Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12
HÃY TỎA CHIẾU ĐỜI MÌNH
Lễ Hiển Linh theo truyền thống, được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng. Dịp Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự biểu lộ thần tính của Con Chúa cho Dân Ngoại. Các ngài là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn được gặp gỡ Người.
Và ta cũng như những nhà khảo cổ, nghiên cứu có thể dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản của xứ Arabi để đoán rằng các ngài từ xứ Arabi mà đến. Đồng thời dựa vào số lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).
Với ý nghĩa Thánh Lễ hôm nay, ta thấy khởi điểm cho cuộc hành trình tìm kiếm là một ánh sao lạ xuất hiện phía trời Đông, tượng trưng cho ơn thánh dẫn khởi từ Thiên Chúa, để ai biết tiếp nhận, sẽ trở nên ánh sáng soi đường. Nhìn thấy ánh sao hằng hà sa số trên bầu trời đêm là một điều bình thường ai cũng có thể làm được, nhưng nhận thấy giữa muôn vàn lấp lánh ấy chỉ một ánh sao lạ thôi lại là chuyện chẳng bình thường chút nào, nếu không muốn nói là do tổng hợp giữa kiếm tìm và gặp gỡ, hay đúng ra giữa ơn Trời ban và lòng người biết mở ra tiếp nhận.
Hành trình của các đạo sĩ là một hành trình đi tìm ánh sáng đức tin. Để có thể gặp được Thiên Chúa, họ phải chấp nhận ra khỏi sự êm ấm của bản thân, từ bỏ những ràng buộc của công việc, gia đình để lên đường. Các ông đã phải trải qua hành trình rất xa và gian nan, có những lúc ánh sao như vụt tắt, nhưng các vị không chán nản thất vọng, trái lại, các ông đã tìm đến cung điện của Hêrôđê để hỏi về vị vua mới sinh hiện ở đâu.
Khi được chỉ cho biết tại Belem, đất Giuđa, các đạo sĩ lại tiếp tục lên đường, ngôi sao lại xuất hiện như để khuyến khích các ông. Các ông đã tìm đến nơi. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, họ liền sấp mình thờ lậy người. Các đạo sĩ bước vào nhà, là ngôi nhà nơi Thánh Gia đang sống, nhưng ngôi nhà ấy còn là hình ảnh ngôi nhà Giáo hội, là nơi Thiên Chúa đang hiện diện. Các đạo sĩ là những người dân ngoại đã tìm được Chúa Giêsu, họ được mời gọi bước vào nhà của Chúa để ở nơi đây, họ cùng với mọi người tôn thờ Thiên Chúa, được chung hưởng tình yêu và hạnh phúc với Thiên Chúa.
Ba đạo sĩ từ Đông phương lên đường tìm kiếm dấu lạ, không phải vì mưu cầu vật chất, không có ý củng cố sức mạnh tinh thần, nhưng họ vẫn phải đối diện với nguy hiểm, lung lạc mục đích khám phá dấu lạ. Các vị Đạo sĩ nhờ được trang bị số kiến thức cần thiết để biết nhìn trời, nhìn sao, nhất là đủ khôn ngoan, để không bỏ lỡ cơ hội xem bằng mắt, bắt bằng tay dấu lạ Hài Nhi. Các mục đồng, các đạo sĩ, không thể tự biết tìm đến Belem, nếu không có dấu lạ chỉ đường, cả triều thần Hêrôđê và chúng ta hôm nay, đều cần đến sự tác động của dấu lạ mang tên Giêsu.
Chúa Giêsu là ánh sáng. Một khi đến được với Chúa Giêsu, chính chúng ta được soi sáng và trở thành những ngôi sao dẫn đường cho người khác. Trong lịch sử đã từng có những vì sao sáng rực: thánh Phêrô, thánh Gioan, thánh Phaolô, thánh Têphanô, thánh Inhaxiô Antiôkia, thánh Âutinh, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Phanxicô Assisi, thánh Phanxicô Xavier, thánh Têrêxa, thánh Anrê Dũng Lạc, thánh Philipphê Phan Văn Minh, thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, thánh Anê Lê Thị Thành… Ngay trong thời đại chúng ta cũng không thiếu những vì sao: thánh Maximilianô Kolbe, chân phước Têrêxa Calcutta…
Và rồi ta cũng không quên ngôi sao sáng chói trong mọi thời đại: Mẹ Maria. Chung quanh chúng ta vẫn có những người đang đi tìm một ngôi sao dẫn đường. Chính chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi nhận lấy ánh sáng của Chúa để trở thành một ngôi sao, cho bạn bè, cho con cái, cho hàng xóm láng giềng. Có thể chúng ta chỉ là một ngọn đèn dầu, nhưng vẫn hữu ích cho một ai đó đi tìm nguồn sáng trong một đêm tăm tối.
Thiên Chúa vẫn đang ngỏ lời với chúng ta trong Kinh Thánh. Nội dung Kinh Thánh là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Muốn tìm kiếm Chúa, ta phải chuyên tâm học hỏi và suy niệm Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Khi các nhà đạo sĩ cảm thấy đứng trước ngõ cụt của hành trình tìm kiếm vị Vua mới sinh, các ông đã vào Giêrusalem. Ở đây, các chuyên gia đã khảo cứu Kinh Thánh và tìm được lời giải đáp. Nhờ hướng dẫn trong lời ngôn sứ Mika (Mk 5, 1), các ông tiếp tục lên đường và cuối cùng đạt được điều nguyện ước của mình. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta trên bước đường đời. Chuyên tâm suy niệm và sống Lời Chúa sẽ giúp ta sống thánh thiện trọn lành.
Ngày hôm nay, việc gặp gỡ thờ lạy Giêsu không cần phải có kiến thức “thiên văn”, không cần phải hàng đêm nhìn lên bầu trời trông chờ “sao lạ”. Đúng hơn, “dấu lạ Giêsu” đang biến mọi đối tượng trở nên tình yêu của Ngài. Các mục đồng, các đạo sĩ phát hiện dấu lạ từ trời, họ đều nhanh chóng lên đường, và rồi họ thật vui mừng hạnh phúc khi gặp Hài Nhi. Mỗi chúng ta hôm nay, khi phát hiện Đức Giêsu là tình yêu bởi trời, nhất định phải khẩn trưởng gặp gỡ Ngài, nếu không niềm vui ơn cứu độ rồi cũng chỉ là chuyện tưởng tượng, chóng qua mà thôi.
Ngày hôm nay, người Kitô hữu được soi dẫn làm việc bổn phận đối với Chúa và Hội Thánh, nhưng nếu thiếu đi sự quyết tâm, chúng ta cũng chỉ là những luật sĩ biệt phái sống trong chờ đợi theo ý mình, lý thuyết mơ hồ. Gặp được niềm vui, thấy được con đường dẫn tới hạnh phúc là mừng, nhưng nếu không dấn thân để có Chúa để được biến đổi, để đức tin trở thành hành động, thì hoàn toàn vô ích, thất bại.
Muốn gặp Hài Nhi Giêsu, các đạo sĩ không thể ngồi nhà ung dung chờ đợi, các ngài đã lên đường, đã hành động bằng lý trí của người trưởng thành. Hành trình của các đạo sĩ có lúc sao ẩn, sao hiện, nhưng dấu lạ của tình thương không thay đổi, dù chặng đường gặp Hài Nhi của chúng ta hôm xưa và hôm nay có gian truân khác nhau. Thiên Chúa yêu thương loài người, các đạo sĩ đến Belem họ có vàng, mộc dược nhũ hương, các mục đồng đến Belem chỉ có tấm lòng, do đó bất cứ thành phần nào, đến gặp Chúa đều vui mừng hạnh phúc với tình yêu cứu độ.
Và rồi ta thấy chính Chúa Giêsu là Ngôi Sao Mai dẫn chúng ta đi vào con đường chói ngời ngọn lửa đức mến. Bước theo ánh sáng Ngôi Sao Mai, người Kitô hữu chiếu tỏa các giá trị Tin Mừng giữa lòng trần thế. Loan báo Tin Mừng là loan báo tình yêu thương, là xây dựng “nền văn minh tình thương”. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Tin Mừng chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo trong thời đại hôm nay.
Ngày hôm nay, trong đời sống đạo, nhiều khi thay vì chiếu sáng, chúng ta lại ưa chuộng bóng đêm khi mang trong mình sự ích kỷ như Hêrôđê! Sợ mất quyền, mất chức, sợ mất miếng cơm manh áo, hay sợ liên lụy, phiền hà cách này, cách khác, mà không dám nhìn nhận sự thật hay làm chứng và sống cho chân lý!
Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo Hội, qua các Bí tích. Muốn gặp được Thiên Chúa, nhất thiết phải nổ lực tìm kiếm. Cho dầu có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đổ trong lòng mến.
Thiên Chúa yêu thương, Ngài muốn cho mọi dân tộc trên thế giới tin và đón nhận tình yêu của Ngài. Ngài dùng nhiều cách thế để đưa họ đến với Ngài và đưa tình yêu của Ngài đến với họ. Tuy nhiên, Ngài vẫn muốn dùng mỗi chúng ta là những người được hưởng tình yêu thương của Chúa, phải tiếp tục đem tình yêu ấy đến cho những anh em khác chưa nhận biết Chúa.