Thứ Sáu sau CN II MV A

Thứ năm - 08/12/2022 07:51  796
covenantbaptism1017686
 
Lời Chúa: Mt 11, 16-19
 
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’. Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

Suy niệm 1
BIẾT ĐIỀU

Tin mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu mượn trò chơi của trẻ em Do thái, để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Ngài so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gioan Tẩy giả không ăn không uống, thì họ cho là bị quỷ ám. Còn Chúa Giêsu ăn uống như mọi người, thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn với kẻ tội lỗi! Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ chương trình cứu độ của Người. Người vẫn tiếp tục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới.
Chúa lấy trò chơi của trẻ em Do thái để nói lên ý của Ngài: Các em thường được chia làm hai phe, một bên xướng câu tiểu khúc điệu vui hoặc điệu buồn, rồi bên kia đáp lại: Nếu xướng điệu ca buồn giả làm đám ma, thì bè bên kia than khóc, đấm ngực rên xiết. Nếu bè bên này xướng ca vui giả vờ làm đám cưới thì phe bên kia vui hát nhảy múa hòa nhịp. Nếu hai bên xướng đáp hoà hợp như vậy thì trò chơi rất vui. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ khó nết lì lợm, hay theo ý riêng, không hoà hợp thì làm cho trò chơi mất vui: vì “chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa”...!
Qua dụ ngôn trò chơi của trẻ em Do thái này, chúng ta thấy người Do thái khước từ Gioan Tẩy giả, cũng như khước từ Chúa Giêsu vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì họ không muốn nghe lời Chúa cũng như thánh Gioan Tẩy giả, mà ăn năn thống hối tội lỗi, trở về tin tưởng Chúa, cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán cải: thánh Gioan chỉ vạch con đường khắc khổ hy sinh, còn Chúa Giêsu lại nêu lên cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai phương cách đó mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
Người Do thái cố chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ là những người thiếu thiện chí, chỉ tìm cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.
Ngày nay, nhiều người có lối sống đạo ngược đường: họ chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.
Cách sống ngày nay là cách sống hưởng thụ, người ta chỉ ưa những gì hợp với ý mình còn cái gì không hợp với mình thì chống đối, ví dụ họ chống đối Giáo hội về hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v.v. họ đòi Giáo hội phải xét lại, phải sửa đổi.
Chúa Giêsu đã phải than phiền, trách móc những kẻ khôn ngoan giả thời Ngài. Thế hệ mà Ngài đã đến, rao giảng lời Chân lý, nhưng họ đã trở thành người khuyết tật của đôi tai, đôi mắt, thành những kẻ cứng lòng tin. Rao giảng thế nào, họ cũng chẳng tin. Nếu Gioan Tẩy Giả đến sống khắc khổ, mời gọi ăn năn sám hối, thì họ lại lên án Gioan là người bị quỷ ám. Ngược lại, Chúa Giêsu đến, cùng đồng bàn, cùng ăn, cùng uống trong nhịp đời của họ, thì họ lại ta thán, chỉ trích Ngài là kẻ mê ăn mê uống, bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ví thế hệ chai lì ấy như cái lũ trẻ con chơi trò múa hát giữa phố chợ. Nhóm này thổi sáo, nhưng nhóm kia không thèm nhảy múa; nhóm này than vãn, nhóm khác tỉnh queo, không than không khóc. Đề nghị thế nào, họ cũng chẳng làm theo, bởi cái “cứng lòng” đã chi phối hết tất cả. Họ đã không tin Ngài.
Chúa Giêsu đã phản ứng lại và chỉ rõ cho thấy sự giả tạo của những kẻ khôn ngoan thông thái thời ấy. Cái khôn ngoan mà họ tự hào, dương oai tự đắc, thật ra là sự dốt nát, vì nó không chỉ bảo cho họ con đường sống, con đường nhận ra Đấng Thiên Sai. Sự chai lì trong tâm hồn đã phá đổ hạnh phúc, mà lẽ ra, con người có quyền được thừa hưởng.
Chúa Giêsu đến, Ngài đem lời của Tin Mừng cứu độ và ngỏ với con người. Chỉ những ai khôn ngoan thật mới nhận ra Ngài, mới nghe được tiếng Ngài. Ngài đã đồng kiếp người, trong những cái nhỏ nhoi nhất để chia san, để cùng sống với những cung bậc của nhịp đời con người đang sống với. Giữa những sai lầm của con người, Thiên Chúa lên tiếng, chỉ dạy, kêu gọi con người sám hối, trở về, tin vào Ngài để đón nhận ơn cứu rỗi. Ngài hướng dẫn, chỉ ra con đường của sự thật, con đường đi đến hạnh phúc trường sinh. Kẻ khôn ngoan thực phải là người rất tinh tế để nhận ra Ngài, Thiên Chúa của lòng mình. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp con người có được lòng khiêm tốn, mở ra để đón nhận chân lý và trở về với Thiên Chúa.
Một cuộc trở về với niềm tin. Niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy sẽ đưa con người đến cánh cửa của Chân Lý, của hạnh phúc thật. Niềm tin ấy sẽ vực dậy con người từ những hố cách ngăn của tội lỗi, xoa dịu những vết đau hằn sâu trong tâm hồn. Niềm tin vào Thiên Chúa cho con người hy vọng sống tròn đầy, chờ đợi ngày hạnh phúc vĩnh cửu. Niềm tin ấy hướng dẫn con người đi trên nẻo đường ngay chính, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay tại trần thế và ngưỡng vọng về đời sau.
Niềm tin vào Thiên Chúa, phải là điều căn bản của người Kitô hữu. Niềm tin ấy phải được thể hiện một cách sống động, hiện thực, cụ thể. Tin trong lòng, và tuyên xưng ngoài miệng chưa đủ, nhưng còn phải sống niềm tin ấy bằng cách thức riêng của mỗi cảnh đời chúng ta đang có.


Suy niệm 2
ĐỠ ĐẪN THIÊNG LIÊNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!"
 
Một nhà thơ cổ viết, “Thiên thần của Niềm Tin đi vào phòng tôi; vừa đi, vừa cất tiếng hát, vừa thổi sáo. Những vị khách khác lần lượt ra đi: Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được hoà bình như vậy? Thiên thần của Niềm Tin thì thầm bảo, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi sống chung!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay cho biết, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng chính Thiên Chúa vẫn đi vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa ‘thổi sáo và hát’ cho chúng ta. Tiếc thay, nhiều lúc không hơn gì những đứa trẻ của Tin Mừng, chúng ta cứ mãi ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.
Bài đọc Isaia tiết lộ những giai điệu yêu thương mà Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Ta là Chúa, Đấng phán dạy ngươi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, công chính của ngươi sẽ như sóng biển”; nhưng xem ra Israel vẫn bỏ ngoài tai những gì Ngài hát. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lấy làm tiếc vì Ngài cất giọng mà dường như, không ai thèm nghe! Họ gán cho Ngài là một bợm nhậu; gán cho Gioan là người bị quỷ ám.
Với chúng ta, nếu không muốn nghe những gì Chúa nói ngang qua những con người và các biến cố trong cuộc sống, chúng ta thường hợp lý hoá để khéo từ chối sứ điệp và dễ dàng đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’. Phải chăng vì sự yếu đuối của người mang sứ điệp? Nếu như thế, vô tình chúng ta lại từ chối những gì Chúa muốn. Điều này thực ra, khá phi logic! Có người nói, “Một linh mục đã hét vào tôi khi tôi xưng tội; vì vậy, tôi không đến nhà thờ!”; nói như thế khác nào việc một người từ chối dân chủ vì một quan chức được bầu cách dân chủ tham nhũng!
Chúng ta cần phân biệt giữa bản chất sứ điệp và cách thức sứ điệp lưu truyền. Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”, nghĩa là nó dễ vỡ, thường hay rò rỉ. Chiếc bình thực sự không quan trọng, quan trọng là những gì nó mang; cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân thường rất bất ngờ, nhưng là nhận ra rằng, Thiên Chúa có thể đang ‘thổi sáo và đang hát’ cho tôi nghe. Thật đúng khi nói, một số các thánh có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!
Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Chúa, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”; nghĩa là, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết lắng nghe và khiêm tốn nhận ra mình đang ở trong bóng tối. Rất ít người trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không cần phải ‘lọc nó’ qua lịch sử hoặc phong cách của người giảng thuyết. Là một người chia sẻ Lời Chúa, tôi có thể nói, khi tôi viết cho 20 người, có thể sẽ có 20 thông điệp khác nhau được đón nhận; và điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự cố gắng nghe những gì Chúa đang soi rọi cho mình và không để mình rơi vào ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.
Anh Chị em,
“Sao các bạn không múa nhảy?”; “Sao các bạn không khóc lên!”. Chúng ta không múa nhảy cũng không khóc lên, phải chăng vì chúng ta “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm?”. Đúng! Đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn thấy; bên cạnh đó, là thái độ không nóng không lạnh của mỗi người. Tất cả những điều này có thể dẫn bạn và tôi đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng’. Vậy mà Chúa Giêsu vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ cho chúng ta mỗi ngày. Trên các bàn thờ, qua Lời Ngài, qua các Bí Tích, các biến cố và qua những người anh em, Ngài đang làm điều đó một cách kiên nhẫn. Mùa Vọng, mùa ra khỏi những ‘đờ đẫn thiêng liêng’ để có thể nghe được ‘những giai điệu yêu thương’ của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào linh hồn con mỗi ngày, ‘đang hát, đang thổi sáo’ qua những con người, qua các biến cố; xin đừng để con ‘đờ đẫn thiêng liêng!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

12

Lịch Phụng vụ

THÁNG 12
1 Chủ Nhật T CN I MÙA VỌNG NĂM C
2 Thứ Hai   Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng
3 Thứ Ba K THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, QUAN THẦY CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO
4 Thứ Tư   Thánh Gioan thành Đamát
5 Thứ Năm   Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng
6 Thứ Sáu   Thánh Nicôla, Giám mục
7 Thứ Bảy   Thánh Ambrôxiô, Giám mục
8 Chủ Nhật T CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
9 Thứ Hai T ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
10 Thứ Ba   Đức Maria Lôretô
11 Thứ Tư   Thánh Đamaxô I, Giáo hoàng
12 Thứ Năm   Đức Maria Guadalupe
13 Thứ Sáu N Thánh Luxia, Trinh nữ,
14 Thứ Bảy N Thánh Gioan Thánh Giá
15 Chủ Nhật T CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập39
  • Hôm nay5,735
  • Tháng hiện tại45,029
  • Tổng lượt truy cập7,309,559

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây