Bánh Thánh Thể

Thứ bảy - 05/06/2021 22:56  1187
thanh the 1


    Chúa Giêsu không chỉ để lại những lời nói cho chúng ta, vì thật là dễ quên những gì chúng ta đã nghe thấy. Người không chỉ để lại cho chúng ta Kinh Thánh, vì thật là dễ quên những gì chúng ta đã đọc được. Người không chỉ để lại cho chúng ta những biểu tượng, vì chúng ta có thể quên ngay cả những gì chúng ta từng thấy. Người để lại cho chúng ta Thần Lương, vì không dễ để quên một thứ mà chúng ta đã thực sự nếm thử. Người đã để lại cho chúng ta Tấm Bánh trong đó Người thực sự hiện diện sống động và chân thực, với tất cả hương vị của tình yêu. Khi đón nhận Người, chúng ta có thể nói: “Người là Chúa, Người nhớ đến tôi!” Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cor 11,24). Hãy làm! Bí tích Thánh Thể không chỉ đơn giản là một hành động tưởng nhớ; đó là một thực tế: Lễ Vượt Qua của Chúa được tỏ hiện một lần nữa cho chúng ta, hãy đến với nhau và cử hành Bí tích Thánh Thể như một cộng đồng, như một dân tộc, như một gia đình để tưởng nhớ đến Thầy. Chúng ta không thể làm gì nếu không có Bí tích Thánh Thể, vì đó là kỷ niệm về Chúa.
Đức Kitô đã tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra để xây dựng thế giới mới. Đó là cách biểu lộ tình thương ở một mức độ cao nhất, bộc lộ hết ý nghĩa của hai chữ yêu thương. Ngôn ngữ của Thánh Gioan, ngôn ngữ của nhà Thần bí đã mô tả: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Tấm bánh mà Đức Kitô đã tự nguyện trao hiến cũng phải trải qua nhiều công đoạn: hạt lúa phải được xay ra, nhào bột và nướng để trở thành tấm bánh thơm ngon. Có thể nói, Người là hạt lúa miến tinh tuyền đã được gieo cấy trong trần gian, trước hết trong lòng Đức Mẹ Đồng Trinh, Người đã lớn lên trong ánh sáng mặt trời ở Nazareth, đã vươn lên trên nhân loại tội lỗi này, tựa cây lúa vươn lên giữa bùn nhơ. Rồi Người đã bị gặt hái… bị nghiền nát, bị nướng, bị bẻ ra và được trao cho mọi người.
Người tiếp cận chúng ta một cách nhẹ nhàng, trong sự đơn sơ hiền hòa của Tấm Bánh. Người đến như Tấm Bánh bẻ ra để phá vỡ những vỏ bọc chung quanh sự ích kỷ của chúng ta. Người trao ban chính mình để dạy chúng ta rằng: chỉ bằng cách mở rộng trái tim, chúng ta mới có thể thoát khỏi những rào cản bên trong, và vượt thoát sự tê liệt của trái tim.
    Khi trao ban chính Người cho chúng ta trong sự đơn sơ của Tấm Bánh, Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng lãng phí cuộc sống của mình để theo đuổi vô số ảo tưởng, mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì nếu không có chúng, nhưng kỳ thực chỉ làm chúng ta trống rỗng. Bí tích Thánh Thể dập tắt nơi chúng ta lòng khát khao vật chất và khơi lên trong chúng ta ước muốn phục vụ; nâng chúng ta lên khỏi lối sống nhàn nhã lười biếng, và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ lo cho mình được no thỏa mà chúng ta còn phải là đôi tay của Chúa để tha nhân cũng được no thỏa. Sự cảm thông thực sự, và những mối giây đích thực của tình liên đới là cần thiết. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến gần chúng ta, cho nên chúng ta cũng đừng xa cách những người chung quanh chúng ta! Đón nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi để trở thành tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng sự sống yêu thương của Thiên Chúa giữa một thế giới đang rất đói, rất khát tình thương, một thế giới có nhiều người đang bị chà đạp, bị bỏ rơi trong cô đơn khủng khiếp. Chúng ta sẽ là hiện thân của Đức Kitô, hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa, khi chúng ta biết sống thứ tha và nhân ái, là một tấm bánh luôn được bẻ ra để chia sẻ sự sống yêu thương, nối kết nhau thành một cộng đoàn huynh đệ, một gia đình của Thiên Chúa, và một tấm bánh nuôi dưỡng những con người mới cho một thế giới mới, một thế giới tràn đầy yêu thương, có khả năng vươn tới vĩnh cửu. Nhưng để trở thành tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng thế giới trong sự thật, niềm vui, hy vọng và yêu thương, chúng ta phải được mặc lấy chính Chúa Giêsu, mặc lấy tấm lòng và cuộc đời của Người. Bao hạt lúa phải chịu nghiền nát để trở nên tấm bánh thơm tho, chúng ta cũng phải chịu nghiền nát như Thầy Giêsu trong hy sinh, tự hủy, tự hiến, trong ân cần phục vụ. Để trở thành tấm bánh Giêsu thơm ngon, dễ ăn và bồi dưỡng cho anh chị em, đòi chúng ta dám chấp nhận sự nghiền nát bằng cuộc đời khiêm tốn phục vụ hết lòng.
Hãy để cho dòng nước từ cạnh sườn Chúa (Bí tích) trộn vào nắm bột cuộc đời ta để làm thành tấm bánh thần linh mang nhiều phẩm chất dinh dưỡng. Hãy nướng tấm bánh đời ta trên ngọn lửa Thánh Thần, lửa tình yêu, để nên tấm bánh Giêsu thơm ngon, bổ dưỡng, dễ ăn, được bẻ trao nuôi dưỡng cộng đoàn và mọi người.
    Đứng trước một thế giới đang đói, đang khát sự thật, tình thương, hy vọng và sự sống, mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta được nghe tiếng Chúa ngỏ với lòng ta một cách tha thiết và thúc bách: “Các con hãy cho họ ăn” (Mt 14,6). Chúng ta có thể làm gì để đáp lại tiếng gọi của Người hôm nay?
Câu nói của Thánh Alberto Hurtado như một lời nhắn nhủ chúng ta: “Thật tốt khi không làm điều ác, nhưng thật tệ khi không làm điều tốt. Tình yêu thực sự cần phải hướng bạn tới điều tốt đẹp, sẵn sàng “làm bẩn tay mình” trong những việc làm của tình yêu”.
     Trong bữa Tiệc ly: Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng… rồi bẻ ra trao cho các ông (Mc 11,22). Đây là những động tác rất quan trọng mà cả bốn Tin Mừng đều ghi lại (Mt 26,26; Mc 14,22; Lc 22,19; 1Cr 11,24). Bản văn của Tin Mừng Gioan khi tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng ghi lại những cử chỉ thánh đó (x. Ga 6,11).
1. Người Cầm Lấy Bánh
Đức Giêsu cầm lấy bánh là Thánh Thể của Người, Người cũng cầm lấy mỗi cuộc đời chúng ta, những con người mà Người đã yêu thương cách đặc thù và cá vị. Người đã yêu thương âu yếm gọi ta vào đời. Người đã đưa ta vào huyền diệu của tình yêu trong ơn gọi của đời dâng hiến. Biết bao yêu thương, trìu mến, biết bao thăng trầm… và cho đến hôm nay bàn tay Chúa vẫn dẫn đưa.
2. Người Dâng Lời Chúc Tụng
Trong ngôn ngữ Hy Lạp cũng như Hipri, chúc tụng đồng nghĩa với tạ ơn, và trong ngôn ngữ phụng vụ, chúc tụng (benedictio) còn có nghĩa là làm phép, thánh hiến, chúc lành.
Tạ ơn muôn hồng ân Chúa đã dành cho ta, nhìn lại chặng đường đã qua bao ân tình Người đã trao ban… Tâm tình thiết thực của chúng ta vẫn là lời tạ ơn Chúa và luôn mãi ước nguyện sống một đời cảm tạ. Nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta xin Chúa thánh hiến đời chúng ta: đời tu của chúng ta được chính Chúa gợi hứng, Người đã gọi ta bằng những cách nhẹ nhàng, thân tình, kỳ diệu… muôn vẻ, muôn cách khác nhau. Ta đã đáp lại theo tiếng Chúa gọi và rồi qua những năm tháng đến mà xem và ở lại với Người (x. Ga 1,38-39) ta muốn được tận hiến cho Người.
3. Người Bẻ Ra
Chúng ta đã chấp nhận để Chúa cầm lấy, đọc lời chúc tụng, rồi được thuộc về Chúa hoàn toàn, thì phải chấp nhận để cộng đoàn và Chúa bẻ ra. Tất cả cuộc đời mình thuộc về Chúa: thời giờ, sức khỏe, khả năng… tùy Chúa và các linh hồn sử dụng. Sự dâng hiến này đòi một sự từ bỏ để nhân loại được sống và được sống dồi dào.
Từ nay, đời mình được tận hiến cho Thiên Chúa, sẽ được Chúa bẻ ra: quyền sở hữu, quyền tự do, sẽ được hy sinh vì nghĩa lớn. Ta sẽ từ bỏ những của mau qua để mua lấy những của vĩnh cửu. Ta sẽ theo gương Người nữ tỳ gương mẫu của làng Nazareth xưa để thưa với Chúa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi như Lời Người đã nói”, để được cưu mang Chúa Cứu Thế cách thiêng liêng trong đời ta.
4. Và Trao Cho Các Ông
Tại nhà Tiệc Ly, khi Phêrô, Gioan và các môn đệ dọn bàn ăn lễ Vượt Qua ngày thứ Năm Tuần Thánh, các ngài đã dâng lên Chúa bánh và rượu. Chúa nhận lấy, Người truyền phép để hóa bánh và rượu thành lễ vật hiến tế Chúa Cha. Chúa Cha nhận lấy, nhưng Ngài lại nhờ Chúa Con ban phát cho nhân loại.Chớ gì một khi cầm lấy Bánh, thánh hóa, bẻ ra và phân phát cho mọi người, Chúa cũng cầm lấy đời sống của chúng ta, làm phép, bẻ ra và phân phát cho những người cần sự giúp đỡ của chúng ta trên đường cứu độ.Chớ gì tất cả các sinh hoạt của chúng ta sẽ được ăn nhịp với cuộc tế lễ hằng ngày nơi Bàn Thánh, luôn luôn được lặp lại, luôn luôn được đổi mới, luôn luôn được thích ứng với nhu cầu Dân Chúa, chờ đợi ngày được loan báo MỘT TRỜI MỚI ĐẤT MỚI, sẽ không còn chết, không còn kêu ca, không còn khổ cực nữa, vì thế giới cũ đã qua đi (Kh 21,4).
Ngày 05.06.2021
Sr. Mad. M. Loan (sưu tầm)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

1

Lịch Phụng vụ

THÁNG 1.2025
18 Thứ Bảy   Thứ Bảy Tuần I Thường Niên
19 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT II TN C
20 Thứ Hai   Thánh Phabianô, ThánhXêbáttianô
21 Thứ Ba   Thánh Anê, Trinh nữ, tử đạo
22 Thứ Tư   Thánh Vixentê, Phó tế, Tử đạo
23 Thứ Năm   Thứ Năm Tuần II Thường Niên
24 Thứ Sáu   Thánh François de Sales
25 Thứ Bảy   THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
26 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT III TN C
27 Thứ Hai   Thánh Angela Merici, Trinh nữ
28 Thứ Ba   Thánh Tôma Aquinô
KẾT THÚC NĂM ÂM LỊCH GIÁP THÌN
29 Thứ Tư   TẾT NGUYÊN ĐÁN - ẤT TỊ
Ngày Mồng Một Tết: Cầu Bình An Cho Năm Mới
30 Thứ Năm   Ngày Mồng Hai Tết: Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ
31 Thứ Sáu   Ngày Mồng Ba Tết: Xin Chúa Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm
Thánh Gioan Bosco

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập11
  • Hôm nay4,630
  • Tháng hiện tại93,218
  • Tổng lượt truy cập7,503,495

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây