Lời Chúa: Ga 2, 1-11
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Ðức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Suy niệm
DẤN THÂN LOAN BÁO TIN MỪNG
Chúng ta vừa tưng bừng mừng lễ Chúa Giáng Sinh và lễ Chúa Hiển Linh. Những lễ này gợi nhắc cho chúng ta nhớ rằng ánh sáng tình thương ơn cứu độ của Chúa đã chiếu tỏa trên khắp cõi nhân gian này.
Tin mừng hôm nay cũng có cùng một sứ điệp như vậy, nghĩa là cũng vẫn gợi nhắc cho chúng ta nhớ rằng các dân tộc trên thế giới đã lầm lũi bước đi trong bóng tối của khốn khổ, ù sầu thì nay Chúa đã tỏ mình, Chúa đã hiển linh, đã soi rọi ánh sáng tình thương ơn cứu độ của Ngài vào cả dân ngoại lẫn dân Israel vốn là dân riêng Thiên Chúa tuyển chọn.
Nhưng có một điều xem ra nghịch lý: Chúa đã tỏ mình, hiển linh rồi mà sao thế giới vẫn lầm lũi bước đi trong tăm tối của sự dữ, của hận thù và chia rẽ? Chúa đã chiếu rọi ánh sáng tình thương và quyền năng của Ngài vào chốn dương gian này rồi mà sao lòng chúng ta vẫn tăm tối trong yếu đuối, tội lỗi? Như vậy có lẽ nào chúng ta còn phải chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác?
Thật ra, ta chẳng còn phải đợi Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô. Sở dĩ thế giới này và bản thân mỗi người chúng ta vẫn ngập ngụa trong bóng tối của tội lỗi và sự ác là vì chúng ta vẫn chưa ăn năn, hoán cải, thay đổi lại đời sống của mình để ánh sáng tình thương của Chúa được tỏ rạng. Bởi vậy, lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” vẫn là sứ điệp có tính thời sự không chỉ dành cho dân Chúa xưa kia mà còn dành cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Kinh Thánh cho biết, sau khi chuẩn bị chu đáo cho Chúa một con đường thẳng tắp, một mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, ông Gioan đã lui vào bóng tối âm thầm để ánh sáng Giêsu chiếu tỏa cho hạt giống nứt mộng nảy một mầm sống. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được loan báo qua lời ngôn sứ Isaia “Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
Dưới thời Chúa Giêsu, đất nước Do Thái bị cai trị bởi đế quốc Rôma, người dân phải sống kiếp nô lệ nên họ mất hết tự do. Hàng năm họ phải nộp cho Roma thuế nhà đất, thuế lợi tức, thậm chí thuế thân và nhiều loại thuế gián thu khác. Riêng người Do Thái hằng năm còn phải nộp thuế Đền Thờ và thuế thập phân.Về chính trị, Do Thái còn duy trì chế độ quân chủ nô lệ.Các nô lệ không có quyền gì về pháp lý và bị mua bán như một món hàng.Từ thời Cựu Ước, dân Do Thái đã phải sống trong cảnh lưu đày suốt 40 năm dài ở Babylon, trước mắt họ là con đường dài thăm thẳm tối tăm. Vì thế họ hằng ấp ủ trong lòng khát vọng sớm được giải thoát, được trở về đoàn tụ nơi quê cha đất tổ. Chúa Giêsu đã đến như một vị vua của dân tộc, mở cho dân một con đường sống tự do thênh thang. Người đã đến hoàn trọn lời các ngôn sứ loan báo. Từ đây ánh sáng cứu độ đã bừng lên xua tan bóng tối sự chết, cất đi cái ách nô lệ nặng nề tủi nhục.
Chúa Giêsu chọn Galilê - miền Bắc Do Thái là miền đất của dân ngoạinhư một trung tâm truyền giáo vì nơi đây có vai trò tôn giáo quan trọng, nơi có thành Caphacnaum, hơn nữa Đức Giêsu đã lớn lên ở Nadaret cũng thuộc Galilê. Có thể nói Chúa Giêsu đã quen thuộc địa lý xã hội chính trị và tôn giáo tại Galilê.Bên cạnh đó, người dân vùng Galilêsống cởi mở, thích đón nhận những trào lưu tư tưởng mới nên rất thuận lợi cho việc truyền giáo. Điều đáng nói ở đây, Đức Giêsu giảng dạy có uy quyền và thuyết phục hơn các kinh sư và thày khác bởi Người có phép lạ kèm theo.
Chúa Giêsu loan báo Nước trời “đến gần” qua các dấu hiệu và việc làm cụ thể đó là ma quỷ bị xua trừ, mọi người đau bệnh tật nguyền được chữa lành.Một viễn cảnh thái bình an vui đang mở ra trước mắt mọi người. Dân chúng từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan lũ lượt kéo đến đi theo Chúa Giêsu.Ai nấy lắng nghe một cách chăm chú và sửng sốt bởi chưa bao giờ họ đượcnghe những điều huấn giáo mới mẻ và thuyết phục như vậy.
Chúa Giêsu đã có một khởi đầu mới “thuận buồm xuôi gió”.Người đã đến để thực hiện kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã trao phó.Kế hoạch đó không gì khác ngoài việc yêu thương và giải thoát loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, đem đến cho họ niềm vui, sự an bình và nguồn hạnh phúc đích thực. Nhưng để có được hạnh phúc lớn lao ấy đòi hỏi mọi người phải sám hối. Như vậy sám hối chính là thái độ cần phải có để trở thành công dân Nước Trời.Sám hối chính là nhìn nhận những yếu đuối của mình để thêm tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa.
Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta Tân Phúc-Âm-hóa” bằng việc làm “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả Lời Chúa”.Đó là nhìn nhận lại mối tương quan giữa bản thân chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợpđể đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.
Hơn 2000 năm qua, Giáo hội đã lãnh nhận và tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu thế nhưng đâu đó trên thế giới vẫn còn “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm” chưa nhìn thấy ánh sáng cứu độ, vẫn còn những vùng đất “Galilê” chưa đón nhận hạt giống đức tin. Ý thức được sự khẩn thiết này, ước gì mỗi kitô hữu biết quảng đại dấn thân nhiều hơn nữa trong việc loan báo Tin Mừng, đặc biệt canh tân đời sống đạo trong gia đình, trong giáo xứ để Lời Chúa được vang xa, lan rộng đến tận cùng thế giới.