Phúc Âm: Mc 13, 33-37
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
TỈNH THỨC
Với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, khởi đầu cho Năm Phụng Vụ mới, Giáo Hội muốn đặt chúng ta vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, nơi Đức Kitô Thiên Chúa đã băng qua các tầng trời, để rồi ngự xuống trần gian. Ngài đã không chỉ can thiệp vào lịch sử, mà còn ở giữa con người, sống với con người và chết cho con người, thể hiện sự giải thoát cho con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Giáo Hội tin rằng Ngài đã sống lại và lên trời, nhưng vẫn chờ đợi Ngài sẽ trở lại trong vinh quang.
Vì thế, thời hiện tại của chúng ta là một thời chờ đợi, là một mùa vọng kéo dài. Một sự chờ đợi trong hy vọng. Một Mùa Vọng trong hân hoan vui mừng. Thế nhưng, sự chờ đợi ngày hoàn tất công trình cứu độ, sự chờ đợi ngày kết thúc công trình xây dựng một thế giới mới, một thế giới được cứu độ, một thế giới của người Kitô hữu, sẽ không phải là một thái độ thụ động.
Đúng thế, Chúa Giêsu, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, đã mời gọi các môn đệ của Ngài phải đề cao cảnh giác và tình thức, để có thể đón nhận Ngài, mỗi khi Ngài viếng thăm, cũng như khi chúng ta phải đối diện với Ngài để tính sổ cuộc đời, lúc chúng ta từ giã cuộc sống này qua cái chết. Và sau cùng, là phải sẵn sàng, khi ngài lại đến trong vinh quang trong ngày sau hết.
Tỉnh thức ở đây là sáng suốt nhận ra những dấu chỉ của sự sống, của sự thật, của sự giải thoát, và của cái sẽ tồn tại mãi mãi trong tất cả những gì tạo nên cuộc sống thường ngày của con người và xã hội: những cuộc gặp gỡ, những lời nói, những phản ứng, những sự kiện, những tin tức chúng ta nhận được.
Người tỉnh thức là người phải suy nghĩ, không theo thói quen, không theo những hình ảnh hay khuôn mẫu có sẵn, ngay cả đối với Kinh Thánh, chúng ta cũng đừng đọc hay suy nghĩ với những hiểu biết đã được người khác mớm cho, nhưng phải đọc với một cặp mặt tò mò và thức tỉnh, với những câu hỏi được đặt ra cho chính bản thân: Lời Chúa muốn nói với tôi điều gì? Và đâu là điều Chúa muốn tôi phải thực hiện?
Có tỉnh thức nhận ra ý Chúa và cố gắng thực hiện trong cuộc sống thường ngày, thì rồi trong sau hết chúng ta mới không bị Chúa loại trừ, nhưng sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên quê hương Nước Trời.