Mt 21, 33-43. 45-46
"Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi". Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
"Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?" Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái".
Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.
Suy niệm
GIÁ TRỊ THẬT TRONG CUỘC ĐỜI
Ðối với người Israel, vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc. Các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Edêkiel thường dùng hình ảnh này để ám chỉ dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và chăm sóc để trở thành dân riêng của Người. Chúa Giêsu cố ý đưa hình ảnh quen thuộc ấy vào trong phần mở đầu của dụ ngôn trên đây. Cách diễn tả của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho người nghe nhớ đến lời ngôn sứ Isaia nói về sự bất trung của dân Israel.
Cách mở đầu bài giảng như thế khiến cho các thượng tế và kỳ mục phải ở trong tư thế chuẩn bị đối phó, bởi vì họ đang là những nhà lãnh đạo của dân Israel, đang quản lý vườn nho của Thiên Chúa. Và sau phần mở đầu, Chúa Giêsu tấn công ngay vào vị thế đó của họ. Chúa gọi họ là những tá điền, mà lại là những tá điền bất nhân bất nghĩa. Người nói thẳng với họ: "Tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân khác với mục đích làm cho Nước ấy sinh hoa lợi."
Thoạt nghe dụ ngôn trên đây, chúng ta có thể nói nó chẳng ăn nhập gì đến mình cả. Chúa Giêsu hiện trước các thượng tế và các kỳ mục Do Thái thời xưa chứ Ngài đâu khiển trách chúng ta. Chúng ta đâu có dính dự gì vào chuyện của họ. Chúng ta đâu có giết các ngôn sứ của Thiên Chúa, chúng ta đâu có xử tử Chúa Giêsu.
Thế nhưng, nếu chịu khó xét cho kỹ thì chúng ta phải giật mình vì chúng ta đã có những phản ứng chẳng khác gì họ, có khác chăng là trong một bối cảnh khác và với hành động như vậy, chúng ta không giết các ngôn sứ, nhưng chúng ta bỏ ngoài tai những lời giảng dạy của các vị, chúng ta không kết án tử Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đẩy Người ra ngoài lề cuộc sống chúng ta. Nếu chịu khó xét mình, không khéo chúng ta lại tìm thấy hình ảnh của các thượng tế và kỳ mục của Israel nơi bản thân chúng ta.
Có những thứ giá trị luôn ở trong cuộc đời chúng ta mà nhiều khi ta không nhận ra, và một cách nào đó ta chỉ đi tìm kiếm những giá trị chóng qua mau tàn, để rồi một lúc nào đó ta đánh rơi những giá trị vĩnh cửu đáng lý phải được trân quý và gìn giữ trong cuộc sống mình. Lời Chúa hôm nay đã cho ta thấy được cái giá trị vĩnh cửu của đời người mà Chúa đã ban cho, nhưng nhiều khi con người cứ lầm tưởng, cứ u mê, để rồi đánh đổi nó cho những giá trị tầm thường, những tính toán thiệt hơn, để rồi ta tự đánh mất lấy chính cuộc đời mình.
Hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân để lên án các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ là những người có thế giá trong xã hội và tôn giáo Do Thái, là những người thông hiểu luật Thiên Chúa đã ban truyền cho dân. Họ là người có nhiệm vụ giải thích luật và những điều Thiên Chúa dạy để giúp dân giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa và sống theo đường ngay nẻo chính mà Ngài đã truyền ban. Thế nhưng họ lại làm những điều ngược lại, khi ngăn cản tình thương của Thiên Chúa dành cho con người bằng những việc thu vén lợi danh cho riêng bản thân và chất những gánh nặng của các luật lệ cách hà khắc lên đời sống của dân chúng.
Bên cạnh đó, món quà đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái cần được lớn lên và sinh hoa trái trong chính đời sống của họ. Thế nhưng họ cũng đã không làm được điều đó, họ từ chối lời dạy của Thiên Chúa qua các ngôn sứ; họ chống đối, lên án và không chấp nhận đường lối Thiên Chúa đã ban cho họ. Không những thế, khi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã đến giữa loài người để rao giảng về Tin Mừng Nước Trời, về chính Thiên Chúa cho dân Do Thái, thì họ vẫn không tin và từ chối lời rao giảng của Ngài, sau hết họ đã đóng đinh Ngài trên thập giá.
Trong thời đại của chúng ta hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang đến với mỗi người chúng ta. Ngài đến nơi thửa vườn đức tin mà Thiên Chúa đã trao tặng để làm cho thửa vườn đó được lớn lên. Ngài cũng đang đến qua những lời dạy dỗ và hướng dẫn của Hội Thánh nhằm giúp chúng ta sống đúng theo đường lối của Thiên Chúa. Ngài cũng đang đến nơi cả những hoàn cảnh cuộc đời ở xung quang mỗi người chúng ta. Thiên Chúa luôn làm mọi sự cho thửa vườn đức tin của chúng ta, để cho thửa vườn đó được sinh hoa trái một cách dồi dào trong đời sống hằng ngày.
Thế nhưng Ngài cần chúng ta cộng tác với Ngài trong việc canh tác và làm cho thửa vườn của mỗi người được lớn lên. Mỗi người chúng ta không chỉ được mời gọi để chuyên chăm lắng nghe lời Chúa truyền dạy, mà còn làm cho Lời Chúa được sinh hoa trái qua sự kiên vững trong đức tin của mình, qua đời sống bác ái với tha nhân trong việc quan tâm và chia sẻ với những người bất hạnh khổ đau, trong sự lắng nghe và cảm thông với những người tuyệt vọng, trong một tâm hồn rộng mở để đón tiếp những người đang sống bên lề xã hội.
Đó chính là việc canh tác mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta chăm lo cho thửa vườn của đời sống mình. Nhờ đó mỗi người Kitô hữu chúng ta mới có thể mang lại hoa trái cách dồi dào và sẽ có vụ mùa bội thu để dâng lên Thiên Chúa trong ngày Chúa đến thăm cuộc đời mình.
Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta những thời gian, hoàn cảnh, tài năng, trí khôn, tiền của, danh dự, để chúng ta làm vinh dự nước trời. Liệu chúng ta có dùng cho xứng không. Vườn nho có hoa trái không hay chúng ta đã để vườn hoang, sinh gai góc, sinh quả chua, nghĩa là chúng ta gầy dựng tình thương yêu đoàn kết, niềm vui bình an, thì chúng ta đã gây chia ly oán hờn, ganh tỵ đổ vỡ: đó là nho chua.
Xin nhớ một điều này là dù chúng ta có làm gì đi nữa chương trình của Thiên Chúa vẫn thành trụ, chứ chúng ta không thể làm hỏng chương trình của Ngài đâu. Người hư hỏng là chúng ta mà thôi. Hãy xem trường hợp Adong và Eva từ chối Chúa, Chúa lại ban Đấng cứu thế. Lụt đại hồng thủy xong là có giao ước Noe. Tháp Babel đổ rồi có Abraham là cha của một dân tộc đông đúc, Ai cập cứng lòng: chìm dưới biển Đỏ để có được đất hứa. Có núi Sọ, có ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Tất cả sẽ được ơn thánh hóa xóa bỏ. “Hòn đá bị vứt đi trở thành đá góc tường”. Chúng ta đừng giơ chân đạp mũi nhọn nữa.