Thứ Bảy sau lễ Tro
Thứ sáu - 24/02/2023 00:52
455
Lời Chúa: Lc 5, 27-32
Khi ấy, Ðức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Ðức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Ðức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
Suy niệm
Là một viên chức của chính phủ, chắc ông Lê-vi có một cuộc sống thoải mái. Nhưng rồi ông đã nghe Chúa Giê-su gọi và tâm hồn ông đã giao động mãnh liệt đến độ muốn bỏ lại cuộc sống cũ để trở thành một môn đệ của vị rao giảng đến từ Na-da-rét.
Bạn có thể nghĩ đây là cách tuyệt hảo để kết thúc câu chuyện: một nhân viên thuế vụ chai đá đang đón nhận một đời sống ưu ái và giản dị hơn. Nhưng ông Lê-vi lại gặp một trở ngại mới, khi một số người Pha-ri-sêu cắt ngang bữa tiệc ông đang khoản đãi Chúa Giê-su. Họ chất vấn Chúa Giê-su đã lân la ở với đám bạn bè không tử tế của ông Lê-vi. Chẳng phải một nhà lãnh đạo tinh thần cần tránh kẻ tội lỗi để khỏi bị lây nhiễm hay sao?
Rồi giống như xát muối thêm vào vết thương, Chúa Giê-su còn tán đồng với nhóm Pha-ri-sêu khi Người ví ông Lê-vi và các bạn ông là “người đau ốm” cần thầy thuốc. Đúng thế, là những người đau ốm! Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu mọi người nói về bạn như vậy? Bạn sẽ không có một chút tự vệ hay sao? Bạn có thể tưởng tượng ra ông Lê-vi, cũng chính là thánh Mát-thêu, sẽ phản ứng như thế nào. “Này, khoan đã! Tôi chẳng phải là một kẻ mang tai họa đến cho người khác! Nếu Chúa Giê-su muốn dành thì giờ ở với tôi và các bạn bè tôi, thì đó là việc của Người”.
Nhưng đó không phải là cách phản ứng của ông Lê-vi. Sự kiện ông đã ở lại với Chúa Giê-su và trở thành một trong số mười hai tông đồ của Người, đó là một chứng từ nói lên sự khiêm nhường và tận hiến của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn rộng rãi hồi tháng chín vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ví Giáo Hội như một “bệnh viện” dành cho các tín hữu, không phải chỉ riêng cho những kẻ thiếu lòng tin, nhưng cho hết thảy chúng ta. Thật khó mà nghĩ về chúng ta giống như những kẻ đau ốm và cần giúp đỡ. Nhưng đó là điều mùa Chay và thánh giá nhắm đến. Như thánh Phao-lô đã viết: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Ti-mô-thê 1:15). Nếu chúng ta có thể áp dụng lời thánh Phao-lô vào chính mình, nếu chúng ta có lòng khiêm nhượng và tận hiến như ông Lê-vi, chắc chắn chúng ta sẽ gặp được cùng một niềm vui, an bình và tự do mà các ngài đã được. Như thế việc chúng ta mừng lễ Phục Sinh sẽ trở nên ngọt ngào hơn!
“Lạy Chúa, có thật nhiều cách để con nói là con không cần Chúa, nhưng Chúa biết những gì thực sự đang ở trong tâm hồn con. Lạy Chúa, con thực sự cần Chúa. Xin Chúa hãy đến, mang theo linh dược của lòng Chúa thương xót, để con biết được ân sủng và sự hiện diện của Chúa!”