Lời Chúa: Lc 1, 39-45
Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Suy niệm 1
THĂM VIẾNG CHIA SẺ THỂ HIỆN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và Bà Elisabeth, tác giả Luca cho thấy kinh nghiệm của một người phàm lần đầu tiên hiểu ra điều gì đã xảy ra cho Đức Maria và phản ứng khi hiểu được điều ấy. Ở tại trung tâm, có Thiên Chúa và hoạt động của Người đối với Đức Maria, nơi Mẹ mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã được thực hiện.
Sau khi được sứ thần cho biết bà chị họ là Êlisabét đã có thai, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng. Cuộc viếng thăm của Maria vừa đem lại niềm vui cho gia đình Dacaria, vừa nói lên đức bác ái cụ thể của Đức Maria đối với bà chị họ, khi bà sắp tới ngày sinh con. Cuộc gặp gỡ cũng đem lại ơn cứu độ của Đấng Mêsia cho thai nhi Gioan, thể hiện qua sự kiện nhảy mừng trong lòng mẹ. Nhờ được Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận ra cô em Maria chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai và bà đã ca tụng Maria diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa.
Đức Maria vội vã lên đường : Sự vội vã của Đức Maria nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ và cũng chia vui với chị ơn được làm mẹ như một ơn Chúa ban đang khi bà không còn chút hy vọng có con. Ngòai ra, Mẹ còn muốn giúp đỡ bà chị họ “nay đã có thai được sáu tháng” qua việc “ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi đứa con chào đời. + Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét: Người Do thái có nhiều cách chào: Thần dân chào vua chúa thì xuống ngựa và đến sấp mình trước mặt nhà vua (1 Sm 20,41; 25,23); Nếu hai bên là thân thuộc nghĩa thiết hay có quan hệ thầy trò thì sẽ chào hỏi bằng cách ôm hôn nhau (1 V 19,20; Lc 22,47). Lời chào thông thường là “Shalom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” hay “Giavê ở cùng anh” (x.Ga 20,19). Trong Tin Mừng hôm nay sứ thần Gáprien đã chào Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Do việc chào hỏi dài dòng mất nhiều thời gian, nên Đức Giêsu đã chỉ thị môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường khi đi làm công tác truyền giáo ( Lc 10,4).
Đứa con trong bụng nhảy lên: Có lẽ thai nhi Gioan chỉ co đạp liên hồi trong bụng khiến bà Êlisabét tưởng như em đang nhảy mừng hân hoan khi gặp thai nhi Mêsia (Lc 1,14), giống như vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia Giao ước (x 2 Sm 6,14). + Và Bà được đầy Thánh Thần: Nhờ được ơn Thánh Thần soi sáng, bà Êlisabét đã nhận biết bào thai cô em họ đang cưu mang chính là Đấng Thiên Sai. + Em được chúc phúc: Bà Êlisabét ca tụng Đức Maria là người có phúc hơn mọi phụ nữ, vì đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người.
Thân mẫu Chúa tôi: Trong Thánh kinh, danh hiệu “Chúa tôi” thường dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng có lần danh hiệu này được gán cho Đấng Thiên Sai. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” về sau trở thành nền tảng để Hội Thánh tôn vinh Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos), và hình thành phần thứ hai của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”. Về danh xưng này, khi hiện ra với các mục đồng ở Belem vào ngày Chúa Giáng Sinh, sứ thần đã nói như sau: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 11). Trong Tin mừng Luca, danh xưng Đức Chúa của Đức Giêsu được nói đến 40 lần. + Em thật có phúc vì đã tin: Tin Mừng Luca đã quy tụ hai ơn phúc của Đức Maria vào trong lời chúc tụng của bà Êlisabét: một là phúc được “làm Mẹ Đấng Cứu Thế” và hai là phúc “đã tin những lời Chúa phán” (Lc 1, 42-45).
Về sau trong lúc Chúa Giêsu giảng đạo, một phụ nữ cũng ca ngợi thân mẫu của Ngừơi: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” và Chúa Giêsu liền bổ túc thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Nơi Đức Maria hai phúc này liên kết thành một: ngay khi tin mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Maria lập tức trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Có thể khi nói câu này, bà Êlisabét đã liên tưởng đến sự nghi ngờ cứng tin của ông Giacaria chồng bà trước đó (Lc 1, 20.45).
Suy niệm 2
MẸ CHÚA CỦA TÔI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”.
Trong tác phẩm của mình, “Growing Strong”, tạm dịch, “Lớn Lên Mạnh Mẽ”, C. Swindoll viết, “Có một số món quà mà bạn có thể trao tặng trong dịp Giáng Sinh vượt quá giá trị tiền tệ! Đó là chữa lành một cuộc hờn dỗi, gạt bỏ một mối nghi ngờ; nói với ai đó, “Tôi yêu bạn”; âm thầm cho đi một thứ gì đó; tha thứ cho ai đó. Nhưng có một món quà vốn không thể so sánh với bất cứ món quà nào khác mà bạn có thể tặng trao, đó là Giêsu, món quà vĩ đại nhất!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Giêsu, món quà vĩ đại nhất!”, đó là quà tặng Maria đã đem đến cho gia đình Zacharia! Và với trình thuật Thăm Viếng hôm nay, Luca bất ngờ tiết lộ một danh hiệu khác của Đức Maria, “Mẹ Chúa của tôi”; danh hiệu này được thốt lên từ miệng Elizabeth, một người ‘được lây’ Thánh Thần khi bà chào người em họ, “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”.
Như vậy, “Mẹ Chúa của tôi” sẽ là danh hiệu của một thiếu nữ có tên là Maria. Thánh Kinh cũng đã nhiều lần nói đến “một thiếu nữ” với những cách nói, “thiếu nữ Sion”, “nhi nữ Israel”, “nữ tử Giêrusalem”. Thật trùng hợp, bài đọc Sôphônia hôm nay viết, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Hỡi thiếu nữ Israel, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan!”, vì “Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi!”.
Nói rằng, Maria là “Mẹ Chúa của tôi” khác nào nói, Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Danh hiệu Giêsu là “Chúa của tôi” làm nổi bật chiều kích cá nhân mối quan hệ mỗi người chúng ta với Con Thiên Chúa. Nó làm vang vọng cách thức Tôma tuyên xưng Đấng Phục Sinh ở cuối Tin Mừng thứ tư, “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”. Đó là lời tuyên xưng tuyệt vời sau khoảng thời gian mà vị tông đồ này vô cùng ngờ vực; nhưng với lòng thương xót, Chúa Phục Sinh đã hiện ra củng cố đức tin yếu kém của ông. Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của Tôma; nhưng Ngài cũng là “Chúa của tôi và là Thiên Chúa của tôi” với mỗi người chúng ta.
Khi xưng hô với Chúa Giêsu là “Chúa của tôi”, như Mẹ Maria, chúng ta cho phép Ngài làm Chúa đời mình, làm chủ cuộc sống độc nhất và không thể lặp lại của mình. Như Mẹ Maria, Giêsu đã là quà tặng lớn nhất, tuyệt vời nhất cho gia đình Elisabeth, mỗi người chúng ta cũng có thể đem tặng Giêsu cho tha nhân. Và như Elizabeth đã tôn kính Maria là “Mẹ Chúa của tôi” đã đem đến cho bà quà tặng Giêsu, ước gì những người chúng ta gặp gỡ cũng sẽ nhận biết mỗi người chúng ta là “Mẹ Chúa của tôi” khi chúng ta trao tặng và sinh hạ Giêsu trong lòng họ.
Anh Chị em,
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”. Ước gì tất cả những anh chị em chúng ta viếng thăm, hoặc những người thăm viếng chúng ta có thể nhận được nhiều hơn trong lễ Giáng Sinh này! Nhiều hơn ‘một cuộc hờn dỗi được chữa lành, nhiều hơn một mối nghi ngờ được gạt bỏ; một lời thì thầm “Tôi yêu bạn”; một thứ gì đó được âm thầm cho đi; một ai đó được tha thứ’, nghĩa là họ sẽ nhận được “Giêsu, món quà vĩ đại nhất!” khi chúng ta trở nên những “Mẹ Chúa của tôi” cho họ! Maria, đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên mang quà tặng Giêsu, vốn đã thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại; thì cả chúng ta, cũng hãy là một nhà truyền giáo ra đi tặng trao Giêsu để góp phần thay đổi lịch sử thế giới. Tại sao không? Tất cả vật chất trần gian đều trở nên thứ yếu so với quà tặng Giêsu. Nếu không chia sẻ Giêsu, chúng ta không cho những người thân yêu bất cứ điều gì thực sự lâu dài; mang theo quà tặng Giêsu, chúng ta mang theo tất cả!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, kiểu mẫu của con, xin giúp con ngày càng trở nên “Mẹ Chúa của tôi” cho những ai đang cần lòng thương xót Chúa, nhất là trong những ngày này!”, Amen.