Các ông đang rất sợ: sợ mọi người, sợ bất cứ chuyện gì, vì các ông vừa qua một cơn giông bão dữ dội, khủng khiếp, ở đó toàn bộ giáo lý của lòng thương xót đã bị xóa bỏ, toàn bộ công cuộc của lòng thương xót đã bị phá hủy, tiêu tan, và Chúa Giêsu, Thầy của các ông, Thiên Chúa của lòng thương xót đã bị giết chết thảm thương, ô nhục. Bao nhiêu cố gắng rao giảng lòng thương xót, bao nhiêu phép lạ làm chứng Thiên Chúa là Đấng xót thương, bao nhiêu con người đã được lòng thương xót chở che, chữa lành, ủi an, nâng đỡ nay không còn gì, không còn một ai. Chính cái trống vắng phũ phàng, phản bội của đám đông hôm nào hoan hô, ủng hộ đã làm các ông sợ ; chính cái tiêu điều trở mặt của nhiều người đã nhận lòng thương xót từ bàn tay Chúa Giêsu đã làm các ông ngao ngán tình đời, và muốn tránh xa mọi người; chính cái băng giá dửng dưng, hờ hững, làm mặt không quen, ra điều không biết của những người trước đây đã phủ phê hạnh phúc với lòng thương xót của Chúa Giêsu đã khiến các ông rùng mình, không còn muốn giao lưu, gặp gỡ người nào.
Con người giết chết Thiên Chúa để làm chủ theo ý riêng mình, nhưng thực tại là ngõ cụt, sự chết của chính mình. Giáo Hội cổ xưa đã dùng cụm từ này như thánh thi dành cho những người tân tòng khi chịu phép rửa: “Ta không dựng nên người cho ngục tối. Hãy chỗi dậy, và Đức Kitô sẽ ban cho người ánh sáng”. Đấng Phục Sinh bước ra từ ngục tối, đã mang lấy bóng tối của Adam xưa, cùng một dòng dõi con người để sống lại trong Adam mới. Đấng đã mang lấy tất cả để trở nên tất cả cho mọi người, như lời tiên tri Isaia đã loan báo: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi mang ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is, 49,6).
Chúa bước ra khỏi mồ là một hành trình mới, Người về cùng với Chúa Cha. Con người cũng được ở trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh, sẽ bước ra từ ngục tối trần gian của mình để bước tới phía trước, phía bình minh chiếu rạng, về cùng với Thiên Chúa. Từ nay, con người của phục sinh là con người đi tìm “sự công chính và Nước Thiên Chúa”. Tìm gặp Chúa cũng là tìm gặp lại anh chị em của mình là những con người cùng chung sống trong hạnh phúc và yêu thương.
Như Tôma phủ phục thưa với Chúa Giêsu: “Lay Chúa của con, lậy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28), sau khi ông hiểu ra: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa của lòng thương xót, Thiên Chúa đang mang trên mình thương tích của lòng thương xót mà ông đã được sờ tận tay, thấy tận mắt, chúng ta cùng nài xin Chúa ban cho chúng ta đức tin để dám tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa của lòng thương xót, dám đón nhận và sống ơn gọi Kitô hữu là “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), bằng thương xót như Chúa Cha là Đấng giầu lòng thương xót, bởi tin là tin Thiên Chúa của lòng thương xót, tin Thiên Chúa luôn rộng lượng xót thương, tin Thiên Chúa xót thương ai có lòng thương xót, tin duy nhất Lòng Thương Xót mới ban ơn Bình An, và chúng ta sẽ là những người được Thiên Chúa chúc phúc, vì đã “không thấy mà tin”.
“Phúc cho ai không thấy mà tin!”. Vâng, giữa thảm họa đại dịch COVID-19, càng cần hơn nữa Đức tin để chúng ta đáng được Chúa xót thương, can thiệp cứu vớt. Trong ngày Đại lễ Kính Lòng Thương xót của Chúa, chúng ta hãy cùng đồng thanh kêu xin: Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới!