Vị Tông Đồ của Lòng Chúa Thương Xót

Thứ hai - 12/04/2021 21:48  943

   
     Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Quận Lagiewniki, miền đất được Thánh Gioan Phaolô II gọi là “Thủ Đô Lòng Thương Xót”.
Ðền Thánh được xây trên vùng đất trước đây là Tu Viện Dòng Ðức Mẹ Nhân Lành. Tại trung tâm của đền thánh có một nhà nguyện, lưu giữ bức tranh nguyên thủy về lòng thương xót của Chúa Giêsu, thi hài thánh Faustina được chôn cất trong nguyện đường của Hội Dòng. Các công trình này được xây dựng từ năm 1999-2002 và được Thánh Gioan Phaolô II thánh hiến ngày 17.8.2002. Bề ngoài của đền thánh giống một con tàu, với tháp chuông cao 77m. Nơi đây có thể đón tiếp cùng lúc khoảng 5.000 người. Ở đây còn có Tu Viện Đức Mẹ Nhân Lành và Trung tâm Gioan Phaolô II, lưu dấu nhiều chứng tích của thánh nhân. Năm 2016, dịp Đại hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Ba lan, chúng tôi đã đi hành hương đến nơi này.

    Vào ngày 13.3.2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” được gọi là “Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót”. Thông điệp “Dives in Misericordia” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là động lực thúc đẩy Đức Phanxicô khai mở Năm Thánh này.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Thánh của Lòng Chúa Thương Xót, chính là nguồn gợi hứng cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, nguồn gợi hứng này được nảy sinh từ thị kiến của thánh nữ Maria Faustina Kowalska, nữ tu dòng Đức Mẹ Nhân Lành, vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, người được Chúa Giêsu tỏ mình và sai đi loan báo cho thế giới biết về Lòng Chúa Thương Xót: “Hỡi tông đồ Lòng Thương Xót của Thầy, con hãy công bố cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót khôn dò của Ta. Đừng chán ngại trước những khó khăn con phải đương đầu khi rao truyền tình thương của Ta. Những khó khăn này tuy làm con đau khổ, nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là bằng chứng cho thấy công cuộc này là của Ta. Ái nữ của Thầy ơi, con hãy tỉ mỉ ghi lại từng câu Ta dạy cho con về lòng nhân lành của Ta, bởi vì nhờ đó rất nhiều linh hồn sẽ được hưởng nhờ lợi ích”.(Trích trong cuốn Nhật Ký  của Thánh nữ Maria Faustina Kowalska, số 1142, nguồn: giesu.net/tieu-su-thanh-nu-faustina-kowalska).
Thánh Nữ Faustina được mọi người khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ và là Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa”, một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo hội. Ngài được nhìn thấy Chúa Giêsu với 2 luồng ánh sáng chiếu giải từ Trái Tim Chúa.
  1. Tuổi thơ.
    Faustina chào đời ngày 25 tháng 8 năm 1905 tại Glogowiec, Ba Lan, và được đặt tên là Helen Kowalska. Thánh nữ là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo khổ có 10 người con, 2 trai 8 gái. Faustina lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy ngày 27 tháng 8 năm 1905, tại nhà thờ giáo xứ Swinice, Warckie, và được đặt tên là Helen. Ngay từ khi còn nhỏ, Helen đã nổi bật về đời sống yêu thích cầu nguyện, làm việc chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.
Năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên Helen được cảm nhận về ơn gọi sống đời sống tu trì, sống đời thánh hiến và gắng đạt đến sự trọn lành. Năm lên 9 tuổi, Helen được xưng tội và rước lễ lần đầu. Thánh nữ Faustina rất có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể, đến nỗi hầu như mọi trang nhật ký của chị đều có nhắc đến bí tích này. Ngày 30 tháng 10 năm 1921, Helen đã được Đức Cha Vincent Tymieniecki của giáo phận Aleksandrow – Lodz ban bí tích Thêm Sức. Trong thời gian này, Helen đang sống xa nhà và giúp việc cho một gia đình khác.
Khi đã 12 tuổi, Helen mới cắp sách đến trường tại Suinice Warckie. Helen không thể đi học sớm hơn vì nhà trường bị đóng cửa trong thời kỳ quân Nga chiếm đóng Ba Lan. Đến năm 14 tuổi, Helen đã rời gia đình để đi làm như một người giúp việc tại Aleksandrow và tại Lodz, với mục đích tự lập và giúp đỡ gia đình.
  1. Nữ Tu
     Năm 18 tuổi, Helen mới ngỏ ý với mẹ về ước muốn vào tu trong một tu viện. Cha mẹ dứt khoát không đồng ý. Helen đã muốn bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn. quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Giêsu tử nạn và những lời trách cứ của Ngài: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9). Helen đã xin vào dòng tu. Chị đã gõ cửa không ít Tu viện nhưng không được nơi nào đón nhận. Cuối cùng ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helen đã được bước qua ngưỡng cửa của Dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tai Warsaw.Helen cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. Dường như chị đã bước vào cuộc sống thiên đàng. Một lời kinh chợt phát ra từ tâm hồn chị, một lời kinh tạ ơn. Vào dòng, Helen nhận tên mới là Maria Faustina.
Vào năm 1933, nữ tu Faustina đã được tuyên khấn trọn đời. Chị sống trong hội dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Nhân Lành được mười ba năm, đảm nhận các công tác như làm bếp, coi vườn, giữ cổng tại nhiều trụ sở của dòng tại Plock, Vilnius, và Krakow. Trong tất cả các nơi ấy, chị thánh đã trung thành với những tục lệ của cộng đoàn và tận tâm chu toàn các việc phận sự.
     Bề ngoài, không có gì cho thấy cuộc sống phong phú nơi nội tâm chị thánh. Chị sốt sắng chu toàn các công tác và trung thành giữ trọn luật dòng. Chị thánh có một cuộc sống tịnh hiệp cao độ, nhưng rất tự nhiên, thanh thản, và có một đức ái vô điều kiện với người chung quanh. Mặc dù bên ngoài, đời sống chị thánh xem ra vô nghĩa và đơn điệu, nhưng bên trong là một sự kết hiệp ngoại thường với Thiên Chúa. Từ khi còn nhỏ, chị đã ước ao trở nên một vị đại thánh, và với lòng kiên định, chị đã hoàn thành hoài bão này đến mức hiến dâng chính cuộc sống cho các tội nhân.
     Những năm sống trong dòng, thánh nữ Faustina tràn đầy những ân huệ ngoại thường: hưởng những lần thị kiến, các dấu thánh kín ẩn, chia sẻ cuộc thương khó của Chúa, hiện diện hai nơi cùng một lúc, đọc được tâm hồn người khác, nói tiên tri, và được đặc ân cao quí là kết ước nhiệm hôn cùng Chúa.
Mối tương giao sống động giữa chị thánh với Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các vị thánh, các linh hồn luyện ngục – toàn bộ thế giới vô hình – cũng thực tế như thế giới hữu hình mà chị thánh cảm nhận được qua các giác quan.
  1. Sứ Giả
     Đời sống đạo đức của thánh nữ Faustina chủ yếu tập trung vào việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Rõ ràng, nhờ hội dòng đặc biệt của mình, chị thánh đã chuẩn bị đầy đủ cho các công việc sứ mạng. Ngoài nếp sống của dòng, chị thánh còn có một lòng sùng kính ngoại thường với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Thể.
      Chúa đã ủy thác cho chị nữ tu hèn mọn nhưng mạnh mẽ, khiêm nhượng, và tín thác cao độ của Người một sứ mạng đặc biệt: “Hiện nay Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588).
     Chúa đã biến đổi Faustina thành nên người Tông Đồ của Lòng Thương Xót. Thánh nhân là chứng nhân sống động của Chúa, công bố Lòng Thương Xót của Chúa bằng ngôn từ và hành động, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cộng tác cứu độ các linh hồn.
     Chúa đã chuẩn bị chị thánh Faustina cho sứ mạng này một cách tiệm tiến. Bước quan trọng để thực hiện sứ mạng này là việc vẽ bức hình Chúa Thương Xót – theo như mẫu Người đã hiện ra tại Plock. Qua bức hình này, ý nghĩa của sứ mạng ấy trở nên rõ rệt và có nền tảng vững vàng hơn.
Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức đã làm yếu nhược thể trạng của chị. Gần cuối năm đầu của thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn đêm tối giác quan và sau đó là các khổ đau tinh thần và luân lý liên quan đến sức mạng mà chị nhận lãnh từ Chúa Kitô. Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế chị đã chịu đựng những đau khổ tư bề để trợ giúp các linh hồn. Trong nhũng năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của đêm thụ động linh hồn và những bệnh nặng phần xác càng trở nên dữ dội hơn. Tuy kiệt quệ thể lý, nhưng Faustina đã đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng. Sau 13 năm sống đời tu, ngài đã từ trần vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, khi mới 33 tuổi đời. Thi hài của ngài an nghỉ tại ngôi mộ chung trong nghĩa trang Tu viện. Năm 1966, trong khi tiến hành các thủ tục điều tra án phong Chân phước, thi hài của ngài được cải táng vào Nhà nguyện của Tu Viện.
     Mặc dù chỉ có một học vấn rất giới hạn, nhưng người nữ tu hèn mọn này được giáo dục trong trường học của Thấy Chí Thánh. Chị đã để lại một cuốn nhật ký (đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), khơi lên một nguồn hoan lạc và là trường dạy về đời sống thánh cho hàng ngàn tín hữu nam nữ. Từ quyển Nhật Ký này, người đọc có thể tìm thấy những con đường đưa họ đến với Chúa và học biết để sống tín thác và nhân ái.
     Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, ít học nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp lòng Thương Xót Chúa cho thế giới. Chúa phán với ngài: “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim Thương Xót của Cha” (NK 1588); “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy ở đời này và đời sau” (NK 1605)…”Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô hạn của Cha” (NK 1567).
    Vào ngày 18 tháng 4 năm 1993, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina Kowalska lên hàng chân phước.
     Sáu năm sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, nhân dịp năm dâng kính Chúa Cha, Đức Gioan Phaolô II đã chúc mừng 50.000 tín hữu từ khắp thế giới tụ về quảng trường thành Phêrô tại Roma, để cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đó là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô.
     Ngày 30 tháng 4 năm 2000, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong nữ tu Maria Faustina lên bậc hiển thánh. Chị là đấng thánh đầu tiên của năm thánh Cứu Độ. Trong một lời công bố đầy ngạc nhiên, Đức Thánh Cha đã ấn định Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn Giáo Hội hoàn vũ.
     Tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa có nguồn cội từ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ thời thánh Gioan tông đồ, người môn đệ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa cách đặc biệt qua cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Với cảm nghiệm này, ngài đã mượn lời Kinh thánh để nói tiên tri về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong đời sống thiêng liêng của Dân Chúa: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37), nghĩa là ngước nhìn “về Trái Tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu, từ đó máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34), dấu chỉ của ‘bí tích tuyệt vời cho toàn thể Giáo Hội’ ” ... Ngoài ra, đoạn Tin Mừng Gioan tường thuật về biến cố Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ và chỉ cho các ông thấy bàn tay và cạnh sườn của Người (x. Ga 20,20) cũng tạo ra ảnh hưởng rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong cộng đoàn Dân Chúa. (x.Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Directory on popular piety and the Liturgy principles and guidelines, ban hành ngày 17-12-2001, số 167, bản dịch Việt ngữ  của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003).
     Năm 1673, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647–1690) tại Tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monial và trao cho chị việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Người: “Trái Tim đã yêu dấu loài người quá bội”. Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa là mời kêu gọi tha thiết, dịu dàng qua việc cầu khẩn “Lạy       Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Nhưng dần dần con người đã sao nhãng.
Nối tiếp, Chúa Giêsu lại trao cho thánh Maria Faustina về Lòng Chúa Thương Xót: “Con chuẩn bị cho thế giới về lần đến cuối cùng của Ta… Hãy làm cho cả nhân loại nhận biết Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta. Đó là dấu hiệu của thời cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công lý”.

     Niềm tin đem lại nhiều hy vọng. Lòng Thương Xót Chúa vượt thắng tất cả. Hãy tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,658
  • Tổng lượt truy cập7,076,059

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây