Lời Chúa: Ga 7:1-2,10,25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có một số người ở Giêrusalem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.
Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
Suy niệm
TIN NHẬN CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu trở lại Galilê vào một dịp lễ Lều trại của người Do thái. Lễ lều trại là một trong những lễ mừng lớn nhất của họ (như Quốc khánh). Ban đầu, đó là ngày lễ tạ ơn sau vụ mùa, nhất là sau mùa hái nho, người ta thường mừng trong tám ngày liền từ 15 –21 Tischri (tháng 7-8) (Lv 25,34). Mục đích của họ gồm hai phần: một là tạ ơn Thiên Chúa cho vụ mùa thành đạt (Tl 33,16), hai là để tưởng nhớ đến những tháng năm ròng rã ở sa mạc sau thời gian thoát ách Ai cập (Lv 23,42). Dịp lễ lớn này, mọi người buộc phải trở lại đền thờ Giêrusalem dâng của lễ như hoa quả để cầu khấn xin mưa thuận gió hòa.
Chúa Giêsu đã đi lẻn vào một số khách lên đền này. Ngài đi trong âm thầm lặng lẽ, nhưng chẳng bao lâu người ta cũng biết, vì Người bắt đầu giảng dạy ngay tại đền thờ. Do đó cuộc tranh luận với Ngài sôi nổi hơn. Một mặt, các quan quyền trong dân lại đi tìm cách hại Ngài (c.25). Họ muốn hủy tiêu Ngài vì họ thấy Ngài quá nổi nang, họ chỉ biết Ngài là con bác thợ mộc mà không theo họ. Họ không chấp nhận bản tính thần linh của Chúa. Dù bao nhiêu chứng cớ cho vai trò Thiên Chúa đó như: Gioan tiền hô, Thiên Chúa Cha, Kinh thánh, chính lời Chúa nói và việc Chúa làm cũng không đánh động những tâm hồn chai đá đó. Họ quyết tâm từ chối thì đó là quyền tự do của mỗi người, Thiên Chúa cũng kính trọng sự tự do đó.
Chúa Giêsu đã đánh thức lương tâm họ, nhất là nhóm biệt phái, là những người học hỏi về Cựu ước, tinh thông lề luật mà không có lòng khiêm nhường thì thật là nguy hại biết bao nhiêu cho mình và cho người khác. Cổ nhân đã từng nói: “Có học mà không hạnh là kẻ ác”, “Có hạnh có đức mà không có học là đần”. Cho nên, ở đời này còn gì quí hơn “có tài, có đức, có hạnh”. Nơi Chúa Giêsu gồm đủ mọi sự khôn ngoan thông thái và đức độ. Nhưng quả chín thì thường bị nhiều con chim mổ lắm.
Với bao nhiêu lời giáo huấn và phép lạ kèm theo, Chúa mạc khải về Thiên Chúa Cha mà người Do thái không biết hoặc chưa biết cho đủ hay chưa biết như phải biết (Ga 5,37). Chúa Giêsu quả quyết Thiên Chúa Cha là người sai Ngài xuống trần gian để cứu chuộc họ (Ga 5,37. 7,33. 6,19. 20,21). Chúa Giêsu đã từng dùng dụ ngôn những người làm vườn nho hung ác để nói lên việc Thiên Chúa Cha sai Ngài xuống trần gian và bị đem giết đi (Mt 21,33-46). Tin Mừng theo Gioan có hơn 25 lần quả quyết Thiên Chúa Cha sai Ngôi Con xuống trần gian.
Sự cứng lòng của những người Do Thái không tin đã nhốt kín họ trong những định kiến mê muội đối với những hành động khẳng khái của Chúa Giêsu. Thay vì khách quan đặt lại vấn đề để tìm ra nguyên do nào đã thúc đẩy Chúa hành động bất chấp nguy hiểm như thế, họ chỉ một mực bưng tai bịt mắt khư khư giữ lấy lập trường riêng của mình. Họ đem lòng dạ quanh co xấu xa của họ ra xét đoán tha nhân và những sự việc xảy ra chung quanh. Họ không nhận ra được sự thật mà Chúa Giêsu đã mang đến; cũng không nhìn thấy hình ảnh của Ðấng Thiên Sai nơi Chúa Giêsu. Thật ra, đó chỉ là những hình ảnh thô thiển do cái nhìn chủ quan của họ tạo ra. Còn Ðấng Cứu Thế đích thực đang đứng trước mặt họ thì họ lại khước từ.
Chúng ta biết rất ít về Đức Ki-tô, dù sau khi đã được Phúc âm mặc khải cho chúng ta. Điều chúng ta biết về Người là giáo huấn Người để lại cho chúng ta. Và giáo huấn đó thì quá giản dị, quá trong sáng, quá là là mặt đất đến nỗi làm chúng ta hơi thất vọng, nếu chúng ta đòi Người làm những điều phi thường ! Những điều mà như chúng ta nghĩ sẽ có thể thành công dễ dàng nếu có một chút can thiệp siêu việt, siêu phàm của Thiên Chúa; Đây chính là phạm vi Đức Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải sống để khám phá là phát triển trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta lại từ chối.
Đức Ki-tô nhắc nhở chứng ta không phải chỉ biết Người theo phạm vi loài người mà chính là theo phạm vi Thiên Chúa. Như chúng ta, không phải chỉ sống theo khía cạnh là người này phải làm lụng vất vả để kiếm bánh ăn mỗi ngày : bánh cho xác, bánh cho con tim, cho trí óc mà còn cần thứ khác siêu việt hơn. Thứ khác đó thuộc phạm vi đức tin mà chúng ta phải khám phá. Thứ khác đó chính là Đức Ki-tô, Người đang sống trong chúng ta. Chính là ơn thánh, chân lý mầu nhiệm mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, Người an ủi chúng ta, không vượt xa mà hoàn toàn ở trong chính chúng ta.
Giờ của Chúa Giêsu chưa đến thì cho dù con người có muốn cũng không làm gì được để giờ ấy mau đến. Có lần Chúa Giêsu phán rằng : “ Giờ Ngài chưa đến” nhưng Ngài vẫn can thiệp, đó là khi Mẹ xin Chúa làm phép lạ ở tiệc cưới Cana. Chính Mẹ đã quan tâm và chăm sóc để cho đôi tân hôn được hạnh phúc. Thật thế, Thiên Chúa là Tình Yêu và tất cả những gì là tình yêu đều được Ngài ủng hộ. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở, mời gọi chúng ta kiên trì trong những gì chúng ta đang làm vì vinh danh Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân, kiên trì và tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa là Cha và là Đấng hết lòng yêu thương những thụ tạo của Ngài.
Mùa Chay, mùa của hoán cải, chúng ta được mời gọi thay đổi trước tiên cái nhìn của chúng ta. Tin nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận Ngài, là đi vào cái nhìn của Ngài, là đánh giá mọi sự bằng chính cái nhìn của Ngài. Mùa Chay là mùa quay trở lại với anh em. Ước gì cái nhìn của chúng ta đối với anh em không dừng lại theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, nhưng được mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung, tha thứ của Chúa. Ước gì cái nhìn của chúng ta về cuộc sống không đóng khung trong những phán đoán thông thường của người đời, nhưng được hướng dẫn bởi những tâm tình tin tưởng, phó thác, lạc quan của chính Chúa.
Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSSR
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
THÁNG 10 – THÁNG MẸ MÂN CÔI | |||
14 | Thứ Hai | N | Thánh Têrêsa Giêsu Avila |
15 | Thứ Ba | Thánh Hedwig, Thánh MagarIta Maria Alacoque | |
16 | Thứ Tư | N | Thánh Inhaxiô Antiôkia |
17 | Thứ Năm | Thánh Francois Isidore Gagelin | |
18 | Thứ Sáu | K | THÁNH LU-CA |
19 | Thứ Bảy | Thánh Gioan Bơrêbớp, và Thánh Ixaác Giogơ, Thánh Phaolô Thánh giá | |
20 | Chủ Nhật | CHÚA NHẬT XXIX TN | |
21 | Thứ Hai | Thứ Hai Tuần 29 TN | |
22 | Thứ Ba | Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II | |
23 | Thứ Tư | Thánh Gioan Capistrano, Thánh Phaolô Tống Viết Bường | |
24 | Thứ Năm | Thánh Antôn Maria Claret, Thánh Giuse Lê Đăng Thị | |
25 | Thứ Sáu | Thứ Sáu Tuần 29TN | |
26 | Thứ Bảy | Thánh Gio-an Đạt | |
27 | Chủ Nhật | CHÚA NHẬT XXX TN | |
28 | Thứ Hai | K | THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA |
29 | Thứ Ba | Thứ Ba Tuần 30 TN | |
30 | Thứ Tư | Thứ Tư Tuần 30 TN | |
31 | Thứ Năm | Thứ Năm Tuần 30 TN |
|