Ngày 17/06/2019
Thứ Hai Tuần XI Mùa Thường Niên Năm lẻ
Tin Mừng Mt 5, 38-42
Hẳn ta còn nhớ chương 5 trong Tin Mừng Matthêu có chủ đề là Bài giảng Trên núi, chương này gồm những chủ đề nhỏ nhằm giáo huấn các môn đệ, những sứ giả của Tin Mừng, Không phải cùng một lúc hay trong một thời điểm mà Chúa Giêsu giảng dạy các điều này, nhưng ý tác giả muốn thu gom và dàn dựng toàn bộ lời nói của Chúa Giêsu để giúp cho đời sống Cộng đoàn của Ngài.
Trang Tin Mừng hôm nay, nằm trong phần chính của Bài Giảng trên núi... Trước mỗi lời dạy, Thánh sử Matthêu luôn có câu mở đầu “Anh em đã nghe luật dạy rằng mắt đền mắt, răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em đừng chống cự người ác....” Ý muốn nói : sự công chính của các môn đệ phải vượt lên trên cả cách giải thích lề luật theo lối truyền thống, nghĩa là luật mới, luật của Chúa Giêsu khác xa hẳn luật cũ và có thể gọi là đi ngược lại những gì mà thế gian cho là khôn ngoan, là công bằng.
Chúa Giêsu khởi sự nhắc các môn đệ về luật báo thù, "Anh em đã nghe Luật dạy : Mắt đền mắt, răng đền răng…”, luật báo thù này của người xưa căn cứ trên việc ăn miếng trả miếng, nghĩa là nếu có ai đó đã làm thiệt hại bạn, thì hãy làm hại lại người ta như vậy, hoặc bắt họ đền bù sao cho tương xứng với sự thiệt hại mình đã chịu. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài có lối hành xử tốt hơn : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác”. Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc của luật báo thù, vì dù có hạn chế và được kiểm soát kỹ đến đâu đi nữa, thì việc báo thù cũng không khi nào có chỗ đứng trong đời sống Kitô giáo.
Ta thấy câu “Còn Thầy, Thầy bảo anh em...” như khẳng định quyền bính của Chúa Giêsu trên lề luật. Ngài là Môsê mới, là Đấng ban luật mới, là vị Tôn Sư giảng dạy trên núi qua hình ảnh mà Thánh Sử mô tả trong câu 1 “Thấy đám đông, Chúa Giê su lên núi. Người ngồi xuống...” Ở đây, Người có quyền ban luật và giải thích luật.
Chúa Giêsu nhắc thêm :“Nếu bị ai tát má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa”. Bị tát là bị sỉ nhục về mặt danh dự. Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy có cách hành xử cao hơn. Ngài không những chỉ khuyên quên đi việc bị thiệt hại vật chất không đòi đền bù, mà còn rộng lòng quên đi việc bị hạ nhục, bị thiệt hại danh dự.
Và Chúa lại bảo :“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài”. Áo của một người là quyền lợi cơ bản nhất mà người ấy được hưởng. Chúa Giêsu muốn đòi buộc chúng ta đi vào một tiến trình sâu hơn của luật yêu thương. Ngài đòi hỏi người Kitô hữu không nghĩ đến quyền lợi riêng của mình, nhưng nghĩ đến bổn phận phải giúp đỡ và trao ban cho người khác cả phần dư mà lẽ ra chính họ phải được hưởng.
Luật Môsê dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Câu này được trích trong sách xuất hành chương 21, câu 24; trong sách Lê vi chương 24 câu 20 và cả trong sách Đệ Nhị Luật chương 19, câu 21. Ý nói : luật Mô sê dạy rất rõ về luật công bằng, công bằng cả trong cách trả thù người khác. Nhưng Chúa Giê su bảo: đừng chống cự kẻ ác. Lời nói này xem ra có phần yếu thế, nhu nhược như muốn làm lơ, bỏ qua những lỗi lầm, tội ác của người khác đã gây ra.
Thế nhưng ở đây Chúa Giê su muốn dạy chúng ta đừng lấy oán báo oán khi chính mình bị xúc phạm. Chúa Giê su không ngăn cản chúng ta chống lại những bất công (Ga 18, 23) ở trần gian này. Ngài cũng không cấm chúng ta tẩy trừ sự ác, sự dữ ra khỏi thế giới . Ngài đã ra lệnh cho chúng ta : “ Anh em phải là ánh sáng, là muối cho đời...” (Mt 5, 13-16). Nhưng cách thức chúng ta chọn để biến đổi thế giới này là hiền hòa, là xây dựng, là khôi phục sửa chữa, là tha thứ đón nhận vô điều kiện. Ngài chỉ muốn nói rằng: Ai đã đón nhận Tám mối phúc... thì chỉ sống đem lại hạnh phúc bình an, cho người khác mà thôi.
“Nếu ai tát má bên phải ...hãy đưa cả má bên trái... Ai lấy áo trong.... cho lấy cả áo ngoài. Ai muốn đi với họ một dặm.... hãy đi hai dặm. Nghĩa là hãy “ làm hơn” những gì mà người khác muốn ta làm hay người khác đã làm cho ta. Thái đõ mà Chúa Giê su đã nêu ra ở trên, khiến chúng ta tưởng lầm có vẻ khiêu khích, thách thức khi “ đưa cả má bên trái”, hay có vẻ dở hơi khi “ cho cả áo ngoài”, thậm chí lại làm dư thừa điều người khác yêu cầu “ đi hai dặm”. Nhưng nếu để ý kỹ, chúng ta thấy những hành vi ấy mang đậm tính hiền lành, chỉ muốn bình an, hạnh phúc cho người khác. Đấy là thái độ mà Đức Giê su đã có trong đời sống rao giảng Tin Mừng của Ngài. Đặc biệt trên cây Thánh Giá, Ngài đã đón nhận tất cả không một lời oán giận, lên án người khác mà chỉ một niềm tha thứ “ Xin tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm” (Lc 23, 34)
“Ai xin.... hãy cho. Ai vay mượn .... đừng ngoảnh mặt” (c. 42) nói lên tinh thần bác ái đối với anh em đồng loại. Đừng làm ngơ trước những nhu cầu của người anh em, nếu được người anh em nài xin. Thái độ “ cho” mang đậm sự sẵn sằng mau mắn thi hành đức ái, như một sự dứt khoát cho đi mà không cần đền đáp, ghi ơn. Thái độ “ đừng ngoảnh mặt” ý nói rằng chớ thờ ơ, Lạnh nhạt hoặc làm ngơ phớt lờ trước những bất hạnh, đau khổ của người khác. Cần quan tâm giúp đỡ. Cần mở rộng tấm lòng nhân hậu, đại lượng đối với người nghèo khổ.
Chúa Giêsu thiết định nét mới rất quan trọng để mở rộng luật Môsê : Nguời môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ thù hận, không được tìm cách báo thù cho dù đó là một sỉ nhục có tính toán và độc ác. Và với chúng ta là người môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ bám vào quyền lợi, cả quyền lợi pháp lý lẫn quyền lợi đương nhiên được hưởng ; không bao giờ nghĩ đến việc làm theo ý mình, nhưng nghĩ đến việc mở rộng lòng yêu thương, nâng đỡ. Người môn đệ Chúa Giêsu thì luôn nghĩ ra được cách sáng tạo trong sự phục vụ trao ban.
Luật Kitô hữu là luật yêu thương. Khi người môn đệ Chúa Kitô chấp nhận những từ bỏ do luật này đòi hỏi, luật yêu thương này chứng tỏ được tất cả trọng lượng của nó. Nếu các nguyên tắc được công bố ở đây đi vào trong xã hội, xã hội này hẳn là sẽ không bị tiêu vong, nhưng sẽ thấy các tương quan giữa con người được đổi mới, bởi vì các bất công và bạo động sẽ bị dập tắt dễ dàng nhờ sống theo luật này hơn là do sợ các biện pháp chế tài hình sự.
Thật ra đây chính là lối sống của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chết vì không nhường bước trước các áp lực của sự thận trọng hoặc của lương tri. Khi làm như thế, Người không đảo lộn trật tự xã hội, nhưng Người củng cố các tương quan giữa con người với con người. Bắt chước Thiên Chúa, và cũng là bắt chước Đức Giêsu, là quy tắc duy nhất của lối cư xử của Kitô hữu, là con đường duy nhất để vượt qua nền luân lý Pharisêu.