Thứ Ba sau CN III MV A

Thứ hai - 12/12/2022 09:00  386
mt 21 28 32
Lời Chúa
: Mt 21, 28-32
 
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, sau đó các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Suy niệm 1
TRỞ NÊN MUỐI

Thánh nữ Lucia quê tại Syracusas, Sicily thuộc nước Ý. Sinh vào khoảng thời gian năm 283, dưới thời hoàng đế Diocletien, một vị vua tàn bạo thù ghét người Kitô hữu. Tên của thánh nữ có nghĩa là sự sáng nhưng đời của Ngài vẫn bao trùm trong bóng tối. Ngài là một vị thánh được ưa chuông nên có nhiều câu chuyện ly kỳ được truyền tụng về cuộc đời của Thánh nữ.
Thánh nữ là con gái một gia đình giàu có, mồ côi cha lúc còn thơ ấu. Eutychia mẹ Lucia là một người mẹ phúc hậu và mộ đạo nuôi nấng dạy dỗ. Khi còn là một cô gái nhỏ thánh nữ đã thề nguyền giữ dồng trinh để tận hiến cuộc đời mình cho Chúa.Vì không muốn ai biết nên thánh nữ đã giữ kín cả với mẹ ý nguyện của mình.
Ðến tuổi cập kê, mẹ Lucia  hứa hôn gả Lucia cho một thanh niên giàu có. Ðó là chuyện thường tình theo tập tục thời bây giờ giữa hai gia đình quen biết và không cần đến sự thỏa thuận của đôi bạn trẻ.
Lucia cho mẹ biết là ngài không muốn lấy chồng và tìm mọi cách để tránh mặt vị hôn phu. Mẹ ngài cùng người hôn phu tức giận nhưng ngài vẫn giữ bí mật lời thề nguyền và chỉ cầu xin Chúa gìn giữ ngài.
Mẹ ngài bị bệnh băng huyết trầm trọng nên tàn tạ ốm yếu, Lucia nhắc mẹ về câu chuyện người đàn bà bị băng huyết trong sách Tin Mừng chỉ nhờ sờ vào tua áo của Chúa mà được khỏi bệnh. Lucia khuyên mẹ hãy đến viếng mộ bà Thánh Agatha để cầu xin lành bệnh.
Khi ở mộ thánh Agatha thì mẹ bà được phép lạ lành bệnh. Thánh Agatha hiện ra với Lucia trong giấc mơ và báo cho Lucia biết là ngài sẽ được phúc tử vì đạo để làm sáng danh Chúa Kitô. Lucia liền kể cho mẹ nghe lời thề của ngài và cầu xin mẹ thay đổi ý kiến. Ðược phép lạ lành bệnh mẹ ngài đành chấp thuận chiều theo ý con gái. Sau biến cố này, Lucia từ chối lời cầu hôn và bán hết phần gia tài mà bà mẹ dành cho làm của hồi môn, rồi phân phát cho người nghèo khó. 
Vị hôn phu lấy làm thất vọng và oán hận nên đi tố cáo với quan tổng trấn Lucia là một Kitô hữu. nên Lucia đã bị bắt và dẩn đến trước mặt quan Paschasius.
Vị quan này dùng lời đường mật cũng như mọi khổ hình để bắt Ngài phải dâng hương tế thần, nhưng thất bại. Ông truyền điệu Ngài tới nơi tội lỗi để hủy diệt đức trinh khiết của Thánh nữ, nhưng lạ thay Chúa đã khiến thân xác của Ngài trở nên nặng như núi đá đến nỗi không ai kéo đi được. Ông liền ra lệnh tẩm dầu vào người rồi đốt, nhưng một lần nữa Chúa đã gìn giữ thân xác Ngài toàn vẹn giữa đống lửa hồng.
Cuối cùng Thánh nữ Lucia đã được lãnh phúc tử đạo dưới lưỡi gươm của lý hình năm 304 dưới thời bắt đạo của Diaclêtianô. Trước khi chết, Ngài đã tiên đoán Giáo Hội sắp được bình an. Xác Ngài được chôn cất ngay tại quê hương.
Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi trở nên muối ướp mặn cho đời và ánh sáng cho trần gian. Với thánh nữ Lucia, suốt cuộc đời ngài đã sống triệt để lời mời gọi của Tin Mừng. Thậm chí, ngài sẵn sàng chịu tử đạo để minh chứng cho đức tin. Chính nhờ cuộc tử nạn của Thánh nữ Lucia đã nuôi dưỡng sâu xa lòng đạo đức của các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ.
Khi phác họa lại hình ảnh thánh nữ Lucia, người ta vẽ ngài đang bưng chiếc đĩa để cặp mắt của ngài hay cầm cặp mắt ngài trong các ngón tay. Tên Lucia bắt nguồn từ tiếng la tinh lux, có nghĩa là ánh sáng. Quả thật, cuộc đời của thánh nữ tựa như ánh sáng dẫn đường chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng là Mặt Trời Công Chính, là cội nguồn ánh sáng.
Qua dụ ngôn “Hai người con”, Đức Giê-su muốn gián tiếp cảnh cáo thái độ cứng lòng của các đầu mục dân Do Thái, và kêu gọi họ phải ăn năn sám hối nếu muốn được hưởng ơn cứu độ. Dụ ngôn trình bày về hai thái độ của hai đứa con trong một gia đình:
Cả hai người con đều được cha đề nghị với giọng thân tình là đi làm vườn nho cho ông. Phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất trả lời bằng một câu “Con không muốn” khô khan và bất lịch sự, không đưa ra một lý do nào. Nhưng rồi anh nghĩ lại, “hối hận”, và đi làm việc trong vườn nho. Người thứ hai đáp lại bằng một câu “Con đây, thưa ngài!” lịch thiệp và khả ái: một kiểu xưng hô hợp với một nô lệ hơn là với một người con; anh hứa vâng phục. Tuy nhiên, anh lại không đi đến vườn nho.
Người thứ nhất tượng trưng các người thu thuế tội lỗi, tuy lúc đầu đã phạm tội không làm theo thánh ý Thiên Chúa khi không tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng đã tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai và hồi tâm sám hối tội lỗi, nên đủ điều kiện vào Nước Thiên Chúa của Người.
Người con thứ hai tượng trưng cho các thượng tế và đầu mục dân Do thái. Tuy bề ngoài họ rất có lòng đạo, thể hiện qua việc tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết, nhưng lại cứng lòng không tin vào Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu do Thiên Chúa sai đến. Trái lại còn ra tay giết hại Chúa Giêsu trên cây thập giá. Nên cuối cùng họ sẽ bị loại ra ngòai Nước Thiên Chúa.
Chúng ta học nơi Chúa Giêsu bài học là không có nhận định kiểu thành kiến về giá trị tôn giáo của người ta dựa theo cách phân loại các hạng người tùy các dấn thân theo nguyên tắc hay các lý thuyết của họ. Chỉ lối sống thực tế mới cho thấy lòng dạ con người.
Dù đã nói “không”, hoặc đã sống xấu xa, chẳng một ai lại phải tuyệt vọng. Câu trả lời đầu tiên không phải là lời quyết định, nếu ta không ở lại trong lời ấy, nếu ta biết điều chỉnh nó và vượt thắng nó bằng lối cư xử đúng đắn tiếp sau. Và lối xử sự đúng đắn của những người trước đấy đã sống sai lạc hẳn là phải thúc đẩy những người vẫn tự nhận là tốt lành đi đến hoán cải, nhưng không khiến họ bắt chước hành động trước đây của mình.
Dù chúng ta hay người anh em có thế nào, tất cả đều là con của cùng một Cha, được Ngài thương trọn vẹn, tín nhiệm trọn vẹn, và giao công việc đồng đều: chăm sóc chính vườn nho của Ngài. Chúng ta có biết nhận ra vinh dự đó mà sống cho nghiêm túc đời sống và sứ mạng của mình, đồng thời giúp anh chị em cũng sống được như thế chăng?



Suy niệm 2
KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.
Charles Spurgeon nói, “Khi Chúa muốn thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi, Ngài chọn một người bất khả thi và làm cho người ấy vỡ vụn. Tôi bị hấp dẫn bởi từ ‘vỡ vụn!’. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là ‘tan nát’. Điều Chúa muốn tôi dâng lên Ngài là một tinh thần tan nát và một trái tim bầm dập. Mãi cho đến khi lòng kiêu hãnh tan vỡ, chúng ta mới bắt đầu hiểu được những sâu nhiệm của Ngài. Bởi lẽ, Thiên Chúa chỉ làm được những điều vĩ đại ngang qua những con người đã từng để Ngài vùi dập cho đến tan nát. Thật ‘không thể tin được!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nghịch lý ‘không thể tin được’ của Charles Spurgeon, một lần nữa, được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Cựu Ước cho biết, Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường; bài đọc Tân Ước ghi lại câu nói rất khó tin Chúa Giêsu dành cho giới lãnh đạo tôn giáo đương thời, “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.
Qua ngôn sứ Sôphônia, Thiên Chúa hứa một điều lạ lùng: kẻ bần cùng được Ngài đoái thương; hạng quyền thế Ngài dìm xuống bùn đen, “Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng; sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo hèn”. Thánh Vịnh đáp ca cũng một tâm tình, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhậm lời!”. Với bài Tin Mừng, việc Chúa Giêsu so sánh giới lãnh đạo và các cô gái điếm thật gây sốc. Ngài có thực sự nói như thế? Phải chăng sự thánh thiện của những cô gái điếm và những người thu thuế vượt trội bội phần so với giới lãnh đạo tôn giáo? Đúng, Ngài đã nói thế! Thật là một “cái tát vào mặt” các chức sắc, một cái tát đến ‘vỡ vụn’ ‘không thể tin được!’. Nhưng “thuốc đắng ‘đã’ tật”; đó là một cái tát đến tan nát vì lợi ích của linh hồn.
Chính sự kiêu ngạo đã khiến các thượng tế và kỳ lão không bao giờ chấp nhận những lời này. Bởi lẽ, họ đánh giá bản thân quá cao và mong người khác đánh giá cao về họ; họ bị thuyết phục về việc tự cho mình là công chính và đó là một sai lầm nghiêm trọng! Thế nhưng, Chúa Giêsu đã làm mọi thứ ‘công chính’ này vỡ vụn, bằng cách nâng những cô gái điếm và những người thu thuế lên tận Nước Trời. Họ là những đứa con thưa “Không” với cha, nhưng sau đó ân hận và đi làm vườn nho; đang khi các lãnh đạo tôn giáo vị vọng là những đứa con thưa “Vâng”, lại chối từ việc làm.
Vậy trong hai nhóm này, bạn thuộc nhóm nào? Nhóm các chức sắc tôn giáo hay các cô gái điếm và hạng thu thuế? Có lẽ thật khó để chúng ta thừa nhận dứt khoát mình thuộc nhóm nào! Chúng ta có xu hướng nhận mình thuộc nhóm công chính; nhưng cũng thừa nhận đôi chút khiếm khuyết hoặc một tội cá nhân nào đó. Vậy mà, ở đây, Chúa Giêsu không nói đến một ‘nhóm lưng chừng’. Sự thật là chúng ta cần thấy mình thuộc hẳn về nhóm thu thuế và các cô gái xấu số. Tại sao? Bởi bạn và tôi đều là tội nhân! Có thể không mắc tội của họ, nhưng chúng ta có tội và phải thừa nhận điều này. Và trên thực tế, nếu không thừa nhận yếu đuối và tội lỗi mình, chúng ta khác nào các thượng tế và kỳ lão mắc kẹt trong niềm kiêu hãnh khi tự cho mình là công chính!
Anh Chị em,
“Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang ngỏ những lời này với chúng ta, những người đang sống trong một nền “văn hoá son phấn”, theo cách nói của Đức Phanxicô. Trong nền văn hoá son phấn đó, chúng ta khó nhận ra con người thật của mình. Mùa Vọng, mùa nhìn lên hang đá và trầm tĩnh để nhận ra ‘tôi đang thuộc nhóm nào?’. Nhìn lên hang đá, kìa, sự chật hẹp của lòng người và sự hào hiệp vô song của Chúa Trời! Nhìn lên thánh giá, kìa, sự khủng khiếp của tội lỗi và sự vĩ đại của tình yêu! Mùa Vọng, mùa xin Chúa đánh vỡ vụn tâm hồn cho đến khi bạn và tôi thấy được tội lỗi mình; mùa để thấy sự khao khát của linh hồn đối với Chúa; và Mùa Vọng, cũng là mùa trải nghiệm niềm vui, tự do từ sự chữa lành của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con, cho dù phải vỡ vụn khi con nghe những lời ‘không thể tin được’ Chúa dành cho con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,846
  • Tổng lượt truy cập7,076,247

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây