Thứ Bảy Tuần V Mùa Phục Sinh
Cv 16, 1-10; Ga 15, 18-21
CAN ĐẢM LÊN ! THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN
Thánh Gioan không chấp nhận sự nhập nhằng, mù mờ trong thái độ sống. Ngài luôn có sự phân biệt rõ rệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa yêu và ghét, giữa thế gian và những gì không thuộc về thế gian... Tin Mừng hôm nay Thánh sử Gioan đã minh họa rõ hơn về hai hình ảnh đối lập ấy: một bên là thế gian và bên kia là những người Chúa chọn, những người gắn bó với Chúa ; một bên là tình yêu dành cho Thiên Chúa và bên kia là sự thù ghét thế gian mang lại.
Các nhà nghiên cứu cho thấy, thánh Gioan thể hiện xuyên suốt trong Tin Mừng thứ tư chủ đề tình yêu. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài nêu lên một hình ảnh trái ngược làm sáng lên chủ đề tình yêu đó là “sự thù ghét”. Thống kê cho thấy Tin Mừng Gioan đã sử dụng 12 lần động từ “ghét”, động từ này hầu như các Tin Mừng khác không nói đến. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay và vài câu tiếp đó, tức Gioan 15, 18-25 động từ “ghét” đã chiếm 7 lần. Chủ từ cho động từ “ghét” thường là “thế gian”, và động từ ghét thường gắn liền với các cụm từ : bách hại, trục xuất khỏi hội đường, giết chết.
Tin Mừng hôm nay đã mở ra cách riêng cho người môn đệ và chung cho cộng đoàn của những người theo Chúa Giêsu một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: "Vì danh Thầy, họ sẽ bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ". Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, thế gian không có nghĩa là toàn thế giới, vì vũ trụ là công trình tác tạo do tình yêu của Thiên Chúa.
Thế gian ở đây là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch cùng Thiên Chúa. Mà khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, mặc nhiên người môn đệ đã chấp nhận dấn thân vào một đối đầu không khoan nhượng. Trong đó, họ sẽ lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị bách hại.
Chúa Giêsu đã cho họ biết trước rằng làm môn đệ Ngài thì phải chấp nhận bị thế gian thù ghét. Nhưng thực tế, chúng ta một mặt tránh làm những gì khiến thế gian thù ghét mình, mặt khác còn tìm cách để thế gian yêu thương chiều chuộng mình. Hẳn là chúng ta không nên cố tình chọc tức thế gian, nhưng không nên quên lời Chúa nói: Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
“Vì các con không thuộc về thế gian…nên thế gian ghét các con”. Người thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa nhiều hơn là chân thật, ai cũng ích kỷ lo cho bản thân, thậm chí chà đạp lên người khác… Kitô hữu không thể sống như họ, cho nên bị họ thù ghét. Vậy, nếu vì phải sống theo lý tưởng tốt đẹp của mình mà bị thế gian thù ghét, chúng ta hãy chấp nhận.
“Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. Chúng ta chấp nhận bị thế gian thù ghét vì lý do chúng ta làm môn đệ Chúa, chúng ta phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Chúa.
“Giả như anh em thuộc về thế gian, thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian nên thế gian ghét anh em”.
Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời thật rõ : “Tôi tớ không lớn hơn chủ” ; “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy”. Ở những nơi khác của Tin Mừng Nhất Lãm cũng nói lên điều đó. Số phận những Kitô hữu gắn liền với số phận của Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu bị hiểu lầm, chống đối, thù ghét... thì số phận của những người theo Ngài cũng giống như vậy. (Mc 1, 9-13 ; Mt 10, 17-22.23-29 ; Lc 12, 2-9.51-53).
Mặt khác, khi thuộc về Chúa, nghĩa là đứng ở phía đối lập với thế gian, mà thế gian thì ghét những ai không thuộc về chúng. Hơn nữa, đời sống của những người không thuộc thế gian là một đời sống công chính, vượt ra ngoài bóng tối tội lỗi. Đời sống ấy gián tiếp là lời tố cáo những thế lực đen tối, tội lỗi. Đời sống thánh thiện của người theo Chúa sẽ là lời kết án những ai sống bừa bãi. Khi bạn sống ngay thật bác ái, thì sẽ làm cho những ai sống trái với những điều ấy khó chịu, họ sẽ né tránh và loại trừ bạn. Đời sống ấy ắt hẳn là nguyên nhân của mọi sự loại trừ.
Ở Ga 15, 1-17 ngay trước đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nhắc các môn đệ của Ngài “hãy lưu lại trong tình yên và tình bạn với Ngài”. Nghĩa là, trước khi những người theo Chúa chịu sự ngược đãi của thế gian, thì trước đó họ phải được liên kết mật thiết với Chúa Giêsu. Họ phải nên một với Ngài như cây và cành, như đầu và chi thể. Nếu họ có được điều này, thì những gì thế gian đem lại sẽ không thể tách họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên một điều đem lại nguồn an ủi lớn lao cho những ai đi theo Chúa, Chúa nói ngay sau đoạn Tin Mừng hôm nay : Ngài hứa ban bình an và niềm vui của Ngài cho những ai theo Ngài. Và khi có niềm vui và bình an của chính Chúa, khi ấy những ai đi theo Ngài sẽ có đủ sức mạnh vượt thắng thế gian.
Sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy chay, bị loại trừ, bị bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một chế độ xây dựng trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung thành với Chúa Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không bị bách hại.
Như vậy để giải quyết vấn đề thế gian thù ghét những người không thuộc về chúng, Chúa Giêsu muốn những ai thuộc về Ngài phải liên kết chặt chẽ với Ngài. Nếu người ấy kết hợp mật thiết với Ngài, họ phải tin rằng họ không bị bỏ rơi, họ được bình an và tình yêu Thiên Chúa sẽ bao phủ, thế lực của tình yêu sẽ chiến thắng sự gian ác. Chúa đã nói : anh em hãy vui lên, Thầy đã thắng thế gian, và chắc chắn ai gắn bó với Ngài cũng sẽ thắng thế gian.
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy : “Vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15, 19). Thế gian mà Chúa nói đến ở đây là một thế gian đố kỵ và thù nghịch với Thiên Chúa, Đấng chân thật, tràn đầy tình yêu và sự sống. Thánh Phaolô cũng mô tả: Đó là một thế gian “ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn,.. vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc” (2 Tm 3, 2 – 4). Kết cục của nó sẽ là sự diệt vong, hư mất đời đời.
Khi mang danh là Kitô hữu nghĩa là chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Ngài và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế: những trái khuấy dồn dập tư bề; những đau khổ về tinh thần lẫn thể xác như: bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái chết... chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ, lúc đó, chúng ta được trở nên giống Đức Giêsu hơn bao giờ hết và thật vinh hạnh vì được thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.
Là Kitô hữu, ta không thuộc về thế gian đang trên đà diệt vong của nó. Nhưng Chúa cũng không cất chúng ta ra khỏi thế gian. Chúa đã chiến thắng thứ thế gian tội lỗi ấy rồi và Chúa đang mời gọi ta hãy can đảm dấn thấn để chiến thắng thế gian: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu kitô của chúng ta. Mang danh hiệu kitô là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Thập giá của Chúa Kitô, nhưng chúng ta tin chắc rằng nhờ tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và Thập giá ấy mà chúng ta góp phần vào việc cứu rỗi và canh tân thế giới. Khổ đau mà các kitô hữu đang phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu là hạt giống trổ sinh những hoa trái của niềm tin.