Suy niệm Lời Chúa: thứ hai tuần XV thường niên
Chủ nhật - 14/07/2019 08:27
1232
Ngày 15 tháng 7
Mt 10, 34 - 11, 1
ĐÒI HỎI NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ
Tin Mừng hôm nay xoay quanh một chữ « Yêu ». Và rồi ta thấy các môn đệ Đức Giêsu được mời gọi phải làm cho tình yêu mình dành cho Thầy sinh những quả ngọt trái lành như đã được liệt kê lần lượt trong bản văn.
Tình yêu cho hoa trái đầu tiên của nó là sự phân rẽ xem ra cay nghiệt hơn cả việc đối đầu và loại trừ như đã thấy trong các cuộc xung đột hay chiến tranh, đó là sự phân rẽ giữa cha mẹ với con cái và với người thân trong nhà. Điều này đau đớn khác nào cắt từng khúc ruột mỗi người.
Tình yêu đòi sự ưu tiên xem ra quá sức người, đó là phải đặt Chúa lên trên cả đấng sinh thành và dưỡng dục mình. Tiếp theo đó, tình yêu đòi phải mở cửa lòng tiếp nhận không chỉ chính Chúa, mà là những người được Chúa sai đến, rồi lại cả những người nghèo hèn bé nhỏ.
Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Những đòi hỏi này của tình yêu dễ khiến ta và dễ đặt ta vào tình cảnh nghi vấn, hoang mang không biết yêu như thế có ổn chăng, không biết mình có thể trung thành với đường yêu này đến bao giờ, dẫu rằng tâm ta vẫn thiện đủ để khát mong yêu Chúa, lòng ta vẫn sáng đủ để chọn cho mình một đối tượng và một cách yêu đúng đắn giữa muôn vàn sắc màu và cung bậc của tình yêu trong thời đại này.
Chúa Giêsu muốn đòi hỏi một sự dứt khoát của người muốn theo Ngài và ra đi làm chứng về Ngài cho muôn dân. Để có được thái độ dứt khoát, người ấy phải đặt Chúa và tin mừng của Ngài là chọn lựa ưu tiên, đồng thời, phải sẵn sàng từ bỏ những gì là thân thuộc nhất, thậm chí là cả mạng sống, vì Chúa Giêsu và vì sứ mạng Chúa trao. Sau hết, phần thưởng dành cho người dám chọn lựa Chúa là nhận được sự sống mới từ Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời.
Thật vậy, đáng lẽ ra, đã yêu thì phải nên một, đã thương thì phải đoàn kết. Đàng này, yêu lại gây chia lìa. Đơn giản là vì cách yêu của Chúa không như kiểu yêu phàm trần, vì lối yêu của Chúa là đường đẹp, đường thánh nhưng chẳng mấy ai thích đi. Đây chính là gốc rễ của chia rẽ và giáo gươm.
Thêm vào đó, còn những thách đố không hề nhỏ, đó là thách đố từ việc chỉ vì yêu Chúa mà nếu cần, ta lại phải sẵn sàng đặt tình cảm gia đình sang một bên mà dấn bước cho lòng mến Chúa, phải ngưng lo cho cha mẹ mà chu toàn bổn phận với Chúa.
Những nghịch lý trên khiến ta cảm nhận từ đáy lòng mình chút gì đó xót đau, khiếp khủng, thậm chí oan ngang mà không phải ai cũng có thể vượt qua.
Hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn thế, ta đã, đang và sẽ ít nhiều đối diện với câu chuyện yêu này của Chúa Giêsu. Chắc chắn, mỗi lần đối diện, ta lại như thấy Chúa Giêsu đang gửi đi một lời nhắc gợi và hồi hộp đợi chờ lời đáp trả của ta.
Nếu yêu Chúa, ta có dám đứng một mình khi mọi người đứng ở phía đối diện chăng ? Đó là lúc tất cả chọn oán thù mà ta lại muốn yêu thương. Đó là lúc ta muốn giữ lại bào thai trong bụng mình mà cha mẹ hoặc người chồng bắt ta phải phá. Đó là lúc ta chọn đến nhà thờ mà mọi người muốn ở nhà xem đá bóng. Đó là lúc ta muốn cất lên lời kinh tạ ơn sau một ngày mệt nhọc mà con cái ta lại muốn bật máy karaoke để giải trí.... Dám đứng một mình là đồng nghĩa với việc chấp nhận sự phân rẽ, chấp nhận sự đối đầu, chấp nhận bị loại trừ,...
Nếu yêu Chúa, ta có khiêm tốn đủ để đón nhận người tông đồ hoặc nhà truyền giáo được sai đến với ta dẫu rằng họ vẫn là những con người, vẫn còn nguyên những giới hạn về khả năng, tầm nhìn, thậm chí là tư cách hay đạo đức,... ? Nếu yêu Chúa, ta có rộng lòng đủ, vô tư đủ để trân quý những người bé mọn tìm đến ta để xin chén nước lã, xin một sự thi ân bé nhỏ nhưng rất cần cho họ chăng ?
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, người Kitô hữu được mời gọi ý thức lại sứ mạng cao cả này và cần có thái độ dứt khoát trong những chọn lựa của mình. Chúa và sứ mạng Chúa trao có là ưu tiên hàng đầu hơn là sự sống trần thế này của tôi? Điều gì đang còn đang ngăn cản chúng ta sống niềm tin và thực thi giáo huấn của Chúa: tiền tài, danh lợi, quyền lực trần thế, những mối tương quan hay chính cái tôi muốn tìm kiếm sự an nhàn?
Tác giả bài viết: Sỏi Đá Ven Đường