Lời Chúa: Ga 1, 29-34
Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi’. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel”.
Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.
Suy niệm
LỜI TUYÊN XƯNG TUYỆT ĐẸP
Đây là lời chứng thứ hai của Gio-an Tẩy Giả về Đức Giê-su. Ông xác nhận Đức Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, có sứ mệnh xóa bỏ tội trần gian. Người là Đấng mà Gioan được sai đến trước để dọn đường qua dấu chỉ Thánh Thần ngự xuống. Gio-an đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su khi làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, nên ông đã làm chứng: “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.
Đây là Chiên Thiên Chúa: Chiên Thiên Chúa hay Chiên Vượt Qua thời Xuất Hành (x. Xh 12,3-46). Tin Mừng Gio-an cho thấy Đức Giê-su chính là Con Chiên lễ Vượt Qua qua ba sự kiện: Một là thời gian quan Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su vào Giờ Thứ Sáu (tức 12 giờ trưa) trong ngày lễ áp lễ Vượt Qua (x. Ga 9,14), trùng với giờ các tư tế giết chiên trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để mừng đại lễ Vượt Qua. Hai là cành hương thảo: Người Do thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào chậu đựng máu chiên và quét lên khung cửa nhà. Điều này giống như một tên lính đã lấy miếng bọt biển thấm giấm, buộc vào cành hương thảo đưa lên miệng Đức Giê-su nếm (x. Ga 19,29). Ba là chỉ thị của Mô-sê cấm đánh gãy xương của con Chiên bị giết trong biến cố Vượt Qua: quân lính không đánh dập ống chân của Người trên cây thập giá (x. Ga 19,34).
Về con chiên gánh tội : Trong lễ Xá Tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế sẽ đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó, Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Người ta cử hành nghi lễ sám hối này để xin Đức Chúa xóa hết tội cho mình (x. Lv 1,4). Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: "Chính các bệnh tật của chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán... Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh... Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7/10).
Đấng xóa bỏ tội trần gian: Thay vì dùng chữ gánh tội, Tin Mừng Gio-an đã dùng chữ “xóa” theo nghĩa “làm mất đi” (x. 1 Ga 3,5). Và như vậy “xóa tội” nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi. Trong cuộc Vượt Qua, nhờ máu chiên được sát tế và quét lên khung cửa nhà mà các con trai đầu lòng của người Do thái khỏi bị tiêu diệt (x. Xh 12,23). Cũng vậy, nhân loại nhờ việc Đức Giê-su chịu chết sẽ được xóa bỏ tội lỗi, giống như bỏ đi gánh nặng đè trên mình họ. + Có người đến sau tôi, vì có trước tôi: Tuy về thời gian, Đức Giê-su được sinh ra sau Gio-an 6 tháng (x. Lc 1,24.26), nhưng về bản tính Thiên Chúa thì Người luôn hiện hữu cả trước khi Gio-an ra đời.
Tôi đã không biết Người: Kiểu nói “không biết” có nghĩa là Gio-an đã không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Cái “không biết” của Gio-an cũng giống như “không biết” của người Do thái trong câu “Ở giữa các ông có Đấng mà các ông không biết” (Ga 1,26). Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en: Việc Gio-an làm phép rửa cho Chúa Giê-su chính là cơ hội để Người tỏ mình là Đấng Thiên Sai cho dân Do thái.
Ông Gio-an còn làm chứng: Do những dấu chỉ “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”, mà Gio-an đã nhận ra thân phận của Đức Giê-su: Người thực là “Con Thiên Chúa”, là “Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn”. + Thánh Thần như chim bồ câu: Kiểu nói này không khẳng định Thánh Thần hiện ra dưới hình của chim bồ câu, nhưng đáp xuống trên Đức Giê-su giống như tiếng rung nhè nhẹ của loài chim ấy.
Và ngự trên Người: Việc “Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và lưu lại trên Đức Giê-su” tượng trưng cho hiệu quả của việc tuôn đổ ơn Thánh Thần, là ban sự sống để thiếp lập một dân Ít-ra-en mới. Cũng vậy, trong ngày lễ Hiện Xuống, “Lưỡi Lửa” không trực tiếp tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, nhưng tượng trưng cho việc các Tông Đồ được Thánh Thần ban cho “nói tiếng lạ” để công bố Tin Mừng khắp thế gian.
Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Câu này được lặp lại để nhấn mạnh việc Gio-an không tự nhận biết Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa nhưng là do chính Thiên Chúa, Đấng sai Gio-an làm phép rửa đã dạy cho ông biết.
Đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần: Làm phép rửa trong Thánh Thần là một thành ngữ ám chỉ công việc chính của Đức Giê-su là “xóa bỏ tội lỗi” bằng cách tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống trên kẻ tin và lãnh nhận phép rửa để được tha tội ( Ga 3,5-8).
Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn: Gio-an xác định việc ông làm chứng “Chúa Giê-su là Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn” là do Thiên Chúa soi sáng. “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” đồng nghĩa với “Con Thiên Chúa”, như lời sấm của I-sai-a: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn…” (Is 42,1). Việc Chúa Giê-su được Thiên Chúa tuyển chọn gắn liền với việc Người được ban Thần Khí để chu toàn sứ mạng Thiên Sai.
Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa, nhất là trong mỗi thánh lễ, chúng ta xác tín ơn huệ cứu độ đặc biệt được lãnh nhận, nhờ tình yêu phục vụ và hy sinh của ngài. Và cũng từ đó, chúng ta được mời gọi bước theo ngài trong việc loan truyền ơn cứu độ hồng phúc đó cho anh em chung quanh, cũng bằng một tình yêu phục vụ và hy sinh.
“Đây Chiên Thiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Đó là lời giới thiệu và lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, cho dân chúng bên bờ sống Giodan. Đó cũng là điều chúng ta vẫn tuyên xưng trong mỗi thánh lễ, để tung hô Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống cứu chuộc mọi người.
Suy niệm 2
CUỐN THEO THÁNH THẦN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Tôi đã không biết Người!”.
Moody nói, “Tôi tin chắc, ngay khi lòng chúng ta không còn kiêu ngạo, ích kỷ, tham vọng và mọi điều trái luật Chúa, thì Chúa Thánh Thần sẽ lấp đầy mọi ngóc ngách trong đó. Nhưng nếu lòng chúng ta đầy kiêu ngạo, tự phụ và tham vọng thế gian, Chúa Thánh Thần sẽ không có chỗ. Phải trống rỗng trước khi được lấp đầy; bấy giờ, bạn mới có thể ‘cuốn theo Thánh Thần!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay giới thiệu Gioan, một người đã nên trống rỗng để được lấp đầy! Là vị tiền hô của Chúa Giêsu, nhưng thoạt tiên, Gioan khiêm tốn nhìn nhận, “Tôi đã không biết Người!”;
tuy thế, Gioan vẫn để cho mình được gợi hứng bởi Thánh Thần và ‘cuốn theo Thánh Thần!’.
Quả vậy, Gioan đã không để cho sự không chắc chắn về các chi tiết ngăn cản mình; vì lẽ, Thiên Chúa có một kế hoạch và Gioan ý thức mình được kêu gọi để tham gia vào kế hoạch đó. Và ngay khi biết hướng nào phải đi, Gioan đã đi, bất chấp việc không biết chính xác điểm đến! Đôi khi, chúng ta cũng muốn có một sự hiểu biết đầy đủ về kế hoạch của Chúa, nhưng lại ngần ngại tiến về phía trước cho đến khi chắc chắn biết chính xác điều gì phải làm. Tuy nhiên, hiếm khi Thiên Chúa cho ai đó một cái nhìn đầy đủ về những hoạch định của Ngài trước khi người ấy bắt đầu. Ngài muốn chúng ta tín thác, hành động theo những gì đã biết và tin chắc; phần còn lại, Ngài lo. Không phải không cần, hoặc không nên có một tầm nhìn xa như mỗi người có thể, nhưng chúng ta đừng trông mong việc Chúa cho chúng ta tham gia vào “kế hoạch tổng thể” của Ngài. Khi Chúa gọi, phản ứng tốt nhất của chúng ta là đi theo mà không thắc mắc về đường lối, và cứ cho phép mình được ‘cuốn theo Thánh Thần!’.
Thực tế là chúng ta phải tuyệt đối tin cậy nơi Chúa và hết sức chú ý đến công việc của Ngài; từ đó, đọc ra kế hoạch Ngài định. Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu vì Gioan hoàn toàn chú ý đến những dấu chỉ Chúa Cha ban. Dấu chỉ đó là Thánh Thần, “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Thiên Chúa thường không phán với chúng ta qua những khải tượng và những dấu chỉ đặc biệt; tuy nhiên, nếu chúng ta có một thái độ cởi mở như Gioan trước những linh hứng của Thánh Thần và nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa trong các biến cố chung quanh, chúng ta cũng sẽ nhận ra kế hoạch của Ngài cho cuộc đời mình, và làm theo kế hoạch đó. Thời gian quan trọng nhất để lắng nghe tiếng Chúa là trong khi cầu nguyện! Vì vậy, việc dành thời gian để ở bên Chúa phải là một phần trong thói quen hàng ngày của mỗi người chúng ta; nhờ đó, bạn và tôi mới có thể ‘cuốn theo Thánh Thần!’.
Anh Chị em,
“Tôi đã không biết Người!”. Thật lạ lùng khi Gioan nói, “không biết Người!”. Hiểu biết của Gioan ở đây là sự hiểu biết về một Đấng Messia, mặc dù trước đó, Gioan biết rõ Chúa Giêsu là ai, một người họ hàng với Gioan, con trai của người em họ mẹ mình; và cũng có thể Gioan đã biết Chúa Giêsu khi còn trẻ trước khi Gioan đi vào sa mạc. Tuy nhiên, Gioan vẫn nói rõ, Gioan không biết Chúa Giêsu cho đến khi Thánh Thần tiết lộ danh tính thực sự của Ngài. Rõ ràng, Gioan đã làm cho lòng mình trống rỗng; ở đó, “không còn kiêu ngạo, ích kỷ, tham vọng và mọi điều trái luật Chúa”. Và Thánh Thần đã có cơ hội lấp đầy con người khiêm hạ này!
Chớ gì nhìn nhận khiêm tốn của Gioan cũng là nhìn nhận thực sự của bạn và tôi khi lòng chúng ta không còn “kiêu ngạo, tự phụ và tham vọng thế gian”; bấy giờ, Chúa Thánh Thần sẽ có chỗ, và Ngài cũng sẽ lấp đầy. Và rồi, như Gioan, bạn và tôi có thể thanh thản để mình cuốn theo Thánh Thần!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình, dám trở nên trống rỗng, hầu cũng được lấp đầy; bấy giờ, con có cơ may ‘cuốn theo Thánh Thần!’”, Amen.