Lời Chúa: Ga 1, 35-42
Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).
Suy niệm
RAO GIẢNG CHÚA CHO MỌI NGƯỜI
Gioan đã có rất nhiều ảnh hưởng nơi dân chúng. Dân chúng rất ngưỡng mộ Ngài. Khi được Chúa Giêsu hỏi “Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” (Mt 21,25), thì nhóm Pharisêu đã cảm thấy thật lúng túng. Nói bởi người thì sợ dân chúng phản đối, nói bởi trời thì sao quý vị lại không nghe lời Gioan, nghe những lời mà Gioan đã nói về nhân vật Giêsu. Nói chúng tôi không biết là cách để chữa cháy, để tránh trả lời một sự thật. Họ không dám chấp nhận sự thật.
Không những có ảnh hưởng trong dân chúng mà Gioan cũng có nhiều môn đệ theo mình. Nhưng Gioan vẫn luôn tuyên bố “tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1,19). “Tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài” (Ga 1,27). “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
Không ngần ngại, không tiếc nuối, mà một cách xác tín, Gioan đã dõng dạc, xác quyết với hai môn đệ đang đứng với mình, khi thấy Chúa Giêsu đi qua: “Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Hai môn đệ đó đã tức khắc bỏ thầy Gioan mà đi theo Chúa Giêsu. Thế là mất toi hai môn đệ!
Gioan đã xác tín rằng Chúa Giêsu đích thị là Minh Quân. Chắc chắn Gioan phải mừng thầm vì đồ đệ của mình đã gặp được Minh Quân, Gioan vui mừng vì đã giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Gioan đã đóng đúng vai trò Tiền Hô của mình và Đức Giêsu cũng là Đấng Minh Quân của Gioan. Chẳng phải Gioan đã nhảy mừng trong bụng mẹ mình, khi chỉ mới là 6 tháng tuổi khi gặp được Đức Kitô? Gặp được Chúa là gặp được niềm vui, và niềm vui thì cần được chia sẻ, loan tỏa cho mọi người.
Những cuộc giới thiệu Đức Giê-su trong Tin Mừng: Tin mừng Gio-an nhiều lần đề cập tới việc giới thiêu của ông An-rê. Hôm nay An-rê đã giới thiệu Đức Giê-su cho em ông là Si-mon: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (Ga/1,41). Rồi sau đó đã dẫn em đến gặp Người. Lần khác, ông đã dẫn cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá" giới thiệu với Đức Giêsu, để rồi sau khi đã cầu nguyện tạ ơn, Người đã nhân mấy chiếc bánh và cá đó ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người ăn no. Rồi lần thứ ba, khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem trước cuộc khổ nạn, cũng chính An-rê đã giới thiệu mấy người Hy Lạp đến gặp Đức Giê-su, khiến Người đã nhận ra dấu chỉ đã đến giờ Người ban ơn cứu độ bằng việc chịu chết trên thập giá (Ga 12,31-32).
Hiệu quả của việc giới thiệu Chúa cho tha nhân: Nếu An-rê không giới thiệu em ông là Si-mon với Đức Giê-su thì có lẽ Hội Thánh ngày nay không được xây dựng trên Tảng Đá dức Tin của Phê-rô. Nếu An-rê không giới thiệu cậu bé có "năm chiếc bánh và hai con cá" với Đức Giê-su, thì có lẽ sẽ không có phép lạ nhân bánh ra nhiều của Chúa Giê-su. Vậy bài học Hội thánh muốn chúng ta học nơi thánh An-rê là: Hãy giới thiệu Đức Giêsu với tha nhân và dẫn đưa họ đến gặp gỡ Người. Công cuộc rao giảng Tin Mừng thường theo thể thức: Đức Tin được truyền từ người này đến người kia. Chúa và Hội Thánh hôm nay rất cần những tín hữu biết vững lòng tin vào Chúa và sẵn sàng chia sẻ niềm tin với người thân như An-rê đã gặp em mình là ông Si-mon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,40-42a).
Hãy đến mà xem: Đức Giê-su không hối thúc người ta phải tin Người mà chỉ nới với họ: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến, đã xem thấy lối sống thân thiện, niềm nở, nồng ấm của Người. Họ biết mình đã gặp được một con người tuyệt vời, và thế là phát sinh một tình cảm. Khi ở với Đức Giê-su, họ cảm thấy bình an thoải mái trong tâm hồn. Nhờ tiếp xúc với Đức Giê-su, họ còn khám phá ra chính bản thân mình và quyết tâm sống theo lối sống của Người.
Khác biệt giữa sự áp đặt và tự nguyện theo Chúa: Những người hành quyền trên người khác thì muốn chế ngự người khác, biến họ thành nô lệ theo ý mình. Trái lại, Đức Giê-su không gò ép ai. Người cho người ta tự do lựa chọn theo hay không theo làm môn đệ Người. Chính thái độ sống và gương sáng của Đức Giê-su đã khiến các ông tự nguyện theo làm môn đệ Người
“Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách chúng tôi”: Một vấn nạn được đặt ra là: Tại sao nhiều người công giáo lại không nhiệt tình nói về Chúa cho tha nhân ? Có thể là do ngại ngùng vì chưa nắm vững đức tin, sợ người kia vặn hỏi sẽ không biết giải thích ra sao. Cung có thể điều người công giáo đang quan tâm là tiền bạc vật chất hơn là đức tin tôn giáo. Họ chưa thấy được giá trị thực sự của đức tin nên dĩ nhiên không thiết tha với việc giúp người thân được niềm vui hạnh phúc giống như mình. Nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất là do không mên Chúa nên không cần giới thiệu Chúa, không quan tâm đến viêc “làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” như kinh Lạy Cha dạy.
Thánh Phaolô đã nói câu: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Ước gì câu này không phải là câu dành riêng cho Thánh Phaolô. Ước gì câu này là câu của mỗi Kitô hữu chúng ta.
Chúng ta yêu mến Chúa Giêsu bởi vì người yêu thương chúng ta, Ngài đem cho ta ơn cứu độ. Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu cho mọi người, bởi vì Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất của loài người. Nhất định không còn Đấng cứu độ nào khác.