Trong ba năm rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nhiều lần người ta thấy Đức Giêsu “vi phạm”Lề Luật của tiền nhân: nào là ăn không rửa tay, chữa bệnh ngày hưu lễ, để cho môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sabat… Từ đó, nhiều người, ngay cả môn đệ của Ngài cũng lầm tưởng rằng Đức Giêsu sẽ hủy bỏ luật Môsê để thiết lập một trật tự mới. Để xóa tan những ngờ vực này, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Vậy tại sao phải kiện toàn luật cũ? Kiện toàn ở điểm nào?
Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận sự tiến bộ của luật Môsê nếu so sánh nó với Lề Luật của các dân tộc chung quanh Israel đương thời. Tuy nhiên, luật Môsê dầu tiến bộ nhưng chưa hoàn hảo; người ta giữ luật nhiều khi quá nặng hình thức bên ngoài mà quên đi tinh thần của luật, làm cho luật như một gánh nặng vì gồm toàn những điều cấm đoán.Đây cũng là lý do để luật này cần được kiện toàn cho phù hợp với những chuyển biến của thời đại.
Những điểm chính yếu trong luật Môsê được Chúa Giêsu kiện toàn đó chính là thái độ khi giữ luật. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” (Mt 5,20). Trong con mắt của người Do Thái thời Chúa Giêsu, các kinh sư và người Pharisêu được xem là những tấm gương mẫu mực trong đời sống tôn giáo. Họ tuân giữ Lề Luật một cách nghiêm túc, chi ly, không bỏ qua điều gì. Tuy nhiên, các kinh sư và người Pharisêu giữ luật không xuất phát từ lòng yêu mến, kính sợ Thiên Chúa, mà cốt để được người ta khen. Đây là thái độ “háo danh” bị Đức Giêsu lên án. Ngài xem họ là những kẻ giả hình, và Ngài đòi hỏi các môn đệ phải sống công chính hơn, đồng thời phải cảnh tỉnh đề phòng “men Pharisêu”.
Đức Giêsu mang đến cho luật cũ một tinh thần mới: nếu như luật Môsê và lời các ngôn sứ như những “lằn ranh đỏ” để giới hạn và ngăn ngừa những hành vi sai trái của con người như cấm giết người, ngoại tình, trộm cắp, chớ bội thề v.v. thì Đức Giêsu lại đòi hỏi cao hơn; đó là phải biết làm chủ suy nghĩ, làm chủ giác quan. Theo Đức Giêsu, chẳng những không được giết người mà ngay cả chuyện giận ghét, chửi mắng người khác cũng đáng bị kết án. Người ta thường nói “giận quá mất khôn”, mất kiểm soát trong lời nói và hành động. Đức Giêsu đưa ra một đòi hỏi triệt để trong bổn phận với Thiên Chúa và tha nhân: đó là, lễ vật dâng Chúa vẫn phải thực hiện mà làm hòa với người khác cũng không được quên. Dâng lễ phẩm lên Thiên Chúa là bổn phận của con người, nhưng không thể dâng với “bộ mặt đưa đám” vì còn ấm ức với người khác. Ngài đòi hỏi kẻ dâng lễ phẩm một thái độ tự do, vui tươi và tha thứ. Chính vì thế: “hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24). Nét độc đáo trong luật mới của Đức Kitô chính là phải chủ động làm hòa với người anh em có chuyện bất bình với mình. Thông thường, ta chỉ chủ động xin lỗi hoặc làm hòa khi ta sai, khi ta gây bất bình với ai; chẳng khi nào ta chịu hạ cố chấp nhận ở vị thế khiêm nhường để xin lỗi hay làm hòa với người khác khi ta đúng. Nếu luật Môsê chú trọng đến hành vi bên ngoài, thì Đức Giêsu lại nâng luật ấy lên một tầm cao hơn đó là thái độ bên trong, nhưng không hề xem nhẹ hành vi: “ai nhìn người phụ nữ mà them muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Như vậy, chẳng những ta phải chế ngự và kiểm soát hành vi của mình, mà còn phải làm chủ cả giác quan và suy nghĩ, vì một khi ta buông lỏng giác quan và cảm xúc thì mất kiểm soát trong hành động chỉ là vấn đề thời gian. Câu chuyện vua Đavít thắng được gã khổng lồ Gôliát, nhưng lại không thắng nổi dục vọng của bản thân chỉ vì chiều theo sở thích của đôi mắt để rồi giết chồng và cướp vợ người ta luôn là bài học đắt giá cho ta, đồng thời cũng là minh chứng hùng hồn cho những gì Đức Giêsu dạy hôm nay (x. 2 Sm 11,2-16).
Như vậy, Đức Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật không phải là làm cho luật cũ hết hiệu lực, nhưng mặc cho nó một tinh thần mới; đồng thời cũng làm cho tất cả những gì được đề cập trong Sách Thánh phải được ứng nghiệm. Nếu xem Lề Luật như một căn nhà thì Đức Giêsu chính là người thợ tài tình để hoàn thiện ngôi nhà ấy; đồng thời bố trí sắp xếp những gì còn ngổn ngang dang dở, hầu làm cho ngôi nhà thêm khang trang và tiện dụng. Lề Luật đã được Con Thiên Chúa kiện toàn nên mỗi Kitô hữu chúng ta cũng cần kiện toàn thái độ giữ luật để không còn giữ đạo hình thức, nhưng là sống đạo, là “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chúng ta cùng cầu xin Chúa biến đổi đời sống chúng ta để thay vì ta thán xem luật là thứ cấm đoán nặng nề, thì đón nhận luật Chúa như một ân huệ và cảm nghiệm được niềm vui khi sống theo luật Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
THÁNG 3 – MÙA CHAY | |||
23 | Chủ Nhật |
| CHÚA NHẬT III MÙA CHAY |
24 | Thứ Hai |
| Thứ Hai Tuần III MC |
25 | Thứ Ba |
| TRUYỀN TIN |
26 | Thứ Tư |
| Thứ Tư Tuần III MC |
27 | Thứ Năm |
| Thứ Năm Tuần III MC |
28 | Thứ Sáu |
| Thứ Sáu Tuần III MC |
29 | Thứ Bảy |
| Thứ Bảy Tuần III MC |
30 | Chủ Nhật |
| CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY |
31 | Thứ Hai |
| Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay |