Thứ Năm Tuần X Mùa Thường Niên
Mt 5, 20-26
ĐONG ĐẦY TÌNH YÊU
Sống đạo là sống trong tình yêu. Chính tình yêu sẽ giúp ta chu toàn lề luật cách trọn hảo. Ước chi hằng ngày, hàng tuần ta đến nhà thờ tham dự thánh lễ với tất cả tình yêu và ý thức, nhờ đó, ta mang tình yêu Thiên Chúa vào cuộc sống hằng ngày qua từng ánh mắt, nụ cười và cách đối xử với người khác.
Xã hội muốn trật tự tốt đẹp, cần có những luật lệ. Con người sống trong xã hội cần tuân giữ những luật lệ ấy. Người tử tế là người biết giữ luật cho mình và cho người khác. Luật lệ giúp con người lớn lên và trưởng thành hơn. Thông thường, khi chu toàn những luật lệ, con người hay có thái độ tự mãn. Đây cũng là thái độ của những Kinh sư và Pharisiêu mà Chúa Giêsu nhắc đến trong Tin mừng hôm nay. Họ tuân giữ luật cách chặt chẽ và tỉ mỉ, xem mình công chính hơn những người khác. Giữ luật như thế chưa phải là phong cách của công dân nước Trời. Chúa Giêsu dạy lề luật quan trọng nhất mà con người cần phải tuân giữ đó là luật tình yêu. Do đó, người môn đệ của Chúa không giữ luật vụ hình thức, nhưng trong tình yêu, quảng đại và hiến thân. Chúa đã đưa lề luật trở về với đúng chức năng của nó và mời gọi ta hãy sống một đời sống mới trong tình yêu.
Sống với nhau tránh sao khỏi những tranh chấp, cọ sát. Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn trương. Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình, rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa (cc. 23-24). Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha? Để đến được với người đang xích mích với mình, cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy. Đi bước trước để đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình, đó là cách làm hòa và làm lành những vết thương. Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.
“Chớ giết người”, giới răn này xem ra bị coi nhẹ trong thế giới hôm nay, một thế giới tự hào là văn minh, nhưng mạng sống con người bị rẻ rúng. Những vụ phá thai, những tai nạn xe cộ mỗi ngày, những cuộc chiến không ngừng giữa các quốc gia thù nghịch. Bao cuộc khủng bố đã làm hàng ngàn người chết. Những tội ác diệt chủng đã xóa sổ cả triệu con người. “Chớ giết mình”, con người cũng không biết quý mạng sống mình. Những vụ tự tử, những cái chết do sử dụng ma túy hay ăn chơi, những bệnh tật do con người tự phá hoại thân xác mình.
Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ.Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay. Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình? Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống? Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người, trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động, vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Và rối ta thấy bên cạnh tình yêu là sự công chính để rồi công chính là đức tính rất cần thiết của con người nói chung. Nhưng đối với người tín hữu thì sự công chính này còn cần hơn gấp bội, và đức công chính phải trọn hảo hơn nữa, vì nó được xây trên nần tảng tình yêu và phát xuất từ chính tình yêu. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ một lý tưởng sống mới, đó là phải công chính hơn những người biệt phái: "Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 5, 20).
Sự công chính mà Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của Người, đó là sự công chính phát xuất từ chính tình yêu chân thật không pha vụ lợi, qua đó Người kiện toàn lại lề luật và đề ra một lý tưởng sống mới cho người môn đệ đó là Luật yêu Thương. Vì quả thực, Người đến trần gian là để kiện toàn lề luật:"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5, 17).
Sự công chính hiểu theo nghĩa là tin vào Chúa Giêsu và sống theo lời Người dạy, mới được vào Nước Trời. Sống theo đòi hỏi của Chúa dựa theo bài Tin Mừng hôm nay là: - Không được là nguyên nhân gây bất công hay thiếu bác ái đối với anh em. Nếu có xảy ra bất hoà thì hãy mau làm hoà, trước khi đến gần Chúa… Không để lòng thù oán anh em… Cố hoà giải với anh em ngay từ đời nầy, để khỏi bị kết án đời sau. Nên nhớ “Vào lúc xế chiều cuộc đời, mỗi người chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”
Vì vậy, người môn đệ được Chúa mời gọi phải sống công chính hơn những người biệt phái. Người biệt phái giữ luật rất chu đáo và tỉ mỉ và không bỏ sót một điều luật nào trong các khoản luật đã được đề ra, nhưng đáng tiếc là họ giữ luật một cách máy móc và hình thức, giữ luật chỉ vì luật mà không đi vào chiều kích nội tâm. Chúa Giêsu biết rõ cách sống và giữ luật của họ.
Chính vì thế, Ngài căn dặn các môn đệ của Ngài giữ các lề luật với tâm tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người khác như chính mình. Luật yêu thương mà Chúa Giêsu truyền dạy cần thực hiện cách cụ thể là sống hòa thuận và biết tha thứ: "Vậy, nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh em, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5, 23 - 24).
Ăn ở công chính như kinh sư và Pharisêu đã là một điều khó, Chúa còn đòi hỏi chúng ta phải sống cao hơn nữa. Vì luật của Chúa là luật yêu thương, vượt xa mọi điều kiện “nếu – thì”. Chỉ cần chửi người anh em thì đã đáng bị hỏa ngục thiêu đốt. Khi ta xúc phạm đến người khác là xúc phạm đến chính Chúa, vì tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: khi anh em đi dâng lễ mà sực nhớ mình có điều bất hòa với anh em mình, hãy để của lễ ấy và đi làm hòa trước rồi mới đến dâng của lễ. Vì Chúa không thích lễ vật chiên bò, bánh kẹo nhưng Ngài yêu thích tâm hồn đơn sơ, thanh sạch. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền kết tội con người, còn chúng ta là phàm nhân đầy bất toàn yếu đuối. Chúa còn dạy chúng ta phải tha thứ không chỉ 7 lần mà là tha mãi mãi, tha không giới hạn. Tha thứ không hề làm cho chúng ta thấp hèn, nhu nhược nhưng làm tăng phẩm giá con người và ta trở nên giống Chúa hơn. Trên thập giá, Chúa đã tha thứ cho anh trộm lành và những người đánh đập hành hạ Ngài.
Cổ nhân có dạy “Một sự nhịn là chín sự lành”. Tha thứ, nhịn nhục không phải là quên đi lỗi lầm của người khác, nhưng là đón nhận họ với tất cả sự cảm thông.Tha thứ cho người để ta cũng được người thứ tha. Mặt khác tha thứ còn là kết quả của yêu thương. Một khi ta yêu thương ai, thì dù lỗi của người ấy có to bằng trời ta cũng sẵn sàng bỏ qua. Khi tình yêu thương vắng mặt, dù chỉ một lỗi cỏn con nhỏ như cái móng tay, ta cũng xé ra to như con bò. Vì vậy để dễ dàng hòa giải tha thứ lỗi lầm cho nhau, chúng ta hãy tập sống đức yêu thương. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức, đó là điều răn quan trọng nhất mà Chúa đòi hỏi nơi chúng ta.
Trong cuộc sống của mỗi người, không thiếu những lúc người khác làm cho chúng ta khó chịu, bực mình, không thiếu những lúc chúng ta sống khó hòa hợp với người khác, nhưng Chúa dạy chúng ta phải đi bước trước đến với tha nhân, đi bước trước đến với người nói hành nói xấu ta, đi bước trước đến với người làm ta đau khổ, với tính xác thịt con người thật là một điều quá khó, nhưng với tình yêu mến Chúa và trong tình mến, người môn đệ sống đức công chính Chúa dạy chúng ta hãy noi gương Chúa, khi ta chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, khi chung quanh Thánh Gía đông vô kể những người bất bình, những người sỉ nhục Chúa, cả những người đóng đinh và coi thường Chúa : "Ông có phải là Thiên Chúa thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi", họ đang vui vẻ và hả hê cười nói, vì đã giết được Chúa, thì chính lúc đó Chúa dạy một bài học yêu thương và tha thứ cao tột đỉnh, Chúa ngước mắt lên trời và thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha xin tha cho họ". Chính bài học này đã dạy chúng ta tha thứ không phải là nhát đảm mà là anh hùng, tha thứ không phải là thua thiệt mà được gấp ngàn lần.
"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người, ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa" (Mt 5, 21). "Chớ giết người" đó là một điều luật đã có từ thời Cựu ước và đến thời Tân ước Chúa Giêsu đã kiện toàn luật này một cách trọn hảo hơn, không phải chúng ta chỉ lo tránh giết người, mà còn phải sống với mọi người trong bầu khí chan hòa tình yêu thương, và phải tránh không phẫn nộ, không chửi mắng người anh em, và trong tư tưởng không có ác ý hại người, không có ý dèm pha chỉ trích, không loại trừ người anh em khi người anh em có tội. Chúa Giêsu cấm ngay từ trong trứng nước, ngay từ trong tư tưởng của người môn đệ Chúa, phải giữ trọn lề luật với tâm tình yêu thương, thương người như chính bản thân mình.
Sống ở trên đời “nhân vô thập toàn” chẳng ai là người hoàn toàn thánh thiện, tốt lành không bao giờ phạm lỗi. Thế nhưng mỗi người có một cách đối xử khác nhau. Có người rất dễ làm hòa, có người lại cứ giữ khư khư trong bụng mình lỗi lầm của người khác. Khi chúng ta có lỗi với người nào đó, đừng đợi họ xin lỗi mình, mà hãy khiêm tốn đi làm hòa trước. Khi tha thứ cho người khác ta cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm bình an. Trái lại, nếu cứ ghim lỗi lầm của người ở trong ta, tâm hồn ta trở nên nặng nề, bất an. Oán thù làm mất đi tình bạn bè, hàng xóm, còn tha thứ làm cho ta lớn lên, sống quảng đại vị tha hơn.
Lễ vật cao quý và đẹp lòng Thiên Chúa nhất, đó là cuộc sống đong đầy tình yêu, vì thế để có của lễ đẹp lòng Thiên Chúa thì chúng ta phải sống chan hòa tình yêu thương với anh em mình, yêu thương phải phát xuất từ chính trong tâm của mình, không hời hợt bên ngoài, hay ở đầu môi chót lưỡi.