Thứ Bảy sau CN III MV A

Thứ sáu - 16/12/2022 08:44  354
mt 1 1 17
Lời Chúa
: Mt 1, 1-17

 
Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; ông Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xam-môn; Xam-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; Gie-sê sinh Ða-vít.
 
Vua Ða-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
 
Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô.
 
Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Ðức Kitô, cũng là mười bốn đời.

Suy niệm 1
ĐỒNG THÂN ĐỒNG PHẬN

Gia phả của Chúa Giêsu chứng tỏ Con Thiên Chúa nhập thể là một người thực sự trong lịch sử Dân Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa là Đấng trung thành đã thực hiện lời hứa cứu độ.
Thông thường khi viết gia phả của một dòng họ, người ta có ý chọn những điểm tốt để ghi lại và tránh nhắc đến những gì lầm lỗi, thiếu sót của cha ông. Nhưng trong gia phả của Chúa Giêsu, thánh sử Matthêu dường như không tránh né những “điểm tối” của tổ tiên, dòng dõi Ngài. Cụ thể, tất cả những tội lỗi có trong trần gian dường như đều được phơi bày trong gia phả của Ngài. Về tội dùng mưu mẹo để hại người, ta thấy ngay điều đó ở Đavít, vị vua dùng mưu mẹo để đẩy Urigia đến chỗ chết nhằm chiếm vợ của ông ta. Về tội thờ ngẫu tượng, thì một con người nổi tiếng về sự khôn ngoan như vua Salomôn cũng vẫn vướng vào tội ấy.
Thánh Mátthêu viết lại gia phả Chúa Giêsu là để giới thiệu: Đức Giêsu là Đấng muôn dân trông đợi, Đấng mà các tiên tri của dân Do thái loan báo trước, Ngài là con người thật. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra và thuộc về một dân tộc như chúng ta. Tuy nhiên, bản gia phả không nói: ông Giuse sinh ra Chúa Giêsu, nhưng lại nói: “Ông Giuse chồng bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô”. Điều đó cho thấy Ngài còn có nguồn gốc là Thần linh. Ngài được thụ thai không theo kiểu loài người nhưng do quyền năng của Thánh Thần. Vì thế, Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật.
Qua gia phả mà thánh Mátthêu kể lại chúng ta thấy từ tổ phụ Abraham đến vua Đavít là mười bốn đời, từ Đavít đến thời lưu đày ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đày đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời. Gia phả cho ta thấy Đức Giêsu là con người thật, con người lịch sử. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Ngài được sinh ra thuộc về một dân tộc như chúng ta. Ngài có cha có mẹ hợp pháp theo lý lịch như chúng ta.
Trong suốt chiều dài lịch sử, qua gia phả Đức Giêsu, chúng ta thấy Đức Giêsu sinh ra làm người trong một dòng tộc gồm có kẻ tốt người xấu, kẻ có đạo người ngoại giáo, kẻ tốt như Abraham, Isaác, Giacóp; người xấu và ngoại đạo như Tama đã lấy cha chồng, Rakháp là một kỹ nữ, Bétxêba là người đàn bà ngoại tình... Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa chấp nhận làm người trong thân phận thấp hèn của họ để cứu chuộc họ, và đây là dấu chỉ tính phổ quát của ơn cứu độ.
Chúng ta nên lưu ý: trong bản gia phả, thánh Mátthêu thường dùng cụm từ “cha sinh con”, nhưng khi đến thánh Giuse, bản gia phả không nói: ông Giuse sinh ra Đức Giêsu, mà viết: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức        Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16). Điều đó cho thấy Đức Giêsu còn có nguồn gốc Thần linh. Ngài được sinh ra không theo kiểu loài người nhưng do quyền phép của Thiên Chúa. Như vậy, thánh Giuse không là cha sinh ra Chúa Giêsu nhưng chỉ là cha nuôi, cha trên lý lịch, nhờ đó Chúa Giêsu được thừa hưởng danh hiệu “con cháu của vua Đavít”.
Lịch sử cứu độ qua những nhân vật bất xứng làm nên gia phả Đấng Cứu Thế, gợi cho chúng ta sự xác tín rằng: dù chúng ta tội lỗi, bất xứng, nhưng chúng ta không mặc cảm, mà vững tin tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Chúa không thực hiện việc cứu độ loài người từ trời cao. Người có thể và dư quyền để làm việc đó. Nhưng để cứu loài người, Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên. Con Thiên Chúa chấp nhận làm con cháu của người phàm, trong đó có cả những người tội lỗi. Ngài đã đón nhận và liên kết với con người, với cả những lỗi lầm và thiếu sót của họ. Kẻ tội lỗi cũng có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta được Mẹ Giáo Hội mời gọi bước vào những ngày chuẩn bị đặc biệt để đón mừng Đấng Cứu Thế đến trong nhân loại. Bạn và tôi đều thuộc dòng dõi của một nhân loại ngập chìm trong lầm lỗi và thiếu sót. Dù tội lỗi, xấu xa đến đâu, chúng ta vẫn được Thiên Chúa tặng ban Đấng Cứu Thế. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, trong những ngày này, chúng ta được mời gọi đứng dậy, ra khỏi bóng tối tội lỗi để cùng với Đấng Cứu Thế bước vào đời sống sung mãn trong ân sủng của Thiên Chúa.


Suy niệm 2
ĐẾN ĐỂ ĐƯỢC THÁP NHẬP
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

"Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu".
Trong Tin Mừng hôm nay, Matthêu ghi lại gia phả của Chúa Giêsu, một trong những bản văn khô khan nhất. Thế nhưng, thật thú vị, ngoài gia phả của Chúa Giêsu, Thánh Kinh còn có gia phả của Ađam! Không tin, bạn hãy đọc Sáng Thế chương 5. Cả hai tạo nên một tương phản vô cùng độc đáo! Gia phả của Ađam là hồ sơ về những cái chết; gia phả của Chúa Giêsu, hồ sơ về những cuộc sinh ra! Một bên, các từ “rồi chết”, “rồi chết”; bên kia, “sinh ra”, “sinh ra” lặp đi lặp lại hàng chục lần. Và dẫu ai rồi cũng chết, nhưng từ “chết” tuyệt đối không có trong gia phả của Chúa Giêsu!
Vậy tên bạn được ghi trong gia phả của Ađam hay trong gia phả của Giêsu? Branon nói, “Không ai dám bảo, tôi không cần được cứu chuộc, vì tất cả phải "
đến để được tháp nhập" vào gia đình của Chúa Kitô bằng đức tin; nhờ đó, có một cuộc sống mới bên trong. Ơn cứu độ thay đổi gốc gác của bạn và tôi, từ một cội nguồn chết chóc nay là cội nguồn bất tử; vì nó phát xuất từ tình yêu!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tất cả phải ‘đến để được tháp nhập!’”. Đó là thông điệp của Phúc Âm hôm nay, và dẫu đây là một bản văn khó giải thích, thông điệp của nó vẫn thật mạnh mẽ! Nó khẳng định rằng, nhờ Chúa Giêsu, nguồn gốc của chúng ta thay đổi. Từ cung lòng Chúa Cha, Chúa Giêsu xuống thế làm người, mời gọi chúng ta ‘đến để được tháp nhập’ vào Ngài hầu được ‘thông phần thần tính’ Thiên Chúa!
Nhiều người cố gắng truy tìm gia phả dòng họ mình; Chúa Giêsu không cần điều đó! Và nếu có một điều gì có thể gọi là “đá góc” của cuộc đời Ngài, thì đó là việc Ngài nhận thức rằng, Ngài đến từ Chúa Cha, chủ tể muôn loài; xuống trần, mang lấy phận người để cứu con người. Và quan trọng hơn, nhờ Ngài, chúng ta biết mình cũng đến từ Chúa Cha; và mỗi người có cùng một sứ mệnh phải hoàn thành ở đây, trên trái đất này. Và đây là điều mang lại ý nghĩa cho toàn bộ sự tồn tại của mỗi người: ‘đến để được tháp nhập’ vào Chúa Kitô và cùng Ngài, mở rộng Vương Quốc!
Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu tín thành! Ngài hứa cho Abraham là “tổ phụ nhiều dân tộc”. Trong bài đọc Sáng Thế hôm nay, Giacóp nói, “Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, cho đến lúc Đấng Thiên Sai ngự đến”; Thánh Vịnh đáp ca cũng xác nhận, “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời”. Tất cả cho thấy, Thiên Chúa luôn thành tín với điều Ngài hứa. Lời hứa ban Đấng Thiên Sai hiện thực nơi Chúa Giêsu, con Đavít, con Abraham; Ngài là Đấng mà Phêrô về sau, sẽ tuyên tín, “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ!”. Sự cứu độ con người được thực hiện qua Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta ‘đến để được tháp nhập’ vào Ngài; nó phát xuất và kết thúc trong tình yêu đúng như tên gọi “Giêsu” của Ngài, có nghĩa là “Cứu Chúa!”.
Anh Chị em,
Thiên Chúa không để lịch sử loài người kết thúc trong bi thảm, Chúa Giêsu đã đến, giúp con người lấy lại sự vĩ đại của nó; Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài, để Ngài có thể nâng chúng ta lên một tầm cao mới, nên con trai, con gái của Thiên Chúa. Vì thế, trong gia phả của Chúa Giêsu; đúng hơn, trong kế hoạch yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, đã có tên bạn và tôi! Đức Bênêđictô 16 nói, “Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa, nhưng bắt nguồn từ suy tư và ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta được mong đợi, được yêu thương bởi Ngài”. Vậy tại sao chúng ta không làm cho đời mình vĩ đại như Thiên Chúa ước mơ? Hãy chiêm ngắm Mẹ Maria và các thánh, những con người thuộc mọi đấng bậc, qua mọi thời, đã làm cho gia phả Chúa Giêsu nên rạng rỡ. Mùa Vọng, mùa nghĩ về nguồn cội và căn tính đời mình; mùa tạ ơn vì đã được ‘đến để được tháp nhập’ vào Chúa Kitô, hầu có thể bước đi với con tim tràn đầy hy vọng và đôi chân vững chải, tín thác vào tình yêu Chúa. Mùa Vọng còn là mùa lên đường mở rộng Vương Quốc!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, cho con mỗi ngày, luôn ‘đến để được tháp nhập’ gắn kết hơn với Chúa; không phải trên danh nghĩa, nhưng trong việc luôn tìm kiếm và làm theo ý muốn của Ngài!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,597
  • Tổng lượt truy cập7,075,998

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây