Suy niệm Lời Chúa: Thứ bảy tuần 4 TN năm C

Thứ sáu - 08/02/2019 04:13  1145
Thứ Bảy Tuần IV Mùa Thường Niên 
Dt 13, 15-17, 20-21; Mc 6, 30-34

 
LÒNG CHẠNH THƯƠNG   
         
           Thầy Giêsu nhìn thấy những vất vả, nhọc nhằn vẫn còn in trên khuôn mặt các đồ đệ của mình và quan trọng hơn nữa: Ngài muốn các môn sinh có thời gian nghỉ ngơi phần xác, giống như sau sáu ngày làm việc Thiên Chúa đã nghỉ ngơi. Còn về phần hồn, thì “các trò” có giờ nghiền ngẫm lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho người trần qua bàn tay và tiếng nói của họ. Vì thế, Chúa mới ân cần nói: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
          Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.( Mc 6, 31- 32).
          Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng vì “Họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Họ không được qui tụ trong một đàn, họ tản mác, họ tự lo kiếm ăn và họ tự bảo vệ lấy mình. Họ không có bình an, hạnh phúc. Chúa Giêsu thương họ, Người muốn qui tụ họ. Nhưng trước hết, Người dạy dỗ họ nhiều điều. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ dạy họ về sự đoàn kết, về việc phải quy tụ nhau lại thành một.
          Và rồi Tin Mừng lại trình bày tiếp: “ Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Rõ ràng, tình yêu của Thiên Chúa không dừng nơi sự mệt nhọc thể lý của con người mà lại tiếp tục nhân rộng tình thương đến vô tận. “Chạnh lòng thương” ở đây không còn là từ ngữ nữa, nhưng là cái đụng chạm đến con tim, một con tim của Thiên Chúa đã vì yêu thương xuống thế làm người, ở với con người, dạy dỗ con người để cứu độ con người. Hỏi trên đời này, có ai quan tâm đến chúng ta hơn Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc chúng ta không? Và đã có bao nhiêu người để ý tới điều đó để nhận ra cả cuộc đời mình đều là hồng ân của Chúa.
          Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại thành một.” Bức tường ngăn cách là sự thù ghét bị phá đổ. Không còn thù ghét thì trước hết phải có lòng yêu thương, rồi tha thứ cho nhau, để dẫn đến sự bình an. Chúng ta có thể liên kết với nhau, có thể tha thứ cho nhau vì chúng ta nhận biết và được sống trong Tình Yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chính trong Người, chúng ta được hòa giải với nhau và với Chúa. Có nghĩa là, chúng ta ra sức làm cho nhau có sự bình an, hạnh phúc. Điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta biết yêu thương, biết làm điều tốt cho nhau. Hay nói một cách khác, nhờ cuộc sống yêu thương, chúng ta nhận ra chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới có sự bình an. Từ cuộc sống yêu thương, chúng ta loan báo sự bình an trong Chúa Giêsu. Ta thấy Chúa Giêsu đã dạy dỗ họ nhiều điều, trong đó có cả cách sống với nhau để đem lại cho nhau sự bình an, mà cốt lõi phải có Tình Yêu Thương nhau.
          Nhìn vào xã hội ngày hôm nay, thái độ sống vô cảm với nhau ngày một gia tăng, không còn tấm lòng nhạy bén trước hoàn cảnh của tha nhân, chỉ sống có biết mình và cho mình mà thôi… Có lẽ cũng vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở Năm Thánh lòng thương xót chăng? Với cương vị là Mục tử tối cao của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nhận cũng như thấy được cách sống của con người xã hội ngày hôm nay khi sống với nhau. Cũng vì thế, mà người luôn kêu gọi mọi người hãy sống vì tình thương yêu đối với toàn thể vũ trụ như: bảo vệ môi trường, không khí, giúp đỡ người nghèo, người vô gia cư… và nhất là người cũng luôn kêu mời chúng ta hãy có một tấm lòng thương xót và yêu thương nhau.
          Vì thế, trước lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta hãy sống noi gương Chúa Giêsu là luôn biết rung cảm trước những hoàn cảnh của tha nhân khi chúng ta có cơ hội gặp gỡ; có như thế, chúng ta mới giúp nhau sống hạnh phúc và khi mọi người hạnh phúc, thì chính chúng ta cũng hạnh phúc.
          Người mục tử thực sự phải có một trái tim nồng nàn và cái nhìn xuyên suốt. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.” (Mc 6, 34) Trái tim Người không thể nghỉ yên bao lâu đám đông còn chìm trong cảnh thương tâm vì lầm lạc, nô lệ, tội lỗi. Người biết rõ tất cả chỉ vì thiếu một khuôn mặt lãnh đạo, nghĩa là không có ai đủ khả năng vạch ra một đường hướng mới cho dân tộc và nhân loại. Người biết rất rõ nhu cầu đám đông, nên Người càng muốn hi sinh tất cả cho quần chúng.
          Chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 14-15) Từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, bầy chiên thực sự đã có người chăn dắt, không còn lo lạc đàn và bị lâm nguy vì sói dữ nữa. Tất cả nhờ sự hi sinh lớn lao của người chủ chiên là Chúa Giêsu.
          Muốn trở thành chủ chiên như Chúa Giêsu, các Tông đồ cũng phải có một tâm hồn và cái nhìn như Chúa Giêsu. Nhưng nếu thực sự muốn thế, các ông phải biết lánh xa quần chúng.
          Thật là diệu kỳ. Người lãnh đạo ở một vị trí vừa gần vừa xa quần chúng mới đạt được mục đích lớn lao. Quá lánh xa không thể hiểu quần chúng. Quá gần không thể thấy được vấn đề vì những ồn ào đám đông. Bởi thế, trong khi các ông hí hửng báo cáo “cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”, thì “Người bảo các ông: ‘Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’.” (Mc 6, 30-31) Các ông hiểu ý nên “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6, 32) Thầy trò đều muốn có những giây phút thoải mái nghỉ ngơi và bồi dưỡng trước khi tiếp tục công tác. Chắc chắn trong nơi hoang vắng đó, Thày trò có thể cầu nguyện dễ dàng. Các Tông đồ cũng có thể đón nghe những mạc khải mới. Nhờ đó tâm hồn và trí óc có thể sáng suốt hơn, phục vụ đắc lực hơn.
          Sau khi dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu và ở lại với Người, Người đã dạy dỗ họ nhiều điều và chăm sóc họ bằng của ăn thể xác lẫn tinh thần. Vâng, Chúa Giêsu không những trao ban của ăn tinh thần mà còn trao ban của ăn nuôi thể xác con người ở mọi thời đại. Trong xã hội hôm nay, nhiều nơi còn thiếu thốn rất nhiều của ăn thể xác lẫn của ăn tinh thần, nhưng hầu như thời đại hôm nay của ăn tinh thần thiếu thốn một cách trầm trọng hơn. Vì lẽ đó mà Chúa Giêsu luôn kêu gọi các tông đồ hãy trở nên những nhà chăm sóc tinh thần, mà cả của ăn thể xác nữa.
          Ước gì mọi mục tử – là những người muốn noi gương Chúa Giêsu một cách đặc biệt và triệt để hơn những Kitô hữu bình thường khác – cũng có khả năng "chạnh lòng thương" trước những nỗi cùng khốn của những "con chiên" mình chăn dắt. "Chạnh lòng thương" để sẵn sàng hy sinh cho họ: chẳng hạn hy sinh giấc nghỉ trưa, giờ đọc kinh nguyện, thậm chí cả giờ nghỉ đêm… khi họ cần mình giúp đỡ.

Tác giả bài viết: Sỏi Đá Ven Đường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,677
  • Tổng lượt truy cập7,076,078

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây