Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay năm C

Thứ bảy - 30/03/2019 04:52  1397

Ngày 31/01/2019 - Chúa Nhật IV Mùa Chay
 (Gs 5,9-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)
 

TRỞ VỀ VỚI CHA TRONG ĐẠI GIA ĐÌNH

 

mau loi chua hang ngay 5


Thấu cảm được nỗi khốn khổ của cuộc đời, nhận ra thân phận tội lỗi của mình trước dung nhan Chúa, tâm hồn tôi được mời gọi trở về với căn nhà chung. Căn nhà ấy được bao bọc bởi vũ trụ vạn vật, có anh chị em sum vầy bên Cha là Chúa cả trời đất. Tình yêu và lòng tha thứ là lương thực làm cho cả gia đình luôn xanh tươi, ươm mầm sự sống.

Lòng khao khát trở về với thế giới đại đồng là khát vọng sâu thẳm trong mỗi con người. Dù ở phương trời nào, con người cũng ước mơ về một ngày được cùng nhau chung sống trong một gia đình nhân loại hòa thuận. Chính cái nhận thức đau thương của sự ly tán, sự đổ vỡ trong mọi tương quan đã kéo con người hướng về bình minh của ngày hòa thuận ấy.

Dân Israel năm xưa ước mơ được trở về miền đất mà Thiên Chúa đã hứa ban với tổ tiên họ. Đất hứa ấy luôn là nỗi khát vọng nung nấu đêm ngày trong tâm hồn họ. Ngày được bước chân vào miền đất hứa mang tên Canaan, họ vui mừng khôn tả. Thế rồi thành thánh Giê-ru-sa-lem được dựng xây làm nơi quy tụ đại gia đình Israel trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng khi Giê-ru-sa-lem trở thành đống tro tàn, họ mới nhận ra Thành thánh đích thực phải là nơi quy tụ mọi dân tộc trên mặt đất.

Cái triết lý đại đồng được diễn tả và quảng bá khắp mọi nơi hầu đạt tới: “tứ hải giai huynh đệ” - tất cả mọi người là anh chị em với nhau; hay phương trời “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” – nơi không còn cao thấp, mọi sự đều bình đẳng, đều giác ngộ sự thật; ngay cả một xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Mọi tài sản đều là của chung”. Nhưng cho dù gia đình ấy được diễn tả thế nào thì nơi đó luôn phải có một người cha.

Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn “Người cha nhân hậu” để diễn tả sự khao khát trong kiệt quệ của con người muốn trở về với gia đình, và tấm lòng yêu thương tha thứ của người cha bao dung đón nhận.

Người con, một nhân vật điển hình, quyết định ra đi, rời xa gia đình, xa người cha để tự lập, tự định đoạt lấy cuộc sống của mình. Nó không muốn lệ thuộc vào cha. Tình trạng cuộc sống nhục nhã bi thương của người con sau đó được diễn tả với hàng loạt hình ảnh: sa đọa vào con đường ăn chơi trác táng, phung phí hết tiền của; làm người đầy tớ; sống với bầy lợn, một biểu tượng của sự xấu xa, ô nhớp của ma quỷ; ăn những thức ăn cặn bã… Quyết định ra đi của anh là sai lầm trầm trọng. Nay anh dứt khoát trở về với gia đình, về với cha mình và đặt mình dưới sự điều khiển của cha. Quyết định trở về ấy là lựa chọn khôn ngoan.

Người cha trong câu chuyện đã âm thầm dõi bước theo con, chờ đợi con. Giây phút “chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu” bộc lộ một tâm hồn ngập tràn tình yêu và tha thứ nơi người cha. Trái tim yêu của người cha đã nổ tung và phủ lấp đứa con lạc bước nay đang trong vòng tay trìu mến của ông. Người cha đã quên đi tất cả những gì đã qua và chỉ còn biết một đứa con yếu ớt đang được mình ôm ấp. Người con thủ thỉ chấp nhận phận mình, chỉ xin được làm đầy tớ của cha. Nhưng chính khi người con thổ lộ tâm tình ấy, người cha đã quyết định đặt người con vào đúng vị trí của nó, vị trí của một người con trong gia đình. Cả nhà ngập tràn niềm hân hoan trong bữa tiệc mừng đón người con trở về.

Hãy tỉnh giấc, hãy ăn năn, hãy sám hối, hãy trở về! Lời mời gọi ấy luôn vang vọng bên tai hay trong tận cõi lòng của người lữ khách đã chót đi hoang. Những con đường, những lộ trình được mở ra để dẫn lối tội nhân trở về đàng lành. Đường nào thì cũng vẫn chỉ là con đường. Bao lâu con người còn trên đường là bấy lâu nó vẫn còn là kẻ lữ khách. Tận cuối con đường ta mới tới một gia đình yên vui, nơi ấy người cha đang ngóng chờ.

Được trở về với gia đình nhân loại trong sự che trở của Cha cả trời đất là cùng đích của đời người. Chính trong gia đình ấy, ta được biến đổi bởi lòng từ ái của Cha. Thánh Phaolô đã quả quyết sự biến đổi ấy: để ta được trở nên con người mới, được giao hòa với Chúa là Cha Nhân Lành, được trở nên công chính. Tình thương và lòng thương xót của Cha là phương dược xoa dịu và chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn ta. Lòng bao dung của Cha đặt ta vào vị trí làm con của Ngài.

Lạy Cha là Chúa cả trời đất, xin đừng để con đi hoang lạc bước theo sở thích của con. Xin Cha giữ con luôn được ở trong mái nhà Cha! Xin uốn nắn tâm hồn con và dạy con luôn biết tìm về khi lỡ bước xa chân.

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

11

Lịch Phụng vụ

THÁNG 11 – CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN
9 Thứ Bảy   CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ
10 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXXII TN
11 Thứ Hai   Thánh Máctinô thành Tours, Giám mục
12 Thứ Ba   Thánh Giôsaphát, Giám mục, Tử đạo
13 Thứ Tư   Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên
14 Thứ Năm   Thánh Têphanô Têôđo Cuênot Thể
15 Thứ Sáu   Thánh An-béc-tô Cả, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
16 Thứ Bảy   Thánh nữ Ma-ga-ri-ta Scốt-len.
17 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,336
  • Tháng hiện tại20,201
  • Tổng lượt truy cập7,197,023

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây