Ngày 13/02/2019-Thứ Tư Tuần V Mùa Thường Niên
St 2, 4b-9. 15-17 (Hr 5-9. 15-17); Mc 7, 14-23
TỘI TỪ TRONG TÂM MÀ RA
Ông bà ta thường bảo: "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn; núi cao sẽ có núi cao hơn", ấy thế nên dù có giỏi che đậy đến mấy thì những người có tâm địa thâm độc, xấu xa vẫn sẽ bị “lòi đuôi” ở những lúc mà họ sẽ không bao giờ ngờ đến!
Chúng ta vẫn thường nghe ông bà dạy rằng, giữa người với người, thêm một phần thấu hiểu sẽ bớt một chút hiểu lầm. Giữa tâm hồn với tâm hồn, thêm một phần bao dung sẽ bớt một phần tranh đấu... Ấy thế nhưng cuộc sống thì luôn đầy thử thách, cám dỗ trong cuộc hành trình mang tên là cuộc đời của mỗi người.
Trong cuộc sống ấy, ai trong chúng ta cũng đều có rất nhiều mối quan hệ: tình thân, tình yêu, đồng nghiệp, đối tác và những người bạn. Trong số đó, có không ít người chỉ là bạn “hờ”, nói một cách khác, họ chính là những kiểu người có tâm địa thâm độc, họ chỉ tiếp cận bạn với mục đích, ý đồ nào đó và sẽ trở mặt ngay khi hết giá trị lợi dụng.
Con người nên tốt lành, thánh thiện hoặc xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ cõi lòng của con người, từ thái độ sống của con người có ý thức và tự do hay không, từ lòng yêu mến Chúa đích thực và yêu thương tha nhân cách chân thành hay giả dối, hình thức bề ngoài.
Nhóm biệt phái thời Chúa Giêsu là nhóm chuyên để ý soi mói, lên án và trách móc người khác. Trong khi chính họ lại không quy hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa mà luôn ảo tưởng, tự mãn với cái đạo đức giả hình của mình. Vì vậy họ thường tìm cách bắt bẻ người khác, chú tâm đến những luật lệ bên ngoài còn chính họ, họ lại không “tu tâm” để chính họ được sạch và bình an. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo chúng ta về những ảnh hưởng của thế gian. Chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng của mình để tất cả những hành động, lời nói của chúng ta là những điều tích cực, mang lại niềm vui và bình an cho người khác.
Rõ ràng trong cuộc sống, chính thâm tâm con người là tác giả của thái độ cũng như hành động của họ. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?...Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (cc. 18. 20 – 23) Do đó chúng ta hãy có cái nhìn nội tâm đừng “cứ bề ngoài mà xét xử”, đồng thời biết tạo cho mình một vẻ đẹp trong sáng từ trong tâm hồn – đó mới là giá trị đích thực của con người.
Tội lỗi thường phát xuất từ lòng con người, nó làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha nhân. Bởi vậy, người ta thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy”, khi chúng ta nghĩ điều gì, ấp ủ điều gì trong lòng chúng ta dễ dàng hành động theo cái chúng ta suy nghĩ. Khi mình yêu mến ai, nghĩ tốt cho ai mình thường đối xử với người đó một cách dễ dãi, xuề xoà hay có một tương quan khá dễ chịu. Ngược lại, khi ta ác cảm với ai ta thường hay bắt bẻ, so đo, tính toán với người đó.
Vì vậy, tội lỗi thường xuất phát từ lòng người, đó là cái bên trong làm cho con người ra dơ bẩn. Đó cũng là cái bên trong mà Đức Giêsu muốn nói đến, cái bên trong hay chúng ta còn gọi là “cái tâm”. Cái tâm tốt thì con người tốt và ngược lại cái tâm xấu làm cho con người cũng có những hành động xấu. Là những người Kitô hữu, chúng ta cần phải “tu tâm dưỡng tính” để ta luôn xuất ra bên ngoài những hành động tốt, đầy tình yêu thương. Cái dơ bẩn bên ngoài thì dễ tẩy rửa, nhưng nếu tâm hồn ta hoen ố vì tội lỗi, vì những đó kỵ, những tị hiềm thì ta khó có thể sửa đổi ngay được.
Trong thực tế cuộc sống, đôi khi chúng ta chỉ vì những cái lợi nho nhỏ mà làm mất chính mình, làm mất những tương quan tốt đẹp trong đời sống của mình. Sống trong nền kinh tế thị trường hôm nay, người ta thường đặt lợi nhuận lên hang đầu. người ta tìm mọi cách để trục lợi, bất chấp những luân thường đạo lý. Vì thế người ta thường sống trong nghi kỵ, không còn tin vào người khác.
Chính Chúa Giêsu khẳng định: "Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế" (Mc 7,15b). Các luật sĩ, biệt phái đề cao việc thanh sạch phần xác hơn cả sự thanh sạch tâm hồn. Họ cho rằng tay bẩn, chén dĩa bẩn làm cho con người ra ô uế, trong khi lại coi nhẹ cõi lòng, nơi chất chứa biết bao sự xấu xa, tội lỗi.
Trái lại, Chúa Giêsu muốn hướng người Do Thái đến sự thanh sạch bên trong tâm hồn hơn “luật sạch sẽ bên ngoài” của họ: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7,21-22).
Ta thường đánh giá con người qua những gì quan sát được bên ngoài. Đôi khi cái bên ngoài trông rất tầm thường nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tang vô giá ta không thấy được bằng quan sát bên ngoài mà ta chỉ có thể thấy được bằng cái tâm của mình. Do đó chúng ta cần phải điều chỉnh lại bằng cách xin Chúa giúp cho chúng ta có được cái nhìn thiện cảm về tha nhân để chúng ta biết nhìn sự thật nơi chính mình và luôn thể hiện những điều tốt đẹp qua cuộc sống của mình như những gì Chúa muốn dạy chúng ta.
Ta thấy thế giới hôm nay là một thế giới tiên tiến có một nền văn minh khoa học tiến bộ vượt bậc. Nhìn chung, điều kiện sống con người tốt hơn, họ được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, các phương tiện thông tin liên lạc, vận chuyển, vui chơi, giải trí… đều rất thuận lợi. Tuy nhiên nền đạo đức, luân lý lại xuống cấp: con người ngày trở nên thực dụng, đề cao chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo vật chất và quay lưng lại với Thiên Chúa dẫn đến sự trống rỗng tâm linh và hậu quả là cả một nền luân lý bị băng hoại với biết bao tệ nạn xã hội như ly dị, phá thai, đồng tính, biến thái… kéo theo muôn ngàn hệ lụy khổ đau không lối thoát. Vậy phải làm thế nào?
Hơn bao giờ hết, Ki-tô hữu phải mạnh dạn sống niềm tin vào Thiên Chúa, gắn bó với Người. Vì chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ, sự giải thoát và chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn. “Hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn, Người sẽ cho bạn được phỉ chí thỏa lòng” (Tv. 36,4) Vâng, bởi một khi tâm hồn được giải thoát khỏi những đám mây đen nặng nề u tối của những tham lam, ghen tương, đố kỵ, hận thù, ích kỷ, đam mê bất chính, kiêu ngạo, ngông cuồng… con người mới có thể sống hạnh phúc thật sự. Và đó cũng là cách thế để các gia đình Ki-tô hữu xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, đồng thời trở nên những chứng nhân sống động loan báo Lời Chúa là lời tình yêu ban sự sống và hạnh phúc cho người anh em.
Tác giả bài viết: Sỏi Đá Ven Đường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
THÁNG 10 – THÁNG MẸ MÂN CÔI | |||
14 | Thứ Hai | N | Thánh Têrêsa Giêsu Avila |
15 | Thứ Ba | Thánh Hedwig, Thánh MagarIta Maria Alacoque | |
16 | Thứ Tư | N | Thánh Inhaxiô Antiôkia |
17 | Thứ Năm | Thánh Francois Isidore Gagelin | |
18 | Thứ Sáu | K | THÁNH LU-CA |
19 | Thứ Bảy | Thánh Gioan Bơrêbớp, và Thánh Ixaác Giogơ, Thánh Phaolô Thánh giá | |
20 | Chủ Nhật | CHÚA NHẬT XXIX TN | |
21 | Thứ Hai | Thứ Hai Tuần 29 TN | |
22 | Thứ Ba | Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II | |
23 | Thứ Tư | Thánh Gioan Capistrano, Thánh Phaolô Tống Viết Bường | |
24 | Thứ Năm | Thánh Antôn Maria Claret, Thánh Giuse Lê Đăng Thị | |
25 | Thứ Sáu | Thứ Sáu Tuần 29TN | |
26 | Thứ Bảy | Thánh Gio-an Đạt | |
27 | Chủ Nhật | CHÚA NHẬT XXX TN | |
28 | Thứ Hai | K | THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA |
29 | Thứ Ba | Thứ Ba Tuần 30 TN | |
30 | Thứ Tư | Thứ Tư Tuần 30 TN | |
31 | Thứ Năm | Thứ Năm Tuần 30 TN |
|