Thứ Tư Tuần Thánh
I: Is 50, 4-9a; Mt 26, 14-25
Trang Tin Mừng hôm nay mô tả bữa tiệc sau cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ. Một không khí u buồn khi Chúa Giêsu tiên báo rằng một người trong các ông sẽ nộp Ngài. Chúa vô cùng đau đớn khi nói: “kẻ giơ tay chấm chung một dĩa với Thầy đó là kẻ nộp Thầy”. “Cùng chấm dĩa” là hình ảnh của một người rất thân trong nhà, và việc bị bán đứng bởi người thân là một điều vô cùng đau xót. Chúa đã nhiều lần tế nhị đánh thức lương tâm của Giuđa nhưng ông vẫn không hồi tâm. Cuối cùng ông đã ra đi lao mình vào bóng đêm tội lỗi và bán linh hồn cho quỷ dữ.
Ta có thể nhận định rằng: trong số các Tông Đồ, Chúa đã đối xử hết sức đặc biệt với Giuđa, nếu không muốn nói là rất tin tưởng nơi ông. Không tin tưởng sao được khi dám giao cho Giuđa giữ hầu bao là cái sống còn của Chúa và của tất cả các Tông Đồ. Ấy thế mà Giuđa đã dám bán đứng Chúa không phải vì bị lọt vào mỹ nhân kế nhưng chỉ để lấy 30 đồng bạc (có lẽ tương đương với một tháng lương). Bán Thầy chỉ với giá 1 tháng lương thì theo thiển ý của người viết Giuđa không vì tham tiền nhưng vì một lý do khác nữa.
Và rồi ở đây ta không tìm xem mục đích bán Chúa của Giuđa, nhưng chỉ muốn biết hành động phản bội đó làm cho Chúa xót xa như thế nào?! Hỏi tức là trả lời : Chỉ có những ai đã từng bị những người thân yêu phản bội (vợ - chồng; thầy – trò; cha mẹ - con cái; bạn bè, người yêu…) mới có thể cảm nghiệm phần nào nỗi đau của Chúa. Có điều chúng ta phải hết sức cảm phục Chúa vì cách đối xử nhẹ nhàng của Chúa : nhắc nhở nhưng vẫn giữ thể diện cho Giuđa.
Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được Thiên Chúa nâng lên hàng con cái của Ngài, là anh em của Chúa Giêsu. Khi trưởng thành, chúng ta được Thiên Chúa biệt đãi, tín nhiệm và đặt để chúng ta vào những địa vị, trọng trách lớn lao: là linh mục, là tu sĩ, là giáo dân phụ trách cả một gia đình. Đúng ra cả cuộc đời ta phải luôn là một bài ca cảm tạ về những hồng ân ấy.
Thế nhưng rồi nhiều khi bằng những tội lỗi của mình, chúng ta đã phản bội Chúa, bán đứng Giêsu để đổi lấy một vài giây phút mê say giả tạo, một mối lợi nhuận vật chất hoặc một đôi chút vinh quang phù du…Chúng ta đã và đang là những Giuđa thời hiện đại. Có điều chúng ta khác với Giuđa thời xưa : Giuđa biết mình có tội, có lỗi với Chúa nên thất vọng đi thắt cổ tự tử, còn chúng ta lại chẳng thấy tội, thấy lỗi của mình nên vẫn vui vẻ sống phây phây!!! Tuy nhiên, Chúa vẫn kiên trì và chờ đợi, Chúa vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta qua Lời Chúa, qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống, qua những lời nhắc nhở của tha nhân…
Chúa biết mọi hoạt động lén lút của Giuđa vì trong những ngày này Giuđa đi gặp những vị lãnh đạo tôn giáo để bán Chúa Giêsu với 30 đồng bạc. Chúa Giêsu vẫn làm ngơ, không hề để ý gì về việc đó cả.Chúa muốn sống hoàn toàn những lời Kinh Thánh viết về người tôi tớ Giavê. Chúa Giêsu vẫn sống như một người tôi tớ Giavê, nghĩa là lúc nào Ngài cũng sống suy niệm theo ý của cha Ngài. Chúa luôn luôn trung thành với Thiên Chúa Cha.
Phần Ngài, Ngài không muốn thử thách ai nhưng con người có tật bất trung. Dân Do Thái luôn nhìn ra lân quốc bắt chước họ sống thờ ngẫu tượng, thờ bò vàng.Lúc yên hàn đã vậy, huống chi khi gặp bất trắc, họ sẵn sàng phản bội tình yêu Chúa để mong được an ủi hơn. Suốt lịch sử họ phản bội giao ước tình yêu. Lẽ dĩ nhiên trong dân cũng có những người trung thành trong những cơn thử thách như Gióp. Tuy nhiên, sự trung thành của Gióp và nhiều người khác vẫn không bù đắp được những bất trung mà dân phản bội. Phải có một con người bao trùm tất cả ngang hàng với Thiên Chúa mới có thể khoả lấp được tất cả. Người đó là Chúa Giêsu đến làm công việc này.
Hôm nay ta nghe lại đoạn Phúc Âm nói về việc Giuđa phản bội để muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: trong cái chết đau thương của Chúa, cũng có bàn tay của chúng ta nhúng vào bằng tội lỗi của chính mình. Chúng ta có thể kết án Giuđa bán Chúa, kết án các Tông Đồ đã hèn nhát bỏ trốn, kết án dân Do Thái phản bội, kết án quân dữ quá dã man…nhưng người mà chúng ta cần kết án trước tiên đó là chính mình : bởi tôi và do tội lỗi của tôi mà Chúa đã phải chịu chết thê lương dường ấy.
Chúa Giêsu đã phải trả giá cho Tình Yêu dành cho con người bằng chính mạng sống của mình, dù Ngài biết rằng Tình Yêu ấy đang bị phản bội bởi chính tội lỗi, bởi sự thờ ơ và vô tâm của chúng ta. Ta được mời gọi biết ăn năn hối lỗi vì đã phản bội Tình Yêu ấy, để nhận ra mình luôn được yêu thương và để biết sống thế nào cho xứng đáng với Tình Yêu ấy.
Qua trang Tin Mừng này, chúng ta thường chê trách Giuđa sao mà bội bạc và nhẫn tâm với Chúa đến vậy. Chúa yêu thương ông như thế mà ông lại đành lòng bán Chúa. Nhưng xét lại bản thân thì chúng ta cũng đã nhiều lần phản bội Chúa. Hành động phản bội của chúng ta không rõ ràng như của Giuđa. Chúng ta “phản bội Chúa” khi chúng ta phạm tội; chúng ta “bán Chúa” khi không dám sống đúng với Tin Mừng mà bán rẻ lương tâm để chạy theo những lợi lộc của thế trần.