Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng
Is 48, 17-19; Mt 11, 16-19
LẮNG NHÌN DẤU CHỈ
Qua trang Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc đến ông Gioan tẩy giả : ông có một cuộc sống khổ hạnh; ông là tiếng kêu trong hoang địa, kêu gọi những người tội lỗi biết sám hối và chịu phép rửa để tỏ lòng thống hối ăn năn, chuẩn bị dọn lòng đón nhận Đấng Cứu Thế sắp đến; ông ra sức mời gọi mọi người bước vào một thời kỳ mới của Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện. Thế nhưng, lời của Gioan tẩy giả đã bị từ chối, bị chê bai và bị loại trừ.
Thật vậy, ông bị mọi người Do Thái gọi là kẻ điên, kẻ bị quỷ ám, và cuối cùng, ông bị chém đầu bởi bàn tay dã man của Hêrôđê. Thế là sứ mạng của ông chấm dứt cùng với cái chết tử đạo, mà chẳng có mấy ai cải thiện, sám hối ăn năn.
Chúa Giêsu so sánh thế hệ của Ngài với lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới (có “thổi sáo”) thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó (“sao các anh không nhảy múa”). Các trẻ em thường chia làm hai phe. Bên xướng bên đáp. Nếu bên xướng hát những điệu buồn hay đưa đám thì bên đáp phải khóc lóc, than vãn...còn nếu bên xướng hát lên những điệu nhạc vui, thì bên kia phải nhảy múa hân hoan... Khi chúng chơi trò đám ma (có “bài hát đưa đám”) thì cũng thế. Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta phải theo ý riêng của chúng, ai không theo thì chúng phê phán, trách móc.
Nếu đôi bên không hiểu ý nhau thì cuộc chơi mất vui. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào bọn trẻ cũng thành công trong trò chơi này, vì gặp phải những “đầu biếu” cố tình trọc ngoáy làm cho cuộc chơi mất vui. Vì vậy, bên chủ động bực tức nên mới nói: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!". Tệ hơn nữa là nhóm trẻ không chịu chơi đó lại còn trách móc đủ điều...
Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều đến để dạy dân Do Thái con đường cứu độ. Nhưng vì điều đó không hợp với mong ước trần thế của họ nên họ luôn khước từ và còn phê phán. Hai ngài làm gì cũng bị họ chê: Gioan sống khắc khổ thì họ chê là “bị quỷ ám”; Chúa Giêsu sống hoà mình ăn uống với mọi người thì họ chê là “tay ăn nhậu”.
“Nhưng đức Khôn ngoan được biện minh bằng hành động”: giá trị thật của một người không tuỳ vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tùy vào chính hành động, vào lối sống của người đó. Người ta nói Gioan Tẩy Giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”. Không sao, hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho các Ngài.
Chúa Giêsu ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ, dạy dỗ người Do Thái về Nước Trời. Đi đến đâu, Ngài cũng làm phúc cho con người, qua những phép lạ cứu chữa người đau yếu bệnh tật, qua việc xua trừ ma quỷ. Ngài sống một cuộc sống bình dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người, đặc biệt yêu thương, nhân từ đối với những người nghèo khổ, tội lỗi…khiến cho nhiều người mến phục, tin tưởng và muốn đi theo Ngài làm môn đệ.
Thế nhưng, Chúa Giêsu bị nhiều người Do Thái từ chối không tin, cũng chẳng đón nhận Tin Mừng của Ngài rao giảng, cũng chẳng chấp nhận quyền năng vô song của Ngài trên ma quỷ, cũng chẳng tin những việc Chúa đã làm. Bằng chứng, người Do Thái cứng lòng, các giới chức Do Thái âm mưu tìm cách hãm hại Ngài, và cuối cùng họ đã đồng thanh bắt nộp, giết chết Ngài trên cây thập tự.
Những lời của Gioan Tẩy giả có thể an ủi những ai đang sẵn lòng ăn năn về tội lỗi của mình. Ông mang tin vui đến cho những ai khao khát được tha thứ; nhưng ông không mang tin vui đến cho những người tự cho mình là công chính, hay dửng dưng với Thiên Chúa và đường lối của Người. Gioan làm phép rửa nhằm xóa bỏ đường lối cũ. Nhưng phép rửa của Gioan chỉ là sự khởi đầu. Sau phép rửa bằng nước là phép rửa bằng lửa – đời sống mới mà Thánh Thần sẽ đổ tràn trên chúng ta qua Đức Giêsu và sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người.
Như ngôn sứ Isaia và Gioan, chúng ta được mời gọi để mang niềm ủi an và tin vui đến cho tha nhân. Chúng ta hãy cố gắng tập trung khi chia sẻ ý nghĩa đích thực của mùa này với những ai thân cận nhất và với tha nhân chúng ta gặp trên đường mà Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta.Cùng với Gioan, chúng ta có thể cảm thấy như tiếng hô vang trong hoang địa khi chúng ta kêu gọi thế giới sửa đổi và chuẩn bị cho việc Chúa đến và cho đường lối của Người.
Gioan tẩy Giả mời gọi những người tuôn đến với ông trong sa mạc nhớ lại những công việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm. Một lần nữa ông mời họ hãy tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ trong đau khổ và Người sẽ đến để giúp họ. Trong khi tự chuẩn bị, họ phải quay trở lại với nguồn gốc của họ trong niềm tin vào trong Thiên Chúa.
Dân Do Thái đã bị cầm tù và Thiên Chúa chúng ta sẽ giải thoát họ. Họ tưởng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, nhưng Người vào nơi khốn cùng của họ. Các lệnh truyền được ban ra: một con đường bằng phải được hoàn thành và trên con đường đó Thiên Chúa sẽ đến dẫn đưa dân về quê hương. Con đường sẽ được làm cho bằng phẳng vì các lữ khách sẽ mệt mỏi và kiệt sức sau một thời gian dài bị lưu đày. Những người trên đường sẽ thấy dân trở về Giêrusalem và biết rằng đây chính là công trình của Thiên Chúa. “Bấy giờ vinh quang của Đức Chúa sẽ được tỏ hiện và mọi người phàm sẽ cùng được thấy…” Ngoài Thiên Chúa, ai có thể thực hiện được công cuộc giải phóng vĩ đại này?
Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy noi gương dân chúng thời Gioan khi xưa là: hãy hoán cải đời sống, ăn năn sám hối, trở về với Chúa trong phẩm giá người Kitô Hữu, để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh... Bên cạnh đó, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy thực thi tinh thần sám hối cách thiết thực hơn nữa chính là việc hy sinh, hãm mình, khổ chế, làm việc bác ái để nêu gương sáng cho hối nhân sám hối trở về với Chúa.