Ngày 15/01/2019
Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên
Dt 2, 5-12; Mc 1, 21-28
ĐỪNG DÙNG QUYỀN LỰC MÀ THỐNG TRỊ
Tin Mừng Mác cô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ” (Mc 1,39). Sau khi kêu gọi những môn đệ đầu tiên, hôm nay Người dẫn các ông đến hội đường Caphácnaum vào ngày sa bát. Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa đọc được xem như bài tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu: giảng dạy và trừ quỷ. Cả hai đều tỏ cho thấy uy quyền có sức cứu độ của Ngài.
Khi Chúa Giêsu lên tiếng trong hội đường, ai nấy đều sửng sốt bỡ ngỡ về lời Người giảng dậy, vì “Người giảng dạy như một đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22). Các kinh sư giảng dạy ra sao ? Đối với người Do Thái, điều thiêng liêng nhất là Luật Môsê. Luật chứa đựng tất cả những gì cần thiết để hướng dẫn đời sống và đức tin. Do đó tất cả việc phải làm là ra sức nghiên cứu Luật thật cặn kẽ thấu đáo, và giữ Luật thật tỉ mỉ cẩn thận. Tuy nhiên, bởi vì Luật của Môsê chỉ dạy cách tổng quát, nên cần phải được giải thích, triển khai cho sáng tỏ chi tiết để biến thành quy tắc hướng dẫn hành động trong mọi tình huống của cuộc sống.
Bởi vậy có cả một giai cấp học giả là các kinh sư chuyên về Luật, rút ra từ Luật hằng hà sa số chẳng bao giờ cùng những luật lệ qui tắc, chồng chất lên vai người dân như những “gánh nặng” (Mt 11,28; 23,4). Công việc của họ là giảng dạy nhân danh Luật: “Luật dạy rằng…”, chứ không dám tự mình dạy bảo điều gì. Do đó, họ chỉ thường “nói mà không làm” (Mt 23,3), thậm chí còn “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Họ giảng dạy chỉ để tỏ ra mình thông thái đạo đức, hoặc để tìm kiếm hưởng những mối lợi cho bản thân (Mc 12, 38-40).
Thật khác xa với Chúa Giêsu, điều mà đám đông dân chúng nhận ra ngay từ khi Người bắt đầu lên tiếng dạy dỗ họ. Người giảng dạy với uy quyền, với lời nói có sức mạnh. Đằng sau những lời Người nói, Người tỏ ra Người có uy quyền của Thiên Chúa, uy quyền ấy không nhằm tìm kiếm gì cho bản thân ngoài ân sủng giúp lay chuyển lòng con người đưa đến hoán cải và ơn cứu độ. Đối với dân chúng, những lời của Chúa Giêsu thật mới mẻ và có sức đánh động.
Và khi nhìn vào Đức ThánhCha Phanxicô, ta thấy Ngài rất “sợ” một Hội Thánh vô tình “nhốt mình trong các cơ cấu… các luật lệ, là những gì biến chúng ta thành những quan toà không biết mủi lòng, với những thói quen là những gì làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi bên ngoài có vô số người đói khát. Đói khát đây là đói khát cơm ăn áo mặc, nhưng nhất là đói khát Lời có sức cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Chỉ có Người mới có Lời ban sự sống, ban phúc trường sinh (Ga 6,63. Ep 5,26).
Lời của Chúa Giêus làm cho dân chúng sửng sốt kinh ngạc, thì việc làm của Người khiến họ càng kinh ngạc hơn: có một người bị quỉ nhập ở ngay trong hội đường, và chỉ khi gặp Chúa Giêsu nó mới hét lên vì thấy mình yếu thế hơn. Nó thấy có “Đấng Thánh” mạnh hơn, quyền thế hơn nó, có khả năng tiêu diệt vương quốc của nó: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?” (Mc 1,24). Đức Giêsu không làm bùa chú ma thuật như các thầp pháp trừ quỷ thường làm, Người chỉ ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Mc 1, 26). Thần ô uế vâng lời. Chúa Giêsu đã dùng quyền năng của Người để giải thoát loài người khỏi sức mạnh đen tối của quỷ dữ.
Trong Tin Mừng của Mác cô, hoạt động trừ quỷ của Chúa Giêsu chiếm một vị trí quan trọng (Mc 1,34-39; 3,11-12; 5,1-20; 9,14-29). Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ quỉ này (Mc 3,15; 6,7.13). Người công bố: “Nếu Tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28). Đức Giêsu đúng là Đấng cứu độ loài người, sứ mạng của Người là cứu loài người khỏi tay ma quỉ, khỏi thần chết. Người tới đâu là quỉ dữ bị xua trừ, như ánh sáng đến đâu thì bóng tối bị đẩy lui tới đó. Người đi đến đâu thì Tin Mừng Nước Trời được rao giảng, người bệnh được chữa lành, kẻ tội lỗi được hoán cải thứ tha… ma quỉ và mọi sự dữ chúng bày ra để hãm hại loài người bị thất bại tới đó.
Trong cuộc họp báo với Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Rio về Rôma sau Đại hội Quốc tế Giới trẻ, người ta đặt vấn đề với ngài về những hiện tượng tiêu cực đã và đang xảy ra bên trong và ngoài Hội Thánh: gương xấu của một số Linh mục, vấn đề gian tham trong Giáo Hội, nạn duy giáo sĩ… cho đến chuyện hôn nhân đồng tính, phá thai… có lẽ để yêu cầu ngài có biện pháp nào đó, hay đưa ra quan điểm để lên án, đối phó, ngài đáp rằng: "Không cần phải nói về chúng, mà nên nói về những điều tích cực giúp người trẻ tiến bước. Dù sao, người trẻ biết rất rõ đâu là chủ trương của Giáo Hội".
Đức Thánh Cha còn chia sẻ : “Chúa Giêsu hay quên. Ngài có một khả năng đặc biệt để quên. Chúa Giêsu quên, Ngài hôn, ôm lấy, và chỉ nói: không ai và tôi lên án bạn; hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa. Thiên Chúa không bao giờ biết mỏi mệt khi tha thứ, không bao giờ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người”, ngài nhắc lại một câu đã viết trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng.
Nói như vậy, ta thấy không có nghĩa Đức Thánh Cha chủ trương một thứ “ân sủng rẻ tiền, dễ dãi”, và rằng Thiên Chúa là đấng không quan tâm tới tội lỗi. Trái lại, từ lúc được bầu làm Giáo hoàng, ngài nói nhiều về tội lỗi và ma quỉ, về tình trạng nhân loại đang cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tự sức mình con người không thể nào vượt qua được các biên giới của bản tính sa ngã, niềm hi vọng cứu rỗi của chúng ta ở nơi Đức Kitô, chỉ mình Người là đấng sẽ cứu chúng ta bằng quyền năng cứu độ của Người, con người cần đến Tin Mừng của Người.
Ta thấy quá nhiều lần Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Kitô hữu cùng với ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho thế giới: “Sứ mạng của Hội Thánh là đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Kitô. Hội Thánh phải làm điều đó không phải bằng uy quyền sức mạnh của trần gian, nhưng bằng ân sủng của Tin Mừng. Đức Thánh Cha đã kêu gọi một Hội Thánh nhẹ nhàng giản dị, không bị ràng buộc bởi bận tâm chăm sóc cho bản thân theo tinh thần thế tục, và lòng ham muốn của cải với những gì thuộc về thế gian. Ngài mơ ước “một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo”.
Hẳn mỗi người còn nhớ rằng lần kia khi về hành hương quê hương vị Thánh Nghèo thành Assisi, ngài nói: “Tôi đến đây để cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cho Hội Thánh, cho tất cả mọi người thiện tâm, để họ biết từ bỏ của cải hay tất cả những gì không cần thiết, như vậy mới có thể sống khó nghèo và khao khát tình yêu”.
Hội Thánh của Đức Kitô hôm nay vẫn tiếp tục được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và thực thi những việc làm của lòng xót thương. Sứ vụ của Hội Thánh nhất định không phát xuất “từ một ước muốn thống trị hay quyền lực, nhưng từ sức mạnh của tình yêu, từ Đức Giêsu đấng đã đến giữa chúng ta, và trao ban cho chúng ta không chỉ một phần của Ngài, nhưng trọn vẹn con người Ngài. Ngài trao ban cho chúng ta cuộc sống của Ngài để cứu độ chúng ta, và để tỏ cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa… Ngài không chỉ sai chúng ta đi, Ngài đồng hành với chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên chúng ta trong sứ vụ tình yêu của chúng ta”